Duy Văn - Nghe người vẽ ma kể chuyện

Kết hợp giữa Doodle và nghệ thuật vẽ nét đơn (line art) với dòng tranh dân gian Đông Hồ, Duy Văn khoác lên những nhân vật kinh dị trong các câu truyện dân gian Việt Nam như Ma Da, Ma Thần Vòng, Ông Kẹ,… một sự dễ thương, gần gũi, không đen tối, u ám gây ám ảnh, nhưng đồng thời vẫn giữ được sự kinh dị, rùng rợn vốn có của chúng.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế đồ hoạ tại Đại học Kiến Trúc thành phố Hồ Chí Minh, Duy Văn (hay Diwan) trở thành Art Director tại một công ty quảng cáo truyền thông song song với công việc vẽ tranh minh hoạ tự do.
Bằng niềm yêu thích đặc biệt với văn hoá tâm linh dân gian Việt Nam, gần đây nhất, Duy Văn đã cho ra mắt dự án cá nhân lớn nhất từng thực hiện mang tên Ma Quỷ Dân Gian Ký với mục đích lưu giữ kiến thức về ma quỷ dân gian Việt Nam – những thứ đang dần bị lãng quên dưới hình thức tranh vẽ.

Kết hợp giữa doodle và nghệ thuật vẽ nét đơn với dòng tranh dân gian Đông Hồ, Duy Văn khoác lên những nhân vật kinh dị trong các câu truyện dân gian Việt Nam như Ma Da, Ma Thần Vòng, Ông Kẹ,… một sự dễ thương, gần gũi, không đen tối, u ám gây ám ảnh, nhưng đồng thời vẫn giữ được sự kinh dị, rùng rợn vốn có của chúng. Các tác phẩm được thể hiện dưới dạng “đêm trăng”. Mỗi đêm trăng là mỗi bóng ma xuất hiện. Mỗi bức tranh là một câu truyện dân gian truyền miệng ngắn được Duy Văn sưu tầm. Có thể nói, nam hoạ sĩ đã mở ra một thế giới tâm linh “dễ thương”, truyền tải những mảnh truyện vốn dĩ quen thuộc qua hình ảnh và phong cách rất mới.
Cùng iDesign lắng nghe Duy Văn “kể chuyện ma” để hiểu hơn về dự án cá nhân lần này của tác giả nhé!
Xin chào Duy Văn. Nguồn cảm hứng để bạn thực hiện dự án Ma Quỷ Dân Gian Ký đến từ đâu?
Không biết có bạn nào giống mình không, thường muốn làm việc tập trung sẽ mở cái gì đó nghe và cái mình chọn nghe là những câu chuyện ma có thật. Dần dà nghiện lúc nào không hay và vào một ngày đẹp trời, mình quyết định bê những con ma trong truyện ra tranh vẽ. Ban đầu chỉ định làm một bộ sưu tập bổ sung để làm phong phú hơn phong cách vẽ, nhưng thấy mọi người có vẻ thích thú và ủng hộ nên mình tập trung nhiều hơn với ý định biến nó thành một dự án dài lâu mà mình theo đuổi.
Tại sao Duy Văn chọn ma quỷ trong truyện dân gian Việt Nam làm chất liệu cho dự án cá nhân lần này của mình? Điều gì ở tâm linh đã thu hút bạn nhiều như vậy?
Các bạn thường biết đến ma quỷ của Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan qua các bộ phim, art, anime, lễ hội,… Thậm chí chúng ta du nhập vào phong tục hoá trang Halloween của các nước châu Âu. Vậy ở Việt Nam mình với văn hoá lâu đời có nhiều bản sắc riêng, tại sao ma quỷ nước nhà lại ít được chú ý? Phải chăng cái chúng ta biết chỉ nằm trong văn học, truyền thuyết và các điển tích của Tôn Giáo, hay dễ bị gán ghép với các hủ tục “mê tín dị đoan”, chuyện huyễn hoặc? Thực tế, ma quỷ không hề mơ hồ đâu xa, nó nằm trong những câu truyện dân gian truyền miệng. Đâu đó là kí ức tuổi thơ về lời dặn của cha mẹ “coi chừng ông kẹ bắt”, “có con ma le trên ngọn dừa với lưỡi dài”,… Hay những tối ngồi trải chiếu bên ngọn đèn nghe các cao niên kể chuyện thời khai khẩn, chiến đấu với ma quỷ. Đó là những giá trị văn hoá về mặt tinh thần cần được lưu giữ.
Bằng chút khả năng vẽ, mình muốn là người truyền tải lại những câu chuyện đó bằng tranh để mọi người dễ tiếp cận hơn, từ đó thêm yêu nền văn hoá tâm linh nước nhà. Cũng như bao người hiếu kỳ, tâm linh luôn thu hút Duy từ những điểm mù bí ẩn, mà thông qua nghe truyện đang dần hình thành rõ nét hơn, như thể mình như đứa trẻ khám phá ra cái gì đó thú vị.

