Man Ray (Phần 1)

Là một nhiếp ảnh gia, điêu khắc gia, hoạ sĩ, nhà làm phim, Man Ray đóng một vai trò chủ chốt trong sự phát triển của Dada và Siêu thực nói riêng và nghệ thuật Hiện đại nói chung tại Mỹ. Danh tiếng của ông là quốc tế do sự thành công ở cả quê nhà và ở châu Âu. Một mặt là một nghệ sĩ tiên phong thúc đẩy sự phát triển của nhiếp ảnh nghệ thuật, đặc biệt là trong những kỹ thuật phục vụ cho nhiếp ảnh Siêu thực và Trừu tượng; mặt khác, ông cũng đạt được nhiều thành công trong nhiếp ảnh thương mại. Giữ cả nền tảng giáo dục và quá khứ của mình trong màn bí ẩn khi bắt đầu sự nghiệp, Man Ray nghĩ về bản thân như một “Thoreau phá tan mọi ràng buộc và và nghĩa vụ đối với xã hội” của thời hiện đại (Henry David Thoreau, một triết gia người Mỹ nổi tiếng dẫn đầu trong các trường phái chủ nghĩa Siêu việt – Transcendentalism và chủ nghĩa Tự do Ý chí – Libertarianism). Đó là cách tiếp cận mà ông đã mở rộng sang thế giới nghệ thuật tiền tiến, tự giới thiệu mình như một “điều bí ẩn”, với tầm nhìn hướng tới việc tạo ra loại nghệ thuật khiêu khích. Trong loạt bài hai phần, ta tìm hiểu về nhân vật vừa hài hước và nghiêm túc với những ảnh hưởng lớn trong lịch sử này.

  • Thiên nhiên không tạo ra các tác phẩm nghệ thuật. Mà là chúng ta, với khả năng diễn giải đặc biệt của trí óc con người, nhìn thấy nghệ thuật.
  • Sáng tạo là thần thánh, tái tạo là con người.
  • Tôi vẽ những gì không thể chụp được, những điều đến từ trí tưởng tượng hay từ những giấc mơ, hay từ một lực kéo vô thức. Tôi chụp những gì tôi không mong vẽ, những thứ mà đã có sẵn một sự tồn tại.
  • Tự thân chiếc máy ảnh không tạo ra hình ảnh. Để tạo ra hình ảnh thì bạn cần một chiếc máy ảnh, một nhiếp ảnh gia, và trên tất cả là một đối tượng. Đối tượng quyết định sự hứng thú của bức ảnh.
  • Một nhà sáng tạo chỉ cần một kẻ đam mê duy nhất để biện minh cho anh ta.

Tóm lược về Man Ray

Man Ray sinh 27/08/1890 tại Philadelphia, Mỹ và mất 18/11/1976 tại Paris, Pháp. Ông hoạt động nghệ thuật từ khoảng 1915 đến khi mất.

Sự nghiệp của Man Ray đặc biệt nổi bật nhờ đã đạt được những thành tựu ở cả Mỹ và châu Âu. Ban đầu, ông được nuôi dưỡng tại trung tâm của chủ nghĩa hiện đại Mỹ vào những năm 1910; sau đó ông chọn Paris làm nhà vào những năm 1920 và 1930; và trong thập kỷ tiếp theo, ông lại vượt Đại Tây Dương trở lại, dành thời gian ở New York và Hollywood. 

Nghệ thuật của ông trải rộng qua các phương tiện hội hoạ, điêu khắc, phim, in ấn và thơ ca; và trong sự nghiệp kéo dài của mình, ông làm việc với những phong cách chịu ảnh hưởng bởi Lập thể, Vị lai, Dada, và Siêu thực. Ông cũng thành công trong việc điều hướng thị trường thương mại và mỹ thuật, trở thành một nhiếp ảnh gia thời trang được săn đón. Có lẽ ông được nhớ đến nhiều nhất với những bức ảnh về khoảng thời gian giữa hai cuộc thế chiến, đặc biệt là những tấm không cần sử dụng máy ảnh mà ông gọi là Rayographs, nhưng dù sao đi nữa ông vẫn luôn nhìn nhận mình đầu tiên và trên hết là một họa sĩ.

