/ai đi/ ‘Bảo tàng tan vỡ’: Có gì bên trong triển lãm nghệ thuật đầu tiên tại Việt Nam về những định kiến ngầm ẩn với HIV/AIDS?

/ai đi/ – Chuyên mục check-in các địa điểm sáng tạo, nghệ thuật của iDesign

Vừa qua, triển lãm nghệ thuật “Bảo tàng tan vỡ” liên quan đến chủ đề HIV/AIDS do Vero phối hợp cùng The Lab Saigon đã ra mắt công chúng tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại (The Factory Contemporary Arts Centre) – quận 2, TP. Hồ Chí Minh, trong hai ngày 11/12/2021 và 12/12/2021. Triển lãm là một phần và cũng là sự kiện đánh dấu sự khép lại của chiến dịch y tế cộng đồng cấp quốc gia “Yêu mới khó – Phòng ngừa HIV có ngại gì”. 

Lấy cảm hứng từ 1,096 câu chuyện sưu tầm có thật về đời sống và tình yêu, “Bảo tàng tan vỡ” đã trưng bày mười tác phẩm của mười nghệ sĩ đương đại Việt Nam với sự đa dạng trong hình thức thể hiện, mượn chủ đề tan vỡ để thể hiện những diễn giải của các nghệ sĩ về nỗi đau tan vỡ và những định kiến ngầm ẩn về HIV.

Chúng mình tham dự triển lãm với một tâm thế rất đỗi tò mò. Liệu tình yêu của những người có “H” sẽ như thế nào? Tan vỡ, nát vụn như chính tên gọi của triển lãm hay đâu đó vẫn lóe lên tia sáng của hy vọng, của thấu cảm, vị tha??? Và liệu một triển lãm nghệ thuật sẽ đại diện tiếng lòng của những người trong cuộc như thế nào? Những câu hỏi đó đã khiến đội ngũ iDesign thực sự tò mò và háo hức mong chờ giây phút triển lãm mở cửa.

Chúng mình bắt đầu chuyến tham quan với tác phẩm của các nghệ sĩ Tùng Monkey, Võ Thủy Tiên, Beautiful Noise Collective, Nam Thi.

Ở tác phẩm “egg. Tình yêu”, tác giả Tùng Monkey sử dụng công nghệ hình ảnh thời gian thực và theo dõi sóng não để minh họa cảm xúc của người xem khi đọc các câu chuyện tình yêu.

Tác phẩm “egg. Tình yêu” của tác giả Tùng Monkey

Với tác phẩm “Chiếc bồn19”, một không gian được dành riêng cho một chiếc bồn tắm màu trắng. Người xem tự do mường tượng ra câu chuyện liên kết đến vật thể cô độc đó: câu chuyện tình yêu nào đã diễn ra ở đây? Hai người đã trò chuyện những gì? Ai là người để lại và ai là người đón nhận những tan vỡ? Sự phóng chiếu cảm xúc của ai lên ai? Câu trả lời cho câu chuyện cứ thế mà bỏ ngỏ. 

Anh Nhật Võ – nhà thiết kế triển lãm và cũng là người đảm nhiệm vị trí thiết kế triển lãm “Bảo tàng tan vỡ” chia sẻ rằng, khi nhắc đến sự tan vỡ, chúng ta thường nghĩ đến sự đau khổ, không trọn vẹn, những cảm xúc tiêu cực. Đó cũng giống như phản ứng đầu tiên chúng ta có khi nhắc đến HIV. Nhưng sự tan vỡ không chỉ có vậy, nó còn ẩn chứa vô vàn những câu chuyện về sự dũng cảm mở lòng, sự giải thoát. Hay với HIV, nếu ta chịu tìm hiểu sẽ thấy bức tranh chân thật về cộng đồng, không hề giống như những định kiến bấy lâu nay mà chúng ta thường áp đặt cho họ. Họ cũng có cuộc sống như bao người khác: có ước mơ, hoài bão, có đam mê, có tình yêu, họ cũng đau khổ, hạnh phúc, tan vỡ,… 

Không gian triển lãm được chia làm hai tầng. Sự đa dạng về thể loại từ sử dụng công nghệ, nghệ thuật sắp đặt, thơ ca đến nhiếp ảnh, nghệ thuật trình diễn ở mỗi tác phẩm mang đến cơ hội cho người xem được chìm đắm vào những chiêm nghiệm, những hình dung riêng biệt về câu chuyện và thông điệp mà người nghệ sĩ truyền tải vào tác phẩm.

Bước sang bên là hai tác phẩm “Soi lòng đọc thơ” của nhà thơ Nam Thi và tác phẩm sắp đặt “Lưu trữ lạ kỳ #1 (Dành cho tình yêu)” của Beautiful Noise Collective.