Những tác phẩm trong dự án lần này là sự kết hợp giữa nhiều phong cách như Line art, tranh Đông Hồ, và Doodle. Vậy sự kết hợp này liệu có mang dụng ý cá nhân nào không hay chỉ là một sự phối trộn ngẫu hứng?
Ban đầu vẽ bộ tranh này, mục đích của mình chỉ là thoát ly khỏi phong cách vẽ hiện tại vốn đã rất quen với doodle, line art kiểu dễ thương. Với màn “lột xác” lần này, mình có nhiều cảm hứng, dần dần tìm hiểu và phối trộn các chất liệu sở trường để có phong cách ổn định: vừa art, vừa có cái gì đó quen thuộc từ chất liệu tranh dân gian Việt Nam vốn đã định hình phong cách từ lâu đời.


Bạn có thể chia sẻ một chút về ý nghĩa của một vài artwork bạn đã hoàn thiện không?
Nói về ma quỷ Việt Nam, chúng tồn tại đa dạng dưới nhiều hình thức. Những tác phẩm mà đối tượng bị doạ là trẻ con và hiện tượng tâm linh (Cầu cơ, Ông kẹ, Ma lon,…). Mình chọn phong cách gần giống tranh dân gian và có phần dễ thương hơn so với vẽ về mô tả chủng loài ma quỷ, đa số khắc hoạ ở sự ám ảnh trong tạo hình. Dần về sau, bên cạnh các bộ màu từ tranh dân gian, mình cố gắng thử thêm nhiều cách phối bộ màu và chi tiết hơn để tránh đơn điệu.
Duy Văn thường gắn liền với phong cách line art, sử dụng màu sắc tươi sáng cùng với tạo hình các nhân vật dễ thương. Tuy nhiên, dự án lần này lại mang dáng vẻ rùng rợn, kinh dị hơn, điều gì khiến bạn quyết định thử nghiệm với hơi hướng mới này? Bạn có gặp những khó khăn nào trong quá trình thực hiện dự án không?
Thực ra ai cũng có một rào cản để vượt qua, vốn dĩ mọi người biết đến Duy trước đây qua dòng Doodle Art hay các nhân vật hơi hướng hoạt hình, dễ thương. Trong giai đoạn mới, dần tìm hiểu, tiếp xúc với nhiều luồng tư tưởng mới, nhất là sự “giác ngộ tâm linh”, mình cũng phải thay đổi để khám phá được nhiều cách thể hiện và Duy xem dự án này như một nơi để gửi gắm cái thay đổi đó. Tuy chung quy vẫn giữ được những đặc trưng cũ nhưng mình vui vì lần này đứa vẽ dễ thương cũng có thể “hù” được người khác.
Nói về khó khăn thì thứ nhất, đây là một phong cách mới, mang trong đó là chút ít nghiên cứu kiến thức tâm linh nên vẫn phải tìm hiểu kỹ về chất liệu. Mình là hoạ sĩ vô tình bén duyên với đề tài tâm linh nên còn mơ hồ nhiều thứ. Thứ hai, kiểm soát năng lượng, việc tiếp xúc nhiều với truyện ma, tâm linh dễ mang lại những năng lượng tiêu cực mà mình phải học cách “dọn dẹp” nó bằng việc ngồi thiền hay hỗ trợ phong thuỷ. Đúng kiểu người chơi hệ tâm linh, phải đủ đồ mới dám “lên đồng” vẽ tranh.

