Isamu Noguchi (Phần 2)

Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù điêu tranh tường, thiết kế cảnh quan (vườn), cho đến thiết kế đồ nội thất. Cụ thể là tượng chân dung của R. Buckminster Fuller, tượng Cái chết (Death), phù điêu-tranh tường Lịch sử như thấy từ Mexico (History as Seen from Mexico in 1936), tượng Kouros, bàn Noguchi, vườn Nhật Bản cho UNESCO tại Paris, đèn Akari, tượng Khoảng trống năng lượng (Energy Void), và điêu khắc Cái giếng (The Well).

  • [Thế giới hữu hình] bước vào ý thức của chúng ta dưới dạng cảm xúc cũng như là tri thức; cây mọc mạnh mẽ, hoa treo phù du, núi trải im lìm – với ý nghĩa. Sự hứa hẹn của điêu khắc là phóng chiếu những sự hiện diện nội tại này thành những hình thức có thể được công nhận là quan trọng và đầy ý nghĩa trong đó.
  • “Tôi thích nghĩ về những khu vườn như sự điêu khắc của không gian: một sự bắt đầu, và một sự mò mẫm tới một cấp độ khác của trải nghiệm và ứng dụng điêu khắc: một không gian điêu khắc toàn diện vượt lên từng tác phẩm đơn lẻ.
  • Chúng ta là phong cảnh của tất cả những điều ta từng thấy.

Những tác phẩm tiêu biểu

1929: Chân dung R. Buckminster Fuller (Portrait of R. Buckminster Fuller)

Đồng mạ crom

Trong những năm 1920 và 1930, nguồn tài chính chủ yếu của Noguchi đến từ việc điêu khắc các bức tượng chân dung bán thân. Tại thời điểm này, ông đã theo học Brâncuși và bắt đầu tạo ra các tác phẩm điêu khắc trừu tượng của riêng mình, nhiều trong số đó kết hợp các dạng hình học và hữu cơ. Mặc dù những bức chân dung được đặt hàng mang tính đại diện hơn phần lớn sản phẩm nghệ thuật của ông, những tác phẩm điêu khắc mạnh mẽ này vẫn cho thấy sự quan tâm của Noguchi đối với cái trừu tượng cũng như hiểu biết sâu sắc của ông về chất liệu và đặc tính của nó. 

Tác phẩm Chân dung của R. Buckminster Fuller mang dáng vẻ của nhà phát minh, nhà lí thuyết và kiến trúc sư, người đã trở thành bạn vong niên của Noguchi, được bao phủ bởi lớp crom công nghiệp có mức độ phản chiếu mạnh. Người nghệ sĩ tuyên bố rằng những vật liệu công nghệ cao này đã tạo ra “hình khối không có bóng”, nghĩa là bản thân sự phản chiếu trở thành một yếu tố điêu khắc. Việc lựa chọn chất liệu hiện đại cho tác phẩm này cũng liên quan đến công việc của Fuller với công nghệ. Noguchi thực sự là một nhân vật quốc tế và đáng chú ý vì đã hợp tác với những người hàng đầu giới nghệ thuật, khiêu vũ, văn học và khoa học thế kỷ XX. Trong suốt cuộc đời của mình, người ta đã nhận xét rằng ông thực sự biết tất cả những người nổi tiếng.1934: Cái chết (Người bị hành hình) (Death [Lynched Figure)]

Monel, thép, gỗ, và dây thừng – Quỹ Isamu Noguchi

Được Noguchi coi là một đại tác phẩm quan trọng thời kì đầu, Cái chết (Người bị hành hình) (Death [Lynched Figure]) là minh chứng cho quan điểm chủng tộc tiến bộ và cam kết xã hội mạnh mẽ của người nghệ sĩ. Noguchi đã mô phỏng hình người vặn vẹo đau đớn, bị treo trên dây theo bức ảnh chụp George Hughes người Mĩ gốc Phi bị treo cổ phía trên đống lửa, quắn lại đau đớn; Hughes bị treo cổ ở Texas vào năm 1930. Bức ảnh kinh hoàng về Hughes sau đó đã được đăng lại trên tạp chí cộng sản Labor Defender  (Người bảo vệ Lao động) và Noguchi đã nhìn thấy bức ảnh ở đây. 

