Johannes Itten (Phần 2)

Trong phần hai của loạt bài về Johannes Itten, chúng ta đi sâu tìm hiểu về các nghiên cứu màu sắc của ông, ảnh hưởng của nó trong chương trình giảng dạy tại Bauhaus và ảnh hưởng nói chung của Itten tới nghệ thuật và thiết kế. Cuối cùng, chúng ta tìm hiểu một số tác phẩm nổi bật liên quan tới ông.

Việc giảng dạy màu sắc tại Bauhaus trên nền tảng do Itten xây dựng

Vương quốc của màu sắc chứa trong nó những khả năng đa chiều mà chỉ có thể được rút gọn phần nào thành những quy tắc đơn giản. Mỗi màu là một vũ trụ của riêng nó.” – Johannes Itten.

Việc nghiên cứu về màu sắc ở Bauhaus được hình thành bởi một nhóm đa dạng những lý thuyết về màu sắc mang tính nghệ thuật, tâm lý học, và khoa học, được kiểm nghiệm và đổi mới thông qua các bài tập thực hành. Sự tái diễn giải của Johannes Itten về quả cầu màu của hoạ sĩ lãng mạn Philipp Otto Runger tạo nên nền tảng của việc giới thiệu màu sắc trong chương trình khoá học căn bản tại trường Bauhaus. Ngôi sao màu được Itten vẽ ra vào năm 1921 mở ra và trải phẳng quả cầu Runge để hiển thị các cực sáng-tối trên một mặt phẳng duy nhất. Những cực này, được thể hiện bằng tâm màu trắng và các đỉnh màu đen của ngôi sao, chứa đựng vô hạn khả năng để nghiên cứu các hiệu ứng màu tương phản.

Quả cầu màu với bảy giá trị sáng và mười hai tông màu (1921) của Johannes Itten. In thạch bản

Itten đã xác định bảy loại tương phản cơ bản: họ màu (hue), sáng-tối, lạnh-nóng, bổ sung, tương đồng, bão hoà, và mở rộng. Ngôi sao màu đã mô hình hoá một vài trong số đó. Nó cho thấy sáu vòng tròn đồng tâm, tượng trưng cho bề mặt quả cầu Runge, với mười hai “kinh tuyến” toả ra theo chu vi của chúng. Từng kinh tuyến đi từ tâm của các vòng để chạm tới các phía đối cực của nó trong không gian, trong khi đó thì một “vùng xích đạo” hiển thị mười hai màu thuần khiết từ một vòng tròn mười hai họ màu cổ điển. Itten giải thích cách mà ngôi sao có thể được dùng để nghiên cứu tương phản màu như sau: “Đọc từ trong ra ngoài, chúng ta có các vùng sắc độ sáng (tint), vùng của màu thuần khiết [vùng xích đạo], và hai vùng sắc độ tối (shade), với đen ở các điểm cực của ngôi sao.

Ngôi sau màu của Itten chỉ là một trong nhiều biến thể về bánh xe màu tiêu chuẩn mà các bậc thầy và sinh viên tại Bauhaus phát triển thông qua các trao đổi sư phạm. Paul Klee phát triển một lý thuyết về màu sắc bắt đầu với đường nét và thông qua các biến số về hướng và tốc độ, dẫn đến bánh xe màu. Wassily Kandinsky bắt đầu dạy tại Bauhaus khi đã là một chuyên gia có tiếng về màu sắc. Cuốn sách Về cái tinh thần trong nghệ thuật của ông thiết lập các mối liên hệ tinh thần và cảm xúc riêng biệt giữa các màu sắc và hình thức cụ thể. Ông lý thuyết hoá những liên tưởng này như những nguyên tắc nghệ thuật chung.

