/ai đi/ Đường Lâm: Bảo tàng sống về văn hoá làng quê Việt
Đường Lâm, nằm ở ngoại ô Hà Nội, còn lưu giữ những nét đặc trưng về cảnh quan, di tích, và đời sống văn hoá của một làng Việt cổ. Hãy cùng iDesin theo chân và lời kể của Pierre, một người Pháp có gốc gác Việt Nam khám phá ngôi làng nổi tiếng với gần 1000 ngôi nhà bằng đá ong.
Việt Nam! Đối với tôi, cái tên này có một sức nặng đặc biệt vì gắn liền với lịch sử gia đình (bà cố tôi là người Việt Nam và ông ngoại từng sống ở đó cho đến năm 18 tuổi). Với dòng máu Việt chảy trong huyết quản, tôi rất vui khi được khám phá nguồn cội của mình.
Tôi muốn thăm thú những thành phố lớn như Hà Nội hay Sài Gòn để xem cuộc sống đương đại của người dân Việt Nam, và cả những ngôi làng nhỏ bé như Đường Lâm, nơi lưu giữ lịch sử và di sản lâu đời.
Rời khỏi thủ đô đông đúc, tôi lên đường đến ngôi làng cổ cách Hà Nội khoảng một giờ lái xe. Lối vào làng đẹp như cảnh trên những tấm bưu thiếp: một cánh cổng cũ dưới vòm cây cổ thụ, bên cạnh là đầm nước. Tôi được biết ngôi làng nhỏ bé, bình dị này là quê hương của hai vị vua và một số danh nhân.
Đi dạo qua những khúc ngoặt quanh co trên đường làng lát gạch nghiêng nghiêng, bạn sẽ đến trước những ngôi nhà cổ bằng đá ong và có thể ghé thăm một vài căn nhà.
Các chi tiết làm nên linh hồn căn nhà cổ gồm tường đá ong, bậu cửa cao, cánh cổng gỗ với tay nắm tròn và gian thờ tổ tiên. Trong không gian này, người dân lưu giữ đồ vật cũ, khung ảnh, hoành phi, câu đối như một niềm tự hào về các bậc tiền nhân và lịch sử gia đình. Trên bộ bàn ghế gỗ nhuốm màu thời gian, chiếc ấm ủ nước chè xanh và điếu tre để sẵn mời khách đến nhà.
Gắn liền với nhà là sân, vườn, bếp, giếng nước, khu chuồng trại, ao, cây rơm. Mỗi nhà có một vài chum tương ngoài sân, vì nơi đây có nghề làm tương từ lâu đời. Một số gia đình mở quán ăn ngay trong sân vườn ngôi nhà của họ. Tôi đã có dịp thưởng thức một mâm cơm bình dị dưới bóng cây với những món ăn đặc trưng của vùng quê Bắc Bộ.
Những căn nhà này được xây cất bằng các vật liệu truyền thống địa phương: đá ong, tre, gỗ, nứa, đất nung, đất nện, bùn, rơm rạ,… và một số loại gỗ quý cho những nhà khá giả.
Ngoài nhà cổ, Đường Lâm còn có những công trình tôn giáo như chùa, đền, miếu, nhà thờ Công giáo, nhà thờ tổ của dòng họ,… thể hiện đầy đủ đời sống tâm linh phong phú của người dân làng quê Việt.
Những con đường hình xương cá dẫn đến trung tâm ngôi làng, nơi tọa lạc của đình Mông Phụ. Đình có sàn gỗ cao hơn mặt đất, giống ngôi nhà sàn ở miền núi. Theo người dân địa phương, đình tượng trưng cho đầu một con rồng, hai giếng cổ đối xứng ở hai bên đình là đôi mắt của nó.
Trên đường làng vắng vẻ chạy giữa những dãy tường đá và các cánh cổng gỗ, tôi bắt gặp những khung cảnh sinh hoạt đời thường: trẻ em nô đùa, mẹ bế con, những người già ngồi tư lự ở quán nước ven đình.
Có lẽ du khách phải dành gần một ngày để khám phá trọn vẹn Đường Lâm, một bảo tàng sống động của vùng quê Việt Nam. Khung cảnh cổ kính, tươi đẹp và cuộc sống bình dị của người dân đã biến nơi đây thành một điểm đến không thể bỏ qua.
Những góc nhỏ bình dị khác của làng Đường Lâm
Lời kể: Pierre
Thực hiện & ảnh: 19August