‘Khác biệt mới tuyệt làm sao’ - Thông điệp về sự đa dạng dành cho thiếu nhi từ Nguyễn Hoàng Vũ

“Công chúa chờ hoàng tử. Hoàng tử choảng với rồng. Và rồng thì phải khạc lửa thật oai, mới ra hình hài một thiên cổ tích. Cuộc sống vốn chẳng một màu như thế. Rồi tụi nhỏ sẽ bối rối trước những ‘công chúa’ ngoài đời: cô thì tự lực thoát thân, cô thì nhả khói tợn hơn rồng, lại có cô phải lòng một cô khác. ‘Ủa hông giống trong truyện?’, ‘Ủa sao kỳ vậy ta?’, ‘Ủa mẹ…?’, ‘Ủa ba…?'” (Trích chia sẻ trên trang cá nhân của tác giả Nguyễn Hoàng Vũ)

Những dòng chia sẻ về tiếng “Ủa” hồn nhiên của các bạn nhỏ hé mở phần nào cảm hứng sáng tác nên bộ truyện “Khác biệt mới tuyệt làm sao” – một bộ truyện khác lạ y như tên gọi đến từ Nguyễn Hoàng Vũ – người “rẽ ngang” tới văn học thiếu nhi.

Lăn lộn với chữ nghĩa và công việc sáng tạo trong ngành quảng cáo nhiều năm, tác giả Nguyễn Hoàng Vũ tìm thấy ở văn học thiếu nhi một niềm yêu thích mới và một mảnh đất để anh tự do sáng tác hơn nữa. Bộ truyện “Khác biệt mới tuyệt làm sao” – tác phẩm mới nhất của anh – là một luồng gió mới mẻ cho văn học thiếu nhi Việt Nam, gửi gắm thông điệp về tôn trọng sự đa dạng và khác biệt cá nhân. Bộ sách đã giành giải thưởng Khát vọng Dế mèn năm 2021 – thuộc Giải thưởng Thiếu nhi Dế mèn do báo Thể thao và Văn hóa tổ chức, một giải thưởng nghệ thuật thường niên với mục đích tìm kiếm và tôn vinh các tác phẩm nghệ thuật “của thiếu nhi” và “vì thiếu nhi”.

Với những người trưởng thành, bốn tập truyện trong “Khác biệt mới tuyệt làm sao” còn có thể là một khám phá thú vị, đưa bạn từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, để khi gấp trang sách lại sẽ là một cảm giác dễ thương và dễ chịu. Nêm nếm những gia vị khác biệt cho các nhân vật vốn quen thuộc như kỳ lân, rồng, ma cà rồng, bụt, một thế giới mới lạ đã hiện ra đầy sinh động, dí dỏm, sâu sắc và thuyết phục.

Hãy cùng iDesign trò chuyện với tác giả Nguyễn Hoàng Vũ – Giám đốc sáng tạo/ Người viết đa phương tiện (hiện đang theo học Thạc sĩ Biên kịch Điện ảnh tại Mỹ) để lắng nghe những chia sẻ về sự đa dạng trong công việc sáng tác cho thiếu nhi nhé! 

Tác giả Nguyễn Hoàng Vũ

Niềm trăn trở với chủ đề đa dạng và cơ duyên sáng tác cùng văn học thiếu nhi

Xin chào anh Vũ. Anh có thể chia sẻ cơ duyên nào dẫn đến sự hợp tác của anh với Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng không? 

Trước bộ “Khác biệt mới tuyệt làm sao”, vào năm 2017, anh đã cùng Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng thực hiện một cuốn sách mang tên “The Alphabet I Found in Mom’s Kitchen (tạm dịch: Bảng chữ cái tôi tìm thấy trong căn bếp mẹ mình). Đây là cuốn sách dạy bảng chữ cái cho con nít bằng cách dùng những hình ảnh quen thuộc trong căn bếp như con cá, hộp sữa, trái cà chua,…, từ đó tạo ra thế giới quan thú vị qua đôi mắt của một đứa trẻ hai tuổi. Đó vốn là dự án riêng của anh và hai người bạn, tụi anh định sẽ tự xuất bản, nhưng thật may mắn vì NXB Kim Đồng đã ngỏ lời mua bản thảo. 