Quả cầu màu của Philipp Otto Runge, 1810. In khắc chìm, tô màu tay

Không giống như niềm tin của Kandinsky về mối liên hệ thiết yếu giữa hình thức và màu sắc, Josef Albers đã lý thuyết hoá mối liên hệ tương đối tuyệt đối của màu sắc. Albers nhấn mạnh rằng “màu sắc, như mọi phương tiện tương đối nhất trong nghệ thuật, có vô số diện mạo hay biểu hiện. Nghiên cứu chúng trong những tương tác tương ứng và trong sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng làm phong phú thêm ‘sự thấy’, thế giới, và chính chúng ta”.

Sáng và Tối

Johannes Itten khuyến khích phám phá màu sắc thông qua tương phản và phân cực, luôn khuyến khích sinh viên cảm nhận theo cách riêng trong mỗi bài tập. Ông quan sát thấy mỗi sinh viên đều bị thu hút vào một loại bài tập tương phản nhất định nào đó, hé lộ mối quan hệ sâu sắc giữa các loại tính cách và lựa chọn thẩm mỹ.

Những người tài khác nhau phản ứng khác nhau với các phương tiện hình thức và phát triển khác nhau trong mối liên hệ với chúng. Một vài người phản ứng đặc biệt với tương phản sáng tối, có người là tương phản hình thức, hay nhịp điệu, màu sắc, tỉ lệ và cấu trúc, kết cấu bề mặt chất liệu, định hướng không gian, hoặc điêu khắc… Bằng cách này, tôi có thể nhận ra mỗi sinh viên là loại người sáng-tối, hay nhịp điệu, thậm chí là loại kim loại, gỗ, hay thuỷ tinh.

Nghiên cứu về tương phản sáng tối cho khoá học nền tảng của Johannes Itten (1919) do Friedl Dicker thực hiện. Cắt dán, than chì, phấn màu trên giấy đen

Tác phẩm của Friedl Dicker, sinh viên Bauhaus, là một nghiên cứu về tương phản sáng tối. Đặt bề mặt phản chiếu của một đĩa bạc ở tâm hình ảnh, Dicker tăng độ sáng của nó còn hơn nữa bằng cách xếp một hình tròn màu trắng lên góc phần tư phía dưới bên trái. Hình tròn trắng này tìm thấy đối cực của mình trong một hình tròn màu đen với đường viền được vẽ bằng cách tô phấn đen xung quanh viền của một cảnh giấy cắt rời. Hai hình tròn có cùng kích thước nhưng đối lập về màu sắc và cấu trúc.

Trong chuyển động

Kandinsky định nghĩa bề mặt chất liệu là nền tảng xây dựng tác phẩm nghệ thuật là “mặt phẳng cơ bản”. Hình vuông là hình thức điển hình nhất cho mặt phẳng cơ bản và tương ứng với hình dạng tiêu chuẩn của hầu hết tranh sơn dầu, trong khi đỏ là màu tự nhiên nhất: màu đỏ, như Kandinsky diễn giải, “được phân biệt với vàng và xanh lam bởi đặc tính nằm chắc trên mặt phẳng, và phân biệt với đen và trắng bởi một sự sôi sục nội tại dữ dội – một độ căng bên trong.

Các bài tập về màu sắc của Erich Mrozek triển khai một hình vuông màu đỏ theo hai bố cục đối lập. Trong các bài tập như của Mrozek, “sự lùi lại và tiến tới của các yếu tố hình thức kéo mặt phẳng căn bản về phía trước (về phía người xem) và lùi lại theo chiều sâu (ra xa khỏi người xem) theo cách mà mặt phẳng ấy kéo giãn về cả hai phía như một cây đàn xếp.” Kandinsky cũng nói thêm rằng “các yếu tố màu sắc sở hữu sức mạnh này ở mức độ cao.” Khi những màu như đỏ, xanh lam, và xám kết hợp với nhau tạo ra những hiệu ứng đa dạng có thể được thay đổi bằng cách thêm vào các màu khác.

