Chiêm ngưỡng tiểu thuyết đồ họa ‘Trại trẻ đặc biệt của cô Peregrine’ dưới nét vẽ của Thư Cao

Bạn có tin vào phép thuật và quái vật không? Bạn đã bao giờ tự hỏi phía bên kia khu rừng là gì chưa? Câu truyện bắt đầu từ sự ra đi của ông Portman. Người ông của Jacob đã để lại cho cậu muôn vàn câu hỏi mơ hồ về trại trẻ kỳ lạ mà ông từng nhắc đến trước khi mất. Miss Peregrine’s Home for Peculiar Children là cuốn tiểu thuyết giả tưởng của tác giả người Mỹ – Ransom Riggs, xoay quanh hành trình của Jacob đi tìm lời giải đáp cho những bí ẩn ở trại trẻ đặc biệt này. Xuyên suốt chuyến đi, cậu không chỉ khám phá ra bí mật động trời về thân thế của mình, mà còn bước chân vào một vòng lặp thời gian biến cuộc đời tầm thường, tẻ nhạt của cậu sang một trang mới vĩnh viễn không thể quay đầu. 

Thư Cao, tên đầy đủ là Cao Hoàng Anh Thư, hiện đang là sinh viên năm cuối chuyên ngành Thiết kế đồ hoạ tại trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh. Thư đã phóng tác cuốn sách này dưới dạng tiểu thuyết đồ hoạ (graphic novel) với tên tiếng Việt là Trại trẻ đặc biệt của cô Peregrine cho đồ án tốt nghiệp của mình. Với lối kể truyện lôi cuốn, trí tưởng tượng vô hạn, kết hợp cùng những bức ảnh hoài cổ trắng đen nhuốm màu gothic, bản tiểu thuyết gốc của Ransom Riggs vốn đã là một tuyệt phẩm; nay được Thư Cao thổi một hơi thở mới với phong cách minh hoạ của riêng mình nhưng vẫn giữ nguyên mạch truyện chính và tinh thần của ấn bản gốc.

Hoạ sĩ minh hoạ Cao Hoàng Anh Thư

Nếu bạn yêu thích các tác phẩm có khía cạnh đen tối với những nhân vật mang sức mạnh đặc biệt và không ngại gặp một vài cơn ác mộng, hãy cùng iDesign tham gia cuộc phiêu lưu này qua cuộc trò chuyện cùng Thư Cao nhé!

Facebook | Instagram | Behance

Xin chào Thư! Bạn có thể chia sẻ lý do vì sao bạn chọn tác phẩm Miss Peregrine’s Home for Peculiar Children để chuyển thể thành tiểu thuyết đồ hoạ không? Điều gì ở tác phẩm này đã để lại ấn tượng với bạn?

Vì bị hấp dẫn bởi bộ phim Miss Peregrine’s Home for Peculiar Children của đạo diễn Tim Burton nên Thư đã tìm đọc bản tiểu thuyết cùng tên do nhà văn Ransom Riggs chấp bút. Đến với ngòi bút tài năng của ông, mình nhận ra thế giới trong tiểu thuyết thần tiên, nhiệm màu hơn so với những gì được thể hiện trong phim, nhưng cùng với đó, những vấn đề khắc nghiệt trong đời sống thời chiến cũng được khắc họa rõ nét hơn.

Phiên bản Jacob của Ransom Riggs là một cậu bé 16 tuổi trẻ con, ngông cuồng, nhưng không kém phần quả cảm và đầy tình yêu thương, trái ngược với phiên bản Jacob hiền lành của Tim Burton. Mình bị thu hút từ những chi tiết nhỏ nhất như bọn người đặc biệt xấu xa đã theo dõi những đứa trẻ như thế nào, tiếp cận chúng ra sao, cho tới những ngôi nhà theo phong cách Victoria, xung đột thời chiến của Anh – Đức – Mỹ, cách những đứa trẻ dù bị coi là dị biệt với loài người nhưng luôn có một gia đình và một nơi chúng thuộc về.

Một điều làm tác phẩm lôi cuốn hơn là vì nó được xen lẫn giữa hư và thực. Tiểu thuyết đính kèm những hình chụp trắng đen từ những năm 1940, tất cả đều được tác giả sưu tầm và khẳng định là ảnh thật, không qua chỉnh sửa. Những bức ảnh đen trắng cũ sờn đã góp phần lớn làm tăng không khí rùng rợn, bí ẩn cho câu chuyện.