Lần này câu chuyện hơi khác. Mỗi lần anh làm một dự án nào đó, anh đều muốn hợp tác với những người mới để cho ra những kết quả bất ngờ, không bị một màu. Vì thế, với bộ sách “Khác biệt mới tuyệt làm sao”, anh chủ động tìm đến NXB Kim Đồng trước cả khi anh viết. Anh không có bản thảo hay bản đề xuất gì, chỉ đến với một vài ý tưởng manh nha, sơ khởi trong đầu thôi. Mọi người khá cởi mở với ý tưởng của anh và nói trước rằng sách thiếu nhi bán chạy ở Việt Nam chủ yếu là sách cơ bản, dạy trẻ em về phân biệt màu sắc, phân biệt động vật, thực vật hay các quốc gia chứ không thiên về kể chuyện hay có những thông điệp chiều sâu và phức tạp. Nhưng NXB đã đồng ý để làm bộ sách này vì mọi người cảm thấy cần phải cho những tiếng nói trẻ của Việt Nam có cơ hội để cất lên, mặc dù đây có thể không thuộc nhóm chủ đề mà phụ huynh thường quan tâm. Anh rất trân trọng điều đó. 

Sau đó, mọi người lựa chọn được một trong ba chủ đề lớn sơ khởi. Sau hai tuần, anh gửi lại bản đề xuất, lúc đó anh định làm tám cuốn liền và ý tưởng chung là dùng những nhân vật trong huyền thoại để làm nhân vật chính. Từng bạn nhân vật sẽ có một điểm khác biệt mà bình thường mình nghĩ đó là điểm nổi trội hay đẹp nhất. 3-4 tuần tiếp theo anh gửi bản thảo cuốn đầu tiên, cứ như thế tầm bốn tháng anh gửi đầy đủ bốn cuốn.

Cảm hứng để anh lựa chọn chủ đề “Khác biệt” cho bộ truyện “Khác biệt mới tuyệt làm sao” đến từ đâu? 

Anh quan tâm về sự đa dạng và tìm hiểu về chủ đề này từ rất lâu rồi. Anh cảm thấy sách thiếu nhi ở Việt Nam dạy trẻ em rất nhiều về đa dạng sinh học, phân biệt cây này với cây nọ, động vật này với động vật kia nhưng mà lại không dạy về đa dạng bản sắc. Bộ sách của anh cũng chỉ là một giọt nước trong đại dương thôi nhưng anh muốn bắt đầu một điều gì đó dù là nhỏ để khởi xướng mọi người nói về chủ đề này, bắt đầu nghĩ về chuyện dạy cho trẻ em về sự đa dạng và tôn trọng khác biệt cá nhân. 

Anh nhớ trong một bài nghiên cứu anh đã đọc, con nít bắt đầu từ năm hai tuổi đã ý thức được về khuôn mẫu. Mặc dù các bé không nói ra thành lời nhưng trong nhận thức đã nhận ra được. Những khuôn mẫu đó sẽ bám chặt với các bạn nhỏ từ 2-10 tuổi, từ 10 tuổi trở lên hệ thống tư duy của các bạn phát triển hơn thì sẽ linh hoạt hơn trong việc thay đổi nhận thức về khuôn mẫu. Đó là lý do anh hướng đến đối tượng độc giả trong độ tuổi đó.

Tập truyện “Nàng rồng khè ra trà sữa” trong bộ “Khác biệt mới tuyệt làm sao”

Từ lúc anh bắt đầu quan tâm đến chủ đề khác biệt nói chung cho đến khi ấp ủ dự định viết sách thiếu nhi là quãng thời gian như thế nào? 

