Tùng Lê (Tùng Khỉ): ‘Tôi thường đưa ra những yêu cầu mới cho bản thân - nếu không chính tôi sẽ kiệt quệ’
Trong những năm trở lại đây, hình ảnh trình chiếu kỹ thuật số, hay còn gọi là visual đã trở thành một phần không thể thiếu trong các phần trình diễn âm nhạc mang tính giải trí hay trong các chiến dịch quảng cáo tại thị trường Việt Nam. Visual giúp cho phần minh họa tác phẩm trở nên sinh động hơn, bắt mắt hơn, đồng thời diễn giải thông điệp mà sản phẩm muốn gửi gắm tới khán giả một cách chân thực và dễ hiểu nhất.
Đi sâu tìm hiểu công việc của những người làm nên những hoạt ảnh bắt mắt ấy, thì VJing chính là người điều chỉnh visual (Visual Jockey – VJ). Tuy vậy, phải đến vài năm gần đây VJing mới dần trở thành một công việc chuyên nghiệp được công nhận, do ngày càng có nhiều studio được thành lập chuyên sâu cho lĩnh vực này và cũng có càng nhiều nghệ sĩ sử dụng VJing như một công cụ để làm mới các sản phẩm sắp ra mắt.
Và đi đầu trong lĩnh vực VJing hay Visual Art tại Việt Nam, không ai khác chính là cái tên khá quen thuộc – Lê Thanh Tùng, người được mọi người yêu mến gọi với cái tên Tùng Khỉ (hay Crazy Monkey).
Tùng Khỉ từng góp mặt cho vô số sự kiện nổi tiếng thành công, chịu trách nhiệm sản xuất hình ảnh thị giác và biểu diễn VJing trong nhiều năm liền cho Monsoon Music Festival, toàn bộ chuỗi Tiger Remix trên khắp cả nước,…và hợp tác cùng Sơn Tùng M-TP thực hiện một trong những MV 360 độ đầu tiên tại Việt Nam – Lạc Trôi. Được biết sắp tới, anh sẽ hợp tác cùng Soobin Hoàng Sơn để ra mắt sản phẩm mới cho triển lãm “Ô by L’OFFICIEL Vietnam” …
Ngoài ra, anh còn được mọi người biết đến bởi bảng thành tích dày đặc các giải thưởng cũng như có cơ hội tham dự các triển lãm, lễ hội quốc tế như: Giải Nhất Vietnam Young Lions trong hạng mục phim (2010), Đại diện Việt Nam tại Cannes Young Lions ở Cannes, Pháp (2010), triển lãm nhóm tại London Design Biennale tại London, UK,.. hay những sản phẩm hợp tác cùng các nhãn hàng danh tiếng như: Audi, Nokia, Aquafina,..
Với nền tảng kiến thức về Mỹ Thuật từ những năm Trung Cấp và Cao Đẳng tại trường Nghệ Thuật Hà Nội, anh cũng từng trao dồi thêm các kiến thức về Mỹ Thuật Đa Phương Tiện tại FPT Arena. Anh chia sẻ trong một bài phỏng vấn tại WeChoice 2018:
“Là một sự may mắn khi trong tay bạn có nhiều công cụ và khả năng để lựa chọn, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn có thể làm chủ cuộc chơi. Nếu tôi tự ti về bằng cấp của mình, không bao giờ tôi có thể đứng ngang hàng với bạn bè để cùng đón nhận và chiếm giữ những cơ hội mới. Nếu tôi sống trong những giải thưởng và vị trí mình đã có được trước đây, không bao giờ tôi có thể ngồi làm việc trong những khu kĩ thuật chật hẹp, trong những chiếc lều tạm của đội ngũ kỹ thuật mỗi khi chạy chương trình.
Đối với tôi thì cuộc sống là một con đường dài, bạn càng buông bỏ được bao nhiêu, bạn sẽ càng đi nhanh và xa hơn. Và hiển nhiên nếu bạn đi xa, bạn sẽ rất bất ngờ với những gì mình thấy được đấy.”