Với tinh thần yêu thích sự kỳ bí của phép thuật, sự ghê rợn của quái vật và không khí của Châu Âu cổ kính, Thư chọn đề tài này để có thể phóng tác câu chuyện dựa theo những gì bản thân cảm nhận được từ cuốn tiểu thuyết. Một tác phẩm truyền tải được sự u tối, khắc nghiệt, và gay cấn cho độc giả thiếu niên.

Bạn đã mất bao lâu để có thể hoàn thành đồ án tốt nghiệp này?

Theo quy định của trường, sinh viên có khoảng 3 tháng để hoàn thành đồ án tốt nghiệp, nhưng vì Covid-19 nên thời gian bị kéo giãn ra thành 6 tháng. Trong cái rủi có cái may, Thư có thể dành nhiều thời gian hơn để trau chuốt cho đồ án, phóng tác cốt truyện, tăng số trang, lên màu nhân vật và bối cảnh kỹ càng hơn.

Thư có gặp khó khăn gì trong quá trình chuyển hóa nhân vật từ truyện chữ sang hình ảnh không?

Đa số nhân vật trong truyện đều có hình ảnh đen trắng từ cuốn tiểu thuyết, mình lấy đó làm cảm hứng để thiết kế nhân vật cho cuốn tiểu thuyết đồ hoạ của mình. Thêm vào đó, Thư thiết kế nhân vật dựa trên năng lực đặc biệt của họ.

Ví dụ như: Emma có màu đỏ là chủ đạo vì mang năng lực Lửa, trang phục Fiona màu xanh lá vì cô có thể điều khiển thực vật,… Tuy nhiên, nhân vật chính Jacob khiến mình gặp khó khăn khi tạo hình nhất, vì không có hình ảnh rõ ràng trong tiểu thuyết, năng lực của cậu cũng không có bản dạng cụ thể như nước, lửa, gió,… nên mình chỉ có thể dựa vào từng con chữ, lời thoại để xây dựng nên nhân vật này.

Thư miêu tả phong cách minh hoạ của mình là gì? Dễ thương, kinh dị hay đan xen cả hai?

Thật ra Thư thích phong cách kinh dị, nhưng không hiểu sao lúc nào vẽ cũng ra nét dễ thương, và mình cảm thấy thoải mái với phong cách minh họa hiện tại. Nên câu trả lời có thể là kết hợp cả hai. Dễ thương nhưng chứa đầy ẩn ý, khiến người đọc giật mình khi nhìn kỹ và phát hiện ra điểm “kinh dị” là phong cách Thư đang hướng tới.

Để thiết kế nhân vật được hoàn chỉnh từ kiểu tóc, quần áo, cho đến tính cách, văn phong, Thư phải nghiên cứu những gì?

Với nhân vật Jacob, vì cậu sinh ra ở Florida đầy nắng nên trang phục rất đậm chất Mỹ – quần jeans, áo thun tay cộc và giày thể thao thoải mái. Khi cậu chuyển đến trại trẻ ở Anh, vì thời tiết lạnh nên Thư khoác thêm cho cậu một chiếc áo phao rộng. Từ lời thoại, Jacob là một cậu bé thiếu niên ương bướng và hay cau có, nhưng không phải là trẻ hư hay ngang ngược, nên mình cho cậu cặp chân mày đậm, hay nhíu lại, đôi mắt cương trực mở to. Mắt cậu màu xanh và thâm quầng giống như mắt của ông.

Jacob sở hữu màu mắt xanh của ông.

Với các nhân vật ở trại trẻ, trang phục được lấy từ bối cảnh ở Anh vào năm 1940 như áo sơ mi, quần tây, giày cổ cao thắt dây, cà vạt – trang phục khá chỉn chu và nghiêm túc, khác hẳn phong cách thoải mái của người Mỹ. Đặc biệt là nhân vật cô Peregrine được mình thiết kế mang phong cách hơi hướng Dior những năm 1940 với cổ áo dựng cao thể hiện vẻ quyền uy của loài chim ưng. Kèm với việc chỉ có một mình cô quản lý trại trẻ, nên trang phục là váy lửng và quần dài, tạo cảm giác tháo vát, dễ hoạt động.