Anh dùng chính công việc chủ đạo ở agency để tạo ra sự thay đổi. Khi anh làm quảng cáo, anh rất ý thức về việc này. Anh không muốn tạo ra những khuôn mẫu bởi khi làm quảng cáo mình rất dễ sa đà vào khuôn mẫu, đặc biệt khi nói về nội trợ, làm đẹp,… Sẽ có rất nhiều khuôn mẫu mình vô tình đặt gánh nặng lên người tiêu dùng. Anh có tạo một văn hóa trong nhóm của anh ở công ty là khi mọi người có suy nghĩ hơi mang tính khuôn mẫu sẽ cùng nhắc nhở nhau, làm sao để tránh được chuyện đó càng nhiều càng tốt. Ngoài công việc ở agency, anh cũng làm một số dự án của riêng anh về sự đa dạng. 

Vì sự quan tâm dành cho vấn đề này nên anh luôn muốn phải làm tốt chuyện đó trong công việc chính của anh, làm sao để mình tạo ra văn hóa phẩm không tô đậm thêm những khuôn mẫu, nếu không giúp gỡ bỏ thì cũng đừng làm nặng nề thêm những gánh nặng của người vợ, người mẹ, người đàn ông,… trong xã hội. 

Ngoài công việc quảng cáo, bộ sách này là bước đi mang tính “danh chính ngôn thuận” đầu tiên anh làm về chủ đề này. 

Quá trình sáng tác và lấp đầy nỗi sợ ‘trang giấy trắng’

Quá trình sáng tác “Khác biệt mới tuyệt làm sao” đã diễn ra như thế nào vậy anh?

Có hàng ngàn cách tiếp cận chủ đề, anh đã tóm gọn để tập trung vào tám khía cạnh của sự đa dạng mà trong đó bốn khía cạnh đã xuất hiện: năng lực, thể hiện giới, niềm tin, ngoại hình. Sau đó anh cân nhắc hình thức sáng tạo nào sẽ giúp mình truyền tải những điều đó tốt nhất và anh chọn dùng những bạn nhân vật trong thế giới huyền thoại.

Lý do cũng cá nhân thôi, gu của anh là những thứ siêu thực, anh không thích những thứ quá thực tế. Thêm nữa là dùng những nhân vật này cho anh sự tự do nhất định. Những câu chuyện về sự khác biệt phần nào vẫn bị coi là điều nhạy cảm hay cấm kị. Khi mình chọn kể câu chuyện này cho một thế giới khác, mình thoải mái để nói về nó hơn. Anh nghĩ các bạn nhỏ sẽ dễ dàng tìm thấy chính mình qua những nhân vật trong truyện, thay vì mình kể về một bạn A bạn B nào đó, mình dùng những nhân vật mà các bạn nhỏ cảm thấy kết nối được mà vẫn kích thích trí tò mò và sáng tạo của các bạn. 

Sau khi chọn được bốn chủ đề và cách tiếp cận, anh mới tìm nhân vật cho từng câu chuyện. Sau đó tóm tắt mỗi câu chuyện tầm 100 chữ đổ lại và gửi lại cho NXB. Anh là một người viết khá chú trọng vào cốt truyện, anh vẽ ra đường dây câu chuyện và sau đó bắt đầu đắp vào, hổng chỗ nào thì đắp chỗ đó, viết thành câu thành lời và chọn thể thơ.

Quá trình cho mỗi cuốn mất tầm 3-4 tuần. Đây là dự án riêng chứ không phải công việc chính nên lúc nào có thời gian rảnh anh sẽ làm. Trong quá trình làm anh cũng có trao đổi với một người bạn, vì khi mình là người viết, mình đã quá hiểu nhân vật, mình sẽ có những điểm mù nhất định. Cuối cùng, anh gửi bốn bản thảo đó đến NXB và hai bên trao đổi để biên tập đến bản cuối cùng. 

“Lão ma cà rồng cuồng cà rốt” với thông điệp về sự khác biệt sẽ khiến bạn đọc bất ngờ

Đâu là công đoạn tiêu tốn nhiều thời gian và khó khăn nhất với anh?