Tương tự và cân bằng

Lớp Lý thuyết Thiết kế của Paul Klee đã đào tạo nâng cao cho các sinh viên xưởng dệt ở Dessau về cách xử lý hình thức và màu sắc. Một bài tập màu nước của Margarete Willers phản ánh sự giảng dạy của Klee về chủ đề cân bằng. Không giống như các bố cục của Erich Mrozek cho lớp của Kandinsky mà sử dụng nhiều màu cơ bản, các bố cục của Willers khám phá màu nằm cạnh nhau trên bánh xe màu, còn được gọi là màu tương tự hoặc màu cấp ba.

Nghiên cứu màu sắc (1922-25) của Margarete Willers. Màu nước và than chì trên giấy

Các mặt phẳng chồng lên nhau của các dạng cơ bản được hiển thị bằng các màu tương tự như đỏ – cam, vàng – cam, và đỏ – tím tiết lộ những bố cục hình thức là một hành động cân bằng. Mỗi màu có một trọng lượng khác nhau, phải được xem xét trong mối quan hệ với tổng thể bố cục. Với các học sinh dệt, các mặt phẳng chồng lên nhau của các hình tròn và tam giác màu cung cấp một khung lý thuyết để qua đó triển khai kỹ thuật dệt sợi thành các sợi trên dưới, chồng lên nhau, với màu khác hoặc giống nhau. Sổ tay của sinh viên trong lớp lý thuyết thiết kế của Klee ghi lại những hướng dẫn chi tiết dẫn đến việc thực hành bài tập này, xây dựng một hệ thống phức tạp của các màu-số tương ứng được dùng để lập nên bản đồ của cân bằng và nhịp điệu.

Độ mờ đục và trong suốt

Với Josef Albers, “thị giác” không chỉ biểu thị cơ chế quang học của mắt và các tính chất vật lý của các sóng ánh sáng mà còn là nhận thức và trạng thái nội tại. Khi kết hợp với nhau, những cách nhìn khác nhau hình thành thế giới quan của một người, điều mà vị bậc thầy đánh giá là vô cùng chủ quan.

Nếu ai đó nói “đỏ” (tên của một màu) và có năm mươi người đang nghe, chúng ta có thể kỳ vọng rằng có năm mười màu đỏ hiện lên trong tâm trí họ. Và người ta có thể chắc rằng tất những màu đỏ này rất khác nhau.

Để trau dồi loại tầm nhìn này, Albers đã chỉ định “các nghiên cứu tự do” mà thực tế có các thông số nghiêm ngặt. Học sinh có thể được trao nhiệm vụ là thử thách chỉ sử dụng bốn màu để tạo ra thật nhiều hiệu ứng. Albers nhấn mạnh rằng những hạn chế như vậy, tuy nhiên, dẫn tới “một sự đa dạng đáng kinh ngạc của những tác phẩm độc lập hiếm khi có được trong một lớp học mà sinh viên chỉ được tiếp xúc với cái gọi là biểu hiện cá nhân”.

Nghiên cứu về sắc độ sáng (màu pha trắng) cho lớp học nền tảng của Joseph Albers (1931) do Heinrich-Siegfried Bormann thực hiện. Màu goát, than chì, và mực trên giấy.

Một bài tập của sinh viên Heinrich Bormann thể hiện sự thao túng nhận thức màu sắc để đạt được hiệu ứng trong suốt hoặc mờ đục. Nổi bật với màu tối nhất ở đỉnh và màu sáng nhất ở đáy, mỗi cặp hình vuông thể hiện sự tiến triển từ đục sang trong suốt. Dải màu cuối cùng của mỗi hình vuông ở dưới có độ trong suốt cao nhất, trong khi màu thuần khiết trên cùng là đục nhất. Những chỉ định này rất có ý nghĩa khi một người tưởng tượng một bức tranh thực tế: khi sắc độ pha nhiều trắng nhất được vẽ trên một mặt phẳng được bao phủ bởi sắc độ tối nhất, mắt sẽ cảm nhận nó như một tấm màn trong suốt hoặc một mảnh giấy nằm trên bề mặt của hình ảnh.

