Grant Wood (Phần 4)

Trong phần cuối của loạt bài về Grant Wood, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, bao gồm Bữa ăn cho người đập lúa (Dinner for Threshers), Truyện ngụ ngôn của mục sư Weems (Parson Weem’s Fable), Người cầu toàn (The Perfectionist), và đặc biệt là Mùa xuân trong thị trấn (Spring in Town) nơi chủ nghĩa gợi dục đồng tính được thể hiện một cách rất tinh tế làm tăng phần phức tạp cho nghệ thuật và tiểu sử của Grant Wood.

Các tác phẩm tiêu biểu của Grant Wood (tiếp)

1934: Bữa ăn cho người đập lúa (Dinner for Threshers)

Sơn dầu trên bìa cứng – Bảo tàng Mỹ thuật San Francisco, San Francisco, Mĩ

Bức tranh dạng tam liên họa này là một nghiên cứu cho một đơn đặt hàng tranh tường mà nghệ sĩ hi vọng sẽ nhận được. Uỷ quyền cuối cùng không được thực hiện, nhưng bức tranh đã được trưng bày rộng rãi. Cả định dạng tam liên họa và phong cách chi tiết, trưởng thành của Wood trong tác phẩm này đều được lấy cảm hứng từ các tranh thờ của các nghệ sĩ Phục hưng phương Bắc như Hans Memling và Albrecht Dürer. Bữa ăn cho người đập lúa mô tả kí ức tuổi thơ của Wood về mùa thu hoạch. Phần bên trái cho thấy những người nông dân đang dọn dẹp để gia nhập nhóm trong nhà cùng dùng bữa trưa. Gần đỉnh mái nhà kho có khắc dòng chữ “1892”, xác định khung cảnh diễn ra vào năm đầu đời của Wood. Cảnh trung tâm cho thấy một đám đông công nhân tụ tập quanh bàn, trên những chiếc ghế không đồng bộ. Vầng trán trắng tương phản với phần mặt cháy nắng, vì họ đều đã lịch sự cởi mũ khi ở trong nhà. Một người phụ nữ bước vào từ bếp với một chiếc bát đầy ắp. Phần thứ ba thể hiện cảnh hai người phụ nữ trong bếp làm việc bên lò đốt củi với một chú mèo đang trông chừng.

Tiểu sử chưa hoàn thành của Wood mô tả sự kiện thường niên này là một ngày hứng khởi đối với các gia đình nông dân. Một ngày cuối tháng Bảy hoặc tháng Tám, sau khi lúa mì đã được cắt và chất thành đống – xếp thẳng đứng để phơi khô – “máy đập lúa sẽ xuất hiện như một con rồng lửa khổng lồ”. Tất cả những người nông dân láng giềng sẽ đến với những thùng cỏ khô để lấy những tảng cỏ và mang chúng đi đập. Sự sắp xếp công việc chung này diễn ra trong nhiều tuần, mọi người di chuyển từ trang trại này sang trang trại khác cho đến khi tất cả lúa mì được đập hết. Mỗi ngày đập lúa, “vào lúc chính ngọ”, công nhân đều kéo về trang trại để mở tiệc. Tác phẩm thể hiện sự tôn vinh nỗ lực chung của Wood và các nghi lễ xã hội của cuộc sống nông trang miền Trung Tây.

Phong cách tỉ mỉ của Wood mời gọi sự xem xét kĩ lưỡng ở khoảng cách gần. Người xem đã viết thư cho ông để đặt câu hỏi về tính xác thực của nó. Người nghệ sĩ biện giải cho bố cục là từ trí nhớ của mình – cho đến tận hoa văn của đồ sứ trên kệ bếp – và tự hỏi tại sao người xem lại cho phép ông chia đôi ngôi nhà nhưng lại tranh cãi về “vị trí bóng đổ dưới những con gà” và các chi tiết khác. Câu trả lời này gợi nhớ lại sự nghiệp thuở ban đầu của ông với tư cách là một giáo viên trung học, thu hút sự chú ý đến những kiến ​​thức cơ bản về cách nhìn các bức tranh hiện đại.

