/viết một tay/ Cuối cùng thì Ký tự pháp (Typography) là gì?

Loạt bài “Ký tự pháp (Typography): Hành trình từ kỹ thuật in ấn trở thành một bộ môn khoa học và nghệ thuật” bao gồm 3 phần, ở phần đầu tiên này, chúng ta hãy cùng tác giả Lê Hương Mi quay về khởi nguồn lịch sử của Typography để hoạch định một khái niệm chính thức và xác đáng cho Typography trong tiếng Việt.


Lê Hương Mi (Hương Mi Lê) hiện là giảng viên môn Lịch sử Thiết kế Đồ họa và môn Typography tại Học viện Nghệ thuật & Thiết kế Monster Lab, là dịch giả, biên tập sách và nhà quản lý dự án nghệ thuật tự do. Bên cạnh đó, Mi cũng là một nhà thơ và một nghệ sĩ thị giác, hoạt động dưới cái tên mi-mimi.


 “Buchstaben sind Zeichen für Laute” / “Chữ cái là ký hiệu của âm thanh.”

– Karl Gerstner

“Typografie ist das Sichtbarmachen von Sprache” / “Typography là sự hình ảnh hóa ngôn ngữ.”

– Jan Tschichold

Karl Gerstener Jan Tschichold là hai nhà thiết kế và typographer người Đức. Đặc biệt, Jan Tschichold với The New Typography được nhiều người coi như cha đẻ của typography hiện đại, có ảnh hưởng sâu sắc tới trào lưu International Typographic Style (hay Swiss Design) là trào lưu đầu tiên hoạch định rõ ràng định nghĩa và vai trò của nhà thiết kế đồ họa.

So sánh các khái niệm, xem xét từ nguyên

Typography, ở khía cạnh từ nguyên, bao gồm hai từ Hy Lạp cổ là “typos”“graphein”.

“Typos” là một cú đánh, ấn xuống; là kết quả của một cú đánh (dấu vết, dấu ấn); là dấu và hình tượng nói chung.

“Grapheia/graphein” là viết, sự viết.

Do vậy, “typos” + “graphein” = sự viết xuống những dấu hiệu.

Trong tiếng Trung Quốc, khái niệm tương đương với typography là 版式 (bănshì) – dịch sang từ Hán Việt là “bản thức”, bản trong “bản in” và “thức” trong “cách thức”.

Từ những phân tích từ nguyên trên, ta có thể thấy “typography” hay “bản thức” chỉ việc viết xuống và sắp xếp các dấu hiệu thể hiện ngôn ngữ (ký tự), phương thức để thực hiện những việc ấy, dành cho bản in.

Xem xét tiếp một khái niệm khác có liên quan đến typography là calligraphy. Ở khía cạnh từ nguyên, calligraphy được cấu thành bởi hai từ Hy Lạp cổ là “kallos”“graphein”; “kallos” là “đẹp” kết hợp với “graphein” là “viết” tạo thành nghĩa của “calligraphy” là “viết đẹp”.

Khái niệm tương đương với calligraphy được công nhận trong tiếng Việt là “thư pháp”. Tuy nhiên, calligraphy xuất phát từ phương Tây và thư pháp xuất phát từ Trung Quốc nên thực tế, chúng không đồng nhất. Các quốc gia phương Tây sử dụng hệ thống chữ viết alphabetic là hệ thống tượng thanh, trong khi đó Trung Quốc sử dụng hệ thống logographic là hệ thống tượng hình tượng ý tức là mỗi ký tự thể hiện một từ trọn vẹn, khác với syllabary như hệ thống hiragana và katakana của tiếng Nhật nơi mỗi ký tự đại diện cho một âm tiết. Do là viết chữ tượng hình, ngay từ trong bản chất hành vi viết chữ tiếng Trung Quốc đã có tính họa hình, còn trong hành vi viết chữ tượng thanh thì không. Calligraphy nên được diễn đạt cụ thể hơn là thư pháp phương Tây.

Từ chiếc máy in ký tự rời đầu tiên cho đến khái niệm Typography

Trước khi kỹ thuật in ấn chữ phát triển, con người tạo ra văn bản (bao gồm sách) bằng cách viết hay khắc thủ công nội dung văn bản lên các bề mặt chất liệu (giấy, vải, da, gỗ, đá, tre…). Sản phẩm của quá trình này đương nhiên mang tính độc bản. Chi phí và thời gian để sản xuất một cuốn sách là cực kỳ lớn, sách rất hiếm và chỉ thuộc sở hữu của tầng lớp rất nhỏ nằm ở chóp của xã hội (hoàng gia, quý tộc, tăng lữ…).

