Naum Gabo (Phần 2)

Naum Gabo với những thành tựu của mình đối với chủ nghĩa Kiến tạo Nga nói riêng và nghệ thuật nói chung, đặc biệt là điêu khắc, đã tạo ra những ảnh hưởng rất lớn cho nghệ thuật và thiết kế của thế kỷ 20. Trong hai phần cuối của chuỗi bài về ông, chúng ta cùng tìm hiểu các tác phẩm nổi bật của người nghệ sĩ thể hiện khả năng sáng tạo đa dạng với các hình thức, phần không gian trống, và các chất liệu.

  • Chúng tôi tuyên bố bãi ước, trong nghệ thuật điêu khắc, khối lượng như một yếu tố điêu khắc […] Chúng tôi từ bỏ ảo tưởng ngàn năm trong nghệ thuật mà đã giữ những nhịp điệu tĩnh như các yếu tố duy nhất của nghệ thuật tạo hình và hình ảnh.
  • Trên những quảng trường và các con phố, chúng ta đặt tác phẩm của mình… Nghệ thuật nên tham dự cùng chúng ta ở khắp mọi nơi mà cuộc đời chảy qua và hành động… trên băng ghế, trên bàn, tại nơi làm việc, lúc nghỉ ngơi, khi chơi đùa… để cho ngọn lửa cuộc sống vì thế không dụi tắt trong nhân loại.

Các tác phẩm nổi bật của Naum Gabo

1916: Cái đầu được xây dựng số 2 

Cái đầu được xây dựng số 2 (Constructed Head No. 2) (1916). Sắt mạ kẽm hoặc thép. Bản thuộc bộ sưu tập của Tate.

Cái đầu được xây dựng số 2 (Constructed Head No. 2) là một bức tượng bán thân tượng hình, một trong bốn tác phẩm tương tự nhau, đặc trưng cho đoạn đầu sự nghiệp của Gabo. Người nghệ sĩ đã chế tác bức tượng này vào thời kỳ tị nạn ở Na Uy trong Thế chiến thứ nhất. Được dựng lên từ các mặt phẳng của ván ép giao nhau, bức tượng nom giống hình tượng Đức mẹ gợi nhớ đến những bức tranh tượng thánh mà có thể Gabo đã thấy trong nội thất của các ngôi nhà Chính thống giáo Nga, theo truyền thống được đặt cao ở góc phòng, như thể đang quan sát những cư dân bên dưới. Diện mạo của bức tượng thay đổi và biến điệu liên tục tùy thuộc vào góc nhìn, ánh sáng và các yếu tố không gian khác.

Trong những chuyến viếng thăm Paris vào khoảng 1912-13, Gabo đã xem tranh của Picasso và Braque – lúc này vẫn trong thời kỳ được gọi là Lập thể phân tích – và ở Na Uy, ông bắt đầu áp dụng phương pháp bẻ gãy mặt phẳng tranh thành tác phẩm ba chiều – ví dụ như tác phẩm Người đàn bà với các quả lê (Woman with Pears) (1909) của Picasso. 

Người đàn bà với các quả lê (Woman with Pears) (1909) của Picasso. 

Dựa trên kiến thức kỹ thuật của mình, Gabo đã từ chối sử dụng các kỹ thuật điêu khắc truyền thống như chạm khắc và đúc, thay vào đó là các quy trình gần với xây dựng kiến trúc hơn để dựng lên các tác phẩm điêu khắc từ các bộ phận lồng vào nhau. Điều này có nghĩa là ông có thể kết hợp không gian trống vào tác phẩm điêu khắc của mình. Từ việc tạo ra cảm giác về khối lượng trong không gian trống, Gabo hưởng ứng các lý thuyết khoa học đương đại nhấn mạnh đến “sự phân tán giữa các vật rắn và không gian bao quanh“.

Cái đầu được xây dựng số 2 là một trong số những tác phẩm tượng hình thời đầu của Gabo mà ngày nay được xem là đã cách mạng hóa nghệ thuật điêu khắc. Sự tài tình của nghệ sĩ trong việc mở rộng các kỹ thuật hội họa Lập thể vào lĩnh vực điêu khắc đã mở đường cho nhiều tác phẩm điêu khắc trừu tượng trong những thập kỷ tiếp theo. Bằng cách làm việc với độ chính xác chuyên môn của một kỹ sư hay kiến trúc sư, cũng như làm rõ các khái niệm khoa học mới, Gabo đã dự đoán được phong cách thẩm mỹ theo chủ nghĩa công năng của phong trào Kiến tạo sơ khai – như thấy trong công trình của Alexander Rodchenko và những nghệ sĩ khác – cũng như thẩm mỹ của Nghệ thuật Cụ thể, Nghệ thuật Động học, và các phong trào hậu Kiến tạo khác từ giữa đến cuối thế kỷ 20. Cách sử dụng không gian trống như một yếu tố cơ bản của tác phẩm điêu khắc của ông được lặp lại trong các tác phẩm sau này của các nghệ sĩ người Anh như Barbara Hepworth và Henry Moore.