Anh là một người viết theo concept. Những công đoạn đầu anh làm rất nhanh. Anh nghĩ ra tám câu chuyện trong vòng chưa đến hai tuần nhưng để viết từng tập thì mất thời gian hơn. Anh nghĩ người viết nào cũng gặp nỗi sợ “trang giấy trắng” – bản thảo đầu tiên luôn mất thời gian nhất và là điều anh sợ nhất vì mình phải làm từ số 0. Nó như một quá trình xây nhà vậy, concept và bản thảo của ngôi nhà anh làm rất nhanh. Khi bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên, anh khá sợ và có xu hướng trì hoãn. Nhưng cuối cùng cũng phải làm thôi nếu không nó sẽ không thành hình.

Mỗi lần ngồi xuống viết anh đặt mục tiêu từng trang từng đoạn, chứ không nhất thiết phải nghĩ đến cả câu chuyện vì có thể sẽ gây áp lực. Dần dà cũng ra hình hài, đến cỡ phân nửa thì mình thấy yên tâm hơn vì không còn là trang giấy trắng nữa. 

Sau đó là quá trình tự biên tập. Quá trình biên tập thường diễn ra song song với quá trình viết, mỗi khi anh ngồi xuống viết thì việc đầu tiên anh làm là đọc lại những đoạn anh đã viết để kết nối tâm trạng và biên tập những đoạn trước đó. 

Anh bị bí ở tập truyện về lão ma cà rồng. Ở trong bản đề xuất đầu tiên anh gửi cho NXB, đó là một cậu nhóc ma cà rồng. Nhưng sau đó anh cảm thấy hướng đi ấy sẽ thiếu sự đa dạng vì nhân vật chính của ba tập kia đều là trẻ nhỏ nên anh muốn tập này khác đi. Bản đề xuất đầu tiên cũng có những lỗ hổng logic nên anh tư duy lại và chỉ giữ một số yếu tố. Khi mình mắc kẹt quá lâu nghĩa là câu chuyện có vấn đề, mình phải lùi lại để nhìn nó một cách khách quan nhất. Kể cả khi anh làm quảng cáo, cái khó là giữ một khoảng cách nhất định với đứa con tinh thần của mình. Nếu yêu nó quá mình dễ bị mù quáng, cảm thấy mọi thứ đều rất tuyệt vời rồi và mình không muốn thay đổi nữa. Anh nghĩ đó là điều không nên. 

Các nhân vật trong mỗi truyện đều có sự quen thuộc nhất định đối với các bé và người đọc nói chung, từ ma cà rồng, ông bụt, kỳ lân, rồng,… và được gắn với một đặc điểm mới mẻ, khác biệt chưa xuất hiện ở các truyện trẻ em trước đây bao giờ. Liệu đây có phải là công thức xây dựng nhân vật cho bộ truyện của anh không? Anh có thể chia sẻ thêm về chủ ý xây dựng nhân vật cho mỗi tập truyện không? 

Anh thấy những người đã đọc bộ sách của anh chia hai phe rõ ràng. Các độc giả người lớn thì đều thích ma cà rồng, chú nhỏ trong khi các bạn thiếu nhi đều thích cuốn về nhân vật rồng. Cuốn chú nhỏ mà người lớn đều thích vì chủ yếu là có yếu tố Việt Nam, còn ba cuốn kia bị cho là Tây hóa quá. Anh cũng không phản biện gì vì với anh yếu tố Việt Nam là một yếu tố đáng trân trọng chứ không bắt buộc phải có. 

Lúc anh làm quảng cáo, anh thích chơi chữ hoặc dùng những lời ăn tiếng nói hàng ngày và biến đổi một chút, sự biến đổi nhỏ đó sẽ mang tính chất “lật bàn” và đảo ngược những gì mà người ta vốn thường hiểu. Biến đổi ấy sẽ tạo nên một cớ để mình kể chuyện. Anh cũng muốn cho mỗi nhân vật có số phận khác nhau để không bị một màu. 