Về hình thức, tác phẩm điêu khắc này khác thường vì Noguchi treo tượng cao khỏi mặt đất trên một dạng cấu trúc cột kim loại. Noguchi tạo ra tác phẩm Cái chết cho một cuộc triển lãm năm 1935 cho NAACP tổ chức nhằm phản đối sự gia tăng hành hình trên toàn quốc và cũng để gây áp lực bảo tổng thống Franklin D. Roosevelt ban hành luật cấm bạo lực luật rừng như vậy; nhưng FDR đã không làm vậy. Trong khi tác phẩm điêu khắc được đón nhận nồng nhiệt, một số nhà phê bình đã phản ứng gay gắt, bộc lộ sự phân biệt chủng tộc của chính họ khi cho rằng nghệ sĩ không phải người bản xứ và trong một trường hợp coi tác phẩm điêu khắc khiêu khích là “một sai lầm của Nhật lùn”. Cảm xúc trần trụi và năng lượng cần thiết của Cái chết (Người bị hành hình) vẫn còn mạnh mẽ cho đến ngày nay.

1936: Lịch sử như ta thấy từ Mexico năm 1936 (History as Seen from Mexico in 1936)

Xi măng có màu, bê tông, và gạch – Chợ Abelardo L. Rodriquez, Thành phố Mexico

Được coi là một trong những tác phẩm nghệ thuật công cộng quan trọng và sáng tạo nhất vào ​​những năm 1930, phù điêu sâu táo bạo này xuất phát từ sự tham gia của Noguchi vào thế giới cách mạng của trí thức Mexico. Bức tranh tường điêu khắc là dự án công cộng đầu tiên mà Noguchi hoàn thiện toàn bộ, nói lên những lịch sử đan xen cũng như chủ nghĩa hiện đại của Mexico và Hoa Kì. Bức tranh tường ba chiều thể hiện ảnh hưởng về mặt thẩm mĩ và chính trị của các họa sĩ vẽ tranh tường người Mexico như Diego Rivera và José Clemente Orozco trong việc lựa chọn định dạng tranh tường và cả biểu tượng cánh tả công khai của nó – ví dụ như bàn tay siết chặt của người công nhân hay cánh đồng đã cày xới. 

Chính David Alfaro Siqueiros, họa sĩ vẽ tranh tường vĩ đại thứ ba của Mexico, là người đã truyền cảm hứng cho Noguchi sử dụng những vật liệu sáng tạo nghệ thuật như vậy, chẳng hạn như cách dùng xi măng không chính thống, tin rằng nghệ thuật hiện đại phải được tạo ra bằng các phương tiện hiện đại. Noguchi đã chọn đặt tác phẩm của mình ở một khu chợ phổ thông để những người dân bình thường ở Mexico, hay đại chúng, có thể bắt gặp nó trong cuộc sống hàng ngày của họ. Mục đích của tác phẩm là truyền cảm hứng cho những người bị tước đoạt ở Mexico tham gia vào sự nghiệp cách mạng. Cách truyền thể sự trừu tượng của tác phẩm chưa từng có trong nghệ thuật hiện đại Mexico và bắt nguồn nhiều hơn từ sự quen thuộc sâu sắc của Noguchi với chủ nghĩa hiện đại châu Âu.

1944-45: Kouros

Đá cẩm thạch – Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mĩ

Vào những năm 1940, Noguchi đã thực hiện một loạt tác phẩm điêu khắc gồm nhiều phiến lồng vào nhau, dựa trên các hình thức dạng sinh học lấy cảm hứng từ chủ nghĩa Siêu thực, sự trừu tượng hữu cơ, nghệ thuật truyền thống Nhật Bản và hình trạng đơn giản hóa của Brâncuși. Phương thức biểu đạt dạng hình thái sinh học (biomorphism) xuất hiện trong phần lớn tác phẩm của Noguchi – cả trong những điêu khắc độc lập và thiết kế đồ nội thất. Kouros, tác phẩm lớn nhất trong sê-ri và có tựa đề dựa theo từ Hi Lạp có nghĩa là “người đàn ông”, mô tả một hình dạng con người ba chiều, bị phân mảnh, được thể hiện với các bề mặt phẳng mịn, lồng vào nhau được xẻ rãnh và ghép với nhau trong một trạng thái cân bằng căng cứng. 