Trong một bài phỏng vấn từ L’OFFICIEL Vietnam, anh đã tự mô tả phong cách VJ của mình trong 3 từ “ngẫu nhiên”, “truyền thống” và “ngông”. Cũng dễ hiểu vì 3 đặc trưng ấy chảy xuyên suốt trong các tác phẩm nghệ thuật mà anh từng thực hiện. Đó là sự ngẫu nhiên trong thể nghiệm để bước ra khỏi giới hạn của chính mình.Truyền thống trong việc mang các yếu tố văn hóa nước nhà như hầu đồng, múa chăm, hình ảnh ngôi chùa vào trong các hiệu ứng thị giác. Thêm vào đó là chút ngông để tạo nên sức hút riêng, mang hơi thở đương thời vào trong tác phẩm.
Bàn sâu vào yếu tố truyền thống, anh từng chia sẻ.
“Thực ra yếu tố về dân tộc luôn luôn là một chất liệu tối ưu nếu bạn muốn đưa nghệ thuật của mình ra thế giới và được ‘nhận diện’. Tôi cũng không thoát khỏi nhu cầu đó khi áp dụng những chất liệu truyền thống vào nghệ thuật của mình. Tất nhiên nếu bạn làm điều gì về văn hóa truyền thống, bạn cần làm kỹ và đúng. Ở những sân chơi thuần nghệ thuật thì tôi được ‘cực đoan’ một chút khi được đặc tả và bóp méo những chất liệu đó trong tác phẩm của mình mà không cần quan tâm lắm tới thị hiếu của người xem. Nhưng ở những chương trình thương mại, tôi phải bảo đảm những chất liệu mình sử dụng phải đúng với thuần phong mỹ tục nên cũng có những rào cản nhất định cho sáng tạo.”
Các nội dung mapping chia làm 4 chủ đề chính: Tối Giản, Thiên Nhiên, Các kí hiệu/ kí tự Phật Giáo và Trừu Tượng. The Box Collective đã đưa người chiêm ngưỡng vào các chiều không gian thị giác rất khác, nơi không còn các quy tắc hay tham chiếu thông thường. Sự biến chuyển ngẫu nhiên của hơn 100 đoạn phim đồ họa và hiệu ứng, hòa quyện với nhau và tương tác với âm thanh theo thời gian thực, để mỗi lần nhìn tác phẩm là một lần bạn nhận được những sự tươi mới về thị giác do sự sắp xếp này mang lại.
Tác phẩm hy vọng là sự kết nối rất riêng và đầy khác lạ giữa những người xem thuộc thế hệ trẻ với văn hóa tín ngưỡng truyền thống.
Không ngại làm mới và thử nghiệm là phương châm mà Tùng Khỉ đặt ra cho mình trong chặng đường làm sáng tạo. Anh cho hay:
“Với mỗi chặng đường trong cuộc sống, tôi lại đưa những yêu cầu mới cho bản thân và buộc mình phải vượt qua nó để có thêm những nguồn năng lượng mới, nếu không chính tôi sẽ kiệt quệ.
Tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc mình sẽ tiên phong lĩnh vực này trước khi bắt đầu tìm hiểu về nó. Những công việc trước đây thực sự khá ổn định và tuyệt vời, nhưng nó không mang lại sự tự do về không gian, tự do về tài chính và tự do về trí óc cho tôi. Để ra quyết định bước khỏi vòng an toàn, tôi cũng đã thực sự nghĩ về những gì cần đánh đổi, nhưng không có gì có thể hấp dẫn hơn cảm giác được mạo hiểm làm một điều gì đó cho bản thân.”
Hiện tại, Tùng khỉ đang là Founder cho The Box Collective, một công ty chuyên về Virtual Production (sự kết hợp giữa cảnh quay trực tiếp và đồ họa máy tính).
