Những sự lãng quên của ‘người’ trong tác phẩm trình diễn của Nhi Lê

Một nghệ sĩ trình diễn. Những mảnh vải kéo dài trên sàn, trên trần. Những chuyển động cơ thể. Những tương tác không lời. Những gợi mở cảm giác. Nhi Lê đã mang đến triển lãm “Bảo tàng tan vỡ” – sự kiện khép lại chiến dịch sức khoẻ cộng đồng “Yêu mới khó – Phòng ngừa HIV có ngại gì” – một tác phẩm đặc biệt và khiến người xem phải băn khoăn, tự vấn không ít thì nhiều.

Nghệ sĩ Nhi Lê cùng tác phẩm trình diễn “Người quên đi thành phố của người, ngôn ngữ của người, những người bố của người, những người mẹ của người, các cuộc chiến của người, những người tình của người, móng tay chân của người, nghệ thuật của người, đại dương của người, xác thịt của người, chăn của người, và tôi” tại triển lãm “Bảo tàng tan vỡ”

Nghệ thuật trình diễn (Performance Art) bắt đầu xuất hiện từ những năm 1950, là sự hội tụ của bốn yếu tố cơ bản: thời gian, không gian, cơ thể của người trình diễn hoặc sự hiện diện thông qua phương tiện truyền thông, sự tương tác giữa người nghệ sĩ và công chúng thưởng ngoạn. Là một mảnh đất nghệ thuật rộng lớn, đa chiều, không có giới hạn về cách thức truyền đạt và thể hiện, mang tính thử nghiệm cao, nghệ thuật trình diễn có lịch sử lâu đời. Loại hình nghệ thuật này không ngừng thách thức những người nghệ sĩ trong việc tìm kiếm nguồn cảm hứng, chất liệu mới, cách thức biểu đạt mà nó còn thách thức chính khán giả trong việc đón nhận, tìm hiểu và tương tác với màn trình diễn của nghệ sĩ. 

Tuy là hình thức nghệ thuật quen thuộc ở các nước phương Tây nhưng nghệ thuật trình diễn có xuất phát điểm khá muộn ở Việt Nam, từ những năm 90-2000. Nói như vậy, không có nghĩa là tại Việt Nam không có nghệ sĩ trình diễn nào hay không có không gian nào cho nghệ thuật trình diễn. Dù còn mới mẻ nhưng ở Việt Nam đã và đang ghi nhận dấu ấn của không ít các nghệ sĩ trình diễn và các tác phẩm trình diễn ấn tượng được thực hiện tại các triển lãm, workshop, sự kiện nghệ thuật. Từ đó, nghệ thuật trình diễn dần dần được đem đến gần gũi hơn tới những người yêu nghệ thuật nói riêng và công chúng nói chung ở Việt Nam.

Gần đây, sự kiện triển lãm “Bảo tàng tan vỡ” (“Museum of Heartbreak”) – một phần của chiến dịch sức khỏe cộng đồng “Yêu mới khó – Phòng ngừa HIV có ngại gì” đã được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại (The Factory Contemporary Arts Centre). Trong 10 tác phẩm góp mặt, xuất hiện tác phẩm trình diễn của nghệ sĩ Nhi Lê với một cái tên rất đặc biệt “Người quên đi thành phố của người, ngôn ngữ của người, những người bố của người, những người mẹ của người, các cuộc chiến của người, những người tình của người, móng tay chân của người, nghệ thuật của người, đại dương của người, xác thịt của người, chăn của người, và tôi”.

Nhi Lê là nghệ sĩ trình diễn đang sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Nghiên cứu và khám phá những phương pháp trải nghiệm nghệ thuật mới cho khán giả là chủ đề lâu dài mà Nhi quan tâm. Nhi Lê luôn đặt câu hỏi cho sự kết nối giữa mình và không gian, thời gian. Nếu có thể bước ra khỏi dòng chảy thời đại và nơi chốn hiện tại, Nhi tin rằng sẽ tìm thấy một cái tôi nguyên bản khác không bị bó hẹp hay định hình bởi bất kỳ yếu tố nào đang chờ được đánh thức.