Ảnh hưởng của Johannes Itten

Công trình nghiên cứu về màu sắc của Itten được cho là nguồn cảm hứng cho việc phân tích màu sắc theo các mùa. Itten là người đầu tiên liên kết bảng màu với bốn loại và chỉ định những loại này bằng tên của các mùa. Những nghiên cứu của ông về bảng màu và tương tác màu ảnh hưởng trực tiếp trào lưu Op Art và các trào lưu dựa trên nền tảng trừu tượng màu sắc khác. 

Itten cho rằng mỗi người có mối quan hệ chủ quan với các hoà sắc khác nhau dựa trên đặc điểm cá nhân của họ – mà ông gọi là “hào quang”. Ví dụ, ông nói “loại người tóc vàng sáng với mắt xanh và da hồng có khuynh hướng màu rất thuần khiết, thường có rất nhiều chất lượng màu sắc được nhận biết rõ ràng. Tương phản họ màu là một tính chất cơ bản. Tuỳ vào mức độ mạnh mẽ của từng cá nhân mà màu có thể sáng ít hay nhiều hơn. Một kiểu rất khác được đại diện bởi những người tóc đen, da sẫm màu, và mắt màu tối, những người đó có màu đen đóng một vài trò quan trọng trong sự hài hoà.

Itten khuyên những người làm việc với màu sắc, chẳng hạn như người thợ cắm hoa, người trang trí nội thất, hay nhà thiết kế… tránh chọn bảng màu dựa trên sở thích cá nhân mà thay vào đó cân nhắc tới xu hướng của khách hàng và tình huống họ xử lý. Ông cũng đưa ra một lý thuyết về màu sắc theo mùa mô tả những quan sát và ấn tượng cá nhân của họ về màu sắc xuất hiện trong tự nhiên trong từng mùa. Ông chỉ ra rằng phản ứng cảm xúc của chúng ta đối với màu sắc mang tính chủ quan cao.

Itten mô tả mùa Xuân là trẻ trung, nhẹ, và rạng rỡ, thể hiện bằng những màu “toả sáng”, đặc biệt là vàng, vàng xanh, hồng, và tím phớt. Màu của mùa Đông nhìn chung thể hiện “sự rút lui, cái lạnh, toả sáng hướng tâm, trong suốt, loãng khí“.

Xuân
Hạ
Thu
Đông

Không lâu sau khi ông qua đời, những phân tích và chỉ định của ông trở nên nổi tiếng trong ngành mỹ phẩm khi Tô màu tôi bằng một mùa (Color Me A Season) được xuất bản. Các chuyên gia thẩm mỹ ngày nay tiếp tục sử dụng phân tích màu sắc theo mùa, một sự tôn vinh với những tác phẩm của Itten.

Các tác phẩm nổi bật

1916: Cuộc gặp gỡ

Sơn dầu trên toan – Kunsthaus Zurich, Thuỵ Sĩ.

Mặc dù Itten vẽ bức trừu tượng màu sắc này trước khi tới Bauhaus, nó đã bao gồm nhiều nguyên tắc cơ bản mà sẽ là trọng tâm cho việc giảng dạy của ông ở trường. Việc sử dụng các hình dạng hình học bao gồm hình xoắn ốc vượt trội và những hình chữ nhật cùng hình tròn lặp đi lặp lại, kèm theo khám phá về quang phổ màu sắc – báo trước những sự quan tâm của ông sau này. 