Gốc rễ thẩm mĩ trong điêu khắc của Noguchi nằm ở khởi nguyên của nền văn hóa phương Tây, trong tương quan giữa Hi Lạp cổ đại và sự sùng kính của nó với hình tượng chàng trai trẻ, cả trong xã hội và trong điêu khắc tượng. Người đàn ông Hi Lạp được lí tưởng hóa đại diện cho đỉnh cao của cái đẹp và sự hoàn hảo của con người trong xã hội phương Tây cho đến tận những lí tưởng nghệ thuật và chính trị chủng tộc thế kỉ 19 – đầu thế kỉ 20. Do là con lai, Noguchi và những người Mĩ lai Nhật khác phải chịu sự phân biệt chủng tộc công khai trước, trong, và sau Thế chiến thứ hai, nhận thấy danh tính của họ bị chia đôi thay vì được coi là một tổng thể thống nhất. Những gì Noguchi đã đạt được với Korous là thách thức nền móng của nghệ thuật và xã hội phương Tây, biến hình dạng con người lí tưởng thành những khối liền và khoảng không, một tổng thể có thể tháo rời và sắp xếp lại, giống như Noguchi trải nghiệm danh tính của mình một cách khác nhau trong nhiều tình huống chính trị và xã hội khác nhau.

1944: Bàn Noguchi

Gỗ, thủy tinh – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York, Mĩ

Thiết kế tốt có thể cho phép nghệ thuật, bao gồm cả nghệ thuật tiền tiến, thâm nhập và nâng cao cuộc sống của người dân. Noguchi thực hiện lí tưởng này bằng cách tinh giản một chiếc bàn xuống chỉ còn ba yếu tố cơ bản: hai miếng gỗ có hình dáng mượt mà – không sơn để khai thác thớ gỗ tự nhiên, lồng vào nhau để tạo ra một giá ba chân đỡ mặt kính. Noguchi từ chối tất cả các chi tiết trang trí dư thừa, để cho bản chất thực sự của vật liệu lên tiếng đồng thời làm nổi bật sự sang trọng của các hình thức đơn giản. Bàn Noguchi không che giấu điều gì, để lộ mọi thứ về sự đơn giản của vật liệu và kết hợp hài hòa giữa thiết kế với công năng. Noguchi tạo ra chiếc bàn mang tính biểu tượng này vào năm 1944 và ngày nay nó vẫn được tập đoàn Herman Miller bán rộng rãi. Đây được coi là một trong những tác phẩm quan trọng nhất từng được thiết kế của nội thất hiện đại và đáng chú ý hơn nữa là có thể được tìm thấy trong phòng khách, cũng như các viện bảo tàng, trên khắp thế giới ngày nay.

1956-58: Khu vườn Nhật Bản (Jardin Japonais) – Khu vườn của UNESCO

Trụ sở UNESCO, Paris

Noguchi biết đến những khu vườn Nhật Bản lần đầu trong chuyến thăm quê hương của cha mình vào những năm 1930. Đến những năm 1950, ông bắt đầu thiết kế những khu vườn độc đáo của riêng mình. Vườn thiết kế đã trở thành một khái niệm quan trọng cho các cảnh quan mang tính điêu khắc của ông, thứ mà ông coi như một phương tiện để tích hợp nghệ thuật vào môi trường xã hội. Ông xem tác phẩm của mình như một “tác phẩm điêu khắc của không gian” hơn là một bộ sưu tập các mảnh rời rạc.

Khu vườn Nhật Bản (Jardin Japonais), làm cho trụ sở UNESCO ở Paris, là ủy quyền về cảnh quan lớn đầu tiên của ông. Noguchi cảm thấy rằng những khu vườn nên được trải nghiệm như thiên nhiên hoang sơ, vì vậy ông đã đưa vào các yếu tố như hình dạng hữu cơ tổng thể và những chiếc đèn lồng làm bằng đá tự nhiên. Ông đã sắp xếp những viên đá Nhật Bản được lựa chọn cẩn thận, dựa trên cả truyền thống Nhật Bản và thiết kế độc đáo của riêng mình, kết hợp kĩ năng của một nhà thiết kế với sự quan tâm cao độ đến thế giới tự nhiên. Việc nhà bảo trợ của Noguchi là Liên hợp quốc cho một địa điểm ở Pháp nói lên danh tiếng quốc tế, cũng sự đánh giá cao dành cho nghệ sĩ cũng như khả năng đại diện của ông cho những lí tưởng cao nhất của thực thể quốc tế này.

