/ai đi/ Việt Phủ Thành Chương, vương quốc nhỏ lưu giữ di sản nghệ thuật và văn hóa Việt tại Hà Nội

/ai đi/ – Chuyên mục check-in các địa điểm sáng tạo, nghệ thuật của iDesign

Khi nhiều di sản đang mất đi trong thời hiện đại, công trình để đời của hoạ sĩ Thành Chương trở thành nơi chốn thanh bình lưu giữ giá trị tinh thần của dân tộc. Một chuyến đi đến Việt Phủ Thành Chương như là hành trình trở về với cội rễ văn hoá và tâm hồn người Việt.

Cách đây nhiều năm, trên vùng đồi trọc ở ngoại ô Hà Nội, hoạ sĩ nổi tiếng Thành Chương bắt đầu xây dựng một công trình về sau được gọi tên Việt Phủ Thành Chương. Ý tưởng ban đầu của ông là một nơi chốn nghỉ ngơi dành riêng cho gia đình và bè bạn. Tuy nhiên, từ năm 2004, ông quyết định mở cửa Việt Phủ thành địa điểm tham quan nhằm cho công chúng thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật và tâm huyết của ông với văn hoá Việt Nam.

Lầu Mạc Hương và cây cầu đá cổ Nam Định.

Một bảo tàng về kiến trúc và văn hoá truyền thống Việt Nam

Đi qua cánh cửa Việt Phủ được mô phỏng theo dáng hình cổng làng cổ, chúng ta cùng bước vào một không gian thân thuộc, hài hoà của những căn nhà cổ xen kẽ với đền chùa, tháp, vườn cây, ao nước. Điều này thể hiện một điểm đặc trưng của nền văn hoá Việt là sự hoà đồng không tách biệt của cỏ cây, muông thú, Thần Phật, con người.

Mê mải đi theo những lối rẽ rợp bóng cây xanh, ta lần lượt khám phá từng căn nhà của người nông dân, thầy đồ, phú hộ, … Hoạ sĩ Thành Chương mang về Việt Phủ những ngôi nhà cổ từ nhiều vùng đất khác nhau, từ đồng bằng đến trung du hay miền duyên hải, dựng lên không gian văn hoá có sự sống bên trong. Nhìn căn bếp của gian nhà đất, trên tường treo các đồ vật làm nông, ta tưởng tượng như vừa trở về chốn quê hương, ngửi thấy mùi khói bếp lam chiều.

Một số căn nhà được hoạ sĩ cải tạo trở thành chùa thờ Phật, điện thờ Mẫu và đền Đức Thánh Trần, một minh hoạ hoàn hảo cho đời sống tâm linh của người Việt với ba tín ngưỡng quan trọng nhất.

Bên cạnh công việc của một hoạ sĩ, Thành Chương còn là nhà sưu tầm cổ vật. Ông sở hữu một bộ sưu tập đồ sộ ít nơi nào sánh bằng được xây dựng bằng công sức và sự nhẫn nại trong nhiều năm. Việt Phủ có hàng chục pho tượng sơn son thếp vàng của các thời kỳ, hàng trăm tượng quan hầu, con giống đá, vô vàn đồ thờ, hương án và những đồ vật xưa cũ dùng hàng ngày.

Các đồ cổ không được trưng bày với một vẻ xa cách như trong bảo tàng truyền thống mà được đặt vào đời sống hàng ngày của chúng. Điều này làm những cổ vật hàng trăm năm tuổi có hơi thở sống động hơn.

“Công trình của ông là một nguồn dồi dào những hiểu biết văn hoá chung, giúp chúng ta tránh được sự mòn và rập khuôn vốn rất phổ biến trong những bảo tàng có định dạng lỗi thời. Chúng ta muốn tìm hiểu về những vẻ đẹp của nền văn hoá lịch sử một cách sống động, và thoải mái – có lẽ không tìm được ở đâu khác có sự thể hiện tốt hơn.”

Làm nền cho nhà và cổ vật là một vườn cây xanh mát, có hơi ẩm của đất, hương hoa và tiếng dế kêu. Những loại cây được trồng không hề ngẫu nhiên, đây đều là những cây hoa gắn với đời sống tâm linh hoặc thường nhật của người Việt.

