Otto Dix (Phần 2)

Trong phần thứ hai của loạt bài về Otto Dix, chúng ta tìm hiểu về những năm cuối đời và cái chết, di sản, cũng như những tác phẩm tiêu biểu của ông. Qua đó, chúng ta hiểu thêm về một người nghệ sĩ vẫn được nhắc tới với lòng tôn kính bởi các nghệ sĩ hàng đầu ngày nay. Đúng như ông tuyên bố – ông nổi tiếng, và tai tiếng, với những tác phẩm chân dung phi thường và những bình luận xã hội gay gắt thâm sâu thể hiện bằng lối vẽ siêu thực và kỳ quái cực kỳ độc đáo của mình.

  • Nghệ thuật là phép trừ tà. Tôi vẽ lên những giấc mơ và thiên kiến; những giấc mơ và thiên kiến của thời đại mình. Hội họa là nỗ lực để tạo nên trật tự, trật tự trong chính ta. Có rất nhiều hỗn loạn trong tôi và trong thời đại của chúng ta.” 
  • Những người nghệ sĩ không nên thử cải tiến hay thay đổi. Họ quá tầm thường để làm điều đó. Họ chỉ nên đứng ra làm chứng cho những gì đã diễn ra.” 
  • Khi vẽ chân dung một ai đó, ta không nên biết gì về đối tượng được vẽ nếu có thể. Không một chút hiểu biết nào. Tôi không muốn biết gì về họ. Điều duy nhất tôi muốn thấy là những gì ở đó, cái bên ngoài. Nội tâm sẽ tự dẫn lối theo. Nó được phản chiếu trong cái hữu hình.” 
  • Hãy tin vào đôi mắt của bạn.” 
  • Tôi đã phải trải qua tất cả những đáy sâu vô tận khủng khiếp của cuộc đời cho chính mình; đó là lý do tôi tham gia chiến tranh, là lý do mà tôi tự nguyện làm việc đó.
  • Tôi không hề ám ảnh với việc tái hiện cái xấu xí đến mức đấy. Tất cả những gì tôi từng thấy đều đẹp.
  • Tôi sẽ nổi tiếng hoặc tai tiếng.”
  • Mọi người đều nghĩ rằng họ biết rằng nghệ thuật nên như thế nào. Nhưng rất ít trong số họ cảm thấy được sự thôi thúc để trải nghiệm hội hoạ, đó là cảm nhận của cái nhìn, thứ thấy màu sắc và hình thức như những thực tại sống động trong hình ảnh.

Những năm cuối đời và cái chết

Phần lớn tác phẩm sau này của Dix tập trung vào nỗi đau hậu chiến, phúng dụ tôn giáo và những cảnh xuất hiện trong Kinh thánh. Trong suốt những năm 1950 và 1960, ông đã đi rất nhiều nơi và liên tục trưng bày các tác phẩm của mình. Ông được bổ nhiệm làm thành viên của nhiều Học viện Nghệ thuật ở Florence, Berlin và Dresden.

Ông cũng tiếp tục sáng tạo các tác phẩm in ấn và tham gia một bộ phim tài liệu ngắn vào năm 1965. Năm 1967, sau khi đi du lịch đến Hy Lạp, ông đã bị liệt tay trái sau một cơn đột quỵ. Otto Dix qua đời vào năm 1969.

Di sản của Otto Dix

Dix được nhớ đến nhiều nhất với những bức chân dung mà ông đã thực hiện trong giai đoạn thống trị của Cộng hòa Weimar, những bức tranh đã góp phần tạo nên hình ảnh phổ biến một cách lâu dài về thời kỳ suy đồi tai tiếng trong lịch sử nước Đức. Tác phẩm của ông cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các họa sĩ vẽ chân dung trong suốt thế kỷ 20. Mặc dù sự trỗi dậy của nghệ thuật trừu tượng trong những năm 1940 và 1950 đã tiếp tục bào mòn tầm quan trọng của nghệ thuật chân dung tượng hình, truyền thống vẽ chân dung vẫn tiếp tục ở khắp phương Tây và nhiều nghệ sĩ hàng đầu vẫn tiếp tục nói về Otto Dix với lòng tôn kính.

