Họa sĩ vẽ minh họa Phương Quỳnh: ‘Mình xem tranh là nơi để giải tỏa, trốn khỏi thế giới bên ngoài’
Lê Phương Quỳnh (Quỳnh Lê) là nữ họa sĩ trẻ đứng sau những bức tranh hay bìa sách với nét vẽ dễ thương, mang lại cảm giác vui tươi, nhẹ nhàng cho người xem. Cùng chúng mình trò chuyện với Quỳnh để hiểu thêm tại sao bạn ấy lại lựa chọn đi theo phong cách minh họa này, cũng như cách cô vượt qua quãng thời gian khó khăn về dịch bệnh này nhé.
Phương Quỳnh tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế đồ hoạ của Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh. Nữ họa sĩ trẻ từng làm thiết kế tại một công ty nhỏ, và nay đã bắt đầu con đường làm freelance. Quỳnh thực hiện minh họa cho các ấn phẩm như sách báo, bao lì xì, cardgame, và dự án bộ phông chữ Saigon – Hanoi – Vietnam hợp tác cùng Tired City.
Do đang trong quá trình khám phá và tự học nên Quỳnh thường hay vẽ các bức tranh lẻ chia sẻ trên mạng xã hội, xen kẽ vào đó là những mẩu chuyện nhỏ xinh, bình dị, như một phương thức để giải toả tâm lý.
Xin chào Phương Quỳnh, bạn đã đến với công việc hiện tại thế nào?
Mình hiện là họa sĩ minh họa tự do. Mình vốn thích vẽ linh tinh từ nhỏ, cũng thích đọc truyện tranh và xem phim hoạt hình nên lúc vào đại học, mình chọn ngành thiết kế đồ họa vì nghĩ vào đấy sẽ được…học vẽ. Tuy nhiên, minh họa chỉ là một môn học rất nhỏ trong cả chương trình.
Quay cuồng trong guồng học bốn năm trời, mình đã tưởng chắc là không đi theo tiếng gọi của vẽ vời nữa rồi. Nhưng cứ mỗi lần đứng giữa những sự lựa chọn, luôn có một ai đó xuất hiện nói rằng tranh vẽ của mình mang đến cho họ niềm vui. Vậy là vào phút 90, mình “quay xe 180 độ” về làm tốt nghiệp ngành minh họa.
Sau khi ra trường, mình thỏa hiệp với niềm đam mê này bằng cách làm thiết kế vào ban ngày, đêm đến lại chong đèn làm công việc vẽ mà mình yêu thích. Đến một ngày, mình nhận ra rằng sống “hai mang” như vậy chỉ khiến bản thân bị vắt kiệt cả về thể chất lẫn tinh thần, mình không thể theo đuổi mãi một thứ nửa vời. Vậy là mình quyết định tập trung dồn hết mọi tình yêu cho công việc vẽ minh họa này.
Những tác phẩm hay nghệ sĩ nào đã tạo cảm hứng cho bạn vẽ?
Từ nhỏ mình đã mê Harry Potter, Chúa Nhẫn, tuyển tập truyện thần thoại các nước, mình rất thích những câu chuyện mang yếu tố phép màu, ma thuật. Thế giới trong những quyển sách của Neil Gaiman có lẽ là thứ để lại ấn tượng lớn nhất. Ông có cách đan xen giữa thực tại và ảo tưởng rất mượt mà và đặc sắc, còn phép thuật trong truyện của ông kỳ quặc và có vẻ như không theo quy luật gì.
Bên cạnh đó, phim của Hayao Miyazaki cũng mang phép màu rất vui tươi và tự do. Những bộ phim của studio Ghibli do ông đạo diễn luôn đem lại cho mình cảm giác rất thanh thản và nhẹ nhõm khi kết thúc. Có lẽ do thế giới hiện thực khắc nghiệt và mệt mỏi quá, nên mình muốn tìm đến chút phép màu để khuây khỏa và cố gắng đưa nét màu nhiệm vào các tác phẩm riêng.
