Khách quan mới (Neue Sachlichkeit) (Phần 1)
Khoảng thời gian đầu thế kỷ 20 chứng kiến sự vỡ mộng của xã hội châu Âu về Cách mạng Công nghiệp khi Thế chiến thứ nhất xảy ra. Đồng thời, một số người từng ủng hộ những cuộc chiến, các cuộc cách mạng, sự lật đổ những nhà nước cũ và sự ra đời của những thể chế chính trị mới… cũng vỡ mộng trước những kết cục tàn bạo của chiến tranh: chết chóc, bệnh tật, đói nghèo, suy thoái kinh tế và đạo đức trầm trọng. Tại nước Đức là cái nôi của chủ nghĩa Biểu hiện tập trung vào những nỗi lo âu đương đại nhưng bằng chủ nghĩa duy cảm với nhiều đặc tính chủ quan cá nhân, một số nghệ sĩ đã đi theo hướng khác – một chủ nghĩa hiện thực mới, hoàn toàn khách quan, bài cảm, thậm chí là đen tối và méo mó – hay chủ nghĩa “Khách quan mới” . Trong loạt bài ba phần, chúng ta sẽ tìm hiểu về trào lưu này.
- “Chúng ta phải là một phần của tất cả những khổ đau đang tới. Chúng ta phải phó mặc trái tim và thần kinh của mình… Phương hướng hành động duy nhất mà có thể trao mục đích cho sự tồn tại dư thừa và ích kỷ của ta (như là nghệ sĩ) là rằng chúng ta trao cho nhân loại một hình dung về số phận của họ.” – Max Beckmann
- “Việc nhìn nhận mọi sự đúng như nó là là quan trọng.” – Otto Dix
- “Bạn biết đấy, nếu ai đó vẽ chân dung của một người, tốt nhất là không biết gì về anh ta nếu có thể. Không biết gì hết! Tôi không muốn gì về anh ta, tôi chỉ muốn nhìn thấy điều gì đang ở đó, ở phía bên ngoài. Cái bên trong sẽ tự theo sau. Nó sẽ được phản chiếu trong cái hữu hình.” – Otto Dix
- “Bạn phải nhìn mọi thứ theo đúng cách nó là. Bạn phải có khả năng nói có với tất cả những biểu lộ của nhân loại mà đang tồn và sẽ luôn tồn tại. Điều đó không có nghĩa là nói có với chiến tranh, mà là với một số phận tiếp cận bạn dưới một số điều kiện nhất định và đòi hỏi bạn chứng minh mình. Các điều kiện bất thường khơi ra một sự truỵ lạc và thú tính của con người… Tôi khắc hoạ các hiện trạng, những hiện trạng mà chiến tranh, những kết quả của chiến tranh, ở dạng những hiện trạng.” – Otto Dix
Tóm lược về trào lưu Khách quan mới (Neue Sachlichkeit)
Các nghệ sĩ gắn liền với Khách quan mới trốn tránh chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa lý tưởng không tưởng đã đánh dấu thập niên đầu tiên của thế kỷ 20, và bị vỡ mộng bởi cuộc Chiến tranh thế giới tàn phá con người và xã hội. Họ đại diện cho một chủ nghĩa hiện thực bài duy cảm nhằm đề cập các vấn đề văn hóa đương đại. Chán ghét sự suy đồi hiển hiện khắp Cộng hòa Weimar nhưng đồng thời bị mê hoặc bởi những quyền tự do mới, nhóm nghệ sĩ đa dạng này không nhất thiết phải cùng chia sẻ một phong cách mà thay vào đó là cam kết phơi bày sự thật khách quan ẩn giấu dưới những căn bệnh đương thời.