Các tác phẩm tiêu biểu

1920: Những người chơi bài xcat (Những kẻ tàn tật do chiến tranh đang chơi bài)

Sơn dầu trên toan và cắt dán – Phòng Trưng Bày Nghệ Thuật Quốc Gia, Bảo tàng Quốc gia, Berlin, Đức

Thể hiện sự ảnh hưởng của phong trào Dada và Lập thể lên phong cách của tác phẩm, Dix đưa ra một tuyên bố xã hội rõ ràng bằng cách sử dụng kỹ thuật táo bạo của mình. Những người chơi bài xcat (Scat Players) là những cựu chiến binh bị biến dạng khủng khiếp và tàn tật vì phục vụ cho chiến tranh, nhưng họ vẫn có thể chơi bài. Xcat là một trò chơi bài mài Krupps, nhà sản xuất vũ khí của Đức, ưa thích. Dix sắp xếp lặp lại hình ảnh các quân bài, chân ghế, và tứ chi nghiêng ngả của những người đàn ông để xây dựng một bố cục hỗn loạn về mặt hình thức cũng như nội dung.

1921: Chân dung Luật sư Dr. Fritz Glaser

Sơn dầu trên toan  – Trung tâm Pompidou, Pháp

Bức chân dung luật sư Dr. Fritz Glaser là một tác phẩm điển hình trong các bức chân dung của Dix từ đầu những năm 1920, trong đó ông miêu tả những người bạn của mình đến từ các tầng lớp chuyên nghiệp – bác sĩ, luật sư và những người nổi tiếng khác cũng quan tâm đến nghệ thuật. 

Dr. Glaser đã tổng hợp lại một bộ sưu tập nghệ thuật phong phú trong đó có bao gồm các tác phẩm của các nghệ sĩ quan trọng đương thời tại Đức như như Wassily Kandinsky, Paul Klee và Emil Nolde. Trong bức tranh, Dix đặt nhân vật trước mặt tiền phủ đầy tuyết của một tòa nhà được trang trí công phu một cách điển hình tại Dresden, trông như đã bị tàn phá trong chiến tranh. Nét đặc thù trong tranh biếm họa của ông là nhấn mạnh những đặc điểm nổi bật trên khuôn mặt, trong trường hợp này là chiếc mũi khoằm Do Thái của Glaser. Bức tranh cũng là đại diện cho những mâu thuẫn trong cuộc sống và công việc của Dix – mâu thuẫn giữa mối quan hệ tốt đẹp mà ông có với nhiều tư sản ở Dresden và sắc độ phê phán, lạnh lẽo về họ trong cách các tác phẩm của ông phản ánh về họ.

1926: Chân dung nhà báo Sylvia von Harden

Sơn dầu trên toan – Trung tâm Pompidou, Pháp

Như là một nhân vật của thời kỳ và trong tư cách của một phụ nữ, Sylvia von Harden trong hình ảnh này đã trở thành biểu tượng của thời đại. Bức chân dung này có lẽ là tác phẩm quen thuộc nhất của Otto Dix. Nó thậm chí còn được nhắc đến trong bộ phim Cabaret năm 1972, lấy bối cảnh ở Berlin thời Weimar. 

Người ta nói rằng Dix đã vẽ bức chân dung này sau khi nhìn thấy von Harden trên đường phố và ông đã thốt lên: “Tôi phải vẽ em, nhất định phải làm điều đó! Em đại diện cho cả một thời đại.” Bà buồn cười mà nói rằng: “Vậy là anh muốn vẽ đôi mắt lờ đờ, đôi tai quái lạ, cái mũi dài, bờ môi mỏng của tôi. Anh muốn vẽ đôi chân ngắn, đôi bàn chân to của tôi – những thứ chỉ có thể khiến mọi người kinh hãi và không một ai thích thú?“. 

