Grant Wood (Phần 3)

Trong phần 3 của loạt bài về Grant Wood, chúng ta bắt đầu tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, bao gồm: Đèn chùm cho Phòng Ngô Iowa ở khách sạn Montrose, các bức tranh Gothic Mĩ (American Gothic), Chuyến đi lúc nửa đêm của Paul Revere (Midnight Ride of Paul Revere), và Phục hưng Victoria (Victorian Survival).

  • Tất cả những ý tưởng thực sự tốt tôi đã từng có đến với tôi khi tôi đang vắt sữa bò.
  • Alexander, Caesar, Napoleon, các ngài đã có tất cả những phút giây vĩ đại, nhưng không bao giờ nếm mùi vị chiến thắng tối thượng; các ngài không phải là một câu trai thôn chạy từ cách đồng về trên một thùng xe ngựa phồng cứng cỏ khô mới cứng.
  • Như tôi nhìn nhận, cách hiệu quả nhất để làm việc này thật lòng là chấp nhận những câu chuyện lịch sử theo cách chúng được biết ngày nay – những tích dân gian – và đối xử với chúng theo cách khiến những con người có đầu óc thực tế, tinh vi của thế hệ này chấp nhận những chuyện kể ấy… Tôi chân thành hi vọng rằng bức tranh này sẽ giúp làm sống lại mối quan tâm với chuyện kể về cây xơ-ri và những mảnh khác của văn hoá dân gian Mĩ quá hay để bị mai một.

Tác phẩm tiêu biểu

1925: Đèn chùm cho Phòng Ngô Iowa, khách sạn Montrose, Cedar Rapids, Iowa

Sử dụng kĩ năng gia công kim loại của mình, Wood đã tạo ra chiếc đèn chùm này như một phần của dự án thiết kế nội thất theo chủ đề cho Khách sạn Montrose ở Cedar Rapids. Chân đèn có hình giống lõi ngô, được đỡ bằng những tay hình thân cây ngô, có kèm theo những chiếc lá. Thân treo đèn được trang trí thêm bằng lõi ngô và những chiếc lá đung đưa sống động.

Đơn đặt hàng của Phòng Ngô Iowa đã đến với Wood trong những năm đầu tiên mà ông cống hiến hoàn toàn cho sự nghiệp nghệ thuật. Mặc dù ông có vẽ tranh trong thời kì này, nhưng việc xây dựng một cộng đồng năng động với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp địa phương đã mang đến nhiều việc khác nhau, bao gồm một số dự án thiết kế nội thất. Chiếc đèn chùm này là một phần của một môi trường được chế tác hoàn toàn, với những bức tranh tường toàn cảnh và thiết bị chiếu sáng cố định thủ công này. Khi khai trương một dự án tương tự tại khách sạn Martin’s vào năm 1926, Wood đã nói chuyện với báo chí về “cảm giác về văn hóa và nghệ thuật ở khu vực này của đất nước đang nhanh chóng biến nó thành nơi mà các nghệ sĩ New York nhìn vào và khao khát.

Dù ghen tị với New York hay không, Wood và các đồng nghiệp của ông không hề héo úa trong một vùng nước đọng về văn hóa mà tận hưởng một cộng đồng nghệ thuật thịnh vượng với sự hỗ trợ dồi dào. Nhiều nhà bảo trợ của Wood cho các dự án như Phòng ngô Iowa nhận được ca ngợi của tầng lớp doanh nhân thịnh vượng ở Cedar Rapids và mong muốn làm đẹp thành phố cũng như nâng cao đời sống văn hóa của nó.

