/viết một tay/ Về cách thể hiện của Dã Thú (Fauvism)
Bài viết bởi tác giả Thủy Mẫn, được đăng tải trên nhóm Tổ sáng kiến tự quản.
Thủy Mẫn hiện đang là sinh viên theo học chuyên ngành thiết kế đồ họa tại Monster Lab, với đam mê viết và nghiên cứu về nghệ thuật thị giác.
Vào thế kỷ thứ 19, bởi những ảnh hưởng của sự bùng nổ về công nghiệp, kỹ thuật và các phát kiến khoa học đã tạo ra sự thay đổi lớn về kinh tế, chính trị, xã hội. Đi theo sự thay đổi chung của thế giới, nghệ thuật bước vào một thời kỳ vô cùng năng động, bắt đầu bằng việc từ bỏ lối vẽ hàn lâm, các họa sĩ tìm đến vẻ mơ màng trong ảo ảnh của ánh sáng.
Tìm đến những triết lý sâu xa về thị giác, về tâm hồn và định nghĩa cho thế giới về những lý tưởng nghệ thuật mới. Đó là Modern Art, là thời kỳ mà nghệ thuật vượt qua đỉnh cao của lối tả thực và chập chững bước vào thế giới mênh mông của tâm hồn và bản năng nghệ sĩ.
Dã Thú (Fauvism) là một phong trào như thế, được đánh giá là một trong những trường phái quan trọng nhất của Modern Art và dù chỉ kéo dài trong vài năm ngắn ngủi nhưng những gì nó tạo ra và ảnh hưởng đã thay đổi nghệ thuật và thiết kế mãi mãi.
Được ra đời vào những năm 1900 với sự tiên phong của Henri Matisse và Andre Derain, Dã Thú là phong trào tôn vinh cái nghệ thuật bên trong, coi nghệ thuật nên là thứ thể hiện tâm tư tình cảm của nghệ sĩ chứ không đơn thuần là sao chép thế giới bên ngoài. Tư tưởng này vốn được kế thừa từ Ấn Tượng và Hậu Ấn Tượng, thế nhưng tới khi Dã Thú xuất hiện thì nó đi cùng một sự táo bạo chưa từng có, sự táo bạo thể hiện ngay trong chính cách thể hiện của nó, đó là màu sắc và sự giản lược hình ảnh.
Với Ấn Tượng ta sẽ cảm nhận được hiệu ứng ánh sáng từ kỹ thuật hòa trộn quang học, với Hậu Ấn Tượng ta sẽ thấy sự rõ ràng về màu chủ đạo và hòa sắc, nhưng ở Dã Thú ta sẽ không thấy những điều ấy. Dã Thú từ chối tả chi tiết ánh sáng lẫn vật thể, không có màu chủ đạo hay hòa sắc. Ngoài ra, những màu sắc ấy cũng không tuân theo thế giới thực, một cái cây của Dã Thú có thể là màu đỏ cam và xanh tím như trong The Turning Road, nhưng cũng có thể là màu trắng như trong Harmony in Red.
Về phần hình và không gian, Dã Thú không có phối cảnh và sắc độ cũng thường dấp dính. Như trong bức Mountains at Collioure, nếu ta chuyển nó về đen trắng sẽ thấy phần núi màu cam có cùng sắc độ với phần lá cây (xanh lá) và cùng cả sắc độ của nền trời. Hay như La Partie de Campagne của Maurice de Vlaminck thì sắc độ của người gần như hòa vào với nền và phần nền cũng hoàn toàn không có trước sau. Vậy nên, tất cả những gì ta có thể thấy trong tranh của Dã Thú đó là những mảng màu với độ bão hòa lớn sắp xếp trên một toan tranh.
Thế thì vì sao một trường phái hội họa không có không gian, hình méo mó, sắc độ dấp dính lại là một trong những trường phái quan trọng bậc nhất Modern Art?