Kh. 1966: Đèn Akari E

Giấy vỏ dâu, tre và dây – Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, New York

Vào những năm 1940, Noguchi tạo ra những tác phẩm điêu khắc được chiếu sáng đầu tiên của mình, loạt tác phẩm Mặt trăng (Lunars). Trước đó, ông cũng đã khám phá ra ý tưởng điêu khắc bằng ánh sáng. Loạt Mặt trăng của ông chứng minh cách nghệ sĩ tiếp tục lấy cảm hứng từ các hình dạng sinh học của chủ nghĩa Siêu thực, kết hợp magnesit và bóng đèn. Năm 1951, Noguchi mở rộng công thức cơ bản của mình để tạo ra các tác phẩm Akari theo yêu cầu của thị trưởng thành phố Gifu, Nhật Bản, nhằm hiện đại hóa các thiết kế đèn lồng địa phương; một lần nữa, Noguchi đã kết hợp truyền thống và hiện đại. Các thành phẩm đã được trưng bày và sản xuất hàng loạt kể từ năm 1955. Noguchi đã hình dung Akari (có nghĩa là “ánh sáng như sự chiếu sáng”) của mình như hai tác phẩm điêu khắc – vừa là bản thân hình thức bề ngoài của tác phẩm vừa là hình dạng tạo ra bởi ánh sáng phát ra. Đối với Noguchi, ánh sáng là một loại phương tiện khác để làm việc, một loại phương tiện thách thức ý tưởng về vật chất thông qua sự thanh khiết nguyên bản của nó, đồng thời tỏa sáng cả thế giới tự nhiên và thế giới công nghiệp.

1971: Khoảng trống năng lượng (Energy Void)

Đá granite – Quỹ Isamu Noguchi

Noguchi bắt đầu sê-ri Khoảng trống (Void) của mình ở Ý, nhưng ông đã khắc tác phẩm lớn nhất, Khoảng trống năng lượng vào năm 1971, tại xưởng của mình trên đảo Shikoku, Nhật Bản. Ở đó, ông chủ yếu làm việc với đá bazan – một loại đá địa phương – và đá granite trong suốt thời gian còn lại của sự nghiệp, chia thời gian làm việc tại các xưởng ở Mĩ và Nhật Bản. Ở đây, với Khoảng trống năng lượng, Noguchi đã làm việc với đá granite đen của Thụy Điển ở quy mô lớn (cao khoảng 1,83m), và xây dựng xưởng của mình xung quanh tác phẩm. Trong những tác phẩm điêu khắc trừu tượng Khoảng trống này, Noguchi nhấn mạnh tầm quan trọng của không gian âm trong điêu khắc dựa trên các khái niệm về tính không của Phật giáo Thiền tông. Ông cũng tìm thấy nguồn cảm hứng từ các định luật vật lí đề cập đến dòng năng lượng tuần hoàn xuyên qua mọi vật chất, được thấy ở đây trong vòng lặp liên tục của tác phẩm. Tác phẩm không bắt đầu cũng không kết thúc mà gợi lên dòng chảy vô tận của năng lượng và của chính cuộc sống.

1982: Cái Giếng (The Well) – Biến thể của Tsukubai*

Nước, đá Bazan – Quỹ Isamu Noguchi

Nằm trong khu vườn tại Bảo tàng Noguchi ở New York, Cái Giếng thể hiện khả năng làm chủ các yếu tố tự nhiên của Noguchi và sự hiện diện mạnh mẽ của thẩm mĩ Nhật Bản. Đây là một biến thể của một tsukubai, hay một loại chậu rửa của người Nhật nằm ở nơi cổng vào khu vực linh thiêng, để những người viếng thăm rửa tay và miệng của họ trước khi tham gia một nghi thức trà đạo hay thăm một đền thờ Phật. Noguchi đã làm việc với đá suốt cả cuộc đời, lần đầu tiên học cách chạm khắc khi còn là trợ lí cho Constantin Brâncuși. Noguchi tạo ra những tác phẩm điêu khắc đá cuối cùng của mình tại xưởng trên đảo Shikoku, Nhật Bản, nơi ông làm việc với đá bazan địa phương. Cái Giếng cân bằng hoàn hảo giữa chủ nghĩa Hiện đại với đồ tạc đá truyền thống của Nhật Bản, giữa tính nhân tạo và tính tự nhiên. Tác phẩm kết hợp các tương phản tự nhiên: tính lưu động và độ trong suốt của nước đối lập với đá đen, rắn. Được lọc từ bên dưới lên, nước nhẹ nhàng lướt qua bề mặt Cái Giếng; có một chỗ lõm nhẹ phía trên tạo thành vũng nước trước khi chảy xuống. Noguchi kết hợp một cách gợi cảm các yếu tố tự nhiên, tạo nên một tác phẩm vừa đáng suy ngẫm vừa vui tươi.

Nguyên bản tiếng Anh do Những cộng sự của The Art Story tổng hợp, viết, và hiệu đính, Tố Uyên dịch sang tiếng Việt, Hương Mi Lê minh hoạ và viết lời đề tựa.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Isamu Noguchi Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…