Với “Soi lòng đọc thơ”, Nam Thi đã dụng công lồng ghép sự khuyến khích chủ động lắng nghe và mở lòng giữa người với người thông qua hình thức viết tay ba bài thơ trên vải canvas và người xem cầm kính lúp để đọc rõ chữ.

Tác phẩm “Soi lòng đọc thơ” của Nam Thi

Tác phẩm “Lưu trữ lạ kỳ #1 (Dành cho tình yêu)” là một tập hợp các câu chuyện tình yêu và nhiếp ảnh được chứa đựng trong những trái tim trong suốt nằm trên sàn. Để đọc được những câu chuyện, người xem cần cầm những trái tim lên trong tay và soi đèn. Sự lồng ghép tình yêu – một khái niệm khó lý giải và cũng là những trải nghiệm khác biệt ở mỗi người – trong những vật thể mong manh và dễ vỡ khiến chúng mình có cảm giác muốn nâng niu và trân trọng hơn rất nhiều.

“Lưu trữ lạ kỳ #1 (Dành cho tình yêu)” (Beautiful Noise Collective)

Không gian triển lãm tầng trên của The Factory Contemporary Arts Centre thì trưng bày các tác phẩm của Kai Nguyễn & Thu Uyên, Mắt Bét, Lạc Hoàng, Hải Doãn & Nam Be, Ngô Đình Bảo Châu. Cùng là nhiếp ảnh nhưng hai tác phẩm “Bên nhau” (Mắt Bét) và “chiếu | | uềihc” (Kai Nguyễn & Thu Uyên) lại đem đến những cảm nhận rất khác nhau. Nếu “Bên nhau” ghi chép bằng hình ảnh những khoảnh khắc đời thường của tình yêu, của người mình yêu, của những đồ vật biểu trưng cho tình yêu thì “chiếu | | uềihc” bao gồm cả ảnh chụp lẫn những ghi chép chữ nghĩa về những thứ không đầu không cuối của tình yêu nói riêng và những chiêm nghiệm về cuộc sống nói chung. Chúng mình đã nán lại một lúc khá lâu trong hai căn phòng trưng bày hai tác phẩm nhiếp ảnh này để không chỉ ngắm nhìn các bức hình mà còn cho phép cảm xúc nương theo các ghi chép riêng tư của tác giả.

“chiếu | | uềihc” (Kai Nguyễn & Thu Uyên)
“Bên nhau” của Mắt Bét

Đi tới căn phòng cuối của triển lãm là sự hiện diện của ba tác phẩm. “Tình yêu là gì?” – tác phẩm công nghệ của Hải Doãn và Nam Be (Fustic Studio) mang đến một sự tương tác thú vị trực tiếp với người xem. Trái tim trên màn hình sẽ đổi màu và thay đổi tùy thuộc vào chuyển động cơ thể của người xem.

Tác phẩm “Địa thế giả lập” của Lạc Hoàng sử dụng hình ảnh khu vườn và điêu khắc để đem đến một cách diễn giải trừu tượng, thú vị về cái gọi là lý tưởng trong tình yêu và những điều diễn ra sau đó, khi mà chúng ta đến gần hơn để khám phá những ngóc ngách bên trong đối phương.

Nằm tại góc trong cùng của không gian triển lãm với cách đánh sáng chủ đích, tác phẩm “Bên trái của tôi, Bên phải của bạn” của nghệ sĩ Ngô Đình Bảo Châu không chỉ mang đến hình ảnh vách ngăn trực quan mang tính nội thất mà còn khơi gợi ý nghĩa “vách ngăn” trong tình yêu. Hai không gian tương đồng nhưng lại có vách ngăn ở giữa, cùng hai chiếc đệm đặt dưới khuyến khích người xem ngồi xuống và cảm nhận điều đang diễn ra ở bên kia vách ngăn. Tình yêu cũng như vậy, nó chứa đựng nhiều khác biệt, nhiều cách trở, nhưng nếu chúng ta chủ động giãy bày và lắng nghe nhau, những lăng kính màu sắc của tình yêu cũng sẽ được hiển hiện rõ ràng. Chúng mình đặc biệt ấn tượng với chi tiết hạt pha lê trên cao và vách ngăn hình trái tim được kết bằng nhiều hạt nhựa. Nghệ sĩ Ngô Đình Bảo Châu cũng chia sẻ rằng bởi tình yêu là một chủ đề quen thuộc và đã được nói đến hàng trăm năm nay, cô cũng muốn thực hiện một tác phẩm mang dáng vẻ và cảm giác xưa cũ. 

