Jan Tschichold (Phần 2)

Phần sau sự nghiệp: tị nạn ở Switzerland và thành công tại Anh

Cho đến năm 1933, Tschichold đã thiết kế một số tác phẩm theo phong cách Bauhaus và Ký tự pháp mới. Ông chỉ mất vài năm để truyền bá Ký tự pháp mới nhưng Đức Quốc xã đã nhanh chóng chấm dứt bất cứ điều gì ông đạt được. Ký tự pháp trong thời kỳ Đức quốc xã vẫn còn nguyên sự khô khan và nghèo nàn như những năm trước 1925.

Cùng vào thời điểm này, ông đã phải chạy trốn khỏi chính phủ Đức Quốc xã sau khi bị khám xét nhà, bị bắt giam tạm thời và mất việc làm. Tschichold buộc phải tìm nơi ẩn náu ở Thụy Sĩ. 

Tschichold bắt đầu làm việc tại Trường Nghệ thuật Ứng dụng Basel cũng như làm việc bán thời gian tại nhà xuất bản Benno Schwabe ở Basel. Khởi đầu mới này gây ra nhiều khó khăn về mặt tài chính cũng như sự vắng bóng của những công việc phù hợp và thú vị với ông. Ngoài ra, là người nước ngoài, ông có thể bị mất giấy phép lao động hoặc cư trú bất cứ lúc nào. 

Tuy nhiên, cũng có một số điểm nổi bật. Cuốn sách Typographische Gestaltung (Thiết kế Ký tự pháp) của ông xuất hiện vào năm 1935 và đã có 1000 đơn đặt hàng ngay cả trước khi được in. Cùng năm đó, Tschichold trưng bày tác phẩm của mình tại cửa hàng in Lund Humphries lớn ở London. Sau đó vào năm 1938, ông cũng nhận được nhiệm vụ thiết kế ký tự pháp cho tạp chí Penrose thường niên, một tạp chí nổi tiếng thế giới.

Bìa sách Typografische Gestaltung, 1935

Cuốn sách tiếp theo của ông xuất hiện vào năm 1942 với tiêu đề Schriftkunde Schreibübungen und Skizzieren (Lý thuyết, thực hành và phác thảo ký tự pháp). 

Tschichold đã bắt đầu tách khỏi ảnh hưởng của Bauhaus và phong cách hiện đại, quay trở lại với kiểu chữ và nghệ thuật cổ điển. Điều này thể hiện rõ qua vô số thiết kế mà ông sản xuất trong thời kỳ này. Kể từ năm 1938, ông đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật in sách. Ông từ bỏ cách sắp xếp bất đối xứng của kiểu chữ công nghiệp và bắt đầu căn giữa cho hầu hết các tác phẩm của mình.

Bìa sách Schriftkunde Schreibübungen und Skizzieren, 1942 cho thấy Jan Tschichold đã quay trở lại với kiểu chữ serif cùng cách căn gióng đối xứng đặc trưng của phong cách cổ điển.

Từ năm 1933 đến năm 1946, Tschichold đã viết nhiều bài báo, một phần do áp lực tài chính. Đến năm 1941, cuối cùng thì những năm tháng khó khăn này cũng kết thúc khi ông được mời làm nhân viên chính thức tại công ty đang phát triển Birkhaeuser ở Basel. Để ghi nhận những đóng góp của ông trong thời gian này, Tschichold đã được trao quyền công dân tại Basel vào năm 1942.

Năm 1946, Jan Tschichold viết rằng “thái độ thiếu kiên nhẫn của Ký tự pháp mới ăn khớp với xu hướng nhắm tới sự tuyệt đối của người Đức cũng như ý chí quân sự của họ nhằm giữ quyền kiểm soát đi kèm tuyên bố quyền lực tuyệt đối; điều này phản ánh những khía cạnh đáng kinh sợ trong tính cách người Đức, những phần đã làm ngòi kích quyền lực cho Hitler và Chiến tranh thế giới thứ hai.” 

Tschichold bắt đầu nhận thấy rằng các nhà thiết kế đồ họa nên làm việc theo truyền thống nhân văn đã kéo dài qua nhiều thời đại và được đúc kết từ kiến thức và thành tựu của những nghệ nhân sắp chữ bậc thầy trong quá khứ. Hơn nữa, Ký tự pháp mới chỉ phù hợp để quảng cáo các sản phẩm công nghiệp và truyền thông về hội họa và kiến trúc đương đại, nhưng sẽ thật điên rồ khi sử dụng nó cho một tập thơ baroque. Jan Tschichold thẳng thừng gọi việc đọc những trang dài với kiểu chữ sans-serif là “một sự tra tấn thực sự.” 