1930: Gothic Mĩ (American Gothic)

Sơn dầu trên ván gỗ ép – Viện Nghệ thuật Chicago, Chicago, Mĩ

Mặc dù còn tranh cãi, Gothic Mĩ được cho là một trong những tác phẩm nghệ thuật Mĩ được công nhận rộng rãi nhất trong thế kỉ 20. Một người phụ nữ trẻ trong bộ trang phục bảo thủ, ngoảnh mắt đi, đứng cạnh một người đàn ông lớn tuổi, mặc áo khoác tối màu bên ngoài quần yếm và áo cài cúc không cổ. Người đàn ông đeo kính, đầu hói, cầm một chiếc chĩa ba mũi – một công cụ lỗi thời vào thời điểm đó – và nhìn thẳng vào người xem. Phía sau họ là một ngôi nhà màu trắng khiêm tốn, với cửa sổ trang trí kiểu Gothic – đặc điểm chung của phong cách “Gothic thợ mộc” thời kì đó – nằm giữa đầu của hai người. Những tấm rèm trên cửa sổ lặp lại họa tiết trên chiếc váy của người phụ nữ. Một vài chậu cây hiện rõ ở hiên nhà, ngay trên vai cô. Những cây xanh gọn gàng, có lẽ gợi nhớ đến gác chuông nhà thờ, cùng với một nhà kho màu đỏ, lấp đầy hậu cảnh.

Hai ngày trước buổi khai trương viện Nghệ thuật Chicago, nơi bức tranh ra mắt, tờ Chicago Evening Post đã đăng một hình ảnh. Những chủ thể có khuôn mặt lạnh lùng – mà nhiều người cho là vợ chồng – đã thu hút sự quan tâm đáng kinh ngạc, và Wood trở nên nổi tiếng toàn quốc, trên thực tế là chỉ sau một đêm. Wood nói về tác phẩm – mà ông nói là vẽ một người con gái và người cha, chứ không phải một cặp vợ chồng như nhiều người vẫn tưởng – rằng ông “đơn giản là sáng tạo ra một số người ‘Gothic Mĩ’ đứng trước một ngôi nhà kiểu này,” về cơ bản không làm gì để xua tan sự mơ hồ của tác phẩm. Tuy nhiên, hình mẫu cho cặp đôi này là nha sĩ và em gái Nan của ông. Nó minh họa cho sự bất ổn định đặc biệt trong tác phẩm trưởng thành của Wood; những diễn giải cho mô tả của ông về các kiểu người Trung Tây, văn hóa dân gian Mĩ và các hoạt động nông nghiệp ở Iowa đã gây ra những phản ứng trái ngược nhau vào năm 1931 nhiều như ngày nay. Như Emily Braun tuyên bố, “Ngay cả những người đồng tình rằng sự châm biếm có thể là phương thức hoạt động của nghệ sĩ ở đây cũng tranh luận xem sự vạch trần của ông là nhẹ nhàng hay cay nghiệt.

Nguyên mẫu của Gothic Mĩ: Em gái Nan và nha sĩ của Wood

Sự tiếp nhận của công chúng đối với tác phẩm và cuộc đời của nó kể từ đó phản ánh sự mơ hồ gây tò mò của hình ảnh tưởng chừng như thẳng thắn này. Nó đặt ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Tiêu đề khẳng định là “American”, thuộc về nước Mĩ, nhưng chính xác thì cái gì của nó mang tính biểu tượng Mĩ? Nếu là lời ca tụng những người dân giản dị của miền Trung Tây, tại sao người nghệ sĩ lại tạo dáng cặp đôi trông có vẻ khốn khổ? Có phải nó nhằm mục đích truyền tải sự mỉa mai? Đó có phải là một bình luận về bản sắc Mĩ? Hay tiêu đề chỉ đơn giản mô tả chi tiết kiến trúc theo phong cách phục hưng của ngôi nhà? Các cuộc tranh luận về bản sắc dân tộc thống trị thời kì trưởng thành trong sự nghiệp của Wood đóng một vai trò quan trọng trong việc giải thích tác phẩm của ông. Những năm 1930 chứng kiến sự rút lui khỏi chủ nghĩa thế giới (cosmopolitanism) đang phát triển về cái mà Barbara Haskell mô tả là “một khuynh hướng mạnh mẽ trong văn hóa đại chúng” với “sự tôn sùng rõ rệt đối với các giá trị của cộng đồng, sự chăm chỉ và tự lực cánh sinh được coi là nền tảng cho bản sắc dân tộc và được thể hiện đầy đủ nhất ở các thị trấn và trang trại nhỏ của Mĩ.” Có lẽ, thay vì bất chấp sự mơ hồ của bức tranh, cặp đôi bí ẩn của Wood đã trở thành biểu tượng.