Khi nhiều di sản đang mất đi trong thời hiện đại, công trình để đời của hoạ sĩ Thành Chương trở thành nơi chốn thanh bình lưu giữ giá trị tinh thần của dân tộc. Một chuyến đi đến Việt Phủ Thành Chương như là hành trình trở về với cội rễ văn hoá và tâm hồn người Việt.

Đôi nét về chủ nhân của Việt Phủ

Đam mê vẽ từ năm 6 tuổi, hoạ sĩ Thành Chương sớm được cha (nhà văn Kim Lân) định hướng theo nghề vẽ. Thập niên 60, ông theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Sau thời gian phục vụ quân ngũ trong chiến tranh, hoạ sĩ làm công tác giảng dạy và vẽ minh hoạ cho báo Văn nghệ.

Ông nổi tiếng với phong cách riêng, thay đổi bố cục, vẽ xuôi, vẽ ngược, tung hứng như “làm xiếc”. Tranh của ông là sự gặp gỡ của tạo hình đơn giản phong cách phương Tây và mỹ cảm dân gian Việt Nam. Đề tài tranh thường là những sinh hoạt đồng quê, mang màu sắc tươi vui, khoẻ khoắn. Những tác phẩm của ông đã để lại nhiều dấu ấn cho các hoạ sĩ thế hệ kế tiếp.

Thực hiện & ảnh: 19August

Cùng tác giả

#Tag

19August Ai Đi hà nội hoạ sỹ kiến trúc cổ kiến trúc tôn giáo làng quê mỹ thuật Việt Nam Nhà cổ thành chương việt nam việt phủ thành chương

iDesign Must-try

/ai đi/ ….. thả mình theo dòng nước êm ả với năng lượng chữa lành tại ‘Vùng Vênh’
/ai đi/ ….. thả mình theo dòng nước êm ả với năng lượng chữa lành tại ‘Vùng Vênh’
/ai đi/ – Chuyên mục check-in các địa điểm sáng tạo, nghệ thuật của iDesign Như đã hẹn, tối qua, ngày 18.09.2023, tại không gian Toong 48A Võ Văn Tần,…
/ai đi/ - Cuộc dạo chơi cùng Gốm Việt
/ai đi/ - Cuộc dạo chơi cùng Gốm Việt
/ai đi/ – Chuyên mục check-in các địa điểm sáng tạo, nghệ thuật của iDesign Một ngày vô tình lạc vào cung đường của “Triển lãm tác phẩm CLB Gốm…
/ai đi/ Hơn 60 tác phẩm biểu hiện trừu tượng của Trần Hải Minh đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Thuật Thành Phố
/ai đi/ Hơn 60 tác phẩm biểu hiện trừu tượng của Trần Hải Minh đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Thuật Thành Phố
/ai đi/ – Chuyên mục check-in các địa điểm sáng tạo, nghệ thuật của iDesign Ghé bảo tàng Mỹ Thuật Hồ Chí Minh những ngày này, du khách tham quan…
/ai đi/ ‘Những linh hồn ẩn giấu’ - Triển lãm đầu tay của cậu bé 11 tuổi người Tày
/ai đi/ ‘Những linh hồn ẩn giấu’ - Triển lãm đầu tay của cậu bé 11 tuổi người Tày
/ai đi/ – Chuyên mục check-in các địa điểm sáng tạo, nghệ thuật của iDesign Tái hiện vạn vật qua lăng kính hồn nhiên nhưng đầy sáng tạo của mình,…
/ai đi/: Triển lãm The Grapevine Selection 2023 - Những điểm sáng mới của nghệ thuật Việt Nam thời kỳ hậu đại dịch
/ai đi/: Triển lãm The Grapevine Selection 2023 - Những điểm sáng mới của nghệ thuật Việt Nam thời kỳ hậu đại dịch
The Grapevine Selection (Lựa chọn của Hanoi Grapevine) được khởi xướng bởi người sáng lập – nghệ sĩ Canada Brian Ring vào cách đây đúng 10 năm, năm 2013. Chuỗi…
Không gian ký ức Hà Nội trong tranh của Trần Nam Long
Không gian ký ức Hà Nội trong tranh của Trần Nam Long
Trần Nam Long vĩnh viễn đánh mất thính lực sau một trận ốm khi mới một tuổi. Vài năm sau, em nhận chẩn đoán bị tự kỷ thể tăng động…