Các thành tựu

  • Mặc dù đã trưởng thành như một họa sĩ trừu tượng, nhưng cuối cùng Man Ray đã không thừa nhận sự ưu việt truyền thống của hội hoạ so với nhiếp ảnh mà vui vẻ qua lại giữa các hình thức khác nhau. Dada và Chủ nghĩa Siêu thực khuyến khích thái độ này của ông, đồng thời cũng khiến ông nảy sinh quan điểm: ý tưởng thúc đẩy một tác phẩm nghệ thuật quan trọng hơn chính tác phẩm ấy.
  • Đối với Man Ray, nhiếp ảnh thường hoạt động giữa ranh giới nghệ thuật và đời thường. Nhiếp ảnh là một phương pháp ghi lại các tác phẩm điêu khắc chưa bao giờ có sự sống của riêng nó phía bên ngoài bức ảnh, đồng thời cũng là cách ghi lại các hoạt động của những người bạn tiền tiến của tác giả. Công việc nhiếp ảnh gia thương mại đã thúc đẩy ông tạo nên những tác phẩm có bố cục cẩn thận và tinh tế; nhưng ông chưa bao giờ hy vọng sẽ trở thành một nhiếp ảnh gia mỹ thuật theo cùng kiểu cách của Alfred Stieglitz – nguồn cảm hứng ban đầu của Man Ray.
  • André Breton từng miêu tả Man Ray là một ‘tiền-Siêu thực gia’, một lối mô tả sự đồng điệu trong thiên hướng tự nhiên của nghệ sĩ với phong cách Siêu thực. Vào giữa những năm 1920, ngay cả trước khi phong trào hình thành, ông đã có tác phẩm chịu ảnh hưởng từ Marcel Duchamp và mang âm hưởng của trường phái Siêu thực. Ông tiếp tục dựa vào những ý tưởng của trường phái ấy trong suốt cuộc đời. Tác phẩm của ông, cuối cùng, đóng vai trò rất quan trọng trong việc phổ biến chủ nghĩa Siêu thực.

Tiểu sử của Man Ray

Thời thơ ấu

Tên khai sinh của Man Ray là Emmanuel Radnitzky. Ông sinh năm 1890 trong một gia đình nhập cư Nga-Do Thái ở Philadelphia, cả cha và mẹ đều là thợ may. Cả nhà sớm chuyển đến khu Williamsburg ở Brooklyn, New York, và Ray đã trải qua phần lớn thời thơ ấu của mình ở đây. Gia đình ông đổi họ thành Ray do sợ hãi chủ nghĩa bài Do Thái. Tên ông trở thành Man Ray sau khi biệt danh Manny được rút gọn thành Man. Ông giữ bí mật về hoàn cảnh gia đình trong hầu hết sự nghiệp của mình, dẫu là ảnh hưởng từ nghề nghiệp cha mẹ ông được minh chừng trong nhiều tác phẩm.

Một bức tranh của Man Ray trong tập thơ Những bàn tay tự do (Les Mains Libres)

Ở trường trung học, Ray đã học vẽ tự do, phác thảo và các kỹ thuật cơ bản khác của kiến ​​trúc và kỹ thuật. Trong lớp nghệ thuật, ông cũng là một học sinh xuất sắc. Dù ghét việc giáo viên mỹ thuật đặc biệt quan tâm đến mình nhưng ông vẫn thường xuyên lui tới các viện bảo tàng nghệ thuật và tự mình nghiên cứu các tác phẩm của các Bậc thầy cổ điển. Tinh thần ham học hỏi ngay từ nhỏ của ông đã trở thành nền tảng vững chắc về tính linh hoạt trong suốt sự nghiệp nghệ thuật. Khi tốt nghiệp trung học năm 1908, ông từ chối nhận học bổng ngành kiến ​​trúc và bắt đầu theo đuổi sự nghiệp nghệ sĩ của mình.

Đào tạo ban đầu

Trong xưởng riêng tại nhà cha mẹ, ông nhận những công việc lặt vặt như một nghệ sĩ thương mại đồng thời cũng làm việc chăm chỉ để trở thành một họa sĩ. Ông làm quen với giới nghệ thuật bằng cách thường xuyên ghé thăm các phòng trưng bày nghệ thuật và bảo tàng ở New York và bị thu hút bởi nghệ thuật tiền tiến đương thời của châu Âu. Năm 1912, ông ghi danh vào trường Ferrer, bắt đầu bước trên con đường trở thành một nghệ sĩ nghiêm túc. Tại ngôi trường này được thành lập bởi những lý tưởng tự do ý chí, ông đã gặp những người thầy và nghệ sĩ bước đầu gây ảnh hưởng đến ông như Robert Henri, Samuel Halpert, Max Weber và Adolf Wolff, và được vây quanh bởi những người theo chủ nghĩa Vô trị. Việc tiếp xúc với họ đã giúp ông hình thành nên hệ tư tưởng của riêng mình.