Trong những năm 1940, đặc biệt là với công việc từ năm 1947 đến năm 1949 với tư cách là nhà thiết kế cho Penguin Books ở London, Tschichold đã dẫn đầu một cuộc phục hưng cho Ký tự pháp truyền thống trên toàn thế giới.

Bìa sách cho The Pelican History of Art, 1947. Sự đối xứng cổ điển của thiết kế này có một sức hút và sự tinh tế sánh ngang với các bản khắc La Mã và tác phẩm tốt nhất của Baskerville và Bodoni.

Tại thời điểm này, ông tin rằng các nhà thiết kế nên thực hành dựa trên việc nghiên cứu toàn bộ lịch sử thiết kế để tạo ra các giải pháp thể hiện nội dung. Trong khi phần lớn các tác phẩm sau này của ông sử dụng cách sắp xếp đối xứng và kiểu chữ serif cổ điển, ông ủng hộ quyền tự do tư tưởng và biểu đạt nghệ thuật. Ông thậm chí còn tán thành việc thi thoảng sử dụng họa tiết chữ trang trí bởi “hiệu ứng mới mẻ, giống như một bông hoa trên địa hình đá” của chúng. Ông quan sát thấy rằng có lẽ một người trước tiên phải đánh mất tự do của mình (như anh ta đã có) trước khi anh ta có thể khám phá ra giá trị thực sự của nó.

Bìa sách bìa mềm, năm 1950. Bố cục được áp dụng chung cho chuỗi tác phẩm The Penguin Shakespeare này gợi nhớ đến các thiết kế và bản in từ thời đại Shakespeare.

Vào mùa hè năm 1945, nhà in sách nổi tiếng người Anh Oliver Simon và nhà xuất bản Penguin Books, Allan Lane đã đến Basel để thuyết phục Tschichold gia nhập nhà xuất bản với tư cách là nhà sắp chữ/nhà thiết kế Ký tự pháp. Tschichold rất vui khi nhận lời nhưng phải một năm sau đó ông mới có thể chuyển đến London. Ông bắt đầu làm lại hệ thống Ký tự pháp của sách Penguin vào năm 1946, một nhiệm vụ to lớn bao gồm việc đại tu toàn bộ bố cục chữ của sách. Tschichold đã đưa ra các quy tắc sắp xếp chữ nghiêm ngặt để nâng cao tính hình thức cho việc in ấn. 

Phác thảo logo đặc trưng cho Penguin Books của Jan Tschichold trong những năm đầu tiên ông làm việc tại đây

Từ năm 1947 đến năm 1949, Tschichold đích thân giám sát việc phát triển hơn 500 cuốn sách. Với tư cách là Trưởng bộ phận Sản xuất và Ký tự pháp, ông đã phát triển Quy tắc Bố cục Penguin – một cuốn hướng dẫn nhỏ gồm bốn trang để chuẩn hóa các định dạng và thông số kỹ thuật in. Trong khi rà soát, ông chú trọng đến bố cục, chính tả, ngữ pháp, cách sử dụng kiểu chữ – cũng như việc in các vở kịch và thơ.

Bản scan 4 trang Quy tắc Bố cục Penguin do Jan Tschichold xây dựng

Quy tắc Bố cục Penguin đóng một vai trò quan trọng trong việc thống nhất thiết kế cho các bộ sách tại Penguin. Trước đó, các nhà in khác nhau chỉ đơn thuần sản xuất sao cho những cuốn sách họ in trông giống với bản gốc của Penguin. Hệ thống quy tắc mới Jan Tschichold tạo ra cho Penguin đã mang lại sự hài hòa và cả hiệu quả về kinh tế cho quy trình xuất bản và phối hợp với các xưởng in.

Bản phác thảo và bản hoàn thiện mà Jan Tschichold làm cho thiết kế bìa sách tiêu chuẩn của Penguin Books

Trong vài năm làm việc ở London, Tschichold đã nhận được nhiều sự kính trọng và được vinh danh là thành viên danh dự của Câu lạc bộ Double Crown London, một nhóm chọn lọc gồm các thợ sắp chữ và thợ in người Anh.

Những năm cuối đời

Ngay sau khi trở về Thụy Sĩ vào cuối năm 1949, sự sụt giảm nghiêm trọng về giá trị của đồng bảng Anh đã khiến Tschichold bắt đầu cân nhắc về một vị trí tại trường đào tạo thạc sĩ về in sách của Đức ở Munich. Do những điều kiện bất khả kháng, Tschichold buộc phải từ bỏ quyền công dân Thụy Sĩ của mình.

Một trong những cuốn sách quan trọng nhất của Tschichold, Meisterbuch der Schriften (Tổng kết Ký tự pháp), đã được xuất bản trong thời gian này. Cuốn sách tổng kết sự nghiệp 30 năm của ông với các thực hành Ký tự pháp qua các thời kỳ.