Anh không có nhân vật chính yêu thích nhất trong bộ sách vì tất cả đều là con của mình mà, sao nói thương đứa này hơn đứa kia được. Nhưng về tuyến nhân vật phụ, anh hứng thú với ông bụt trong tập “Chú nhỏ ôm giấc mơ tiên”. Vì ông là người bị mắc kẹt, tuy phải tuân theo lề thói xã hội nhưng ông vẫn có một trái tim bao dung để thấu hiểu những thân phận khác biệt như ông nhưng dũng cảm hơn ông. Đó là một nhân vật khá đa chiều và anh thích sự đa chiều đó dù đó chỉ là nhân vật phụ. 

“Chú nhỏ ôm giấc mơ tiên” – Tập truyện về sự đa dạng trong thể hiện giới

Có thể thấy “Khác biệt” là một chủ đề khá rộng lớn, anh đã lựa chọn như thế nào để chọn ra bốn thông điệp chính cho mỗi tập truyện? 

Tám khía cạnh ban đầu anh lựa chọn gồm có ngoại hình, đam mê, niềm tin, năng lực – đây là bốn khía cạnh đã ra đời. Bốn khía cạnh còn lại là sức khỏe, hoàn cảnh, màu da và văn hóa không có tính đại diện như bốn yếu tố kia. Các yếu tố này cũng hơi phức tạp và trừu tượng với đối tượng thiếu nhi. Anh nghĩ không có cái nào quan trọng hơn cái nào nhưng sẽ có những tiêu chí để mình xét chọn viết cái nào trước. 

Phong cách viết của “Khác biệt mới tuyệt làm sao” dường như là một sự kết hợp giữa văn xuôi và thơ. Liệu đây có phải chủ ý của anh trong cách xây dựng phong cách viết cho bộ truyện? Anh có thể chia sẻ thêm về phong cách viết này không? Vì sao anh thấy cách truyền tải này là phù hợp với các độc giả nhí? 

Từ giai đoạn đầu, anh đã đề xuất với NXB bộ sách sẽ viết theo văn vần. Anh không muốn viết hoàn toàn theo văn xuôi. Vì thứ nhất, cách viết đó ở Việt Nam đã có nhiều. Thứ hai, đó không phải là thế mạnh của anh, anh vẫn thiên về hướng viết cô đọng của copywriter hơn. Cách viết thơ này cũng dễ tiếp thu, dễ tạo một sự liền mạch và kết nối với các bạn nhỏ đặc biệt khi các bạn bắt đầu làm quen với ngôn từ và khám phá ra vẻ đẹp của nó. Vần cũng là một vẻ đẹp trong tiếng Việt nên anh muốn dùng văn vần làm phương tiện để đi vào lòng các bạn. Những câu không phải hội thoại tuy không được viết bằng thơ nhưng anh cố gắng viết ngắn gọn nhất có thể, để dễ đọc và có giai điệu trong đó. 

Bộ sách về tinh thần đa dạng nên ngoài nội dung, hình thức cũng phải mang tính đa dạng. Bốn tập truyện được viết theo bốn thể thơ khác nhau: năm chữ, sáu chữ, bảy chữ và lục bát. Nếu chuyển hết về một thể thơ thì sẽ mang tính thống nhất nhưng tính thống nhất đó lại không để làm gì, trong khi nếu đã xác định tinh thần đa dạng và truyền tải được qua hình thức đa dạng, anh nghĩ đó là một điểm cộng. Với các bạn nhỏ, sách ngoài để đọc, giải trí, học thêm điều gì đó mới mẻ còn là một cánh cửa để mở ra các tư duy về ngôn ngữ. 

Tập truyện “Nhóc kì lân mọc sừng búa đẽo” khuyến khích tôn trọng 
sự khác biệt về ngoại hình 

Trong sáng tác cho thiếu nhi, hình ảnh chiếm một phần quan trọng. Với “Khác biệt mới tuyệt làm sao”, mỗi truyện lại có một họa sĩ để minh họa. Anh có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa giữa chữ và hình không?