Một tác phẩm của Barbara Hepworth

1920: Kiến tạo động học (Sóng đứng)

Kiến tạo động học (Kinetic Construction) – Sóng đứng (Standing Wave) của Naum Gabo. Bản mô phỏng năm 1985, trong trạng thái tĩnh (trái) và động (phải). Kim loại, gỗ và động cơ điện. 

Đây là một công trình tương đối đơn giản theo tiêu chuẩn của Gabo, gồm một thanh thép trơn mảnh được gắn vào một đế gỗ. Nhưng khi được thiết lập chuyển động bởi một động cơ điện, dao động của thanh tạo ra hình ảnh một làn sóng xoắn đứng độc lập đầy phức tạp và tinh vi. Kiến tạo động học (Kinetic Construction) là tác phẩm điêu khắc có động cơ đầu tiên của Gabo, thể hiện sự tích hợp tiên phong của ông giữa các phương pháp kỹ thuật và các nguyên tắc khoa học vào nghệ thuật. Tác phẩm được trưng bày lần đầu tiên vào năm 1920 và nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt của giới phê bình.

Kiến tạo động học được tạo ra một phần để là minh chứng cho các khái niệm thẩm mỹ được công bố trong Tuyên ngôn Hiện thực của Gabo và Pevsner. Đặc biệt, tác phẩm dường như đưa ra ý tưởng rằng “nhịp điệu động học” nên được “khẳng định… là hình thái cơ bản của nhận thức về thời gian thực của chúng ta“, liên hệ với thuyết tương đối không-thời gian của Einstein và (có lẽ trực tiếp hơn) quan niệm thời gian là phi tuyến tính của Henri Bergson. “Sóng đứng“, hay sóng dừng, sóng tĩnh, là một thuật ngữ của bác sĩ, là một loại sóng dao động theo thời gian nhưng có biên độ đỉnh sóng không di chuyển trong không gian. Nó được sử dụng để mô tả chính xác loại mô hình chuyển động tĩnh, sinh ra từ đường truyền năng lượng qua các cấu trúc nhất định, mà tác phẩm điêu khắc tạo ra. Do vậy, kiến tạo này hoàn toàn nhằm để minh hoạ cho một nguyên tắc khoa học, và như một sự thể hiện chuyển động tinh vi và chính xác về mặt khoa học hơn so với những gì mà các bức tranh Vị lai có phần kích thích đưa ra được. 

Nhắc lại việc tạo ra tác phẩm điêu khắc ở một Moscow nghèo nàn, bị chiến tranh tàn phá, nơi hầu hết các nhà máy đóng cửa, Gabo cho biết ông đã đến thăm xưởng cơ khí của Bảo tàng bách khoa (Poytechnicum Museum), nơi ông trưng dụng phần nam châm điện bên trong chiếc chuông cửa cũ thành bộ phận cơ khi của tác phẩm. Các phiên bản sau của Kiến tạo động học đều tăng phần phức tạp, được kết hợp thêm nút chuyển đổi, và chế tạo từ các vật liệu công phu hơn. Gabo đã tạo ra một tác phẩm đứng ở tiền tuyến trong Nghệ thuật Động học, thể hiện một cách tiếp cận niềm đam mê với chuyển động theo lối mới lạ và tỉ mỉ về mặt trí tuệ – đặc trưng của nghệ thuật avant-garde trong thời kỳ này. Thực hành nghệ thuật của các nghệ sĩ như Alexander Calder, Jean Tinguely, Victor Vasarely và Bridget Riley đều đi theo các thử nghiệm tiên phong của Gabo.

Bridget Riley trước một tác phẩm của mình, theo trường phái Op Art về bản chất là một nhánh của nghệ thuật Động học

Hơn nữa, khi bác bỏ khái niệm điêu khắc là phải nặng, nguyên khối và rắn, và nhấn mạnh rằng không gian chẳng kém phần hữu hình so với vật chất rắn, cấu trúc tinh tế này dự đoán bao quát một số mô hình cơ bản trong điêu khắc hiện đại. Đồng thời, tác phẩm này có lẽ là tác phẩm điêu khắc Động học thuần nghĩa nhất của Gabo – ông gọi nó là “lời giải thích về ý tưởng hơn là bản thân tác phẩm điêu khắc Động học” – và từ đây ông tiến tới các tác phẩm gợi ý chuyển động thông qua sự sắp xếp động của hình thức và không gian thay cho việc cụ thể hóa chuyển động.