Bìa sách Meisterbuch der Schriften, 1952

Năm 1955, Tschichold đảm nhận vị trí nhà thiết kế ký tự pháp tại công ty Hoffmann-La Roche ở Basel. Ông đã nhận được nhiều sự công nhận và lời mời cộng tác từ khắp Châu Âu và Hoa Kỳ. Cuốn sách được dịch và đọc nhiều nhất của ông, Willkürfreie Massverhältnisse der Buchseite und des Satzspiegels (Tỷ lệ tùy ý của trang sách và khu vực chữ), xuất hiện lần đầu vào năm 1962 và được tái bản 18 lần.

Bìa sách Willkürfreie Massverhältnisse der Buchseite und des Satzspiegels, 1962

Vào đầu năm 1967, Tschichold đến Hoa Kỳ và có các buổi nói chuyện ở Chicago cũng như tại các trường đại học Harvard và Yale. Trong khi các kiểu chữ Tschichold đã từng thiết kế cho một trong những máy sắp chữ ảnh (photo-typesetting) đầu tiên không tạo được mấy tiếng vang, thì Sabon, phông chữ được ông phát triển từ 1964-1967, đã xuất hiện tại các xưởng chữ lớn như Linotype, Stempel và Monotype.

Bản thảo cùng các ghi chú của Jan Tschichold cho phông chữ Sabon, 1965

Tschichold tiếp tục thiết kế, nghiên cứu và xuất bản các bài viết ở Thụy Sĩ cho đến khi ông qua đời vào năm 1974.

Di sản 

Năm 1972, vào ngày sinh nhật lần thứ 70, ông đã viết một đoạn văn để tặng cho chính mình, “Trong thế kỷ 20, có hai người mang lại sức ảnh hưởng mạnh mẽ cho typography: một là Stanley Morison, đã mất vào năm 1967, và người còn lại là Jan Tschichold.” Trước Ký tự pháp mới, đã có nhiều thể nghiệm về bố cục bất đối xứng phá cách cùng tương phản màu sắc nét. Có thể kể đến bìa tập thơ như phát ra âm thanh Zang Tumb Tuuum: Adrianople October (1914) của F.T. Marinetti trong chủ nghĩa Vị lai hay tấm áp phích cổ động táo bạo với các mảng đen đỏ trắng Hạ gục bọn Trắng bằng những Nêm Đỏ (Beat the Whites with the Red Wedge) của El Lisitskiy trong chủ nghĩa Kiến tạo và nhiều thiết kế khác từ nhóm Bauhaus. Ta thấy rõ ảnh hưởng sâu sắc của nghệ thuật hiện đại tới tư duy của Jan Tschichold trong việc hình thành nên phong cách Ký tự pháp mới. 

Jan Tschichold có thể không phải là người đầu tiên thực hành theo phương pháp này nhưng chắc chắn là người có công lớn trong việc tổng hợp và truyền bá ý tưởng ấy một cách bền bỉ và khúc triết nhất. Mọi thực hành Ký tự pháp của Jan Tschichold trong nhiều năm càng có thêm sức nặng khi đi kèm với nó là khối lượng lớn nội dung tri thức mà ông ghi lại để diễn giải và giao tiếp với công chúng về nó. Điều thực sự khiến Jan Tschichold có sức ảnh hưởng mạnh mẽ như chính ông tự nhận xét đến từ sự kiên trì của một nhà giáo dục thuần khiết.  

Quang Khải dịch và tổng hợp. Hương Mi Lê hiệu đính

Nguồn tham khảo chính

1. https://www.linotype.com/794/in-honor-of-the-100th-birthday-of-jan-tschichold.html

2. Jan Tschichold and the New Typography (p335 – Megg’s History of Graphic Design)

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Jan Tschichold Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler, một trong những người có đóng góp lớn vào lịch sử nghệ thuật nói chung và nước Mĩ hậu chiến nói riêng, đã tiên phong khởi xưởng hội…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko, tác giả của nhiều bức tranh trong danh sách những tác phẩm đắt nhất thế giới, đã phát triển phong cách đặc trưng của mình vào cuối những…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Liệu Mark Rothko là một thiên tài hay là một kẻ lừa đảo? Đây là câu hỏi mà các nhà sử học nghệ thuật và những người mê nghệ thuật…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
“Chúng ta bắt đầu với màu sắc”, đó là lời tuyên bố nổi tiếng của Rothko vào năm 1936 lúc ông viết một cuốn sách so sánh nghệ thuật của…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman đã để lại số tiểu luận, thảo luận, ý tưởng cũng nhiều và quan trọng như những tác phẩm nghệ thuật tiến bộ và khác biệt của ông.…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Nói rằng “Một hoạ sĩ là một biên đạo không gian”, Barnett Newman phát minh ra cái mà ông gọi là “zip”, một dải màu chạy dọc. Và như thế,…