Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 01/2024

Một cậu bé 13 tuổi được tuyển làm thực tập sinh cho Louis Vuitton; ‘Thiếu niên và chim diệc’ giúp đạo diễn Hayao Miyazaki giành Quả Cầu Vàng đầu tiên trong sự nghiệp; Wacom hứng chịu làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ giới nghệ sĩ khi sử dụng AI để làm poster quảng cáo; cộng đồng nghệ sĩ phẫn nộ trước một danh sách được cho là cơ sở dữ liệu của 16.000 nghệ sĩ và công ty sáng tạo dùng để đào tạo AI, bao gồm cả tác phẩm của một em bé 6 tuổi; Honda ra mắt logo mới tượng trưng cho tương lai xe điện của họ – là những tin tức đáng chú ý những ngày đầu năm Giáp Thìn 2024.

1. Louis Vuitton tuyển cậu bé 13 tuổi làm thực tập sinh sau khi nhìn thấy những bức vẽ của cậu trên mạng

Mới đây, thông tin một cậu bé 13 tuổi được Louis Vuitton tuyển thẳng làm thực tập sinh sau khi hãng này nhìn thấy những bản thảo thiết kế quần áo và giày dép của cậu đã khiến cộng đồng mạng cảm thấy vô cùng háo hức. 

Được biết, cậu bé Milan có niềm đam mê to lớn với thời trang và thiết kế, đặc biệt là thương hiệu Louis Vuitton. Cậu bé ước mơ một ngày sẽ được làm việc tại thương hiệu nổi tiếng này. Do đó, mẹ của Milan đã chia sẻ những điều này trên nền tảng X (Twitter) kèm những bức ảnh bản thảo của cậu bé với mong muốn tiếp cận được “ông lớn” thời trang này.

Bài viết lập tức viral và nhận về những đánh giá tích cực từ dân cư mạng. Tin tức nhanh chóng được một nhà báo của BFM TV – kênh phát thanh và truyền hình của Pháp để ý. Người này đã viết giấy giới thiệu và gửi “CV” của Milan tới thẳng quản lý cấp cao của Louis Vuitton. Nhờ đó, cậu bé 13 tuổi đã được trao cơ hội có 1 tuần thực tập quan sát tại trụ sở của thương hiệu này, bắt đầu từ ngày 18 – 22.12.2023.

Mẹ của Milan cho biết con trai cô cảm thấy rất thoải mái và hạnh phúc trong môi trường thời trang tại Louis Vuitton. Cơ hội này đã tiếp thêm động lực và đánh dấu một khởi đầu mới trong cuộc đời Milan.


2. ‘Thiếu niên và chim diệc’ đoạt giải Phim hoạt hình xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Quả Cầu Vàng lần thứ 81

Vượt qua 5 ứng cử viên “nặng ký” như “Elements” (tựa tiếng Việt: Xứ sở các nguyên tố), “Super Mario Bros: The Movie” (tựa tiếng Việt: Anh em Super Mario), “Spider-Man: Across the Spider-Verse” (tựa tiếng Việt: Người Nhện: Du hành vũ trụ nhện) và “Suzume” (tựa tiếng Việt: Khóa chặt cửa nào Suzume), “The Boy and the Heron” (tựa tiếng Việt: Thiếu niên và chim diệc) của đạo diễn Hayao Miyazaki đã vinh dự chiến thắng ở hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Quả Cầu Vàng lần thứ 81 (sau 18 năm kể từ khi hạng mục này ra đời).

Sau bộ phim “The Wind Rises” (tựa tiếng Việt: Gió nổi) phát hành vào năm 2013, The Boy and the Heron đánh dấu màn tái xuất sau 10 năm vắng bóng của bậc thầy hoạt hình Nhật Bản, Hayao Miyazaki.

Được biết, The Boy and the Heron là kết quả 7 năm lao động miệt mài, tỉ mẩn của 60 họa sĩ hoạt hình, với tốc độ hoàn thành trung bình chỉ 1 phút mỗi tháng để tạo nên từng khung hình đầy tinh tế, khiến tác phẩm trở thành một trong những bộ phim Nhật Bản đắt nhất từng được thực hiện.

Có thể nói, giải thưởng danh giá này là một cái kết xứng đáng cho những nỗ lực của Hayao Miyazaki và đội ngũ của ông.


3. Wacom nhận làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ giới nghệ sĩ khi sử dụng AI để làm poster quảng cáo 

Vừa qua, Wacom đã đăng tải bài viết quảng bá sản phẩm nhân dịp năm mới. Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp tinh ý đã nhận định đây là một tác phẩm được tạo ra bởi A.I. Việc một thương hiệu lâu đời và uy tín trong việc sản xuất các thiết bị hỗ trợ dành cho nghệ sĩ nhưng lại sử dụng poster quảng bá không do nghệ sĩ tạo ra đã làm dấy lên làn sóng tranh cãi dữ dội.

Theo các nghệ sĩ, hình ảnh con rồng trong bài đăng của Wacom có nhiều điểm bất thường, cho thấy đây là sản phẩm do AI tạo ra. Hiện tại, Wacom đã xóa bài đăng quảng cáo và đã đăng tải bài viết  giải thích về vụ việc trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Twitter,..).

“Đây là những gì đã xảy ra: Wacom đã mua những hình ảnh này thông qua một nhà cung cấp bên thứ ba và bên thứ ba đã khẳng định hình ảnh này không phải do A.l tạo ra. Chúng tôi đã xem xét các hình ảnh thông qua một số công cụ trực tuyến phổ biến và có cùng kết luận rằng hình ảnh này không phải do A.l tạo ra. Tuy nhiên, dựa trên phản hồi của cộng đồng, hiện tại chúng tôi không chắc những hình ảnh này được tạo ra như thế nào. Vì lý do này, chúng tôi ngay lập tức ngừng sử dụng chúng” – thông báo của Wacom cho biết.