Ảnh chụp ngày nay của quần thể kiến trúc từng là khu cộng đồng và giáo dục tự trị Ferrer

Sau một thời gian ngắn làm việc cùng với Adolf Wolff tại một xưởng nhỏ ở Manhattan, mùa xuân năm 1913 Man Ray chuyển đến khu dành cho nghệ sĩ ở New Jersey, ngay bên kia sông từ Manhattan. Ông sống chung trong một căn chòi nhỏ với Samuel Halpert, một họa sĩ đã truyền cảm hứng cho ông, từ đó vun đắp những ý tưởng và kỹ thuật nền tảng cho sự nghiệp của mình về sau. Suốt quãng thời gian ấy, ông thường xuyên ghé thăm Phòng trưng bày 291 ở New York. Ray dần trở nên thân thiết với ông chủ phòng trưng bày và cũng là nhiếp ảnh gia, Alfred Stieglitz, người đã giới thiệu cho Ray bộ môn này. Cũng tại thành phố này, Ray đã quen Adon Lacroix (hay Donna Lecoeur), một nhà thơ người Bỉ, rồi kết hôn với bà vào năm 1914. Năm 1915, Ray gặp Marcel Duchamp, một nghệ sĩ đang đi thăm quan khu nghệ sĩ cùng nhà sưu tập Walter Arensberg và họ trở nên gắn bó lâu dài. Nhờ có tình bạn mới này, niềm hứng thú với chủ đề chuyển động của Ray ngày càng rõ ràng và dần chú tâm vào chủ nghĩa Siêu thực và Dada.

Ảnh Henri Cartier-Bresson chụp Marcel Duchamp và Man Ray ở nhà của Man Ray vào năm 1968, tức là đúng vào năm Duchamp mất

Trong thời kỳ đầu của sự nghiệp, Ray theo đuổi phong cách Lập thể. Buổi triển lãm cá nhân đầu tiên của ông tại Gallery Daniel vào năm 1915 có ba mươi bức tranh và một vài bản vẽ phác khác. Chúng là sự pha trộn của những bức phong cảnh bán đại diện và những bức tranh trừu tượng của “Sắp đặt hình khối”. Những tác phẩm trừu tượng này cho thấy ông ngày càng quan tâm đến những cách thức sáng tạo thiên về tư duy và phân tích. Vào thời điểm này, ông có nhiều tác phẩm lưu trữ trong xưởng hơn những gì ông nhớ. Ông bắt đầu chụp ảnh các bức tranh của mình để làm tư liệu đồng thời tiến hành thử nghiệm máy ảnh như một công cụ nghệ thuật.

Sự gặp gỡ (The Meeting) (1916-17) của Man Ray. In xuyên pochoir với mực trên giấy

Ray đã nhiều lần nỗ lực quảng bá Dada ở New York cùng Duchamp. Năm 1916, họ thành lập Hiệp hội các Nghệ sĩ Độc lập và xuất bản tạp chí New York Dada với một số duy nhất vào năm 1920. Cùng năm đó, họ thành lập Tập đoàn Société Anonyme cùng Katherine Dreier, một nhà sưu tập nghệ thuật nổi tiếng. Societé Anonyme (Xã hội ẩn danh) là bảo tàng đầu tiên dành riêng cho việc trưng bày và quảng bá nghệ thuật hiện đại ở Mỹ, xuất hiện trước Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại chín năm. Tuy nhiên, công chúng ở New York không nhiệt tình với nghệ thuật Dada, cộng thêm cuộc hôn nhân với người vợ đầu tiên trở nên đổ vỡ đã khiến Ray rất chán nản. Nhờ có Duchamp khích lệ, Ray chuyển đến Paris vào năm 1921.

Thời kỳ trưởng thành

Man Ray sinh sống trong 18 năm tiếp theo tại Montparnasse, đây là nơi ông gặp gỡ các nhà tư tưởng và nghệ sĩ quan trọng, bao gồm James Joyce, Gertrude Stein, Jean Cocteau và Antonin Artaud. Ông còn gặp được một nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng, Kiki de Montparnasse, là người tình và cũng là đối tượng thường xuyên hiện diện trên các tác phẩm của ông trong suốt sáu năm. Các tác phẩm có ảnh hưởng nhất của ông như Vật thể bất hoại (Indestructible Object) (hay Vật thể để bị phá hủy (Object to Be Destroyed)), Đen và trắng (Noire et Blanche), Nước mắt thủy tinh (Glass Tears), và hầu hết các tác phẩm Rayograph, cả những bức ảnh thời trang cho Vogue và Vanity Fair đều được sáng tác trong khoảng thời gian này.

Đen và trắng (Noire et Blanche) (1926) có Kiki là người mẫu
Nước mắt thủy tinh (Glass Tears) hay đơn giản là Larmes (Nước mắt) (1932) cũng có Kiki là người mẫu

Năm 1929, Man Ray thuê Lee Miller làm trợ lý nghệ thuật. Không bao lâu sau bà trở thành người yêu của ông và làm mẫu trong các bức ảnh ông thực hiện trong ba năm. Họ cùng nhau tái sáng tạo ‘đảo âm dương’, một quy trình chụp ảnh thu về các bức âm bản đảo ngược vùng tối với vùng sáng và ngược lại.