“Hình ảnh và chữ nghĩa với anh như hai nửa của một đồng xu. Anh rất hứng thú với mối liên kết đó vì với anh, một tác phẩm mà hình ảnh lặp lại câu chữ hay câu chữ lặp lại hình ảnh là một việc dở. Hai cái phải tương hỗ với nhau thậm chí là đối chọi nhau, cái này mở đường cái kia.”

Nguyễn Hoàng Vũ

‘Hãy coi các bạn nhỏ là người trưởng thành’ và ý nghĩa của Giải thưởng Khát vọng Dế mèn

Vì sao anh lại lựa chọn đối tượng thiếu nhi? Theo anh, công việc sáng tác cho thiếu nhi có những điều thú vị và thách thức gì? 

Khi sáng tác cho thiếu nhi anh có rất nhiều sự tự do. Anh không bị bó buộc gì cả. Con nít có thể nhìn một con thỏ màu trắng, màu tím, màu hồng hay màu dạ quang – điều đó đều hợp lý trong thế giới quan của con nít. Vì vậy, anh sẽ có rất nhiều lựa chọn, không bị bó hẹp trong cái gì đó nhất định. 

Thứ hai, anh tin vào sức mạnh của ngôn ngữ đơn giản. Khi ngôn ngữ đơn giản được đặt để một cách hợp lý, dụng công và có tâm sẽ tạo ra được hiệu quả truyền đạt rất tốt. Đặc biệt là khi viết cho các bạn nhỏ, mình càng phải đơn giản hóa ngôn ngữ. Vì vậy, đối với anh đó cũng là một thách thức rất thú vị, làm sao để với những từ đơn giản đó mình kể được một câu chuyện đầy đủ và có những điều thú vị không kém gì một câu chuyện dành cho người lớn. 

Một điểm khác nữa là về mặt nội dung, anh nghĩ giáo dục về chủ đề đa dạng nên được đưa vào giảng dạy ở một độ tuổi sớm hơn. Giai đoạn phát triển tư duy là giai đoạn vàng để mình tạo ra những sự thay đổi có sức ảnh hưởng. Khi mình bị ảnh hưởng quá lâu bởi các khuôn mẫu mình sẽ không nhận ra điều đó, nó giống như khí ga vậy, tưởng chừng như vô hình nhưng hít càng nhiều càng độc hại. 

Với cả, anh rất thích con nít nữa.

Về thách thức, ngoài việc sử dụng ngôn ngữ đơn giản, viết cho thiếu nhi tức là viết cho một đối tượng mà mình khó khảo sát. Giả sử mình làm với một thương hiệu cho người cao tuổi, mình vẫn có thể đi phỏng vấn để hiểu về tâm tư, nguyện vọng của họ. Con nít thì lại khác, mình không thể hoàn toàn nhập tâm vào thế giới quan của các bạn vì các bạn còn đang thiếu sự hoàn thiện về ngôn ngữ và diễn đạt. Mình phải tin vào cảm tính và trải nghiệm tuổi thơ của mình đồng thời nhận thức được trải nghiệm của mình không giống với trải nghiệm của các bạn thời nay.

Ngoài ra, anh không gặp thách thức nào khiến anh nghi ngại, phải suy nghĩ xem mình có nên viết cho thiếu nhi hay không, có nên chuyển câu chuyện sang một định dạng khác không. Anh đến với loại hình này một cách nghiệp dư và hồn nhiên nên sẽ có những cái nhìn mới và ít bị ảnh hưởng bởi các tác phẩm đã đi trước. Thực ra khi mình đọc nhiều quá, xem nhiều quá cũng có cái tốt, bởi mình có thể học thêm các kỹ năng, đồng thời cũng có những sự ảnh hưởng rập khuôn trong vô thức. 

Làm thế nào một người trưởng thành có thể đặt mình vào góc nhìn con trẻ, để mang đến cho các bé những câu chuyện không những vừa thú vị mà còn ẩn chứa những thông điệp tốt đẹp trong cuộc sống? 