Bạn có thể bật mí một chút về những artwork sắp tới? Dự định khi nào thì dự án sẽ hoàn thành?
Hiện tại mình đang có được trên 30 tác phẩm với 26 đêm trăng. Mỗi đêm trăng là một câu chuyện tìm hiểu về ma quỷ, hiện tượng, nhân vật tâm linh do mình sưu tầm, số ít là trải nghiệm và nghe kể lại. Trong giai đoạn đầu, dự án có thể lên tới 32-36 tác phẩm và được mình hoàn thiện lại theo phong cách ổn định nhất trước khi tới bước tiếp theo. Hiện tại còn rất nhiều loài ma quỷ và hiện tượng tâm linh quen thuộc khác như ma trơi, ma xó, lên đồng, âm binh, thiên linh cái, bùa Chà, bùa Lỗ Ban, rắn tinh,… Hứa hẹn sẽ xuất hiện đầy đủ ở một ấn bản nào đó trong tương lai. Vì xác định đây là một dự án dài hơi nên mình cũng không thông tin chính xác được, sẽ phụ thuộc nhiều ở thời gian lên bài cho tới khi hoàn thành sơ bộ mặt hình ảnh để đi sang các “hệ sinh thái” khác của dự án. Mục tiêu là hệ thống rõ hình tượng ma quỷ Việt, đưa tâm linh đến gần gũi hơn.

Có thể nói, ở thời điểm hiện tại, thị trường Việt Nam đang rất khan hiếm các dự án phim hoạt hình về văn hoá lịch sử đạt chất lượng cao về hình ảnh. Bạn có dự định xây dựng dự án này lớn hơn không, thành một bộ phim hoạt hình chẳng hạn?
Để có một dự án lớn và tồn tại lâu dài cũng là ước mơ mà mình mong muốn ở Ma Quỷ Dân Gian Ký, tuy nhiên để đảm bảo có được chất lượng mình sẽ có những bước đi khá chắc để quan sát các bạn đón nhận dự án như thế nào. Mình mê mẩn Ám Kịch Yami Shibai với những câu chuyện đơn giản không đầu không cuối nhưng hết sức ám ảnh và để lại nhiều bài học. Hướng đi tiếp theo của dự án cũng hướng tới những mẩu truyện đậm chất tâm linh Việt như vậy. Quá sớm để cho một kết luận, nhưng mình với vai trò người quản lý dự án cũng như người truyền cảm hứng sẽ cố gắng hết sức có thể.
Cảm ơn các bạn đã, đang và sẽ theo dõi những sản phẩm tinh thần của Ma Quỷ Dân Gian Ký. Mong rằng kho lưu trữ của dự án sẽ phong phú và nhận được nhiều đóng góp từ độc giả.
Xem đầy đủ dự án Ma Quỷ Dân Gian Ký cũng như theo dõi các tác phẩm mới nhất của hoạ sĩ Duy Văn tại:
Fanpage | Facebook
Thực hiện: Belle
Ảnh: Duy Văn
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Calligrapher Đào Huy Hoàng: “Mình chẳng có gì ngoài kiên nhẫn cả”
- 2. Hậu trường Việt Sử Kiêu Hùng - góc nhìn cận cảnh về nghề lồng tiếng
- 3. Illustrator Đốm: Đem lại ấm áp cho người khác bằng tranh vẽ
- 4. Triển lãm “Vẽ về hát bội” - cánh cửa giao thoa văn hoá giữa hai thế hệ
- 5. Illustrator Kỳ Huỳnh: Dùng lý trí để tư duy sáng tạo
- 6. VR ở Việt Nam: Không khó về kỹ thuật mà là con người
- 7. Vietnam Geographical Indications - Hành trang đưa nông nghiệp Việt bước ra thế giới
- 8. Dạo quanh một vòng triển lãm tốt nghiệp tại Đại học Văn Lang
- 9. Có gì ở triển lãm tốt nghiệp tại đại học Mĩ Thuật (TP.HCM)?
- 10. Dự án “THỊ ƠI”: Trào phúng cùng những cô Thị thích đùa
iDesign Must-try

‘Gửi em’: Truyện tranh chữa lành dành cho lứa tuổi trưởng thành của họa sĩ Lê Thư

Cùng Minh Nguyễn thử nghiệm với Thiết kế đồ họa bằng lập trình sáng tạo - ‘CreAItive Coding’

Vạn Nhân Ký - Noãn: ‘Lịch sử còn là câu chuyện của những con người bình thường, vô danh’ (Phần 2)

Vạn Nhân Ký - Noãn: ‘Lịch sử còn là câu chuyện của những con người bình thường, vô danh’ (Phần 1)

Lạc vào ‘Đám cưới chuột’ cùng chú bé Đông trong tựa phim hoạt hình 2D ‘Mộng Đông Hồ’