1931: Chuyến đi lúc nửa đêm của Paul Revere (Midnight Ride of Paul Revere)

Sơn dầu trên ván ghép – Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York

Bài thơ nổi tiếng của Henry Wadsworth Longfellow đã truyền cảm hứng cho bức tranh năm 1931 của Wood diễn tả về chuyến đi huyền thoại của Paul Revere qua các thị trấn ở Massachusetts, cảnh báo về sự xuất hiện của quân đội Anh. Một điểm đèn sân khấu chiếu sáng trung tâm bức tranh, hiển thị thị trấn từ góc nhìn trên không, đặt các đầu ống khói ở tiền cảnh. Về phía bên trái, Revere giống búp bê cưỡi ngựa phóng nhanh qua một nhà thờ quét vôi trắng. Một vài người dân xuất hiện trước cửa nhà sau tiếng gọi của anh ta. Một con đường tối tăm, dẫn đến những ngọn đồi nhấp nhô với những hàng cây hình cầu mang tính trang trí trải dài qua hậu cảnh ở hai bên của thị trấn được chiếu sáng rực rỡ.

Bài thơ được truyền cảm hứng từ lòng yêu nước, ca ngợi hành trình của Revere “Đến từng ngôi làng và trang trại ở Middlesex / Một tiếng kêu thách thức chứ không phải sợ hãi” đã truyền cảm hứng cho Wood từ lâu. Khi còn nhỏ, Wood kể rằng ông đã tưởng tượng ra cảnh “cảnh báo mọi người về một cơn lốc xoáy đáng sợ” theo cách tương tự, có lẽ đã ảnh hưởng đến phong cách vui tươi mà ông miêu tả huyền thoại này. Về mặt phong cách, tác phẩm này thể hiện cả xu hướng nhìn về tương lai và hoài niệm quá khứ trong phong cách trưởng thành của Wood. Cảnh quan được xây dựng dựa trên một dạng hình học mang tính trang trí phóng đại, vui nhộn, giảm thiểu mọi vật thể thành các hình dạng được làm tròn hoặc tuyến tính nghiêm ngặt. Độ chính xác của màu sơn là một bước phát triển mới hơn đối với nghệ sĩ, nhưng việc áp dụng thiết kế hiện đại lên phong cảnh phản ánh nguồn gốc chuyên môn của ông. Mặc dù Wood không có hứng thú làm việc theo phong cách Lập thể hay thực sự trừu tượng, ông vẫn muốn tác phẩm của mình mang một vẻ ngoài hiện đại. Áp dụng các nguyên tắc thiết kế đương đại vào cảnh quan là giải pháp của ông – cây cối và những ngọn đồi có dạng hình học lặp lại không ngừng của một tòa nhà chọc trời theo phong cách Art Deco. Phối cảnh từ trên không gợi nhờ tới các bản in của Currier và Ives vốn trở nên phổ biến trở lại vào những năm 1930.

Việc lựa chọn đề tài và cách xử lí trang trí được lí giải theo những cách đối lập. Một bài báo nhìn nhận tác phẩm của ông – do cách tiếp cận vui tươi và tính sân khấu vô cảm của bối cảnh – là bất kính và phản ánh điều mà nhà sử học nghệ thuật Wanda Corn gọi là “tư duy vạch trần bài thánh tượng của những năm 1920“, xếp Wood chung nhóm với H.L Mencken, người nổi tiếng với việc chế giễu thị hiếu đại chúng của người Mĩ. Những người khác lại xếp mô tả của Wood vào xu hướng song song của phong trào bảo tồn thời thuộc địa rộng lớn hơn ở Hoa Kì, thể hiện rõ ràng nhất là việc khôi phục Williamsburg, Virginia của John D. Rockefeller, Jr. Mặc dù Wood mang đến cho chủ đề một cách xử lí kiểu sách truyện đặc trưng, với góc nhìn từ trên cao và khung cảnh đồ họa, ý đồ của ông là diễn giải lại một huyền thoại dân tộc, dựa trên niềm tin của nghệ sĩ rằng nước Mĩ có một nền văn học phong phú, đáng được bảo tồn và đánh giá cao.