Sử dụng biếm họa, trào phúng, Tân Cổ điển và thậm chí cả chủ nghĩa Siêu thực, các nghệ sĩ như Max Beckmann, George Grosz, Otto Dix và August Sander đã khắc hoạ các nhà lãnh đạo, quan chức, dân du mục, người lao động và chính họ một cách không nao núng, mỗi người đều đồng lõa với xã hội mà họ cư trú. Các nghệ sĩ đã làm nổi bật sự hỗn loạn chính trị và xã hội của cuộc sống được nhấn mạnh thông qua những kẻ trục lợi chiến tranh, những người ăn xin và gái mại dâm. Họ khám phá sự trỗi dậy của đô thị với các quyền tự do và giải phóng tình dục, nhưng lưu ý đến sự lạ hoá ngày càng tăng đối với thiên nhiên và cuộc sống nông thôn.
Mặc dù phiên bản Hiện thực ban đầu được một số nhà sử học nghệ thuật coi là thụt lùi, nhưng các biến thể của Khách quan mới sau này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến chủ nghĩa Hiện thực Huyền ảo và nghệ thuật Đức những năm 1960 cũng như nhiếp ảnh đương đại do Bernd và Hilla Becher truyền bá.
Ý tưởng & Thành tựu chính
- Các nghệ sĩ Khách quan mới chấp nhận một loại chủ nghĩa niện thực bất chấp các xu thế hướng tới trừu tượng nhưng từ bỏ các đặc tính chủ quan mang phong cách riêng được những người theo chủ nghĩa Biểu hiện Đức thời kỳ đầu tán thành. Thay vào đó, họ đã kết hợp chủ nghĩa hiện thực của mình với các cuộc phản kháng gay gắt của phong trào Dada ở mức liều lượng lành mạnh. Phần lớn, chủ nghĩa hiện thực của Khách quan mới không phải là sự bắt chước mang tính truyền thống mà là Hiện thực bị bóp méo và đen tối nhằm vạch trần sự suy thoái đạo đức mà họ đã chứng kiến trong xã hội Đức.
- Mặc dù tất cả các nghệ sĩ đều cam kết miêu tả các vấn đề đương thời, nhưng phong cách của họ trải dài từ chủ nghĩa Xác thực châm biếm đến Cổ điển hoài niệm đến Hiện thực Huyền ảo kỳ quái. Bất chấp sự khác biệt về phong cách, nhiều nghệ sĩ ưa thích bố cục tĩnh hơn là động, thể hiện đối tượng của họ với độ chính xác cao và xóa bỏ dấu vết của quá trình vẽ tranh cũng như tất cả các yếu tố mang tính cử chỉ.
- Chân dung và chân dung tự họa là những chủ đề phổ biến đối với các nghệ sĩ Khách quan mới. Cho dù nghệ sĩ thực hành phong cách nào, luôn có một sự căng thẳng thường trực giữa cá nhân được thể hiện và kiểu người hoặc vai trò của cá nhân đó trong xã hội trong những bức chân dung. Với nỗ lực vẽ nên sự thật về con người, những bức chân dung Khách quan mới không hề né tránh những chi tiết không đẹp mắt hoặc những hiệu ứng tâm lý đáng lo ngại.
- Giống như các hoạ sĩ, các nhiếp ảnh gia Khách quan mới cũng khao khát khắc họa sự thật khách quan của thực tế, nhưng phần lớn tránh việc gửi gắm bình luận xã hội và chính trị như trong các tác phẩm hội hoạ .
Những khởi đầu của Khách quan mới
Trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, chủ nghĩa Biểu hiện như được thực hành bởi các nhóm Kỵ sĩ màu lam (Der Blaue Reiter) và Cây cầu (Die Brücke) thống trị nước Đức. Những nghệ sĩ Biểu hiện này lấy cảm hứng từ chủ nghĩa kỳ lạ của nghệ thuật phi phương Tây và sự năng động của cuộc sống đô thị hiện đại, từ bỏ những quan niệm nghệ thuật truyền thống và tìm kiếm một ngôn ngữ mang tính trực quan và cảm xúc cao. Các nghệ sĩ như Ernst Ludwig Kirchner và Emile Nolde tập trung vào thế giới nội tâm cá nhân, làm nổi bật quan điểm chủ quan của việc nhìn và hiểu thế giới. Nếu chủ nghĩa duy tâm của Biểu hiện ngự trị trước Thế chiến thứ nhất, thì chủ nghĩa Dada, được thành lập vào năm 1916 tại Zurich và lan sang Berlin ngay sau đó, là hiện thân của chủ nghĩa hư vô và những tri cảm phản nghệ thuật mà nhiều nghệ sĩ cảm nhận được trong suốt chiến tranh. Sự phê phán gay gắt về chiến tranh và văn hóa tư sản đã dẫn đến sự trỗi dậy hậu chiến của các bức ảnh cắt dán của Hannah Höch và Raoul Hausmann.