Quỳnh nghĩ bạn đã xây dựng một phong cách riêng để vẽ chưa? Bạn có định sẽ phát triển hay đổi mới phong cách đó?
Vì chỉ mới theo đuổi công việc này hai năm nay, mình không nghĩ bản thân đã có một phong cách cụ thể. Cứ vài tháng nhìn lại, mình nhận thấy có sự thay đổi trong tranh, đôi lúc là vô thức, đôi lúc là do cố ý. Thế nhưng nhìn chung, mọi người hay nhận xét tranh của mình trông như tranh cho con nít, gần gũi, dễ đồng cảm và có thể chữa lành tâm hồn, nhưng chữa kiểu gì thì mình cũng không rõ nữa.
Mình cũng rất thích dùng nhiều màu sắc, phần lớn là màu tươi sáng. Chắc là vì xem tranh là nơi để giải tỏa, trốn khỏi thế giới bên ngoài nên mình luôn muốn nó mang cảm giác vui tươi và nhẹ nhàng. Do rất thích những tác phẩm kỳ ảo, mình cũng luôn đưa những thứ ngộ nghĩnh vào đó. Nhưng cũng vì vẽ một bức tranh nhiều màu quá mệt, nên khi chuyển qua vẽ mấy mẩu chuyện nhỏ, mình trở về với đen trắng và nét giản đơn.
Mình vẫn còn trẻ và thiếu nhiều kinh nghiệm lắm, nên sẽ còn phải học hỏi và thay đổi dài dài. Tuy nhiên mình mong rằng dù thế nào thì tranh vẫn sẽ giữ được tinh thần trong trẻo của thuở ban đầu này.
Làm thế nào để bạn cân bằng giữa việc vẽ minh họa theo đúng đề tài đã nhận và việc đưa dấu ấn cá nhân vào tác phẩm?
Cái này phụ thuộc vào việc mình đang vẽ cho ai mà thôi. Khi đã xem vẽ là một công việc, thì nó cũng bao gồm các bước thực hiện như hàng nghìn công việc khác. Bắt đầu từ nghiên cứu nên đưa hình ảnh gì vào, tạo hình ra sao, … cho đến phác thảo rồi lên bản hoàn chỉnh. Vậy thì đề tài sẽ luôn nằm ở bước nghiên cứu đầu tiên, và dấu ấn của riêng bản thân nằm ở các bước phía sau, thậm chí chỉ là một phần phụ ở bước hoàn thiện cuối cùng. Vì mình đang vẽ tranh để phục vụ nhu cầu khách hàng, không phải cho cái tôi của bản thân, nên theo một quá trình làm việc cụ thể sẽ giúp mình hoàn thành sản phẩm đúng thời hạn, đúng yêu cầu, khiến cho cả mình và người nhận tranh đều hài lòng.
Trong trường hợp vẽ riêng cho bản thân thì lại khác, mình có thể la cà “lên mây xuống biển”, nhiều lúc ngồi thích gì vẽ nấy rồi ngoảnh đi ngoảnh lại một hồi là mình sẽ tự tìm được mối liên kết với đề tài dự định ban đầu. Nếu không tìm được thì cứ…đi ngủ, mà đến lúc ấy vẫn giải quyết không được thì vẽ cái mới là vừa, đắn đo làm gì nữa. Nói chung, chủ đề hay phong cách cá nhân cũng chỉ là lựa chọn xem cái nào đang là ưu tiên hơn thôi. Nếu nắm rõ được điều này thì sẽ cân bằng được mọi phương trình, mình nghĩ vậy.
Đối với những người làm sáng tạo – nghệ thuật như Quỳnh, dịch bệnh trong thời gian qua có gây ảnh hưởng nhiều hoặc ngược lại mở ra cơ hội gì mới không?