Một cuốn Book of Hours (một loại kinh sách Ki-tô phổ biến thời Trung Cổ) được làm hoàn toàn thủ công, niên đại khoảng 1470

Kỹ thuật in ấn chữ phát triển đồng nghĩa với việc con người có khả năng sản xuất sách hàng loạt với thời gian và chi phí thấp hơn rất nhiều lần. Đồng thời, nó loại bỏ tính bắt buộc của các hành vi viết và khắc thủ công trong việc tạo ra văn bản.

Kỹ thuật in ấn chữ phát triển khi máy in sử dụng kỹ thuật in rời ký tự được phát minh (1450 – 1457) bởi Johannes Gutenberg. Ông là một nhà phát minh, thợ kim hoàn, một nhà in ấn và xuất bản người Đức. Chỉ trong 50 năm sau sáng chế của ông, hơn 30.000 đầu sách đã được xuất bản tại châu Âu. Một cuộc cách mạng về cách sử dụng chữ viết, một cuộc dân chủ hóa chữ viết thông qua dân chủ hóa sách và từ đó là dân chủ hóa ý tưởng và kiến thức đã xảy ra: bất cứ ai thuộc bất cứ tầng lớp nào cũng có khả năng tiếp cận và sở hữu sách cùng mọi thông tin chứa trong đấy.

Các ký tự rời (moveable type) được người Trung Quốc tạo ra vào khoảng năm 1040 và sau đó người Hàn Quốc sử dụng từ năm 1377. Ký tự rời này được hiểu đơn giản là các con dấu được tạo riêng cho mỗi ký tự và có thể dùng sắp xếp theo các thứ tự khác nhau để tạo ra các trang văn bản khác nhau. Tuy nhiên, đối với hệ thống chữ viết của Trung Quốc và Hàn Quốc, kỹ thuật này đã không tài nào phát triển cực thịnh do số lượng ký tự cần có quá lớn. Tổng số ký tự, đồng thời cũng chính là một ‘chữ’ hay một ‘từ’ trong tiếng Trung Quốc, có thể lên đến hơn 500,000, với khoảng trung bình 20,000 ký tự được đề cập trong một cuốn từ điển, và khoảng 8000 là số lượng ký tự trung bình một người Trung Quốc được giáo dục biết. Mặt khác, những ngôn ngữ của phương Tây sử dụng bộ chữ cái latin chỉ có vỏn vẹn 23 chữ cái chính.

Hệ thống máy in và khuôn ký tự rời của Gutenberg

Phát minh của Gutenberg bao gồm hai phần quan trọng: thứ nhất là hệ thống máy in ấn (press printing) và thứ hai là kỹ thuật để tạo ra các miếng ký tự dùng để in (type casting). Cống hiến quan trọng nhất và thực sự thuộc về Gutenberg là khuôn tạo ký tự của ông, được chế tạo bằng hợp kim kim loại rất bền.

Những hình vẽ đầu tiên của con người được biết đến xuất hiện trên những vách hang đá Lascaux từ 15,000 năm TCN. Hệ thống chữ viết đầu tiên được ghi nhận là ngữ tộc Hamito-Semit hoặc Sumerian từ 3000 năm TCN. Như vậy, lịch sử của chữ viết cũng đồng thời là việc tạo ra văn bản của loài người đã kéo dài ít nhất 5000 năm nay.

Văn bản dùng chữ viết Summerian, niên đại khoảng 2200 năm TCN

Khái niệm “typography” được tạo ra sau phát minh chấn động của Gutenberg, điều này là hiển nhiên. Typography nhằm đến các “type” là từ chỉ những miếng ký tự rời được tạo ra cho quá trình in ấn. Tuy nhiên, việc viết/khắc bằng tay lên thẳng bề mặt ghi văn bản, hay tạo ra một bản in gồm toàn bộ một trang sách, cũng như tạo ra các ký tự rời để sắp xếp thành các trang in khác nhau, cho đến đánh máy trên máy tính hay điện thoại thông minh… – đều là các kỹ thuật dùng để “viết” của con người. Khi kỹ thuật in ấn phát triển, việc viết tay trở thành lựa chọn. Trước phát minh của Gutenberg, người ta bắt buộc chép tay thành sách hàng trăm, ngàn trang. Cho đến tận 1980s khi máy tính và các phần mềm đồ họa phát triển, các nhà thiết kế vẫn vẽ tay khi thiết kế tất cả các font chữ rồi mới thi công thành ký tự rời để dùng in. Nếu coi typography là sự hình ảnh hóa ngôn ngữ, sử dụng các ký tự là biểu tượng của âm thanh tiếng nói con người, thì lịch sử của typography trùng với lịch sử của chữ viết, và typography bao gồm các môn như calligraphy, thư pháp, lettering…

Vậy Typography là gì?