1931: Phục hưng Victoria (Victorian Survival)

Sơn dầu trên bảng vẽ – Thư viện công cộng Carnegie-Stout, Dubuque, Iowa

Một người phụ nữ có khuôn mặt nghiêm nghị, cứng nhắc được vẽ với tông màu nâu đỏ (sepia) nhìn thẳng vào người xem. Bà đeo một chiếc vòng ruy-băng quấn quanh chiếc cổ đặc biệt dài của mình. Tóc của bà được rẽ ngôi giữa và vén ra sau, theo phong cách giữa thế kỉ 19. Hậu cảnh trống trải, ngoại trừ một chiếc bàn có điện thoại quay số, gợi lại hình dạng chiếc cổ dài của người mẫu.

Bức chân dung dựa trên bức ảnh tintype (một loại ảnh in dương bản trực tiếp lên kim loại) của bà cố người nghệ sĩ là Matilda Peet, phần trên hình vòm và tông màu ấm áp gần giống với bảng màu và hình dạng của một bản in collodion thế kỷ 19. Trong cuốn tiểu sử chưa hoàn thành của Wood, ông nhớ lại mình đã thắc mắc về bà cố Matilda, “làm sao bà có thể nhắm mắt vào ban đêm,” với mái tóc được buộc chặt ở sau. Ông thấy bà “vừa thú vị, vừa chịu áp bức“, ở chỗ bà là người trí tuệ và khao khát văn hóa hơn các thành viên khác trong gia đình nhưng cũng “cực kì khắc khổ“. Ông phá vỡ sự gợi nhớ về một bức ảnh thế kỉ 19 với hiện diện của chiếc điện thoại, thứ xuất hiện ở nơi mà thường đặt một cuốn kinh thánh hoặc một bình hoa để tô điểm cho một bức chân dung. Vào thời điểm đó, điện thoại quay số là công cụ liên lạc hiện đại nhất. Tai nghe của nó hướng về phía chủ thể bức tranh một cách xấc xược và người ta có thể tưởng tượng rằng biểu cảm căng thẳng của bà là do những hồi chuông ồn ào của nó ở bên cạnh.

Wanda Corn tuyên bố rằng tác phẩm này, giống như nhiều bức tranh của Wood, “nói về cú sốc văn hóa, về khoảng cách không thể vượt qua giữa thế giới nông thôn, thời Victoria, nơi ông lớn lên và thế giới thành thị, hiện đại mà ông sống khi trưởng thành.” Người phụ nữ và chiếc điện thoại ở hai thế đối lập: bà “khép kín với người ngoài và việc thể hiện cảm xúc”, chiếc điện thoại, biểu tượng của “một thế giới ồn ào, xâm nhập” mà bà sẽ không bao giờ thích nghi được. Các nghệ sĩ thuộc thế hệ của Wood đã thể hiện tốc độ thay đổi đáng kinh ngạc của thế giới theo những cách khác nhau. Trong khi những người theo chủ nghĩa Đích xác tôn vinh công nghệ, những người khác khóc thương cho sự ra đi của lối sống cũ, Wood tiếp cận chủ đề này một cách hài hước, nhưng giống như Edward Hopper và Walker Evans, ông thể hiện sự nhạy cảm đối với “một nước Mĩ vững chắc, tao nhã, và độc lập cuối thế kỉ 19 đang bị thế giới hiện đại thay thế.” Trong cách thể hiện của Wood, quá khứ bị dịch chuyển đồng thời vừa là đối tượng hài hước, vừa là chủ thể của đồng cảm và cảm xúc.

Nguyên bản tiếng Anh do Felicia Wivchar tổng hợp và viết, Valerie Hellstein hiệu đính, bổ sung phần Tóm lược và Thành tựu. Tố Uyên và rudderless20s dịch sang tiếng Việt và minh hoạ. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa.

Cùng tác giả

#Tag

Grant Wood Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
Khi nói về trường phái New York và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20, chúng ta không thể không nhắc tới chương trình giáo dục thiết kế…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…