1939: Truyện ngụ ngôn của mục sư Weems (Parson Weem’s Fable)

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng nghệ thuật Mĩ Amon Carter, Fort Worth, Texas, Mĩ
Trích đoạn phần đầu của George Washington

Tác phẩm thời kì sau này của Wood là miêu tả chân thực về truyện ngụ ngôn huyền thoại của mục sư Weems về sự trung thực của George Washington. Weems, tác giả cuốn George Washington the Great (George Washington Vĩ đại) (1806), đứng ở tiền cảnh, giữ tấm rèm có tua – một tư thế được lấy từ bức Người nghệ sĩ và Bảo tàng của anh ta, Chân dung tự họa (The Artist and His Museum, Self Portrait) (1822) của Charles Willson Peale. Đằng sau tấm màn, khung cảnh câu chuyện ngụy tạo của ông về cậu bé George Washington thú nhận đã chặt cây anh đào được tiết lộ. Cậu bé Washington – người được miêu tả là “người cha của dân tộc”, với cái đầu được vẽ theo chân dung Athenaeum của Gilbert Stuart – chỉ về phía chiếc rìu trong tay, thú nhận việc phá hủy cái cây có ngọn tròn hoàn hảo mà người cha nghiêm khắc cầm trong khi khiển trách cậu vì hành động bốc đồng của mình. Một ngôi nhà gạch gọn gàng dẫn theo đường chéo vào phía xa, nơi hai công nhân đang chăm sóc một cái cây hình học tương tự, và những ngọn đồi phủ đầy tán lá gọn gàng trải dài ở phía xa.

Người nghệ sĩ và Bảo tàng của anh ta, Chân dung tự họa của Charles Wilson Peale
Chân dung Athenaeum (Athenaeum Portrait) là bức tranh chưa hoàn thiện của George Washington do Gilbert Stuart thực hiện. Đây là nguyên mẫu cho hình khắc của Washington trên tờ 1 USD cũng như hình ảnh chân dung nói chung mà chúng ta biết về Washington ngày nay.

Wood nói rằng ý định của ông đối với tác phẩm này là “giúp khơi dậy sự quan tâm đến cây anh đào và những nét văn hóa dân gian Mĩ khác mà quá hay để bị mai một.” Bối cảnh của chủ nghĩa phát xít đang trỗi dậy ở châu Âu đã buộc Wood hướng tới việc củng cố lòng yêu nước thông qua lòng ngưỡng mộ đối với sự trung thực của Washington và mô hình nuôi dạy con cái mà Weems dự định cho câu chuyện thể hiện. Nghệ sĩ cũng đang phản hồi một bài báo của nhà phê bình văn học Howard Mumford Jones, người đã kêu gọi các nhà văn và nghệ sĩ phát triển một “loại chủ nghĩa yêu nước mới.. .không có chủ nghĩa Sô vanh, lợi ích kinh tế hay thói hợm hĩnh chủng tộc” có thể mang trở lại tầm quan trọng của huyền thoại, thần thoại và các sự kiện lịch sử. Wood nói về chủ đề này, “Cách hiệu quả nhất để làm việc này thật lòng là chấp nhận những câu chuyện lịch sử theo cách chúng được biết ngày nay – những tích dân gian – và đối xử với chúng theo cách khiến những con người có đầu óc thực tế, tinh vi của thế hệ này chấp nhận những chuyện kể ấy…” Để đạt được mục đích này, trong tác phẩm, ông đã biến tính giả tạo vốn có thành một phần của những gì hiện hữu. Truyện ngụ ngôn của Weems là chuyện-trong-chuyện, hư cấu. Wood miêu tả nhà văn đang vén bức màn tác phẩm của mình theo đúng nghĩa đen. Weems cũng là một cái tôi khác, một người cũng sáng tạo truyền thuyết, giống như Wood, có mục đích “làm phong phú trí tưởng tượng quốc gia bằng những câu chuyện đầy màu sắc về di sản nước Mĩ.” Khung cảnh bên trong cũng hàm chứa nhiều lớp nghĩa. Đặc điểm làm gai người nhất – đứa trẻ sáu tuổi và phần đầu lấy cảm hứng từ bức chân dung Athenaeum – giới thiệu một yếu tố tự sự phi lí trong câu chuyện nhưng cũng báo hiệu rằng đây không phải là một câu chuyện có thật về một đứa trẻ có thật, mà là một “thần thoại về nguồn gốc” của Kiến Quốc Phụ. Dạng hình học trang trí, có trật tự của phong cảnh và bố cục đã chứng tỏ một sự đối lập với vẻ ngoài ngớ ngẩn của nhân vật chính vừa là một cậu bé vừa là một ông già.