Việc cố tình ngô nghê khi viết cho thiếu nhi là một điều hạn chế anh thấy còn xuất hiện ở nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi ở Việt Nam. Sự ngô nghê đó lại không đúng với tâm lý con nít. Một người bạn đã nói một câu anh rất tâm đắc: “Khi viết cho thiếu nhi, hãy coi các bạn là người lớn”. Hãy coi các bạn nhỏ có sự trưởng thành trong tư duy ở độ tuổi đó chứ đừng xem nhẹ các bạn. Mình nên nghĩ các bạn có nhận thức nhất định và vì vậy phải rất kỹ lưỡng khi nói chuyện với con nít. Không phải vì viết cho con nít mà mình có thể dễ dãi, viết cho con nít mình càng phải khắt khe, mình xem các bạn như là người đồng trang lứa và mình tôn trọng tư duy của các bạn. Như thế việc viết lách cũng tự nhiên, chứ anh không có phương pháp cụ thể viết cho thiếu nhi sẽ như thế nào. 

Khi ở độ tuổi trưởng thành mà mình lại xem nhẹ các bạn thiếu nhi, cố tình ngô nghê thì sự ngô nghê đó rất nửa vời. Anh biết là mình chẳng thể nào hóa thân được thành con nít hoàn toàn đâu nên mình cứ coi các bạn như những người bạn thôi. 

Tác giả Nguyễn Hoàng Vũ và bộ sách “Khác biệt mới tuyệt làm sao”

Nhân đây, chúc mừng anh Vũ vì bộ truyện “Khác biệt mới tuyệt làm sao” đã giành được Giải thưởng Khát vọng Dế Mèn! Anh có thể chia sẻ về cảm xúc của anh khi nhận được tin này không? Giải thưởng đó có thể được coi là tín hiệu đáng mừng rằng sáng tác cho các em nhỏ tại Việt Nam đang dần có những hướng đi mới mẻ? 

Lúc anh nhận được tin anh rất bất ngờ vì những giải thưởng cá nhân trước đây của anh là do anh chủ đích dự thi hoặc là dự án của công ty đi dự giải. Vào một ngày đẹp trời, chị biên tập viên nhắn anh là tác phẩm được vào vòng chung khảo. Sau đó còn được giải nữa anh rất là vui. 

Về ý nghĩa của giải thưởng, anh nghĩ đó là một điều nên làm và nên được làm từ sớm hơn, vì văn học thiếu nhi là một mảng rất quan trọng trong văn học của bất kì quốc gia nào. Tuy nhiên, anh cảm thấy ở Việt Nam chưa có những động lực để thúc đẩy sự tìm tòi và sáng tác của các tác giả viết cho thiếu nhi. Nhuận bút khi viết cho thiếu nhi không được bao nhiêu hết, mình làm vì đam mê thôi chứ nếu gọi nó là sự nghiệp thì sẽ khó sống được.

Giải thưởng Dế Mèn đồng thời tạo ra cái cớ truyền thông để mọi người nói về các tác phẩm, về tầm quan trọng của văn học thiếu nhi. Anh cũng rất cảm kích vì dù trong mùa Covid-19, mọi người vẫn ráng tổ chức trao giải đúng ngày Quốc tế Thiếu nhi mặc dù phải tổ chức online. Giải thưởng này cũng không chỉ dành cho văn học mà còn có các hạng mục về phim ngắn, tranh vẽ,…, cũng như không chỉ dành cho những tác phẩm được tạo ra cho thiếu nhi mà còn bởi thiếu nhi. Anh thấy bản thân giải thưởng cũng mang tính đa dạng, các tác phẩm đa dạng về hình thức, phong cách, bề dày kinh nghiệm của tác giả. Dù là tiểu thuyết, truyện ngắn, tranh vẽ đều được đặt ngang hàng, có giá trị như nhau. Ban tổ chức không có một định kiến nào về việc văn học thiếu nhi phải có hình thức như thế nào, miễn là tác phẩm đến được với thiếu nhi.

