Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 6/2021
Bạn có bỏ lỡ tin nghệ thuật nào trong tháng vừa qua không. Đừng lo, chúng mình sẽ giúp bạn điểm lại những sự kiện nổi bật nhất ngay ở dưới đây.
Hà Lan: Toàn bộ tác phẩm The Night Watch lần đầu được nhìn thấy sau 300 năm
Được treo trong Bảo tàng Rijksmuseum ở Amsterdam, bức tranh khổng lồ của Rembrandt – The Night Watch có kích thước 3.63 m x 4.37 m là hình mẫu tiêu biểu cho thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật Hà Lan. Mặc dù là bức tranh được quan tâm nhiều nhất trên thế giới, nhưng nó chưa bao giờ được nhìn thấy đầy đủ trong 300 năm qua.
Năm 1715, The Night Watch được vận chuyển để trưng bày tại tòa thị chính Amsterdam và bị cắt bớt đi cả bốn cạnh để vừa với khoảng tường của tòa nhà. Bức tranh đã bị cắt đi 61 cm phía bên trái, 22 cm phía trên, 12 cm phía dưới và 7 cm phía bên phải, qua đó làm mất đi bố cục tổng thể.
Tuy nhiên với công nghệ hiện đại ngày nay, đặc biệt là sự trợ giúp của thuật toán AI, các chuyên gia đã tái tạo lại các phần còn thiếu của tác phẩm từ bản sao quan trọng của Gerrit Lundens trước khi nó bị cắt giữa năm 1642 và 1655, trong đó có thêm ba nhân vật trên cây cầu (hai dân quân và một cậu bé).
Hy Lạp: Phát hiện bức họa bị đánh cắp của Picasso
Gần một thập kỷ sau khi các bức tranh bị đánh cắp khỏi bảo tàng lớn nhất Hy Lạp, ngày 29/6 cảnh sát Hy Lạp đã tìm thấy hai bức tranh của Picasso và Piet Mondrian trong khu rừng bên ngoài Athens, thuộc vùng Attica.
Bộ Văn hóa và Thể thao Hy Lạp cho biết, các tác phẩm đã được tìm thấy khi họ bắt giữ một người đàn ông 49 tuổi và ông ta khai nhận đã lấy trộm bức tranh. Nói thêm về vụ trộm năm 2012 người đàn ông này cho biết, có tất cả bốn bức tranh được lấy cắp từ phòng trưng bày Athens, một bức tranh của Mondrian đã bị chúng vứt ngay trên đường rời khỏi bảo tàng, một bức khác của Caccia vẽ bằng mực bị tiêu hủy vào ngày xảy ra vụ trộm, hai bức còn lại của Picasso và Mondrian đang rao bán trên thị trường chợ đen và được chúng cất giữ từ thời điểm đó đến bây giờ.
Mỹ: Tác phẩm thực tế tăng cường tại liên hoan phim Tribeca khiến con người suy ngẫm về thế giới tự nhiên
Mang đến Liên hoan phim Tribeca năm nay, hai đạo diễn Chris Campkin và Adam May đã cùng nhau tạo nên tác phẩm về thế giới đại dương với tên gọi Critical Distance – cuộc trải nghiệm thú vị đưa chúng ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp của loài cá voi cũng như các sinh vật dưới biển dưới định dạng thực tế tăng cường.
Critical Distance là cách để con người tiến gần hơn với thế giới bí ẩn dưới đại dương và hiểu thêm âm thanh ảnh hưởng như thế nào đến loài cá voi, đặc biệt là sự lưu thông tàu thuyền gây nên nhiều tiêu cực cho loài động vật này. Amy Zimmerman, biên kịch của Critical Distance cho biết trong năm 2020 khi thương mại giảm sút vì Covid -19, ba con cá voi khỏe mạnh đã được sinh ra và đây là điều hiếm hoi làm nổi bật thêm sự nghiêm trọng của tình hình.
Pháp: Tác phẩm nghệ thuật thực hiện trên Khải Hoàn Môn chính thức công bố
Sau nhiều lần trì hoãn, dự án nghệ thuật “bọc” Khải Hoàn Môn, Paris bằng vải xanh của cố nghệ sĩ Christo chính thức được công bố vào tháng 9 năm nay. Theo đó, L’arc de triomphe sẽ được cuốn quanh với 25.000 mét vuông vải PP màu xanh cùng 3.000 mét dây thừng đỏ. Quá trình thực hiện sẽ mất 12 tuần và hoàn thành vào ngày 18/9, sau đó công trình sẽ tháo dỡ vào ngày 3/10. Đây là dự án lớn đầu tiên thực hiện kể từ sau khi Christo qua đời vào năm 2020.
Christo là nghệ sĩ người Bulgari được biết đến với các tác phẩm sắp đặt công cộng hoành tráng với quy mô lớn liên quan đến việc bao phủ các địa danh lịch sử nổi tiếng bằng nhiều chất liệu khác nhau như vải và nhựa.
Trước đó, ông đã từng “bọc’ Reichstag ở Berlin năm 1990, cầu Pont Neuf ở Paris năm 1985 và tạo ra London Mastaba, một cấu trúc giống như kim tự tháp gồm 7.500 thùng dầu ở công viên Serpentine năm 2018.