1936-37: Người cầu toàn (The Perfectionist)

Bảo tàng Mĩ thuật San Francisco, San Francisco, Mĩ

Minh họa, thiết kế và các công việc thương mại là một khía cạnh quan trọng trong hoạt động nghệ thuật của Wood trong suốt sự nghiệp nhưng càng trở nên quan trọng hơn đối với ông vì lí do tài chính vào giữa những năm 1930. Năm 1936, ông chấp nhận lời đề nghị minh họa cho một ấn bản đặc biệt của cuốn Main Street (Phố chính) của Sinclair Lewis, khiến tờ St. Louis Dispatch nhận xét rằng “tiểu thuyết gia và họa sĩ đã trở nên thật nổi tiếng nhờ những nghiên cứu của họ về vùng nông thôn nước Mĩ đến nỗi sự hợp tác như vậy có vẻ là còn hơn cả phù hợp.” Đơn đặt hàng bao gồm chín hình minh họa, chủ yếu là của cư dân Gopher Prairie, Minnesota, thị trấn hư cấu nơi bối cảnh của tiểu thuyết diễn ra. Cuốn sách đã in được 1500 bản, mỗi cuốn đều có chữ kí của nghệ sĩ. Những bản vẽ chuẩn bị trên giấy xi măng màu nâu này phản ánh cách phối màu và chất liệu cuối cùng của ấn phẩm mà Wood đã giúp lựa chọn – giấy rag màu rám nắng, có bìa bằng vải lanh màu xanh lam và vàng.

Wood đã tạo ra các hình mẫu tổng quát cho các nhân vật cụ thể, sử dụng trang phục, cử chỉ và thuộc tính để xác định những kiểu người trong thị trấn nhỏ. Với điểm nhìn hất từ dưới lên, hình minh họa phóng đại bàn tay và đôi mắt để bộc lộ tính cách của các nhân vật. Ví dụ, Người Cầu Toàn là Carol Kennicott, một trong những nhân vật giàu có hơn và là “nhà thập tự chinh và người quảng bá văn hóa và sắc đẹp“, nhìn ra thị trấn bên ngoài cửa sổ có rèm ren, một nơi chưa bao giờ đáp ứng được tiêu chuẩn của cô. Mặc dù bà nội trợ đầy thất vọng này là một nhân vật gây thiện cảm trong cuốn sách, nhưng Wood vẫn châm chọc cô bằng cách thêm vào một sai sót nhỏ – chiếc cúc áo thứ hai sắp bung ra.

Trong các bức vẽ khác, chẳng hạn như Người Nâng Đỡ (The Booster) mô tả James Blausser, một thành viên “Câu lạc bộ thương mại” của thị trấn, người “gần đây đã đến thị trấn để đầu cơ đất đai… Anh ta là một người đàn ông to lớn, vụng về, hài hước với đôi mắt hẹp.., và trang phục rực rỡ.” Nhân vật đang tranh luận trước lá cờ Mĩ – một kẻ kinh doanh có chống lưng, quảng bá thị trấn với hy vọng thu lợi cá nhân. Người Khát Khao Duy Cảm (The Sentimental Yearner), một luật sư chuyển đến từ thành phố, là ví dụ điển hình cho một người có văn hóa một thời đã bị khuất phục trước “Vi-rút Làng Quê“, người phát hiện ra mình đã đọc “cứ bốn tạp chí viễn tưởng rẻ tiền mới đọc một bài thơ” và hoãn các chuyến đi đến nhà hát ở Minneapolis “cho đến khi tôi phải đến đó vì rất nhiều vấn đề pháp lí” Anh ta ngửi một bông hoa cẩm chướng, có lẽ giống như món bánh madeleine của Proust, gợi lên kí ức về quá khứ văn hóa của mình.

Người Nâng Đỡ
Người Khát Khao Duy Cảm

Trong khi cả Wood và Lewis đều thực sự gắn liền với vùng nông thôn nước Mĩ, Wanda Corn chỉ ra rằng họ “tạo nên danh tiếng khi miêu tả các tầng lớp rất khác nhau của các tỉnh lẻ ở Mĩ.” Chủ thể của Wood là những người nông dân và những người cổ hủ, trong khi các nhân vật của Lewis hiện đại nhưng tự mãn hơn, theo chủ nghĩa tuân thủ và hẹp hòi hơn. Lewis thuộc thế hệ “nổi dậy chống lại làng xã”, Wood thuộc thế hệ “quay trở lại làng xã“. Ví dụ, có thể thấy sự khác biệt thế giới quan này trong quan điểm phê phán nhẹ nhàng của Wood về Người Cầu Toàn – một người phụ nữ khao khát văn hóa và sự tinh tế và coi thị trấn nhỏ của mình là nơi đầy thiếu sót.