Sau khi thành lập Cộng hòa Weimar, chính phủ dân chủ đầu tiên của Đức, trong tình trạng quay cuồng với sự tàn phá của Thế chiến thứ nhất, biến động xã hội và suy thoái kinh tế, vào tháng 11 năm 1918, các họa sĩ trường phái Biểu hiện Max Pechstein và César Klein đã thành lập một nhóm nghệ thuật nhằm mục đích thúc đẩy sự thống nhất vô cùng cần thiết giữa các nghệ sĩ, công chúng, và nhà nước. Như nhà phê bình nghệ thuật Edward Sorel giải thích, Nhóm Tháng 11 “tự tin rằng chỉ bằng cách bác bỏ chủ nghĩa duy cảm của Biểu hiện Đức trước chiến tranh và thay thế bằng một cái nhìn thực tế hơn, tỉnh táo hơn về cuộc sống xung quanh, họ không chỉ có thể tạo ra một xã hội mới mà còn đánh dấu sự khởi đầu của ‘con người mới’“. Với mục đích triệt để là thiết lập và hỗ trợ một xã hội xã hội chủ nghĩa, nhóm hơn 100 nghệ sĩ đa dạng về phong cách, bao gồm Höch, Hausmann, Otto Dix và George Grosz, đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm trong suốt những năm 1920 và khuyến khích sự phát triển của một loại chủ nghĩa Hiện thực mới được gọi là Khách quan mới.
Chủ nghĩa Hiện thực mới: Khách quan mới
Đến năm 1922, các họa sĩ Otto Dix và George Grosz là những người nổi bật trong số các nghệ sĩ Đức theo chủ nghĩa hiện thực mới. Cả hai đều tham gia vào thời kỳ đầu của phong trào Dada ở Đức, mỗi người đều rời xa thứ chủ nghĩa ý niệm do những người theo chủ nghĩa Dada cổ vũ để ủng hộ chủ nghĩa hiện thực khắc nghiệt phơi bày tác động của chiến tranh và sự suy đồi. Nghệ sĩ người Đức Käthe Kollwitz, thường gắn liền với một phiên bản của chủ nghĩa Biểu hiện, là một nghệ sĩ đương thời khác kể về sự khủng khiếp của chiến tranh và khám phá tính nhân văn của tầng lớp lao động, nhưng cách bà đối xử với các đối tượng của mình mang một lòng trắc ẩn và sự thương tiếc mà những nghệ sĩ tự phụ trẻ tuổi hơn không có.
Thuật ngữ Neue Sachlichkeit, thường được dịch là Khách quan mới (New Objectivity) được Gustav Friedrich Hartlaub, giám đốc Phòng triển lãm nghệ thuật (Kunsthalle) ở thành phố Mannheim, đặt ra làm tiêu đề cho một triển lãm nghệ thuật ban đầu được lên kế hoạch mở cửa vào năm 1923 nhưng mãi đến năm 1925 mới khai mạc. Triển lãm đã tập hợp đầy đủ nghệ thuật hậu Biểu hiện của nhiều nghệ sĩ khác nhau, như George Grosz, Otto Dix, Max Beckmann, Georg Schrimpf, Alexander Kanoldt và Carlo Mense, cùng những nghệ sĩ khác. Trong khi các cách tiếp cận phong cách khác nhau vẫn hiển hiện rõ ràng, tất cả các nghệ sĩ đều tập trung vào cái nhìn khách quan về cuộc sống nhằm khắc họa một “thực tế hữu hình” hơn. Một bản dịch khác của Tính khách quan (Sachlichkeit) thường là “vấn đề thực tế” (“matter-of-factness”), gợi ý tập trung vào những điều bình thường và chân thật.