Trong một lần tráng phim trong phòng tối, Ray tình cờ phát hiện ra kỹ thuật gọi là ‘ghi bóng’ hoặc ‘quang đồ’, một phương pháp sử dụng giấy nhạy sáng để tạo hình ảnh mà không cần đến máy ảnh. Ông đặt tên cho phong cách này là ‘Rayogram’ hay ‘Rayograph’. Ông đã nghiên cứu kỹ thuật này trong hơn 40 năm, sáng tạo nên nhiều tác phẩm quan trọng nhất của mình, bao gồm hai cuốn hồ sơ tác phẩm có tựa đề Những cánh đồng ngon lành (Champs délicieux) và Điện (Electricité).

Những tác phẩm trong Điện

Mặc dù nhiều tác phẩm nổi tiếng của ông thuộc lĩnh vực nhiếp ảnh, nhưng ông đã làm việc trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau, bao gồm hội họa, viết lách và phim. Từ năm 1923 đến năm 1929, ông đã đạo diễn nhiều phim ngắn avant-garde và hợp tác làm phim cùng Marcel Duchamp và Fernard Léger. Ông cũng phối hợp với Paul Eluard để xuất bản cuốn sách Dễ dàng (Facile) và Những bàn tay tự do (Les Mains Libres).

Những năm tháng cuối đời và cái chết

Năm 1940, do chiến tranh nổ ra nên Ray buộc phải rời Pháp và chuyển về Mỹ, cụ thể là Los Angeles. Tại đây ông đã gặp người vợ cuối cùng của mình, Juliet Browner. Họ kết hôn vào năm 1946.

Mùa thu năm 1944, Ray tổ chức buổi triển lãm tổng quan tại Viện Nghệ thuật Pasadena, trưng bày các bức tranh, bản vẽ, tranh màu nước và ảnh chụp trong suốt ba mươi năm làm nghệ thuật của ông. Ông đã có sự nghiệp nhiếp ảnh thành công khi ở Hollywood, mặt khác lại cảm thấy thành phố này thiếu sự kích thích cũng như sự hoan nghênh theo cách ông mong đợi. Mặc dù ông đã trở về quê nhà, Ray nghĩ các nhà phê bình Mỹ không thể thấu hiểu ông. Ông tin rằng cách khả năng đi từ phương tiện này qua phương tiện khác và thành tựu trong nhiếp ảnh thương mại của ông khiến họ bối rối.

Hình ảnh từ triển lãm của Man Ray tại Viện Nghệ thuật Pasadena

Rốt cuộc, vào năm 1951, Ray cũng quay về Montparnasse, nơi ông luôn khao khát được trở lại bởi nơi đây là nơi ông luôn cảm thấy thực sự là nhà. Ngay sau đó, ông bắt tay vào viết tự truyện, giải thích về bản thân cho những người đã hiểu sai và trình bày sai về tác phẩm của ông. Kết quả là cuốn sách Chân dung tự hoạ được xuất bản vào năm 1963.

Cho đến khi qua đời ở tuổi 86, ông vẫn tiếp tục làm việc với tranh, nhiếp ảnh, cắt dán, và các vật thể nghệ thuật. Năm 1976, ông qua đời vì bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.

Di sản của Man Ray

Cho dù đôi lúc bị lấp bóng bởi người bạn tri kỉ và cũng là người cộng tác của mình, Marcel Duchamp, Man Ray vẫn đóng một vai trò quan trọng trong các phong trào Dada và Siêu thực ở Mỹ cũng như ở châu Âu. Nỗ lực lớn của ông trong việc thúc đẩy các phong trào nghệ thuật avant-garde tại New York đã mở rộng chân trời của nền nghệ thuật Mỹ. 

Hình tượng vừa nghiêm túc vừa kỳ quặc của ông đã ảnh hưởng đến một lượng khán giả rất lớn do sự xuất hiện lặp đi lặp lại của các tác phẩm của ông trong văn hóa đại chúng. Nhiều tác phẩm quan trọng của ông đã được quyên tặng cho các viện bảo tàng khắp thế giới thông qua một quỹ tín thác, thành lập bởi người vợ của ông trước khi bà qua đời năm 1991. Quan trọng hơn hết, cách làm nghệ thuật hướng đến quy trình và tính linh hoạt của ông đã gây ảnh hưởng lên một số nghệ sĩ hiện đại và đương đại, từ Andy Warhol cho đến Joseph Kosuth, những người cũng giống như Ray, luôn luôn cố gắng xóa nhòa ranh giới giữa các ngành nghệ thuật.

Nguyên bản tiếng Anh tổng hợp và viết bởi Jin Jung, biên tập bởi Những người cộng sự của The Art Story. Dịch sang tiếng Việt bởi CM Ngô. Đề tựa tiếng Việt và hình ảnh minh hoạ bởi Hương Mi Lê.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Man Ray Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…