Tuy là một bức hoạ phi vật thể, Cuộc gặp gỡ được xếp lớp với cả ý nghĩa cá nhân lẫn biểu tượng. Nó là một phần của một chuỗi các bức tranh có bảng màu và bố cục tương tự nhau, được hoàn thành vào khoảng 1915 – 1916 và được liên hệ với việc tự sát của bạn gái Itten, Hildegard Wendland. Tác phẩm này, có tựa đề là Cuộc gặp gỡ (Meeting), tập trung vào hai dạng xoắn ốc đan xen nhau. Hình dạng đặc trưng này có một ý nghĩa bao quát hơn với tư cách là một dạng nguyên mẫu theo Thông thiên học của các hình thức hình học trong tự nhiên và là một biểu tượng cho cái siêu nghiệm, vượt lên trên thế giới vật chất cụ thể. 

Bức tranh cũng có thể được hiểu là một nghiên cứu về sự tương phản động của màu sắc, được tạo ra từ một dải rộng và đầy đủ của các sắc màu. Phần các dải sọc ngang ở phía dưới bên phải tranh cho thấy sự chuyển màu của các màu sáng, từ vàng đến xanh lam. Vây bên trên và bên trái là các dải sọc dọc màu kim loại được xếp chồng lớp bởi hình dạng chủ đạo là vòng xoắn ốc kép, tạo ra nhịp điệu của tối và sáng. Một nửa vòng xoáy này phân loại các màu sắc, nửa còn lại thể hiện các độ màu của xám, cho đến khi chúng gặp nhau ở trung tâm có màu xám và màu vàng phấn. Kết quả cho thấy một sự phân loại hài hoà với những sắc màu khác nhau, được lướt qua cùng nhau trong một cách sắp xếp hình học thống nhất. Sự nhấn mạnh của Itten đối với các hình dạng và màu sắc cơ bản được rút ra từ ảnh hưởng của Kandinsky, nhưng sẽ ảnh hưởng đến những người hướng dẫn và học viên khác ở Bauhaus, bao gồm cả Paul Klee và Josef Albers. 

1920: Nghiên cứu về tương phản (tái cấu trúc dự án của học viên – nghệ sĩ: Moses Mirkin)

Nhiều chất liệu khác nhau – Kho lưu trữ Bauhaus, Dessau, Đức

Tác phẩm của học viên này được hoàn thành trong khóa học sơ bộ Vorkurs của Itten, làm nổi bật cách lớp học chú trọng vào thử nghiệm chất liệu và nghiên cứu tương phản và hình thức. Đây là một bước đột phá mạnh mẽ đối với giáo dục nghệ thuật truyền thống vốn nhấn mạnh việc sao chép từ phôi tượng thạch cao và bản in. 

Được đào tạo để trở thành giáo viên tiểu học, Itten chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi phương pháp giáo dục của Friedrich Froebel, người cho rằng học tập được trọn vẹn thông qua vui chơi. Itten sẽ đề xuất một thử thách về hình ảnh hoặc cấu trúc trong lớp của mình, thường dựa trên sự khám phá về các chất liệu thông thường, và những học viên của ông sẽ có vài ngày để làm mô hình của họ. Họ bị ép phải làm việc bằng trực giác, phản ứng với những chất liệu để phát triển các giải pháp sáng tạo. Thay vì chấm điểm nỗ lực cá nhân, cái mà ông tin có thể dập tắt đi tính sáng tạo, Itten sẽ nói đến những lỗi chung mà học viên mình mắc phải rồi sau đó cho phép lớp học chọn ra tác phẩm thành công nhất. Hình thức thử nghiệm kết thúc mở, đối thoại nhóm và biểu đạt cá nhân này đã trở thành nền tảng của giáo dục nghệ thuật.

