Naum Gabo (Phần 3)

Như mọi nhà sáng tạo vĩ đại, Naum Gabo không ngừng thoát ly khỏi các phong cách thiết kế của chính mình để khám phá những phong cách mới. Học hỏi từ anh trai của mình là Antoine Pevsner và những người bạn thân thiết như Barbara Hepworth và Henry Moore, ông đã cho ra đời trong suốt cuộc đời mình những tác phẩm với các chất liệu và phương pháp đa dạng, và nguyên bản. Tuy nhiên, ông luôn giữ nguyên mối quan tâm nhất quán và độc đáo xuất hiện từ thuở ban đầu là động năng và việc thể hiện sự độc lập của thể tích so với khối lượng hay nói cách khác là vận dụng khoảng không như một yếu tố của kiến tạo. Nhìn gần, ông ắt hẳn là cha đẻ của trào lưu Nghệ thuật động học ra đời mấy chục năm sau tác phẩm động học đầu tiên của ông. Nhìn rộng ra, các tác phẩm thuộc các thời kỳ khác nhau của ông ảnh hưởng tới toàn bộ điêu khắc cũng như các hình thức tạo hình khác của chủ nghĩa Hiện đại. Chúng ta tìm hiểu những tác phẩm còn lại trong các tác phẩm nổi bật của ông trong phần cuối chuỗi bài viết về Naum Gabo.

  • Điêu khắc nhân cách hoá và truyền cảm hứng cho những ý tưởng của mọi thời đại vĩ đại. Chúng biểu lộ nhịp điệu tinh thần và điều hướng nó.
  • Tôi đã lựa chọn sự tuyệt đối và chính xác của những đường nét, hình dạng, và hình khối, trong niềm tin rằng chúng là phương tiện tức thì nhất cho sự đối thoại của tôi viết những người khác về những nhịp điệu và trạng thái tâm trí mà tôi mong muốn thế giới nằm trong. Đó không chỉ là trong thế giới vật chất bao quanh chúng ta, mà trong cả thế giới tâm trí và tinh thần mà chúng ta mang theo trong mình.

1941: Chủ đề Xoắn ốc 

Chủ đề Xoắn ốc (Spiral Theme) là một trong bốn mô hình được tạo ra với dự định trở thành hai tác phẩm điêu khắc lớn hơn. Nó là một kiến tạo trong suốt, dạng cong với một bộ phận thẳng đứng ở trung tâm, gợi nhớ đến những vỏ sò mà Gabo tìm thấy trên các bãi biển quanh St. Ives, nhà của ông từ năm 1939 đến năm 1946. Được nhiều nhà phê bình đánh giá là một trong những tác phẩm tốt nhất của Gabo, tác phẩm này có phẩm chất then chốt là nhịp điệu hài hòa và hữu cơ được tạo ra bởi sự tác động lẫn nhau của các đường cong cùng các họa tiết phức tạp của ánh sáng phản chiếu thay đổi và cấu hình lại khi người xem di chuyển xung quanh tác phẩm điêu khắc.

Chủ đề Xoắn ốc được tạo ra vào thời điểm Gabo quan ngại sâu sắc về mối đe dọa từ cuộc xâm lược Vương quốc Anh của Đức, cũng như số phận của gia đình ông ở Nga, nơi đã bị Đức xâm lược vào tháng 6 năm 1941. Bờ biển Cornwall đã mang lại một nguồn an ủi cảm xúc cho ông; kể từ khi chuyển đến St. Ives, gia đình Gabo đã thu thập các vỏ sò từ các bãi biển gần đó. Sau đó, vào mùa hè năm 1941, nhà bảo trợ nghệ thuật Margaret Gardiner đã đề nghị trả 25 bảng Anh để Gabo chế tác một tác phẩm cho bạn đời của cô, nhà khoa học John Bernal. Lấy cảm hứng từ môi trường thiên nhiên xung quanh – một cách tiếp cận sáng tạo tương đối mới mẻ đối với Gabo – và từ một loạt các bức ảnh chụp các họa tiết ánh sáng phản chiếu từ bề mặt sáng bóng mà ông đã thực hiện vào mùa hè năm đó, Gabo đã tạo ra mô hình ma-két đầu tiên cho Chủ đề Xoắn ốc

Một phiên bản lớn hơn đã được chế tác cho buổi triển lãm Phong trào mới trong nghệ thuật: Tác phẩm đương đại ở Anh (New Movements in Art: Contemporary Work in England), được tổ chức tại Bảo tàng London vào mùa xuân năm 1942. Các phiên bản lớn hơn của Chủ đề Xoắn ốc ra đời sau phát hiện của Gabo vào năm 1935 về một vật liệu thành phần mới là nhựa acrylic Perspex có thể tăng độ dẻo khi được nung nóng và trong suốt hơn so với chất celluloid mà ông đã sử dụng trong các công trình trước đó. Ở một đất nước thiếu tài nguyên, Gabo phải nhờ đến một người bạn làm việc cho Công ty Hóa chất Hoàng gia để cung cấp những nguyên liệu này.

Với bốn phiên bản của Chủ đề Xoắn ốc, Gabo đã khám phá ra một khía cạnh mới trong phạm vi sáng tạo của mình, các hình dạng hữu cơ, duyên dáng của Chủ đề Xoắn ốc đã thay thế các mặt phẳng hình học cùng tính chính xác cao độ của các tác phẩm như Cột, và có lẽ phản ánh tình bạn mới trong sáng tạo của ông với các nghệ sĩ như Barbara Hepworth. Về bản chất, những tác phẩm này phản ánh sự thay đổi trong cách nghĩ của Gabo về việc miêu tả không gian trống dưới dạng thể tích, điều mà giờ đây ông thấy cách tốt nhất để đạt được là bằng dạng hình cầu chứ không phải dạng có các góc nhọn. Chủ đề Xoắn ốc cũng giúp đảm bảo danh tiếng của Gabo ở Anh. Bạn của ông, nhà phê bình nghệ thuật Herbert Read, mô tả rằng tác phẩm thể hiện “đỉnh cao nhất mà trực giác thẩm mỹ của con người từng đạt tới“. 

Phản ứng của công chúng trong buổi trưng bày ở Bảo tàng London đối với tác phẩm cũng tích cực như vậy, có lẽ hình dạng hữu cơ tươi tốt của tác phẩm đã mang lại một niềm an ủi cho dân chúng lầm than trong chiến tranh như cách những vỏ sò trên vịnh Carbis an ủi người sáng tạo của chúng.

1936-44: Điêu khắc đá động học

Đá Portland. Bộ sưu tập Tate, Anh Quốc

Điêu khắc đá Động học (Kinetic Stone Carving) là một trong những tác phẩm dị thường và đẹp đẽ hơn cả của Gabo mà có lẽ đã không được tạo ra nếu không có sự khuyến khích sáng tạo từ tình bạn của ông với các nhà điêu khắc trừu tượng người Anh như Henry Moore và Barbara Hepworth vào cuối những năm 1930 và 1940.

Tác phẩm được chạm khắc từ một khối đá Portland, được nghệ sĩ bắt tay vào làm ở London vào năm 1936, ngay sau khi đến Anh sau bốn năm không hạnh phúc ở Paris. Được hoàn thiện tại St. Ives, đây là một trong số những tác phẩm bằng đá từ thời kỳ này đại diện cho những thử nghiệm đầu tiên của Gabo với kỹ thuật chạm khắc trực tiếp lâu đời. Lấy cảm hứng từ các cộng sự thời chiến Moore và Hepworth, Gabo muốn xem liệu ông có thể tạo ra cảm giác nhịp điệu động học mà tác phẩm của ông phụ thuộc vào, đồng thời tận dụng một cách tiếp cận thông thường hơn đối với tác phẩm điêu khắc hay không. 

Như đã dự đoán, tác phẩm tạo ra một sự tương phản rõ rệt giữa kết cấu thô ráp của tảng đá chưa được xử lý và hai mặt phẳng nhẵn giống như giá đỡ được chạm trổ vào, uốn khúc quanh tảng đá, liên kết với nhau khi nhìn từ trên xuống. Ảo ảnh về chuyển động được tạo ra khi các hình dạng mượt mà tựa sóng như thể vừa tiến vừa lùi.

Điêu khắc đá Động học đại diện cho một sự thay đổi lớn từ quá trình tập hợp các yếu tố riêng lẻ của chủ nghĩa Kiến tạo mà Gabo đã góp phần định hình trước đó trong thế kỷ. Thể hiện sự cởi mở của ông đối với các kỹ thuật và ảnh hưởng mới, Gabo đã khắc những nhịp điệu năng động vào bề mặt của đá – và ông dành trọn thời gian cho niềm đam mê với vật liệu này cho đến khi ông qua đời.

1942-43: Kiến tạo tuyến tính trong không gian số 1

Nhựa acrylic Perspex và nylon – Bộ sưu tập của Phòng trưng bày Tate, Anh Quốc

Kiến tạo tuyến tính trong không gian số 1 (Linear Construction in Space No.1), một tác phẩm khác được tạo ra trong thời gian ở St. Ives của Gabo, được hình thành từ sợi nylon kéo căng xung quanh khung nhựa Perspex tạo ra một mạng lưới phức tạp bọc quanh một khoảng trống ở trung tâm. Lớp nhựa trong suốt bắt sáng, tạo ra một kết cấu lung linh, thanh tao cùng ảo giác chuyển động khi người xem di chuyển quanh tác phẩm điêu khắc.

Một lần nữa, tác phẩm điêu khắc này thể hiện sự thoát ly về phong cách sáng tạo với tác phẩm trước đó của Gabo. Cách tận dụng không gian trong tác phẩm, trong trường hợp này là khoảng trống trung tâm được vây quanh bằng Perspex, trở thành một đặc trưng nổi bật mới. Tác phẩm này cũng đại diện cho lần đầu tiên Gabo sử dụng dây trong tác phẩm của mình, được lấy cảm hứng từ kỹ thuật tạo mô hình hình học và các tác phẩm điêu khắc của Barbara Hepworth và Henry Moore, nhưng Gabo đã áp dụng vật liệu tổng hợp này theo một cách mới mẻ. Đối với hai nghệ sĩ người Anh, dây là một phần bổ sung cho hình thái điêu khắc chủ đạo, được sắp đặt rải rác để thêm vào các đường nét và kết cấu riêng biệt tương phản với khối rắn. Đối với Gabo, các sợi dây cấu thành chính bề mặt của tác phẩm điêu khắc, thay thế phương pháp khắc các đường nét thẳng vào miếng Perspex trước đó. Bằng cách sử dụng sợi nylon, một vật liệu tổng hợp mới có độ đàn hồi, độ mịn và độ trong suốt giúp định hình sắc thái của tác phẩm điêu khắc, một lần nữa Gabo biểu lộ sự hứng thú của ông với việc sử dụng các vật liệu tổng hợp nhân tạo mới lạ.

Được tạo ra như nguyên mẫu cho một tác phẩm điêu khắc công cộng quy mô lớn, đặt ở địa điểm cụ thể là gần một nhà máy dệt của Liên Xô, Kiến tạo tuyến tính được thai nghén như một sự tri ân đối với các nghệ sĩ và công nhân vẫn đang nỗ lực xây dựng một xã hội theo mô hình xã hội chủ nghĩa. Theo nghĩa này, tác phẩm đại diện cho cam kết lâu dài của Gabo với những lý tưởng không tưởng của Liên Xô, ngay cả khi đã khá muộn cho những thử nghiệm xã hội chủ nghĩa của Nga. Đồng thời, tác phẩm điêu khắc nói lên mối quan tâm tâm linh – tinh thần vốn đã hiện diện trong thẩm mỹ của ông từ lâu như trong Tuyên ngôn Hiện thực (1920), mà giờ đây thêm rõ rệt với khoảng không gian được đóng khung ở giữa trung tâm gợi lên những ý niệm về cái vô hạn và vũ trụ.

1949: Kiến tạo tuyến tính trong không gian số 2

Nhựa và sợi nylon – Bộ sưu tập của Phòng trưng bày Tate, Anh Quốc

Với cấu trúc đảo ngược và như một tác phẩm đồng hành của Kiến tạo tuyến tính trong không gian số 1, ở đây sợi nylon được quấn chặt quanh hai mặt phẳng nhựa cong giao nhau, có hình dạng giống như vỏ hạt đậu, tạo ra một khối trung tâm phản chiếu, lung linh. Càng tiến gần đến lõi trung tâm, sợi dây được quấn với mật độ ngày càng tăng, tạo ra sự phân cấp chiều sâu mê hoặc. Cách bày trí các sợi dây và nhựa Perspex một cách năng động tạo ra các mẫu ánh sáng ba chiều biến đổi khi người xem di chuyển quanh tác phẩm.

Kiến tạo tuyến tính trong không gian số 2 là công trình quan trọng đầu tiên của Gabo sau khi ông chuyển đến Mỹ vào năm 1946. Có 20 phiên bản riêng biệt của tác phẩm điêu khắc này, được xâu chuỗi lại với nhau theo các cấu hình phức tạp và tinh tế, với sợi nylon bắt sáng để nhấn mạnh cái mà Gabo gọi là “cảm quan của phi vật chất”. Như trong Kiến tạo tuyến tính trước đó, khoảng không gian trong tác phẩm này được bao hàm mà không bị lấp đầy, một phương pháp mới mẻ và thanh lịch để nhấn mạnh việc thể tích độc lập với khối lượng. 