Tác phẩm trình diễn của nghệ sĩ Nhi Lê tuy nằm ở tầng dưới nhưng cũng là tác phẩm chúng mình đón xem cuối cùng do lịch trình biểu diễn của nghệ sĩ. Với một cái tên dài “Người quên đi thành phố của người, ngôn ngữ của người, những người bố của người, những người mẹ của người, các cuộc chiến của người, những người tình của người, móng tay chân của người, nghệ thuật của người, đại dương của người, xác thịt của người, chăn của người, và tôi”, Nhi Lê đem đến một màn trình diễn nhiều lớp lang cảm xúc và ý nghĩa. Cùng với sự hiện diện của bốn mảnh vải mang bốn màu sắc khác nhau: hồng nhạt, hồng đậm, đỏ và đen (trải dài ngay từ cửa đi vào của triển lãm), tác phẩm đặt ra một câu hỏi: cơ thể là “vật chứa” của những ký ức, vậy thì sự tổn thương về thể xác tinh thần làm chúng ta quên đi hay nhấm chìm ta trong ký ức đó?

Tác phẩm trình diễn không giải quyết câu hỏi, có lẽ mỗi người xem sẽ có những câu trả lời cho riêng mình. Chúng mình cũng như vậy.

Kết thúc buổi triển lãm, rất nhiều cảm xúc đan xen trong lòng. Đó cũng là lúc chúng mình hiểu rõ hơn thông điệp của cả chiến dịch: phòng ngừa HIV không hề khó khăn, bản thân HIV cũng không hề đáng sợ như bấy lâu nay chúng ta nhầm tưởng. Khi được áp dụng các phương pháp chăm sóc sức khỏe đúng cách, không có lý gì phải ngần ngại hay lo sợ việc chung sống với HIV hay ở trong một mối quan hệ tình cảm với người nhiễm HIV. Và khi ấy, việc còn lại khó khăn hơn cả chính là yêu. Tình yêu đa chiều, phức tạp, mâu thuẫn nhưng cũng thật đẹp đẽ và xứng đáng, vậy nên hãy dũng cảm đón nhận, nỗ lực đối thoại, chủ động mở lòng và sẵn sàng lắng nghe lẫn nhau.

Với sự đánh dấu của triển lãm “Bảo tàng tan vỡ”, hi vọng rằng trên hành trình xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với cộng đồng người nhiễm HIV sẽ có những tín hiệu tích cực và chúng ta sẽ có thêm các hoạt động nghệ thuật vì cộng đồng ý nghĩa như vậy.

Tuy triển lãm “Bảo tàng tan vỡ” đã kết thúc, bạn có thể xem lại các tác phẩm đồng thời đọc thêm về toàn bộ chiến dịch “Yêu mới khó” tại: https://yeumoikho.com/

Thực hiện: Su.dden

Hình ảnh do iDesign thực hiện và Vero Acency cung cấp

Cùng tác giả

#Tag

Ai Đi bảo tàng tan vỡ nghệ thuật nghệ thuật đương đại phòng ngừa HIV Su.dden triển lãm nghệ thuật yêu mới khó

iDesign Must-try

Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính (Phần 7)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính (Phần 7)
Phần 7: Vấn đề và đề xuất Cần phải thực hiện thêm một bước nữa. Mặc dù hai phương pháp tiếp cận toàn cảnh có mức độ thịnh hành mạnh…
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính (Phần 6)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính (Phần 6)
Triển lãm như một hộp công cụ chẩn đoán tích cực tìm kiếm các mối quan hệ, kết hợp và chia cắt giữa các thực tế khác nhau: giữa các…
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 5)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 5)
Những so sánh này đưa chúng ta đi qua và đến tận các góc cạnh hiện tại của câu trả lời có độ phủ rộng thứ hai về những gì…
Những tác phẩm sắp đặt hoành tráng của Henrique Oliveira khám phá bản chất kỳ lạ của kiến ​​trúc
Những tác phẩm sắp đặt hoành tráng của Henrique Oliveira khám phá bản chất kỳ lạ của kiến ​​trúc
Nổi lên từ sàn nhà, ô cửa hay đồ nội thất, các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của nghệ sĩ Henrique Oliveira là thông điệp đáng chú ý về…
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 4)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 4)
Nghệ thuật đương đại chính thức cộng hưởng với sự tự tin sống động và sự bế tắc dễ chịu đi kèm với nó, tự coi mình là phong cách…
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính (Phần 3)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính (Phần 3)
“Nghệ thuật không có lịch sử – chỉ có một hiện tại tiếp diễn… Cái hiện tại không ngừng của nghệ thuật! Velázquez, Goya, Manet đều nằm trong một dòng,…