Hartlaub thừa nhận những mâu thuẫn trong nhóm, nhận thấy rằng phong trào thể hiện “sự nhiệt tình đối với thực tế trước mắt như là kết quả của mong muốn tiếp nhận mọi thứ một cách hoàn toàn khách quan, trên những cơ sở mang tính vật chất mà không thêm vào những hàm ý lý tưởng” và, tuy nhiên, một số có xu hướng hướng tới một “sự hoài nghi và cam chịu.” Với quan điểm này, những bức tranh được dán nhãn là “Khách quan mới” có thể là những bức chân dung cực thực về trẻ em hoặc những bức tranh biếm họa gay gắt về những cá nhân suy đồi.
Việc từ chối những khao khát lãng mạn và duy tâm đã được giới trí thức Weimar đón nhận nồng nhiệt, những người đã thúc đẩy một xã hội “có ý thức” hơn. Triển lãm của Hartlaub đã đi qua một số thành phố ở bang Sachsen và Thuringen, khiến Khách quan mới trở nên khá phổ biến và có tầm ảnh hưởng. Mặc dù nửa sau của thập kỷ chứng kiến sự phát triển liên tục của Khách quan mới, cuộc triển lãm năm 1925 là buổi trưng bày đương thời công khai duy nhất gắn liền với phong trào này.
Một sự hiểu biết “khách quan”
Đức chịu nhiều thương vong trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, và khoảng một phần tư triệu người chết vì đói hoặc bệnh trong nhiều tháng sau khi chiến tranh kết thúc, khiến quốc gia này hoàn toàn bị tàn phá. Kết hợp với bối cảnh chính trị, kinh tế và xã hội đầy bất ổn, điều này đã mở ra một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và kết quả là thành lập Cộng hòa Weimar vào năm 1919.
Nền dân chủ đầu tiên của Đức muốn phục hồi và tái thiết quốc gia bằng một cách tiếp cận chính trị và kinh tế mới; tuy nhiên, trong những năm sau đó, cuộc sống ở Cộng hòa Weimar được đánh dấu bằng cuộc siêu lạm phát ở mức khủng khiếp, đặc biệt là từ năm 1921 đến năm 1923, khiến đồng Mark Đức hoàn toàn trở nên vô giá trị. Tình trạng suy thoái kinh tế này đã khiến bầu không khí đói nghèo và bệnh tật tiếp tục lan rộng, trong đó gái mại dâm, người ăn xin và tình trạng xuống cấp nói chung chiếm ưu thế trên toàn quốc. Với những khoản nợ khổng lồ phải trả, tình hình đất nước không mấy khả quan.
Mặc dù phân tán về mặt địa lý trên khắp nước Đức và đa dạng về phong cách, nhưng các nghệ sĩ Khách quan mới có chung nhận thức hoài nghi về hướng đi của nước Đức. Vỡ mộng ở mức sâu sắc, các đối tượng và chủ đề vang vọng những mối bận tâm lo âu của họ. Otto Dix giải thích rằng tất cả các nghệ sĩ “muốn nhìn mọi thứ khá trần trụi, rõ ràng, và gần như không chứa đựng nghệ thuật.“
Nguyên bản tiếng Anh do Sarah Frances Dias tổng hợp và viết, Valerie Hellstein biên tập, hiệu đính, và bổ sung. Bản tiếng Việt do Tố Uyên dịch, Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ
Nguồn tham khảo
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Một góc nhìn phân biệt Nghệ thuật thị giác và Thiết kế đồ họa trong bối cảnh Hiện đại
- 2. Art Nouveau (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 3. Art Nouveau (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 4. Art Nouveau (Phần 3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật
- 5. Gustav Klimt (Phần 1) - Sơ lược, các thành tựu, tiểu sử
- 6. Gustav Klimt (Phần 2) - Tiểu sử và thành tựu
- 7. Gustav Klimt (Phần 3) - Các tác phẩm nổi bật
- 8. Arts & Crafts (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 9. Arts & Crafts (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 10. Arts & Crafts (3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật