Huỳnh Dũng Nhân: ‘Một dự án được minh họa đẹp nhưng không có tính ứng dụng thì cũng chỉ là bộ quần áo đẹp.’
“Nhìn con người ta thấy mà thèm”, “Suốt ngày cầm điện thoại”, “Phòng ốc như cái chuồng heo”, “Có mỗi học thôi cũng không xong là thế nào?”,… Ai trong số chúng ta chắc hẳn đều đã từng được nghe những lời “mắng yêu” này từ quý vị phụ huynh và cậu bạn Huỳnh Dũng Nhân (hay Nhadunique) – tác giả của dự án board game “Mẹ Chửi” cũng không phải ngoại lệ.
“Board game là thể loại trò chơi cờ bàn, bao gồm hai hay nhiều người tương tác trực tiếp với nhau thông qua một bàn cờ. Board game thường được sử dụng để chơi với các vật dụng như: lá bài, quân cờ, bàn cờ, xí ngầu, thẻ card, xúc xắc,… hỗ trợ cho từng cuộc chơi. Mỗi trò board game đều có quy luật chơi khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp, song đều hướng đến một mục tiêu cuối cùng là đánh bại đối thủ hoặc tích điểm. Để có thể chiến thắng, người chơi đòi hỏi cần vận dụng óc phán đoán, suy luận, lập chiến lược hay chiến thuật riêng cho mình. Ngoài ra thì những trò board game đôi khi còn phụ thuộc vào độ may mắn của người chơi nữa.”
Firststep.vn
Tại Việt Nam, board game là một trong những trào lưu đang nổi lên trong giới trẻ hiện nay. Tách biệt khỏi các trò chơi đã quá phổ biến và quen thuộc như Uno, Ma sói, Mèo nổ hay những game mang tính truyền thống dân gian như Cờ cá ngựa, Cờ tỷ phú,… “Mẹ Chửi” của Dũng Nhân như một sự giao thao giữa nét văn hoá đáng yêu của những người Mẹ Việt Nam với lối chơi thẻ bài mới mẻ. Hay nói cách khác là: “Board game thế hệ mới, nội dung thế hệ cũ”.
Mẹ Chửi là đồ án tốt nghiệp của Dũng Nhân tại Trung tâm đào tạo Thiết kế đồ hoạ DPI, lấy cảm hứng từ những “lời đường mật” của Mẹ để xây dựng thành trò chơi board game. Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính – Mẹ Gấu Hồng cùng các thành viên trong gia đình gồm Bố, Anh hai và Út. Mỗi lá bài với hình minh hoạ vui nhộn và màu sắc sặc sỡ là mỗi câu chửi và “vũ khí” mang tính sát thương cao của Mẹ như dép lê hay chổi lông gà.
Cùng iDesign lắng nghe Dũng Nhân kể lại những câu chuyện đằng sau dự án thú vị này nhé!
Sự tích đằng sau sự ra đời của Mẹ Chửi
“Buổi tối trước khi trình bày ý tưởng cho các thầy cô cố vấn, mình đang cho cá ăn. Đột nhiên trời nổi gió làm rơi quần áo mẹ phơi xuống hồ cá. Mình mới nhặt lên và nói: “Mẹ ơi đồ rơi rồi”. Thay vì được khen vì đã nhắc mẹ thì mình lại được tặng “lời đường mật” rằng: “Còn không biết tự nhặt lên à mà báo cáo nữa, toàn ăn với sai tôi là giỏi”. Chắc cơn gió đó là tín hiệu từ vũ trụ gửi đến mình, nên mình đã nghĩ sao không thử xếp hạng mấy câu nói của các mẹ xem sao. Và vậy là ‘Mẹ Chửi’ ra đời.” (cười)
Dũng Nhân đã dành ba tháng để có thể hoàn thành dự án “Mẹ Chửi”. Trong ba tháng này, giai đoạn lên ý tưởng, lựa chọn những câu nói đặc trưng cũng như nghĩ ra câu chuyện minh hoạ chiếm khoảng một nửa thời gian của dựa án. Xuyên suốt dự án được bao trùm một màu hồng tươi đặc trưng. Chia sẻ về lựa chọn màu sắc này, Nhân muốn tăng phần nữ tính cho tạo hình Gấu Mẹ với biểu cảm vốn rất “quạo”. Hơn nữa thì màu hồng tươi rất bắt mắt, trẻ trung để thu hút đối tượng chính mà “Mẹ Chửi” muốn hướng đến là giới trẻ.
‘”Mẹ Chửi‘ không chỉ là một trò chơi. Đó là cả một văn hoá.“
Câu chuyện là yếu tố quyết định dự án có thành công hay không. Mình nghĩ một dự án dù được minh họa đẹp nhưng không có tính ứng dụng hay chứa đựng các yếu tố nhân văn thì tác phẩm cũng chỉ là bộ quần áo đẹp, thoáng qua rồi sớm quên. Chính vì vậy, mình quyết tâm không để lãng phí từ khoá “mẹ chửi” này. Đây là chủ đề gắn liền với tuổi thơ của mỗi người, ai trong chúng ta cũng từng bị những người mẹ nghiêm khắc la rầy nên mình cho rằng câu chuyện trong dự án không chỉ là của cá nhân mình mà là của mọi người.
Về phần logo cho “Mẹ Chửi”, ban đầu Nhân dự kiến sẽ tạo logo dựa theo hình đầu Gấu Mẹ, nhưng thấy quá rườm rà và ‘sến’ nên quyết định cách điệu lại từ font chữ.
Hộp và bao bì là yếu tố đầu tiên thu hút sự chú ý của người chơi. Vì vậy, Dũng Nhân đã dành nhiều thời gian nghiên cứu để cho ra mẫu bao bì mà khi nhìn vào, người chơi có thể hiểu câu truyện ngay lập tức. Thiết kế hộp hình gấu đang mở miệng, để lộ mặt lưng của lá bài với hai từ “mẹ chửi” vừa bắt mắt, dễ thương nhưng vẫn đủ để gây được sự tò mò cho người chơi.
Chia sẻ về quyết định lựa chọn hình ảnh người mẹ dưới dạng Gấu Hồng, trong khi các nhân vật Bố, Anh Hai và Út vẫn mang hình hài con người, Dũng Nhân muốn xây dựng hình tượng người Mẹ mang tính cộng đồng và gẫn gũi hơn với người chơi.
“Sau vấn đề truyền tải nội dung thì tạo hình cũng là một khó khăn cần được chinh phục. Ban đầu, mình vẽ một gia đình bình thường: một bà mẹ nhìn khá dữ dằn, một ông bố vô tâm chỉ thích tập yoga, một người anh hay ăn hiếp em gái và một bé út ngây ngô. Tuy nhiên, việc đưa cá tính vào nhân vật quá nhiều khiến câu chuyện mang chiều hướng cá nhân hóa và giảm tính cộng đồng. Mình cũng không muốn tước quyền tưởng tượng và liên hệ của người chơi nên đã thay đổi.
Vậy là Mẹ Gấu Hồng ra đời, không tóc dài tóc ngắn, không kể làn da, độ tuổi, chỉ là một bà mẹ nhìn chung là trông rất dữ nhưng cũng đầy yêu thương với chiếc tạp đề, tận tâm làm việc và chăm sóc cho con cái. Có thể nét ‘gấu mẹ’ ấy trong các vị phụ huynh mang tính dí dỏm và trừu tượng hơn một người mẹ bình thường nhỉ?”
Trong quá trình tạo hình, Nhân chia sẻ rằng bản thân đã phải tham khảo nhiều từ các nhân vật sáu múi như Hulk hay những con titan trong bộ anime Attack on Titan để tối ưu hoá sự tương phản kích thước giữa mẹ và các thành viên cũng như tạo ra nhiều dáng năng động hơn cho bài.
Về nhân vật Bố, ông lúc này chỉ sợ vợ, như trong mọi gia đình, đều có một người đóng vai phản diện và người còn lại đóng vai thiên thần. Về hai đứa trẻ, ở ngoài đời, Nhân là em út và có một người chị nên bạn ấy muốn một lần cho bản thân được làm anh trong chính dự án cá nhân của mình.
“Mẹ Chửi” thuộc thể loại boardgame thẻ bài với đặc tính chiến lược và đối thoại tâm lý.
Quy luật của “Mẹ Chửi” khá đơn giản như các board game thẻ bài khác. “Ban đầu mình cho người chơi chia làm hai phe, một người là Mẹ sẽ có những lá bài sát thương cao, những người còn lại sẽ được phát các lá bài sát thương thấp. Người Mẹ sẽ thuyết phục phe đối phương hãy ủng hộ mình, giảng giải câu chửi mình đang cầm lôi kéo người của đối phương “chuyển phe”. Sau khi mọi người ngầm quyết định sẽ phản bội hay giữ phe, họ úp bài xuống. Sau đó mở lên và bất ngờ sẽ xảy ra khi tính tổng sát thương của phe Mẹ và phe còn lại nếu có người ‘lật kèo’.