Về cơ bản, tranh Dã Thú là những mảng màu với độ bão hòa cao được sắp xếp ghép nối với nhau, ở đây không thực sự có chính phụ mà nó là một sự tổng hòa của tất cả các mảng miếng, màu sắc cùng nhau mô tả một thông điệp của họa sĩ. Như Matisse có giải thích:
Để thấy rõ hơn điều này chúng ta hãy phân tích bức The Roofs of Collioure, trong tranh Matisse mô tả một ngày nóng bức bằng cách sử dụng màu nguyên bản vẽ thẳng lên toan bên cạnh là những màu được pha thêm trắng với sắc độ sáng hơn, tạo ra các khoảng trống để lộ màu trắng của vải canvas. Phương pháp này nhằm mô tả sự chói chang của ánh nắng khi ta đứng dưới ánh nắng buổi trưa. Kèm theo đó là sự tương phản về nóng lạnh giữa xanh và cam đỏ càng làm tăng cảm giác oi bức. Về sắc độ, sắc độ của các mảng khá ngang nhau, cả mảng trời, mảng núi và mảng nhà đều cùng một sắc độ. Bởi việc không phân cấp về sắc độ hay độ rực nên khi ta nhìn vào bức tranh ta sẽ nhìn tổng thể cả bức tranh thay vì tập trung vào một mảng/hình nào đó.
Và khi mà các mảng màu trên cả bức tranh đều là những màu có độ bão hòa cao như vậy, việc đạt màu như thế nào đều phải được tính toán, tính toán làm sao mà tất cả các màu sắc được bật lên rực rỡ nhưng vẫn có sự hài hòa. Việc này không chỉ đòi hỏi sự hiểu biết về màu mà còn là việc đặt màu nào cạnh màu nào, đồng thời biết cách điều chỉnh sắc độ và tỷ lệ mảng màu sao cho hợp lý. Bởi vậy, dù Dã Thú không có những kỹ thuật cao về chi tiết hay tả sáng nhưng ta vẫn thấy được tài năng của các nghệ sĩ qua việc họ sử dụng màu sắc trên tranh.
Ngoài ra, Dã Thú đem lại hiệu ứng thị giác vô cùng mạnh mẽ, việc sử dụng màu với độ bão hòa tuyệt đối khiến cho tranh Dã Thú luôn có một sự căng thẳng thị giác (tension) nhất định. Kèm theo đó là sự tương phản rõ rệt giữa màu nóng và màu lạnh càng khiến hiệu ứng này thêm mạnh mẽ. Một số ví dụ điển hình như Boats at Collioure với cặp tương phản xanh gốc và vàng thư, hay như Harmony in Red là hai màu đối nhau trên vòng tròn màu, đỏ và xanh lá. Với màu sắc như vậy nếu ta đạt tranh Dã Thú với những người anh em khác cùng thời kỳ La Belle Époque ta sẽ thấy Dã Thú là kẻ ngông nghênh nhất, nổi bật nhất trong tất thảy, bởi hiệu ứng thị giác của nó quá mạnh mẽ.
Với sự ấn tượng trong cách thể hiện đó, Dã Thú là một sự mở rộng về tư tưởng và giới hạn sáng tác cho nghệ sĩ, là tiền đề cho những trường phái hội họa sau này như Lập Thể hay Trừu Tượng. Việc phá vỡ sự ràng buộc của màu sắc với thế giới thực cũng là sự giải phóng màu sắc, cho màu sắc được chạm tới những giới hạn chưa từng có. Và sự ảnh hưởng ấy không chỉ nằm trong hội họa mà còn vươn rộng tới thời trang, kiến trúc, nhiếp ảnh và cả thiết kế đồ họa. Nó phổ biến tới mức bản thân ta ngày nay, khi nhìn vào những thiết kế sặc sỡ, chói mắt ta ngỡ nó như là một sự hiển nhiên của thiết kế.
Suy cho cùng, hội họa và thiết kế đồ họa vẫn có chung một cái gốc, cái gốc về thị giác (visual). Dù mục đích của tác phẩm hay sản phẩm khi được sinh ra khác nhau nhưng về ngôn ngữ hay cách truyền đạt vẫn là màu sắc, mảng miếng và tương quan. Vậy thì ta có nên đặt câu hỏi rằng trên một mặt phẳng hay một không gian giới hạn của thiết kế, yếu tố về màu sắc quan trọng tới đâu? Và yếu tố hình, yếu tố không gian quan trọng tới đâu?
Bài viết: Thủy Mẫn