Mang đến triển lãm “Bảo tàng tan vỡ” tác phẩm “Người quên đi thành phố của người, ngôn ngữ của người, những người bố của người, những người mẹ của người, các cuộc chiến của người, những người tình của người, móng tay chân của người, nghệ thuật của người, đại dương của người, xác thịt của người, chăn của người, và tôi”, Nhi Lê gửi gắm một quan sát – một câu hỏi chứa đựng trong những chuyển động cơ thể, những mảnh vải, nói rộng hơn là toàn bộ không gian The Factory: “Chúng ta không ngừng tạo ra và lưu trữ các sự kiện, hình ảnh về những người ta yêu thương, nơi chốn ta từng đến… Cơ thể trở thành một “vật chứa” các hình ảnh này. Liệu sự tổn thương về thể xác lẫn tinh thần làm ta quên đi hay nhấn chìm ta trong các kí ức?”

Cùng iDesign khám phá thêm về tác phẩm của nghệ sĩ Nhi Lê trong triển lãm “Bảo tàng tan vỡ” và tìm ra câu trả lời của riêng bạn nhé! Trong bài phỏng vấn phần trả lời, bạn sẽ thấy cái tên Sam xuất hiện thay vì Nhi Lê. Đây là cách xưng hô thông thường của cô đối với tất cả mọi người (cũng có thể là một nghệ danh).

Tại triển lãm “Bảo tàng tan vỡ”, chị đã trình diễn tác phẩm có cái tên rất đặc biệt “Người quên đi thành phố của người, ngôn ngữ của người, những người bố của người, những người mẹ của người, các cuộc chiến của người, những người tình của người, móng tay chân của người, nghệ thuật của người, đại dương của người, xác thịt của người, chăn của người, và tôi”. Đâu là cảm hứng đã khiến chị lựa chọn cách đặt tên như vậy cũng như chủ đề về sự chứa đựng ký ức của cơ thể để truyền tải vào màn trình diễn? 

Tên tác phẩm lấy cảm hứng từ chính chất liệu mềm mại, trải dài miên man của dải vải, và các mộng tưởng hay kí ức về tình yêu, cuộc sống. Sam muốn tên tác phẩm gợi mở nhiều hình ảnh, cảm giác, có thể là thơ mộng, nhạt nhẽo, mơ hồ, hay cụ thể và gần gũi như ‘chăn của người’.

Nhân vật mà chị trình diễn có thể hiểu là bất cứ ai với hành lý ký ức nặng nề không? 

“Nhân vật” này có thể là bất kì ai, bất kì điều gì, có thể là cảm giác hay người ngoài hành tinh …

Với câu hỏi trong phần mô tả tác phẩm: “Liệu sự tổn thương về thể xác lẫn tinh thần làm ta quên đi hay nhấn chìm ta trong các ký ức?” nhưng tên tác phẩm lại gợi ra sự quên lãng. Đây phải chăng là câu trả lời ẩn ý? 

Thú vị là khi bạn nói Sam mới nhận ra tên tác phẩm là câu trả lời, nhưng nó không hẳn là câu trả lời, nhiệm vụ của nó chỉ là gợi mở cảm giác.

Bốn tấm vải màu đã xuất hiện như thế nào trong quá trình lấy cảm hứng và tìm ý tưởng cho tác phẩm? Vì sao chị lại lựa chọn chất liệu và những màu sắc như vậy? 

Sam muốn tương tác với không gian The Factory, không gian lớn, trần cao, làm ta muốn chạy và nhìn lên, hình ảnh về dải vải trải dài bắt đầu xuất hiện, vị trí vải đen từ cổ thẳng lên trần nhà, hay vải màu máu thiếu oxy nằm ở giữa chân người trình diễn đổ xuống sàn, dải vải màu hồng nhạt lượn quanh không gian…

Chị có thể chia sẻ về những tương tác với khán giả cũng như những phản hồi từ khán giả với màn trình diễn đó của chị không? Có tương tác/phản hồi nào đáng nhớ nhất với chị không? 

Hai ngày triển lãm, hai trình diễn.