Vì vấn đề in ấn khá tốn chi phí, bộ trò chơi sẽ khó có thể tiếp cận nhiều đối tượng nên mình đã tinh giản lại và xây dựng hệ thống các vật phẩm hỗ trợ như dép lê, chổi lông gà,… Luật chơi hiện là mỗi người chơi đánh một lá xuống bàn, Mẹ được đánh hai lá (một lá bài sát thương và một lá vật phẩm) để tính tổng điểm hai phe. Trò chơi sẽ có 3/5/7 lượt tùy vào số người tham gia.”
Ý tưởng chính của “Mẹ Chửi” là giúp mọi người nhìn nhận lại về những câu nói “không mấy thân thiện” dưới góc nhìn hài hước hơn.
Cá nhân mình từng làm việc ở phòng tâm lý của một trường cấp 3 tại thành phố Hồ Chí Minh trước khi chuyển hướng sang thiết kế, nên mình nhận thức rõ được gia đình rất quan trọng đến sự phát triển và cuộc sống thường nhật của chúng ta. Nhiều bạn trẻ và phụ huynh có sự hiểu lầm trong việc truyền tải và tiếp nhận nội dung các câu la mắng của mẹ, điều này dẫn đến những sự cố không đáng có. Ví dụ như, bố mẹ muốn chúng ta học hỏi các bạn cùng lứa thành công khác, chúng ta lại hiểu rằng mình đang bị chê bai vì yếu kém. Mẹ Chửi ra đời nhằm tạo cầu nối và niềm vui cho các thế hệ trong gia đình.
Tuy nhiên, vì cái tên nghe có vẻ khá nặng nề, mình cũng phải trao đổi với mẹ trước. Mình không mong phụ huynh sẽ cảm thấy bản thân đã làm con mình tổn thương đến mức nó lại làm một đề tài công kích như vậy (cười).
Trào lưu board game có lẽ đã không còn quá xa lạ với những bạn trẻ, nhưng với tính thân thiện của “Mẹ Chửi”, trò chơi này hoàn toàn có thể phù hợp với mọi lứa tuổi, đặc biệt là để chơi trong những buổi họp mặt gia đình.
Đây là trò chơi để mọi người thư giãn nên thật sự cũng không đặt nặng tính cạnh tranh. Khi mọi người cùng ngồi xuống, chia sẻ những kỷ niệm bị mẹ chửi với nhau, ta nhận ra khoảng cách của mọi người như gần lại. “Mẹ Chửi” có thể chơi cùng bạn bè, thậm chí chơi với bố mẹ để mọi người hiểu nhau hơn. Đó là lý tưởng của mình khi xây dựng bộ boardgame này. Mình nghĩ “Mẹ Chửi” sẽ không lỗi thời và có thể cập nhật liên tục khi đây dường như là một nét văn hóa “đáng yêu” trong cuộc sống của chúng ta.
Về ý định phát hành chính thức board game này, Dũng Nhân chia sẻ rằng bản thân đang trong quá trình hoàn thiện dự án, bổ sung thêm các chất liệu để xây dựng, mô phỏng những câu nói huyền thoại khác của các bậc phụ huynh nên chưa thể chính thức ra mắt. Sau “Mẹ Chửi”, Dũng Nhân sẽ tiếp tục gửi đến các bạn yêu thích bộ môn này những sản phẩm gần gũi, vui vẻ với nội dung sáng tạo và đáng yêu khác. “Đó là kim chỉ nam trong quá trình làm nghề của mình. Mong rằng mọi người sẽ có chút thời gian thư giãn, vui vẻ khi xem ‘Mẹ Chửi’ và ủng hộ mình trong tương lai.”
Thực hiện: Belle
Hình ảnh do nhân vật cung cấp.
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Calligrapher Đào Huy Hoàng: “Mình chẳng có gì ngoài kiên nhẫn cả”
- 2. Hậu trường Việt Sử Kiêu Hùng - góc nhìn cận cảnh về nghề lồng tiếng
- 3. Illustrator Đốm: Đem lại ấm áp cho người khác bằng tranh vẽ
- 4. Triển lãm “Vẽ về hát bội” - cánh cửa giao thoa văn hoá giữa hai thế hệ
- 5. Illustrator Kỳ Huỳnh: Dùng lý trí để tư duy sáng tạo
- 6. VR ở Việt Nam: Không khó về kỹ thuật mà là con người
- 7. Vietnam Geographical Indications - Hành trang đưa nông nghiệp Việt bước ra thế giới
- 8. Dạo quanh một vòng triển lãm tốt nghiệp tại Đại học Văn Lang
- 9. Có gì ở triển lãm tốt nghiệp tại đại học Mĩ Thuật (TP.HCM)?
- 10. Dự án “THỊ ƠI”: Trào phúng cùng những cô Thị thích đùa