Ngoài ra, thương hiệu cho biết đang xem xét và cập nhật lại quy trình để hạn chế vấn đề tương tự xảy ra.

Hiện bài viết trên trang Twitter đã thu hút hơn 3,2 triệu lượt xem. Phần đông người dùng không hài lòng với việc thương hiệu đổ lỗi cho bên thứ ba và đã không có các tiêu chí đánh giá chặt chẽ với các sản phẩm sáng tạo của mình.


4. Cơ sở dữ liệu của 16.000 nghệ sĩ được sử dụng để đào tạo AI, bao gồm cả tác phẩm của một em bé 6 tuổi thu hút nhiều lời chỉ trích

Tuần qua, một file Google Sheet liệt kê tên các nghệ sĩ có các tác phẩm được cho là để “đào tạo” AI đã lan truyền trên các nền tảng xã hội X (trước đây là Twitter) và Bluesky. Danh sách này được gọi là “Exhibit J” trải dài 24 trang với những cái tên hết sức quen thuộc như Banksy, Anish Kapoor, Gustav Klimt, Hayao Miyazaki, Damien Hirst, Keith Haring, Matt Groening, Yayoi Kusama. Trong đó có cả tên các tập đoàn và công ty thương mại đình đám như Walt Disney, Tim Burton, MSCHF và Sony PlayStation.

Ngạc nhiên hơn là danh sách này còn có sự góp mặt của một tác phẩm do họa sĩ 6 tuổi Hyan Tran thực hiện. Bức vẽ này và chủ nhân của nó được biết đến thông qua việc đóng góp vào hoạt động gây quỹ cho Bệnh viện Nhi đồng Seattle vào năm 2021. Vụ việc đã gợi lên làn sóng chỉ trích dữ dội từ công chúng.

Bức vẽ do họa sĩ 6 tuổi Hyan Tran thực hiện.
Hình ảnh: internet

Hiện tại, tệp Google gốc đã bị hạn chế nhưng bản sao vẫn có thể truy cập được trên Internet Archive.

Tài liệu này là một phần của vụ kiện tập thể lớn hơn nhắm vào Stability AI, Midjourney và DeviantArt vào năm ngoái. Bản sửa đổi của nó đã được xuất hiện ngày 29 tháng 11 sau khi thẩm phán tòa án liên bang California bác bỏ một số khiếu nại của một nhóm nghệ sĩ chống lại Midjourney và DeviantArt. Vụ việc tiếp tục được hé lộ, phản ánh mối lo ngại và tranh luận ngày càng tăng về việc sử dụng và quyền đối với nội dung sáng tạo trong việc đào tạo các công cụ AI.

Trọng tâm của vấn đề này là cuộc thảo luận rộng rãi hơn về bản quyền, sự đồng ý và bồi thường trong thời đại kỹ thuật số, đặc biệt khi nó liên quan đến khả năng phát triển nhanh chóng của AI. Khi ngành công nghiệp ngày càng phát triển, cuộc đối thoại xung quanh việc sử dụng có đạo đức tác phẩm của nghệ sĩ ngày càng trở nên cấp bách.


5. Honda ra mắt logo mới tượng trưng cho tương lai xe điện của họ

Honda đang chuẩn bị cho một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực di chuyển bằng điện, và họ đã đánh dấu hướng đi mới này bằng việc giới thiệu một logo mới tại CES 2024. Biểu tượng được cập nhật này, sẽ xuất hiện trên các xe điện sắp tới, biểu thị sự hòa mình của nhà sản xuất ô tô vào cuộc cách mạng điện, đánh dấu một chương mới trong lịch sử lâu dài của họ.

Kể từ lần cập nhật cuối cùng vào năm 1981, chữ “H” đã trở thành biểu tượng đặc trưng của Honda. Tuy nhiên, nhận thức về sự thay đổi trong ngành công nghiệp ô tô, công ty đã quyết định làm mới biểu tượng này để phản ánh sự chuyển mình của họ vào các mô hình bền vững hơn, đại diện cho tương lai của phương tiện di động.

Thiết kế tinh tế này là một bước đi khác biệt so với ngoại hình truyền thống, chọn lựa một dạng chữ “H” không khung viền, thiết kế mới mang lại cảm giác hiện đại và tối giản cho người xem hơn. Phiên bản này phản ánh sự phát triển của dòng xe của Honda, đặc biệt là dòng xe điện Series 0 sắp tới của họ, được mô tả là “mảnh, nhẹ, và sáng tạo.”

Các cạnh của chữ “H” trong logo mới không thẳng đứng mà có xu hướng mở ra hơn (theo hướng từ dưới lên) so với phiên bản trước, tạo nên một cảm giác năng động và linh hoạt, thể hiện tầm nhìn về sự tiến bộ và sự chuyển động của thương hiệu.

Các đường thẳng đứng cũng giống như hai bàn tay dang rộng, thể hiện sự cống hiến của thương hiệu trong việc mở rộng các khả năng của phương tiện di động, cũng như khả năng liên tục đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi của khách hàng. Chúng đại diện cho sự cam kết của công ty với sự đổi mới và khả năng thích ứng trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của ngành công nghiệp ô tô.

 Dịch và tổng hợp: May

Cùng tác giả

#Tag

Ai Honda Lễ trao giải Quả Cầu Vàng lần thứ 81 Louis Vuitton may Series Điểm tin nghệ thuật Thiếu Niên và Chim Diệc Wacom

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Palouse miền bắc Hoa Kỳ với đất đai màu mỡ là kết quả của hoạt động núi lửa cổ xưa và xói mòn…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…