Trả lời cho câu hỏi “Khi được mời hợp tác trong một dự án thì đâu là điểm anh sẽ cân nhắc để đưa ra quyết định có nhận lời hay không?”, anh cho biết:
“Tôi sẽ cân nhắc tới phạm vi dành cho sự sáng tạo và yếu tố cá nhân của mình được bao nhiêu phần trăm trong dự án. Nếu không có nhiều đất cho những điều đó, tôi sẽ cân nhắc một mức chi phí làm bản thân cảm thấy thỏa mãn.
Cũng với tiêu chí này cách đây một năm tôi đã thành lập studio The Box Collective, hoạt động dưới hình thức một công ty chuyên nghiệp trong lĩnh vực VJing và Visual Art cho âm nhạc. Tuy vậy The Box Collective vẫn có nhiều hoạt động khác mang đặc tính thể nghiệm nghệ thuật, như chương trình VJSeason Post Human tại Yoko, hay triển lãm Cyber Hug tại bảo tàng công nghệ nghệ thuật ở Taoyuan, Taiwan.”
“The Box Collective đã may mắn được đồng hành cùng những nhà tổ chức chương trình hàng đầu tại Việt Nam, mỗi chương trình là một trải nghiệm tuyệt vời. Cho đến nay sự kiện Tiger Remix là chuỗi sự kiện lớn nhất mà The Box đã thực hiện và đem đến nhiều kỉ niệm khó quên với đạo diễn Charlie Nguyễn cùng ekip chương trình.”
Trong 9 PURE NOW Show, chúng ta sẽ lắng nghe khách mời Tùng Khỉ chia sẻ về con đường anh tiếp cận và chinh phục lĩnh vực VJing hay Visual Art, những khó khăn và tiềm năng ở lĩnh vực này trong thời gian sắp tới cũng như những case study thú vị mà anh từng thực hiện … Nhớ theo dõi cùng chúng mình lúc 20h thứ 3 ngày 30/11/2021 tại chuyên mục PURE NOW Show nhé!
Thực hiện: May
Nguồn tham khảo
- 1. Website - https://rgb.vn/nhan-vat-tung-khi-crazy-monkey-khong-ngung-the-nghiem/
- 2. Website - https://www.lofficielvietnam.com/art-design/o-by-l-officiel-vietnam-tung-monkey-toi-thich-nhung-trai-nghiem-moi-me?fbclid=IwAR3qnc8fgSZIFfY9KO09QXX3moKftGdDRcu4_bhN5L-dg4BYV3qu_cr1yVM
- 3. Website - https://www.google.com/url?q=https://2018.wechoice.vn/de-cu/nhan-vat-truyen-cam-hung-16/crazy-monkey-703.htm&sa=D&source=docs&ust=1638173505369000&usg=AOvVaw0eGTFxoyVbVmPEmtJJHCk9
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. PURE NOW - Talk show dành riêng cho cộng đồng sáng tạo sắp sửa ra mắt
- 2. Balance: ‘PURE NOW là mạng lưới kết nối và chia sẻ kiến thức cho cộng đồng sáng tạo.’
- 3. Adam Parry - khách mời mở màn talkshow Pure Now của Balance
- 4. Tập 1 - PURE NOW Show: Cuộc chuyển mình từ nhà thiết kế đồ họa sang giám đốc sáng tạo của Adam Parry.
- 5. Chris Catchpole - cái tên được xướng danh là ‘Phù thủy trong ngành sáng tạo’
- 6. Tập 2 - PURE NOW Show: ‘Dù được trả 1 đô hay 100 đô, bạn cần phải làm tốt nhất có thể’ - Chris Catchpole
- 7. John Saboe: ‘Phần thưởng của tôi là cuộc sống phong phú hơn nhiều so với những gì tôi bỏ lại phía sau.’
- 8. Tập 3 PURE NOW Show: ‘Tôi không thích tạo ra sản phẩm mang những giá trị hiển nhiên’ - John Saboe
- 9. Dong Wun Guan: ‘Đừng quá hà khắc rằng bản thân phải có đầy đủ năng lực để làm một việc gì đó.’
- 10. Tập 4 PURE NOW Show: Khi khép lại cái tôi, cũng là lúc bạn mở ra cơ hội khác - Dong Wun Guan.