Phần khó nhất đối với Thư là tạo hình khuôn mặt, mình có cảm giác như đang nghiên cứu nhân tướng học vậy (cười).  Emma mạnh mẽ nên có khuôn mày đậm, đuôi mắt sắc sảo, nhưng vẫn phải mang nét ngây thơ của tuổi 16. Fiona hiền hòa, khuôn mày hơi hướng lên, đuôi mắt ngang. Enoch lém lỉnh, ra vẻ trưởng thành, miệng biểu cảm không ngừng. Tên Xác Sống hai mắt trắng dã, miệng rộng, làn da xanh xao, tái nhợt,…

Từ trang phục, kiểu tóc, màu sắc, đến cử chỉ và tạo hình khuôn mặt đều được Thư Cao nghiên cứu kĩ trước khi vẽ để phù hợp với hoàn cảnh lịch sử và tính cách của từng nhân vật.

Về phần màu sắc, có thể thấy Thư thường sử dụng những tông màu trầm trên nền đen. Vậy chủ đích cho việc này là gì?

Thư thích các màu nóng, tông trầm và đó cũng là sở trường của mình khi dùng màu sắc. Màu sắc cổ điển là nguồn cảm hứng tuyệt vời đối với Thư. Thêm vào đó, vì quái vật chỉ xuất hiện khi bóng tối bao trùm nên đa số khung cảnh kịch tính trong truyện đều diễn ra vào ban đêm. 

Màu sắc cũng ảnh hưởng đến tâm trạng người đọc, như màu xanh trên nền đen tạo cảm giác lạnh lẽo, màu đỏ rực cảnh báo nguy hiểm đang đến gần kề chẳng hạn.

Phân cảnh khó vẽ và mất nhiều thời gian nhất trong dự án này là gì? Đâu là phân cảnh yêu thích của bạn?

Thư có quá nhiều phân cảnh yêu thích trong dự án này, và thời gian vẽ mỗi cảnh đều rất lâu. Nhưng có lẽ phân cảnh phải chỉnh sửa nhiều nhất là phân đoạn vẽ quái vật Hồn Rỗng. Vẽ biểu cảm và ngôn ngữ cơ thể cho người đã khó, vẽ cho quái vật còn khó hơn vì phải dựa vào trí tưởng tượng khá nhiều. Mình đã phải xem đi xem lại những bộ phim về quái vật để tham khảo. Khi quái vật nhìn con mồi thì sẽ thế nào? Khi bị thương và giận dữ thì sẽ ra sao? Với bốn cái chân dài khệnh khạng, nó sẽ rượt đuổi đám trẻ như thế nào?,…

Quái vật Hồn Rỗng là phân cảnh tốn nhiều thời gian nhất vì phải dựa vào trí tưởng tượng khá nhiều.

Nếu được chọn sức mạnh của một nhân vật trong truyện, Thư sẽ muốn có được sức mạnh của ai?

Mình rất thích nhân vật Emma trong truyện, nên sẽ chọn có được sức mạnh tạo ra Lửa. Thư sợ lạnh nên nếu là lửa, thì mình sẽ luôn được ấm áp dù ở vùng nắng ấm hay nơi có tuyết rơi (cười).

Emma là nhân vật yêu thích của Thư.

Nhiều độc giả khi biết đến đồ án Trại trẻ đặc biệt của cô Peregrine đã ngỏ ý muốn mua ấn phẩm này. Thư có ý định xuất bản nó trong tương lai không?

Hiện tại, mình chưa tiếp cận với nhà xuất bản nào để ngỏ lời xin phép xuất bản vì có hai vấn đề khiến việc này trở nên khó khăn. Một là bản quyền tác phẩm thuộc về tác giả Ransom Riggs, Thư chỉ là người phóng tác. Hai là câu truyện gốc vẫn chưa có hồi kết, nếu muốn tiếp tục phát triển tập sau trọn vẹn thì chính Thư phải tự sáng tác đoạn kết cho phiên bản của mình. Nếu có nhà xuất bản nào có thể giải quyết vấn đề bản quyền và hợp tác sản xuất phần tiếp theo, mình xin sẵn sàng hợp tác.

Trước Trại trẻ đặc biệt của cô Peregrine, Thư đã từng chuyển thể truyện Bầy thiên nga của Hans Christian Andersen. Đây có phải thể loại sáng tác mà bạn yêu thích và muốn gắn bó lâu dài không? Sẽ có những mẫu truyện khác được Thư chuyển thể trong tương lai chứ?

Thư luôn có cảm hứng với thể loại truyện thần thoại, cổ tích, hay phép thuật siêu nhiên. Mình muốn dẫn dắt độc giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, mở ra những cuộc phiêu lưu đầy thú vị qua từng trang sách. Trong tương lai sẽ có thêm truyện được mình chuyển thể, và cũng có những dự án cá nhân mà mình đang ấp ủ thực hiện. Mọi người hãy đón xem nhé!