1941: Mùa xuân trong thị trấn (Spring in Town)

Sơn dầu trên gỗ – Bảo tàng nghệ thuật Swope, Terre Haute, Indiana, Mĩ

Lấy bối cảnh tại một thị trấn nhỏ với nhiều ngôi nhà hiện diện, một người đàn ông trẻ cởi trần đang chuẩn bị đất đai trong vườn rau cho vụ mùa xuân. Một người phụ nữ phơi chăn bông trên dây phơi và một đứa trẻ kéo cành của một cây đang nở hoa. Xa hơn ở hậu cảnh, một người đàn ông đang cắt cỏ, một cặp vợ chồng đập tấm thảm, một người đàn ông trèo thang lên mái nhà của mình và một đứa trẻ đẩy xe đẩy xuống vỉa hè. Wood vẽ nên khung cảnh với những đường nét sắc nét, rõ ràng và mang đến cho người xem góc nhìn từ phía trên cảnh tượng một chút. Bằng cách này, chúng ta nhìn thấy toàn cảnh cuộc sống và lao động ở một thị trấn nhỏ cũng như những chi tiết nhỏ nhặt của nó. Wood nói về bức tranh này và một bức khác đi đôi với nó (Mùa xuân trên đất nước [Spring in the Country]) rằng “Khi thực hiện những bức tranh này, tôi đã nghĩ đến điều gì đó mà tôi hi vọng truyền tải được đến khá nhiều khán giả ở Mĩ – bức tranh về một đất nước giàu nghệ thuật của hòa bình, một quê hương giản dị, đất nước đáng yêu, vô cùng xứng đáng với bất kì sự hi sinh cần thiết nào để bảo tồn nó.

Mùa xuân trên đất nước

Trong khi ý định của Wood được thể hiện rõ ràng trong bức tranh này và nhiều bức khác, thì vẫn có một tầng ý nghĩa khác ngay bên dưới. Một yếu tố gợi dục  đồng tính không thể phủ nhận hiện diện trong tác phẩm này với chàng trai trẻ ở tiền cảnh, người được mô phỏng theo George Devine, con trai một huấn luyện viên bóng đá tại Đại học Iowa. Chúng ta ngay lập tức nhìn thấy đôi vai và tấm lưng cơ bắp của anh ấy, được tôn lên bởi vết rám nắng của nông dân theo hình chiếc áo sơ mi không tay, và chiếc quần lao động bó sát vào mông, không để lại gì để tưởng tượng thêm khi anh cúi xuống xúc một ít đất trong vườn. Về cuối đời, tin đồn về việc đồng tính luyến ái của Wood bắt đầu lan ra; xét đến việc đồng tính vào thời điểm đó là một tội ác có thể bị trừng phạt, Wood rất muốn giữ bí mật thông tin này – tuy nhiên, theo một cách nào đó mà nhiều bức tranh của ông, theo lời của nhà sử học nghệ thuật Henry Adams, vừa là sự tiết lộ vừa là sự che giấu – tiết lộ những điều kì diệu của các thị trấn miền Trung Tây nhưng cũng che giấu những khao khát và tưởng tượng sâu sắc hơn. Như nhà sử học nghệ thuật Sue Taylor lập luận, Wood đã vẽ lại những kí ức của chính mình về cuộc sống nông trại khi còn là một cậu bé nhưng kết hợp chúng với các khía cạnh của cuộc sống hiện tại – những người ông biết, những ngôi nhà mà ông để ý trong khu phố và cảm xúc của chính ông về gia đình và bạn bè.

Năm 1939, một trong những bản in thạch bản của Wood, Tắm đêm thứ bảy (Saturday Night Bath), đã bị Bưu điện Hoa Kì phản đối với lí do các nhà cầm quyền cảm thấy nó mang tính khiêu dâm. 

Tắm đêm thứ bảy

Wood có thể ngây thơ tuyên bố rằng ông đang miêu tả hai người đàn ông khỏa thân tắm sau một ngày dài làm việc trên cánh đồng, nhưng vẫn có thể cảm nhận được chủ nghĩa gợi dục đồng tính. Nhà sử học nghệ thuật Richard Meyer cảnh báo về việc gán cho Wood là một nghệ sĩ đồng tính, nhưng ông không phủ nhận nét thẩm mĩ đồng tính của Wood, dường như không chỉ đưa nét khêu gợi vào lao động chân tay mà còn thường xuyên với chính phong cảnh, do đó làm phức tạp thêm danh tiếng của Wood như một người ủng hộ các giá trị bảo thủ.

Nguyên bản tiếng Anh do Felicia Wivchar tổng hợp và viết, Valerie Hellstein hiệu đính, bổ sung phần Tóm lược và Thành tựu. Tố Uyên và rudderless20s dịch sang tiếng Việt và minh hoạ. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa.

Cùng tác giả

#Tag

Grant Wood Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…