1923: Cột

Nhựa acrylic Perspex, gỗ, kim loại và thủy tinh – Bảo tàng Solomon R. Guggenheim, New York, New York

Cột (Column) là một tòa tháp thẳng đứng đứng độc lập được làm từ hai mặt phẳng hình chữ nhật trong suốt, lồng vào nhau, trồi lên từ một đế hình tròn bằng thép tối màu. Đặt bên trong các mặt phẳng acrylic Perspex là các hình dạng hình học mờ đục trôi nổi, và một vòng tròn mở. Đây là một trong số những tác phẩm được tạo ra vào đầu những năm 1920, thể hiện sự thoát ly của Gabo khỏi phong cách tượng trưng thuở đầu với Những cái đầu được xây dựng, và đi theo hướng trừu tượng thuần túy hơn.

Hầu hết những tác phẩm như Cột chỉ được thực hiện sau khi Gabo rời Nga vào năm 1922 để đến Đức: nơi mà ông có thể tiếp cận vật liệu và nhiều thứ khác dễ dàng hơn. Tuy nhiên, tác phẩm này bắt nguồn từ bầu không khí hùng hổ hậu cách mạng vào đầu những năm 1920 ở Moscow, khi các nhà điêu khắc đang cố gắng áp dụng ngôn ngữ thị giác trừu tượng của họa sĩ Siêu việt Kazimir Malevich vào nghệ thuật ba chiều. Những nỗ lực đó đã được khích động bởi việc chính thức hóa các ý tưởng liên quan đến chủ nghĩa Kiến ​​tạo, một phần thông qua việc thành lập Nhóm Công tác Đầu tiên của các nhà Kiến ​​tạo ở Moscow vào tháng 3 năm 1921. Nhóm này lý tưởng hóa các nguyên tắc kỹ thuật và kiến ​​trúc, và mong muốn nghệ thuật có mục đích công năng tương tự. Mặc dù không phải là thành viên cũng như đối lập với các khía cạnh thẩm mỹ thực dụng của nhóm, Gabo vẫn chia sẻ chung một tư tưởng sáng tạo, và giống như các nghệ sĩ của Nhóm Công tác, ông được truyền cảm hứng bởi sự thể hiện các nguyên tắc kỹ thuật hiện đại của Vladimir Tatlin qua Mô hình Tượng đài Đệ Tam Quốc Tế (Model for a Monument to the Third International) (1920) nguy nga.

Việc sử dụng các vật liệu công nghiệp như kim loại và thủy tinh trong các tác phẩm như Cột là một cách để mô phỏng quy trình cơ khí và kiến ​​trúc, cũng như độ chính xác từng góc cạnh của thiết kế. Việc tác phẩm được tạo ra với mục đích làm mô hình mẫu cho một tòa nhà là minh họa cho mối bận tâm mang lại cho nghệ thuật một mục đích chức năng của nhà Kiến tạo. Đồng thời, sự hứng thú của Gabo đối với các vật liệu trong suốt như thủy tinh và nhựa – vốn sâu sắc và bền bỉ từ thời kỳ này trở đi – phản ánh niềm đam mê không ngừng của ông với việc miêu tả thể tích độc lập với khối lượng. Ví dụ trong tác phẩm này, hai mặt phẳng thẳng đứng lồng vào nhau tạo ra hình khối hình chữ nhật mà không tạo ra một chữ nhật rắn. Đối với Gabo, các tác phẩm điêu khắc như Cột tạo cảm tưởng nhất định về sự không trọng lượng, “hấp dẫn tâm trí và cảm xúc hơn là các giác quan vật lý thô sơ“.

Nhìn lại, những tác phẩm như Cột đã tạo nên sắc độ chung cho các khía cạnh tác phẩm của Gabo xuyên suốt phần còn lại của sự nghiệp. Tuy vậy, chúng cũng có ý nghĩa rất lớn trong việc ghi dấu một thời điểm lịch sử nghệ thuật hiện đại khi dường như những nhà họa sĩ, nhà điêu khắc và kiến ​​trúc sư tiên phong đóng một vai trò trong việc xây dựng một xã hội mới. Lối bố cục trừu tượng trong các tác phẩm như Cột không đơn thuần là vị tính trừu tượng, mà với mong đợi trở thành một phương tiện để định hình những cách thức mới mà công dân Liên Xô có thể cảm nhận, lĩnh hội và hành động trong thế giới xung quanh họ.