Ở Việt Nam, tiểu thuyết mình hoạ vẫn đang là thể nghiệm mới của các nhà văn, hoạ sĩ. Nhiều khán giả còn nhầm lẫn truyện minh hoạ với truyện tranh (comic). Theo Thư, tương lai cho các ấn phẩm thuộc thể loại này sẽ như thế nào?

Theo mình, tiểu thuyết minh hoạ là những quyển sách có cách trình bày theo kiểu truyện tranh, trong khi độ dài và lối kể chuyện lại mang hơi hướng tiểu thuyết được kể bằng sự kết hợp giữa tranh và hình theo một trình tự từ trên xuống dưới, với thể loại và nội dung đa dạng, phong phú như bất kỳ loại hình văn học nào khác. 

Hiện tại, ngành minh họa ở Việt Nam đang phát triển rất mạnh và đã có nhiều tác phẩm chất lượng từ những họa sĩ Việt. Nhiều triển lãm, cuộc thi được tổ chức, nhiều tác phẩm truyện tranh đã được xuất bản. Thư nghĩ rằng Graphic Novel cũng sẽ theo đó dần phát triển lên. Mình rất mong chờ sẽ được cầm trên tay nhiều ấn phẩm hơn nữa từ thị trường nước mình.

Xem toàn bộ dự án tại Behance của Thư nhé!

Thực hiện: Belle
Hình ảnh do nhân vật cung cấp

Cùng tác giả

#Tag

graphic novel Hoàng Ngọc Thạnh miss peregrine’s home for peculiar children Thư Cao

iDesign Must-try

Less is More: Ninki với màu sắc lấy cảm hứng từ Risograph cùng lối minh họa đơn giản và tích cực
Less is More: Ninki với màu sắc lấy cảm hứng từ Risograph cùng lối minh họa đơn giản và tích cực
Việc đặt bút lên giấy và vẽ không chỉ là một hình thức trị liệu mà còn là một cách hiệu quả để thể hiện bản thân, đồng thời là…
Tham quan thế giới thần thoại qua loạt tranh minh hoạ của hoạ sĩ Hope Christofferson
Tham quan thế giới thần thoại qua loạt tranh minh hoạ của hoạ sĩ Hope Christofferson
Với tình yêu dành cho nghệ thuật và văn học giả tưởng, Hope Christofferson mở ra một thế giới phép thuật qua loạt tranh minh hoạ thần thoại cổ điển.
Điều gì sẽ xảy ra nếu vi khuẩn tổ chức lễ Giáng sinh? Họa sĩ minh họa Wenjing Yang sẽ cho bạn câu trả lời
Điều gì sẽ xảy ra nếu vi khuẩn tổ chức lễ Giáng sinh? Họa sĩ minh họa Wenjing Yang sẽ cho bạn câu trả lời
Wenjing Yang là một họa sĩ minh họa hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố New York, Mỹ với hàng loạt giải thưởng danh giá. Niềm đam…
Butcher Billy - Hoạ sĩ đứng sau loạt poster lấy cảm hứng từ những năm 1980 của Stranger Things
Butcher Billy - Hoạ sĩ đứng sau loạt poster lấy cảm hứng từ những năm 1980 của Stranger Things
Nhà thiết kế đồ hoạ tài năng Butcher Billy đã hợp tác cùng Netflix để cho ra loạt poster cổ điển thể hiện hoàn hảo chủ đề của mỗi tập…
Những bức ảnh chụp từ trên cao của Phạm Huy Trung tôn vinh vẻ đẹp của vùng nông thôn Việt Nam
Những bức ảnh chụp từ trên cao của Phạm Huy Trung tôn vinh vẻ đẹp của vùng nông thôn Việt Nam
Nhiếp ảnh gia Phạm Huy Trung đã sử dụng kỹ thuật của mình để làm nổi bật lịch sử văn hóa phong phú của Việt Nam. Thông qua việc chụp…
Xem Trung Võ làm mới các tác phẩm văn học trong Vang bóng một thời của nhà văn Nguyễn Tuân
Xem Trung Võ làm mới các tác phẩm văn học trong Vang bóng một thời của nhà văn Nguyễn Tuân
Yêu thích những tác phẩm đến từ tập truyện Vang bóng một thời, Trung Võ đã quyết định vẽ một bộ tranh minh hoạ cho 12 chương của sách với…