Anh có thể chia sẻ một chút về dự định và các kế hoạch của mình trong tương lai?

Đối với anh sáng tác thiếu nhi là sở thích và anh muốn giữ nó như vậy, chứ không muốn mình phải kiếm tiền từ nó, vừa không khả thi vừa áp lực. Trước khi sang Mỹ học, NXB Kim Đồng đã mời anh tham gia một dự án sách khác, cuối năm nay có thể sẽ ra mắt. 

Chuyên ngành học Biên kịch hiện tại của anh sẽ mất tầm 2-3 năm. Anh muốn làm phim, viết kịch bản phim về chủ đề đa dạng. Anh vẫn sẽ giữ đúng những thứ mà anh muốn làm, tạo ra những thế giới siêu thực nơi có những nhân vật đa chiều, đa dạng. Khác với viết truyện thiếu nhi tươi sáng, vui vẻ, khi làm phim anh muốn đào sâu vào các chủ đề đen tối, những mặt ẩn khuất sâu trong con người. 

Khám phá thế giới đặc biệt của “Khác biệt mới tuyệt làm sao” tại đây.


Cuốn “Ngụ ngôn loài hộp” là một trong ba tác phẩm thuộc bộ sách “Vòng tròn sự sống”

Được biết, tác phẩm mới nhất của tác giả Nguyễn Hoàng Vũ mang tên “Ngụ ngôn loài hộp” sẽ ra mắt vào năm 2022. Tác phẩm nằm trong bộ sách thiếu nhi “Vòng tròn sự sống” gồm ba tập với ba ý nghĩa chính: Khởi nguồn sự sống, phát triển bản thân, quay về cội nguồn. Trong “Ngụ ngôn loài hộp”, tác giả tiếp tục giữ phong cách đặc trưng siêu thực của mình: đặt ra giả thuyết “muôn loài đều khởi sự là những khối hộp thô sơ, nhờ được mài giũa qua trải nghiệm sống thì mới nên vóc nên hình những loài vật ta thấy ngày nay”.

Thực hiện: Su.dden

Hình ảnh do nhân vật cung cấp

Cùng tác giả

#Tag

sáng tác sáng tạo Su.dden truyện trẻ em văn học văn học thiếu nhi

iDesign Must-try

Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Gửi lời chào năm 2024 đến các độc giả, Nhà xuất bản Nhã Nam đã giới thiệu đến công chúng bộ lịch với chủ đề “Từ trong trang sách”, lấy…
Giải thưởng Review thương hiệu danh giá thường niên - Brand Review Award (B.R.A)
Giải thưởng Review thương hiệu danh giá thường niên - Brand Review Award (B.R.A)
Đã bao giờ bạn tự hỏi? Là công dân của một nước, điều gì khiến bạn ghi nhớ nhất và tự hào nhất về quốc gia mình, về dân tộc…
Dự báo các xu hướng trong ngành thiết kế đồ họa năm 2024
Dự báo các xu hướng trong ngành thiết kế đồ họa năm 2024
Bài viết được thực hiện bởi Tom May, đăng tải trên Creative Boom, dịch bởi May Thế giới thiết kế đồ họa không ngừng phát triển với những xu hướng…
Những tác phẩm chạm khắc trái cây siêu thực của Yuni Yoshida
Những tác phẩm chạm khắc trái cây siêu thực của Yuni Yoshida
Dưới bàn tay của Yuni Yoshida, các loại trái cây quen thuộc trở thành những tác phẩm nghệ thuật siêu thực và trừu tượng. Giám đốc nghệ thuật người Nhật…
Thông tin sự kiện Hoa Mai Design Award 2023 - 2024
Thông tin sự kiện Hoa Mai Design Award 2023 - 2024
Giải thưởng Thiết kế Sản phẩm Nội thất gỗ Hoa Mai (HMA) lần thứ 20 chính thức khởi động, tổng giá trị giải thưởng lên đến 700 triệu đồng. Sáng…