Ngày đầu tiên thành phố giãn cách theo chỉ thị 15 tình cờ cũng là ngày mình chia tay với công việc thiết kế. Nếu như mọi người cảm thấy buồn vì không được lên văn phòng, gặp đồng nghiệp trực tiếp mà chỉ có thể gọi nhau trên mạng thì mình thậm chí còn…không có ai để gọi. Kinh tế đình trệ, công việc không thuận lợi, việc mắc kẹt trong nhà khiến tinh thần mình đi xuống, mình bị mất ngủ nặng và rơi vào vòng xoáy ngờ vực bản thân.
Hai tuần đầu tiên giãn cách thật sự như một cơn ác mộng. Nhưng càng có nhiều thời gian ở nhà, mình càng học được cách đối thoại với bản thân và chấp nhận chính mình hơn. Trong những đêm vật lộn với lo âu, trang giấy và bút vẽ là thứ duy nhất “cứu” lấy mình. Mình tìm lại được niềm vui khi được vẽ những thứ yêu thích sau một thời gian dài chỉ biết chạy deadline.
Mình nhận ra rằng vẽ minh họa không phải là thứ có thể hoàn thành gấp rút và nhanh chóng, chí ít là với mình. Khi mọi thứ chậm lại, mình có thời gian để thở, để cảm nhận, để suy nghĩ và cân nhắc hơn. Cũng trong đợt dịch này, mình nhận được lời động viên từ những người mình không hề ngờ đến, và cả những tin nhắn nói rằng những gì mình vẽ khiến người ta cảm thấy được an ủi, điều này khiến mình vừa vui vừa cảm động.
Dự án nào khiến Quỳnh ưng ý hoặc thấy ấn tượng nhất từ trước đến nay? Và bạn có những dự án gì mới trong tương lai gần?
Hơi hoài niệm quá khứ nhưng đồ án tốt nghiệp đại học về thần thoại Bắc Âu có lẽ là dự án mình cảm thấy hài lòng nhất, vì đó đúng là đề tài mình thích, mình có nhiều thời gian để thực hiện, cũng như nắm quyền kiểm soát mọi thứ. Đó cũng là đồ án lớn hoàn chỉnh đầu tiên về minh họa, “tình đầu” thì luôn khó quên thế đấy.
Hiện tại mình cũng đang trong quá trình tham gia một workshop minh họa cho câu chuyện mang yếu tố thần thoại. Mình được học rất nhiều thứ từ workshop này và rất trông chờ được tiếp tục phát triển để hoàn thiện quyển sách.
Trong lúc tình hình dịch bệnh vẫn còn căng thẳng, mình sẽ tiếp tục giành thời gian vẽ và khám phá nhiều hơn, hy vọng sẽ gặp được cơ hội và khởi đầu hành trình mới trong khoảng thời gian không xa.
Cùng thưởng thức đầy đủ các tác phẩm của Phương Quỳnh trên Behance và Instagram của bạn ấy nhé!
Thực hiện: 19August
Nguồn tham khảo
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Calligrapher Đào Huy Hoàng: “Mình chẳng có gì ngoài kiên nhẫn cả”
- 2. Hậu trường Việt Sử Kiêu Hùng - góc nhìn cận cảnh về nghề lồng tiếng
- 3. Illustrator Đốm: Đem lại ấm áp cho người khác bằng tranh vẽ
- 4. Triển lãm “Vẽ về hát bội” - cánh cửa giao thoa văn hoá giữa hai thế hệ
- 5. Illustrator Kỳ Huỳnh: Dùng lý trí để tư duy sáng tạo
- 6. VR ở Việt Nam: Không khó về kỹ thuật mà là con người
- 7. Vietnam Geographical Indications - Hành trang đưa nông nghiệp Việt bước ra thế giới
- 8. Dạo quanh một vòng triển lãm tốt nghiệp tại Đại học Văn Lang
- 9. Có gì ở triển lãm tốt nghiệp tại đại học Mĩ Thuật (TP.HCM)?
- 10. Dự án “THỊ ƠI”: Trào phúng cùng những cô Thị thích đùa