Khi tác phẩm điêu khắc này được tái sản xuất vào năm 1923 trong danh mục Bauhaus, nó được miêu tả là “hiệu ứng tương phản kết hợp, chất liệu tương phản (kính, gỗ, sắt), tương phản các hình thái biểu đạt (loang lổ – mịn màng); tương phản nhịp điệu. Bài tập để nghiên cứu sự tương đồng trong cách biểu đạt sử dụng đồng thời nhiều cách biểu đạt khác nhau”. Việc giảng dạy của Itten thường được nhóm lại quanh những tương phản đó, khuyến khích các học viên khám phá những đặc điểm “cốt yếu và đối nghịch” của nhiều chất liệu khác nhau. Sự nhấn mạnh vào tính vật liệu sau đó sẽ vươn xa khỏi lớp học mở đầu, và dẫn dắt các học viên đi suốt chương trình học tại Bauhaus vốn được tổ chức theo phương thức sáng tạo.

1920: Tháp lửa

Phiên bản tác phẩm do Michael Siebenbrodt tái dựng

Người sáng lập Bauhaus, Walter Gropius là một người được đào tạo để trở thành kiến trúc sư và kiến trúc vẫn là mục tiêu cuối cùng của phương pháp sư phạm Bauhaus, như một thể thống nhất tất cả các phương tiện khác. Itten đã thiết kế một số công trình kiến trúc trong thời gian làm việc tại trường, hầu hết đều dựa trên những hình thức hình học cơ bản theo các sắp xếp động. Thực vậy, tác phẩm điêu khắc mang tính kiến trúc này là một bản mẫu cho một di tích công khai chưa bao giờ được thực hiện. Các mô tả về dự án được đề xuất trong nhật ký của Itten cho thấy nó có thể được dự định để làm đèn hiệu cho sân bay Weimar. Mô hình được lắp đặt bên ngoài xưởng của Itten tại Bauhaus.

Toà tháp dâng lên quanh một lõi trung tâm với các mảnh nhô ra bằng thuỷ tinh màu vàng, xanh lam và đỏ lặp đi lặp lại. Các khối hộp xếp chồng lên nhau dự kiến được thành hình từ ba vật liệu khác nhau: bốn cái thấp nhất làm từ đất sét hoặc đá (để kết nối đến sự sống trên trái đất); bốn cái ở giữa là dạng kim loại che đi chiếc chuông (ghi chú của Itten không nói rõ về ý nghĩa này); bốn hộp lập phương trên cùng là biểu tượng cho bốn yếu tố chủ đạo là đất, nước, khí và lửa. Con số mười hai có ý nghĩa từ chính lý thuyết màu sắc của Itten, cũng như những thử nghiệm âm sắc đương đại trong âm nhạc và cả lịch truyền thống lẫn lịch hoàng đạo. Các khối hộp này được bao quanh bởi một chuỗi những hình thức tăng dần, đồng tâm, dạng nón cũng được xếp lớp với tầm quan trọng mang tính biểu tượng, được rút ra từ Thông thiên học và hình học thần bí. Vòng xoắn ốc là một dạng của siêu nghiệm, vượt lên trên vật chất để bắt lấy mức độ cao hơn của ý thức. Nó cũng là một dạng nguyên thuỷ, tái diễn trong các dạng tự nhiên, gợi ra thể liên tục của cái cổ đại và cái lý tưởng không tưởng khả thi của tương lai.

Mô hình tái hiện lại Đình bằng kính (Glass Pavilion) do Bruno Taut thiết kế và xây dựng năm 1914 cho Triển lãm Công đoàn Đức tổ chức ở Cologne

Tòa tháp của Itten có nét tương đồng với những thiết kế không tưởng khác của những năm đầu thế kỷ 20, gồm có kiến trúc thuỷ tinh của Bruno Taut và Đài tưởng niệm quốc tế thứ Ba của Vladimir Tatlin. Trong khi Itten có vẻ phản đối sự phát triển công nghiệp hoá của Bauhaus, ông đã kết hợp những chất liệu hiện đại này để tạo ra một cấu trúc tự nhiên và có tính biểu đạt ở đây. 

Nội dung dịch và tổng hợp từ The Art Story bởi Olivia Hà và các nguồn khác bởi Hương Mi Lê. Nguyên bản tiếng Anh trên The Art Story của Sarah Archino.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Johannes Itten Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…