Nhưng công trình thứ hai này cũng phản ánh tham vọng mới của Gabo với sáng tác của mình sau khi chuyển đến trung tâm quyền lực kinh tế và văn hóa toàn cầu sau Thế chiến thứ hai, nơi luôn có sẵn những người bảo trợ giàu sẵn sàng đưa ra những đơn đặt hàng béo bở. Các phiên bản khác nhau của Kiến tạo tuyến tính trong không gian số 2 được phát triển cho kế hoạch không được thực hiện của Gabo cho hai tác phẩm điêu khắc công cộng đặt bên ngoài Tòa nhà Esso mới tại Trung tâm Rockefeller ở New York. Những bản thiết kế cho dự án đó, và phiên bản đầu tiên đều có từ năm 1949; phiên bản trong Bộ sưu tập của Phòng trưng bày Tate được ông đặc biệt chế tạo và tặng vào năm 1969, để tưởng nhớ người bạn Herbert Read (phiên bản được xây dựng lại vào năm 1971).

Kiến tạo tuyến tính trong không gian số 2 được biết đến là một trong những tác phẩm yêu thích của Gabo, và nó báo hiệu cho sự chuyển mình trong sáng tạo quan trọng cuối cùng trong sự nghiệp của Gabo, hướng ông tới những công trình công cộng lớn của những năm 1950-70.

1972-73: Đài phun nước xoắn xoay vòng

Thép không gỉ (Inox) – Bệnh viện St. Thomas, London

Là một tác phẩm nghệ thuật công cộng tao nhã xây dựng từ những tấm thép cong không gỉ, được thiết kế để lắp đặt trong một hồ nước, Đài phun nước xoắn xoay vòng (Revolving Torsion Foutain) đại diện cho đỉnh cao của các nguyên tắc nghệ thuật Động học được khám phá lần đầu hơn 50 năm trước đó bởi Gabo trong Điêu khắc Động học. Khối trừu tượng ở trung tâm hoàn tất một vòng quay mỗi 10 phút, với các tia nước có dạng uốn cong nổi lên với áp suất khác nhau từ 140 lỗ trên các cánh thép của đài phun nước.

Giống như rất nhiều công trình công cộng quy mô lớn sau này của Gabo, Đài phun nước xoắn xoay vòng là sự hiện thực hóa cuối cùng của một chủ đề được thể hiện trên nhiều quy mô và vật liệu từ trước, trong trường hợp này là các mô hình bằng nhựa và kim loại khác nhau được tạo ra từ cuối những năm 1920 trở đi: Mô hình Xoắn vòng (Model for Torsion) (khoảng năm 1928), Xoắn vòng: Đề án Đài phun nước (Torsion: Project for a Foutain) (1960-64), v.v. Bản thiết kế cho Đài phun nước xoắn xoay vòng được ấp ủ sau khi Norman Reid, giám đốc Phòng trưng bày Tate, ghé thăm xưởng điêu khắc của Gabo ở Hoa Kỳ. Gabo gửi một mô hình thu nhỏ đến London, nơi Reid tìm được nhà tài trợ để cấp vốn cho việc xây dựng tác phẩm hoàn thiện và tìm một địa điểm thích hợp. Cuối cùng tác phẩm điêu khắc được lắp đặt làm phần trung tâm đài phun nước cho Bệnh viện St. Thomas ở London vào năm 1975, và được khánh thành trong lễ khai trương chính thức của bệnh viện với sự tham gia của Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị vào năm 1976.

Mẫu thiết kế cho Đài phun nước xoắn xoay vòng thuộc về bộ sưu tập của Tate

Một lần nữa, trong tác phẩm cuối sự nghiệp này, Gabo đạt được những bước tiến mới trong công cuộc tìm kiếm không ngừng các phương pháp thể hiện thể tích độc lập với khối lượng. Việc đưa yếu tố chất lỏng vào phần thân của tác phẩm này có ý nghĩa rất lớn, các tia nước được dùng để tạo thành các bề mặt mang lại ảo giác về vật chất rắn, thay thế việc sử dụng hệ thống lưới dây như trong Kiến tạo tuyến tính. Bởi vì thế mà vật liệu thép sử dụng trong tác phẩm được Gabo lựa chọn dựa trên nét tương đồng với nước để đạt được kết quả là sự khác biệt giữa hai yếu tố lỏng và rắn được xóa mờ đi. Sự giao thoa tinh tế này được bổ trợ thêm bởi tương tác của các hình bóng trên bề mặt hồ nước bên dưới.

Dịch: Nhã Văn

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Naum Gabo Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…