Dix tuyên bố bà là một đại diện hoàn hảo cho một xã hội ít quan tâm đến hình thức bên ngoài của một người phụ nữ hơn là trạng thái tâm lý của cô ấy.

1929 – 1932: Cuộc chiến tranh

Sơn dầu và màu keo trên ván gỗ – Phòng trưng bày nghệ thuật Quốc gia, Dresden, Đức

Dix bị ảnh hưởng nặng nề bởi những trải nghiệm trong chiến tranh của mình và thường xuyên quay lại với chúng để tìm cảm hứng. Tác phẩm Cuộc chiến tranh (The War) minh họa hình ảnh những người đàn ông ra trận, hậu quả của cuộc chiến, và những binh lính ấy trở về từ chiến trường. Dix đã nghiên cứu các Bậc thầy cổ điển về cả đối tượng chủ đề cũng như phương pháp hội họa của họ. 

Tam liên hoạ này ngay lập tức gợi nhớ đến những bức tranh lịch sử bi tráng và tranh thờ Insenheim (1506 – 1515) của họa sĩ Phục hưng Đức Matthias Gruenwald. Tác phẩm Thi hài của đấng Ki-tô (Dead Christ) (1480) của Andrea Mantegna được gợi lên qua hình ảnh những người lính đã tử trận ở mảnh dưới của bộ tranh. Johann Wolfgang von Goethe, Friedrich Nietzsche và Kinh thánh cũng ảnh hưởng đến Dix, do đó, sự liên tưởng về sự hy sinh và ngày tận thế với hình ảnh chiến tranh thường được xuất hiện trong các tác phẩm của ông.

1933: Thất đại tội

Sơn dầu và màu keo trên ván gỗ – Phòng Trưng bày Quốc gia, Stuttgart, Đức

Để đáp trả việc Đức quốc xã sa thải Dix khỏi công việc giảng dạy tại Học viện Berlin, Dix đã tạo ra tác phẩm châm biếm siêu thực này về chính trị Đức. Hình tượng của Lười biếng (Sloth) xuất hiện ở trung tâm, dưới hình dạng của một bộ xương có cánh tay dang rộng và lưỡi hái tạo thành hình chữ vạn – biểu tượng của Đức Quốc xã. Dix cảm thấy rằng sự chậm chạp, thờ ơ và ỷ lại của người dân Đức là lí do khiến Hitler thành công lên nắm quyền. Khía cạnh sâu sắc nhất của bức tranh này là đại diện của Đố kỵ (Envy), cưỡi trên lưng của Tham lam (Avarice): mang chiếc mặt nạ Hitler. Tuy nhiên, phải đến sau chiến tranh, Dix mới vẽ thêm chi tiết bộ ria mép.

1942: Chân dung tự họa với khay màu trước bức màn đỏ

Đa chất liệu trên gỗ – Bộ sưu tập cá nhân

Dix đã tự họa nhiều bức chân dung của mình trong suốt cuộc đời ông. Sự trưởng thành của ông với tư cách là một nghệ sĩ và một người đàn ông có thể được ghi lại qua những nghiên cứu đồ sộ và phản ánh về hình ảnh của chính mình. Trong bức chân dung này, ông hoàn toàn đối diện với người xem, trong khi ở các bức khác, chân dung của ông được vẽ theo góc nghiêng. Ông đang vẽ tranh, và có lẽ là đang vẽ chính bức chân dung này. Từ phía xa sau cửa sổ, có thể thấy khung cảnh tăm tối và báo hiệu về những điềm dữ của dãy núi Alps.

Nguyên bản tiếng Anh do Ashley Remer tổng hợp và viết, Những Cộng sự của The Art Story hiệu đính. Bản tiếng Việt do Thuý An dịch, Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Otto Dix Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…