Na Uy: Chuẩn bị mở cửa siêu bảo tàng trị giá 723 triệu đô
Bảo tàng quốc gia mới của Na Uy cuối cùng cũng công bố ngày mở cửa vào ngày 11/6/2022. Dự kiến ra mắt vào năm 2020, tuy nhiên vì tình hình đại dịch nên bảo tàng quyết định lùi thời gian. Bên cạnh đó, Bảo tàng sẽ có tên gọi mới là Bảo tàng Nghệ thuật, Kiến trúc và Thiết kế Quốc gia, được xem là bảo tàng lớn nhất khu vực Bắc Âu.
Với hơn 54.000 mét vuông, bao gồm 13.000 mét vuông không gian triển lãm, 90 phòng trưng bày, quán cafe, cửa hàng lưu niệm và thư viện nghệ thuật khổng lồ. Bảo tàng mới này sẽ trưng bày hơn 5000 tác phẩm nghệ thuật trải dài từ thời cổ đại cho đến nay, quy tụ chủ yếu các bộ sưu tập lớn từ 3 viện nghệ thuật quan trọng nhất Na Uy là Kunstindustrimuseet, Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại và Phòng trưng bày Quốc Gia. Trong số những viên ngọc quý đó có cả các tác phẩm nổi tiếng The Sceam của danh họa Edward Munch.
Nhật Bản: Bảo tàng Nintendo đầu tiên trên thế giới mở cửa
Dành cho những bạn yêu thích các nhân vật của Nintendo cũng như trò chơi điện tử bốn nút, mới đây công ty Nhật Bản đã thông cáo về kế hoạch mở cửa bảo tàng đầu tiên của hãng này.
Cụ thể Nhà máy Nintendo Uji Ogura xây dựng từ năm 1969 ở tỉnh Kyoto sẽ là địa điểm được công ty lựa chọn để thực hiện dự án mới mẻ này. Kể từ năm 2016 khi nhà máy Uji mới được chuyển đến địa điểm khác, tòa nhà cũ này đã bị bỏ trống kể từ đó đến nay.
Bảo tàng Nintendo sẽ trưng bày những sản phẩm mang tính lịch sử của công ty cũng như các vật phẩm liên quan đến những trò chơi huyền thoại làm nên tên tuổi của họ như Mario, Pokemon, Legend of Zelda,… cùng với đó là những không gian trải nghiệm trò chơi. Dự kiến bảo tàng sẽ mở cửa đón khách tham quan vào năm 2024.
Ý: Bức tranh thất lạc từ lâu của Rembrandt được tìm thấy
Cũng liên quan đến danh họa Rembrandt, bức tranh có tựa đề The Adoration of the Magi (1632 – 1633) được phát hiện vào năm 2016 khi một gia đình ở Ý gửi bức tranh đi phụ chế sau khi nó bị rơi khỏi tường và hư hại nhẹ. Gia đình đã nghĩ đó chỉ là một bản sao nhưng nhà phục chế Antonella đã xác nhận rằng nó có thể được vẽ bởi chính họa sĩ người Hà Lan.
Ngày 22/6 vừa qua, Viện hàn lâm Pháp Villa Medici ở Rome xác nhận rằng bức tranh thực sự là bản gốc của Rembrandt trong hội nghị được tổ chức bởi FPI.
Anh: Giải thưởng Artes Mundi 9 không có người chiến thắng cụ thể
Một trong những giải thưởng nghệ thuật quan trọng nhất ở Vương quốc Anh được chia cho sáu nghệ sĩ đề cử sau khi hội đồng giám khảo Artes Mundi 9 cho biết họ muốn ghi nhận sự biến động kinh tế và xã hội đặc biệt của đại dịch Covid – 19.
Artes Mundi sẽ trao giải thưởng 10000 bảng Anh cho sáu nghệ sĩ gồm: nghệ sĩ đa phương tiện người Nam Phi – Dineo Seshee Bopape, nghệ sĩ Beatriz Santiago Munoz, nghệ sĩ Firelei Baez của Cộng hòa Dominica, Nhiếp ảnh gia người Mỹ Carrie Mae Weems, nghệ sĩ Ấn Độ Prabhakar và nghệ sĩ Nhật Bản Meiro Koizumi.
Với quyết định không có nghệ sĩ cụ thể nào thắng giải, hội đồng Artes Mundi 9 cho biết: “Mỗi nghệ sĩ đều thể hiện khả năng tuyệt vời trong việc vượt qua trở ngại toàn cầu mà Covid – 19 đã gây ra. Các tác phẩm là tiếng nói đặc biệt và mạnh mẽ theo những cách phong phú, đáng suy ngẫm và tích cực.”
Biên tập: Hoàng
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 10
- 2. Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 11
- 3. iDesign Rewind 2020: Những sự kiện nghệ thuật nổi bật 2020
- 4. Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 12
- 5. Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 2/2021
- 6. Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 3/2021
- 7. Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 4/2021
- 8. Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 5/2021
- 9. Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 7/2021
- 10. Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 8/2021