Ngày khai mạc, trình diễn gồm hai phần, vì nhiều nguyên nhân phần sau của tác phẩm đã thay đổi. Hai trong số những yếu tố ảnh hưởng đó là không khí đêm khai mạc và trạng thái tâm lý của người trình diễn sau quá trình dài giãn cách vì dịch vừa qua. Khi không khí trình diễn bị mất đi, hay nói đúng hơn trong trường hợp này là hoàn toàn không có, để tạo ra, dựng lại nó rất khó.

Vào ngày hai, “Museum of Heartbreak” đã quay về với không khí triển lãm, Sam có một màn trình diễn ngẫu hứng 5, 6 tiếng. Phần đông khán giả không quan tâm, họ được thông báo sẽ có trình diễn và thấy người trình diễn này chạy, nằm, đi lại, v.v., họ không tìm thấy nhiều kết nối với các hành vi này.

Vài khán giả có tương tác như nắm tay, xoa lên chân, ngồi nghe hát hay ôm Sam… Khi Sam đang nằm nghỉ/nghĩ trên cầu thang, một đứa trẻ (cũng là người duy nhất) đến hỏi “Sao cô lại nằm ở đây?”, Sam nói vì mình mệt, bé quay sang nói mẹ là cô ấy nằm đây rất thoải mái.

Trong tác phẩm này, người trình diễn làm rất nhiều thứ, nhưng các tương tác hay những gì diễn ra lại phản ánh và nói nhiều về khán giả hơn là người trình diễn. Tất cả là trải nghiệm và là một phần của tác phẩm.

Điều gì khiến chị hạnh phúc nhất với tác phẩm của mình? Có điều gì chị muốn làm lại không? 

Sam không thấy vui, hạnh phúc, hay thất vọng. Sam thấy ổn vì đã hoàn thành nó, tạo ra miền lơ lửng (dù nó không như mình nghĩ ban đầu), đi vào và đi ra một cách an toàn.

Chị Nhi có thể chia sẻ một chút về dự định trong tương lai của chị không? Chủ đề hay phương thức đang được chị quan tâm và muốn thử nghiệm nhất? 

Gần đây Sam hứng thú với chuyển động, hành vi của con người, đặt câu hỏi về ý nghĩa của nó. Sam muốn tìm hiểu và làm việc với nghệ sĩ ở lĩnh vực khác, xem trình diễn kết hợp với các hình thức nghệ thuật khác thì sẽ như thế nào.

Cảm ơn chị Nhi Lê vì những chia sẻ về tác phẩm với iDesign! Chúc chị nhiều sức khoẻ và hy vọng sẽ có cơ hội trò chuyện thêm về nghệ thuật trình diễn và các tác phẩm trong tương lai của chị.

Thực hiện: Su.dden

Hình ảnh: Vero cung cấp

Cùng tác giả

#Tag

bảo tàng tan vỡ nghệ thuật nghệ thuật trình diễn phòng ngừa HIV Su.dden Triển lãm

iDesign Must-try

Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Có thật là ta sắp tiến tới một thời đại không gian-thời gian mới, nơi những sản phẩm của ta sẽ hoàn toàn mang tính chân thực, đưa người xem…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Hiện nay, một số nền tảng cho phép người dùng số hóa và quốc tế hoá thị trường nghệ thuật.
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều loại công nghệ mới đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi mối quan hệ của ta với nghệ thuật.
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Tìm hiểu chi tiết hơn về các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng công nghệ trong khuôn khổ triển lãm Nghệ thuật Kỹ thuật số nổi bật của thời đại…
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
“Tất cả chúng ta đều mong đợi xem việc áp dụng công nghệ hiện tại trong nghệ thuật sẽ mở ra những cánh cửa nào. Dù tương lai có ra…
Nghệ thuật và Công nghệ: Cùng tồn tại và phát triển
Nghệ thuật và Công nghệ: Cùng tồn tại và phát triển
Sự xuất hiện của công nghệ số trong quá trình sáng tạo nghệ thuật chưa bao giờ mạnh mẽ như lúc này. Nhưng, tận dụng hay loại bỏ, đâu mới…