Calligraphy thư pháp hiện đại là các bộ môn của nghệ thuật viết chữ đẹp bằng tay – với mối liên hệ đến nghệ thuật dùng bút (penmanship). Người thực hành bắt buộc phải có kiến thức và khả năng kiểm soát công cụ viết tay như bút mực hay bút lông với các loại mực.

Lettering, thể hiện ngay trong tên gọi của nó, chú trọng vào từng chữ cái. Nó có thể được dùng chỉ hành vi thiết kế từng chữ cái trong quá trình sáng tạo lớn hơn, ví dụ như chữ cái đầu tiên của một cuốn sách từ thời Trung Cổ được vẽ thật hoa mỹ với những chi tiết trang trí cầu kỳ, hay từng chữ cái của một font chữ. Nhiều nhà thực hành lettering hiện đại coi thực hành của họ là vẽ chữ, nơi họ chú tâm vào từng chữ cái và mỗi chữ cái có thể là một minh họa nhỏ, với hình dạng riêng biệt với các chữ cái khác, trong một tổng thể tác phẩm.

Sản phẩm của calligraphy, thư pháp, và lettering hiện đại có thể là một tác phẩm nghệ thuật hoặc trang trí độc lập, hoặc áp dụng vào các thiết kế thị đồ họa khác.

Typography là toàn bộ các phương thức để hình ảnh hóa ngôn ngữ. Bất cứ hành vi sử dụng chữ viết nào đều là một hành vi thực hành typography. Nhiệm vụ của typography là đảm bảo được sứ mệnh của ngôn ngữ dưới dạng chữ viết: truyền đạt được thông tin đúng như nhu cầu của người viết và dễ đọc cũng như hấp dẫn với người đọc. Typography rất rộng và ngay cả những nhà thực hành typography chuyên nghiệp cũng có thể tập trung vào một đến một vài khía cạnh của typography chứ không nhất thiết là mọi địa hạt. Họ có thể dùng công cụ thủ công hoặc máy móc, kỹ thuật số. Họ có thể thực hành calligraphy, thư pháp, lettering, sáng tạo font chữ (typography vi mô/micro typography), hoặc chỉ tận dụng các font chữ có sẵn trong bối cảnh rộng hơn (typography vĩ mô/macro typography). Chữ cái và font chữ đều là các công cụ của người thực hành typography.

Để kết thúc bài viết, tác giả muốn đề xuất khái niệm “Ký tự pháp” như khái niệm tương đương với typography trong tiếng Việt. “Ký tự” trong tiếng Việt có thể được hiểu là bất cứ biểu tượng/dấu hiệu nào của ngôn ngữ, và “pháp” là phương pháp – đồng thời tương ứng với “pháp” trong thư pháp.

Bài viết: Lê Hương Mi


Về tác giả

Hương Mi Lê (1991) là giảng viên tại Học viện Nghệ thuật & Thiết kế Monster Lab, quản lý giáo dục tại Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery, quản lý quan hệ công chúng của Á Space, và chủ mục Lịch sử thiết kế đồ hoạ của iDesign.

Cô cũng là dịch giả và biên tập sách, tổ chức và điều phối các lớp học và thảo luận về nghệ thuật và thiết kế.

Cô đã và đang làm việc với các đơn vị như Thái Hà Books, viện Nghiên cứu Hán-Nôm, VCCA, Sunday Art Club, Pencil Philosophy…

Cô từng theo học Thiết kế Truyền thông tại Học viện Nghệ thuật Thị giác Frankfurt, Đức và Nhân học tại Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Hà Nội, Việt Nam.

Bên cạnh đó, cô là một nhà thơ và một nghệ sĩ thị giác hoạt động dưới cái tên mi-mimi.


/viết một tay/ là chuyên mục cùng chấp bút dành cho bạn đọc của iD, nhằm trở thành nơi để bạn có thể chia sẻ kiến thức với cộng đồng. Gửi bài viết về [email protected] hoặc tham gia nhóm Tổ sáng kiến tự quản.

Cùng tác giả

#Tag

idesign Ký tự pháp Lê Hương Mi typography viết một tay

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
Khi nói về trường phái New York và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20, chúng ta không thể không nhắc tới chương trình giáo dục thiết kế…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…