1931: Thiết kế đệ trình cho Cung điện Xô Viết: Sơ đồ mặt bằng và sảnh chính

Bút chì và mực Ấn Độ trên giấy – Bảo tàng Kiến trúc Nhà nước Shchusev, Moscow

Năm 1931, vào thập kỷ cuối thời kỳ ở Đức của ông, Gabo cho ra đời những bản vẽ kiến ​​trúc cho cuộc thi thiết kế một tòa nhà mới ở Moscow của chính phủ, kỷ niệm ngày thành lập Liên bang Xô Viết. Theo bản yêu cầu, Cung điện Xô Viết cần bao gồm hai hội trường có sức chứa tổng 20.000 người và sẽ là địa điểm tổ chức các cuộc mít-tinh, biểu tình, và các sự kiện văn hóa. Đề xuất này là lần thử sức đầu tiên của ông với một bản vẽ kiến ​​trúc hoàn chỉnh, và là phép ngoại suy hợp lý cho tính thẩm mỹ và kỹ thuật của các tác phẩm điêu khắc trừu tượng trước đó của ông.

Gabo dành nhiều tháng sốt sắng hoàn thiện các bản vẽ bao gồm hai hội trường rộng lớn được xây dựng từ bê tông cốt thép, nhô ra từ một tòa nhà dịch vụ trung tâm cao chót vót. Hai phòng hội trường sẽ có hình dạng rỗng, cong giống như vỏ sò, giảm chấn ứng suất đồng đều trên toàn bộ bề mặt của chúng. Đây là một hướng tiếp cận mạo hiểm với khái niệm sức chịu tải trong kiến ​​trúc, một việc thường được thực hiện bởi các thành phần riêng biệt như dầm hoặc sườn. Đồng thời, các đường cong năng động của thiết kế đại diện cho sự chuyển hướng khỏi thẩm mỹ hình học của “Phong cách Quốc tế”, khi đó đang thịnh hành trong kiến ​​trúc hiện đại, mà Gabo đã nghiên cứu và mô phỏng trong các bản phác thảo kiến ​​trúc trước đó. 

Cũng là một thiết kế tham gia cuộc thi nhưng là của kiến trúc sư Walter Gropius, người sáng lập và hiệu trưởng của trường Bauhaus

Theo một nghĩa nào đó, cách tiếp cận này đã mở rộng mối quan tâm trước đó của ông, với tư cách là một nhà điêu khắc, về sự khác biệt giữa khối lượng và thể tích: cách để không gian có sự kết nối mà không bị lấp đầy bởi các yếu tố rắn. Các thiết kế cũng thể hiện cam kết lâu dài của Gabo đối với dự án xây dựng một lãnh địa xã hội mới của Liên Xô, mặc cho nhận thức của ông về thực trạng của chủ nghĩa Stalin. Đúng là ông thấy sự kết hợp giữa gốc gác Nga và kinh nghiệm gần đây của ông với các nguyên tắc khoa học và kiến ​​trúc phương Tây sẽ có lợi cho ông trong cuộc thi. Đó là dấu hiệu cho thấy nước Nga đã thay đổi rất nhiều kể từ khi Gabo rời đi 9 năm trước nhưng đề xuất của ông và của các kiến ​​trúc sư hiện đại khác đều không được ban giám khảo tán thưởng. Người chiến thắng cuối cùng là thiết kế tân cổ điển hào hoa của kiến ​​trúc sư Boris Iofan. Cuối cùng, việc xây dựng Cung điện Xô Viết đã bị bỏ dở khi Đức xâm lược Liên Xô vào năm 1941, và không bao giờ được tiếp tục.

Một minh hoạ cho thiết kế ban đầu của Boris Iofan cho Cung điện Xô Viết với bức tượng Lenin cỡ lớn ở trên đỉnh

Các thiết kế nổi bật của Gabo cho Cung điện là một trong những công trình sáng tạo quan trọng nhất của ông, và là một thành tựu đáng kể bởi ông không được đào tạo về kiến ​​trúc. Tác phẩm của Gabo chuyển dịch khỏi kiến trúc hiện đại với độ chính xác hình học điển hình của những năm 1920 – ví dụ như tác phẩm của Le Corbusier – dự đoán những phát triển về sau trong phong cách này, chẳng hạn như hình dạng đường cong trong thiết kế cho Brasilia của Lucio Costa và Oscar Niemeyer vào những năm 1950.

Dịch: Nhã Văn

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Naum Gabo Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…