Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 5/2021
Sẽ ra sao nếu một ngày đẹp trời bạn được chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật của các danh họa bậc thầy ở nơi công cộng mà không cần phải đến bảo tàng… hay một con Robot trực tiếp thể hiện khả năng hội họa.
Những điều bất ngờ đó sẽ được bật mí ở ngay dưới đây, rất vui khi được gặp lại các bạn trong chuyên mục điểm tin nghệ thuật của iDesign.
Anh: Bản phác họa của Da Vinci sẽ lập kỷ lục đấu giá mới
Tác phẩm có tựa đề Head of a Bear của Leonardo da Vinci sẽ được đấu giá trong phiên đặc biệt tại Christie’s ở London vào ngày 8/7 tới đây. Theo các chuyên gia, bức vẽ này có thể phá vỡ kỷ lục đấu giá cho một bản phác họa khi ước tính mức giá sẽ dao động từ 11,2 triệu đến 16,9 triệu đô.
Trước đó vào năm 2011, một bản phác họa khác của Da Vinci là Horse and Rider cũng đã phá kỷ lục khi được đấu giá với hơn 11 triệu đô và đến hiện tại bản vẽ này vẫn đang là bản phác họa đắt giá nhất thế giới. Vì vậy Christie’s tin rằng Head of a Bear sẽ soán ngôi đầu của Horse and Rider và lập kỷ lục mới vào mùa hè này.
Ra mắt ứng dụng phát hiện tranh đánh cắp
Ngày 4/5 vừa qua, Interpol đã ra mắt ứng dụng mới trên điện thoại có tên là ID-Art, cho phép người dùng tìm kiếm và xác định các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp bằng phương pháp nhận diện hình ảnh, người dùng chụp ảnh và đối chiếu trên kho dữ liệu của ứng dụng với hơn 52.000 tác phẩm hiện đang bị mất.
Các nhà chức trách hy vọng, sau khi ứng dụng này ra mắt và phổ biến sẽ giúp tìm lại các tác phẩm bị đánh cắp cũng như ngăn chặn nạn buôn bán trái phép. Năm ngoái, UNESCO ước tính việc buôn bán nghệ thuật và các đồ tạo tác văn hóa trên thị trường đen có giá trị gần 10 tỷ đô mỗi năm, đây là thị trường màu mỡ cho những nhóm tội phạm hoạt động.
Tây Ban Nha: Tranh của Goya được trưng bày ở địa điểm công cộng
Đi bộ dọc theo các đường phố của Madrid những ngày này, người dân địa phương cũng như du khách sẽ được khám phá những bản sao của các kiệt tác từ Bảo tàng Prado, bao gồm những bức tranh của Goya, El Greco và Fra Angelico được trưng bày phía sau các cành cây, bên trong các trạm an ninh sân bay, những bức tường các tòa nhà và dọc theo hàng rào.
Dự án của Prado, có tiêu đề “Just Around the Corner”, nhằm “làm mới cuộc sống hằng ngày của những người dân” bằng cách trưng bày các tác phẩm ở “những nơi bất ngờ, gần gũi và đem lại cảm giác ngạc nhiên”. Đây là một phần của chuỗi sáng kiến nhằm đưa nghệ thuật ra bên ngoài bảo tàng thông qua việc trưng bày ở nơi công cộng.
Châu Âu: Cô bé 9 tuổi và dự án nghệ thuật vì người tị nạn
The Walk là dự án nghệ thuật kể về câu chuyện cô bé 9 tuổi, Amal trên hành trình tìm người mẹ thất lạc của mình khi đang di tản.
Little Amal là cô bé rối khổng lồ, cao 3 mét rưỡi, cô sẽ đi khắp châu âu bắt đầu từ Thổ Nhĩ Kì, Hy Lạp, Thụy Sĩ, Pháp, Bỉ và cuối cùng dừng chân tại Anh trong dự án dành cho người tị nạn. Cô bé Amal là đại diện cho tất cả những đứa trẻ kém may mắn trong các cuộc di tản khi bị chia cắt khỏi gia đình.
‘UNICEF ước tính có hơn 30 triệu trẻ em mỗi năm bị cưỡng bức di dời trên toàn thế giới.’
Chuyến đi sẽ khởi hành vào 27/7 và kết thúc dự kiến vào 6/11, đi qua 70 điểm dừng chân và có 80 sự kiện miễn phí được tổ chức với sự cộng tác của khoảng 250 nghệ sĩ. Adrian Kohler và Basil Jones, những người sáng lập của Handspring – Công ty đã tạo nên Little Amal chia sẻ “Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều đứa trẻ tự làm cho mình một con rối nhỏ để chào đón Amal khi cô bé đi qua thị trấn, từ đó tạo ra sự đồng cảm.”
Còn giám đốc của dự án The Walk, ông Stephen Dalry thổ lộ trên Evening Standard rằng: “Vào thời điểm như hiện tại, chúng ta cần nghệ thuật hơn bao giờ hết… Tôi rất mong muốn hàng nghìn người trên thế giới có thể dõi theo hành trình đầy cảm xúc của Little Amal trên khắp châu âu để tìm người mẹ của mình.”
Anh: Giải thưởng Turner 2021 công bố danh sách rút gọn
Danh sách những nghệ sĩ và tác phẩm nổi bật cho giải thưởng Tuner 2021 đã được Tate Britain công bố dưới sự chủ trì của giám đốc Alex Farquharson. Tập thể các nghệ sĩ trong danh sách cuối cùng bao gồm: Array Collective, Black Obsidian Sound System, Cooking Sections, Gentle/Radical và Project Art Work.
Người chiến thắng sẽ được công bố vào ngày 1/12/2021 trong lễ trao giải ở Coventry, trong khi đó triển lãm tác phẩm sẽ kéo dài từ 29/9/2021 cho đến 12/1/2022 tại bảo tàng Herbert.
Giải thưởng Turner là một trong những giải thưởng nổi tiếng trên thế giới về nghệ thuật thị giác, nhằm thúc đẩy sự phát triển, nắm bắt và phản ánh đúng tâm trạng trong nghệ thuật đương đại ở Anh. Được thành lập vào năm 1984, giải thưởng này được đặt theo tên họa sĩ người anh JMW Turner (1775-1851). Người chiến thắng sẽ nhận được 25.000 bảng Anh và 10.000 bảng Anh sẽ thuộc về mỗi người trong danh sách rút gọn.
Libya: Bức tượng nữ thần Hy Lạp 2000 năm tuổi được hồi hương
Bức tượng nữ thần Hy Lạp Persephone được cho là đã bị đánh cắp khỏi thành phố cổ Cyrene vào năm 2011 trong cuộc nội chiến ở Libya. Đến năm 2013 bức tượng này đã bị thu giữ tại sân bay Heathrow ở London. Năm 2015, sau khi được các chuyên gia bảo tàng Anh thẩm định, phiên tòa xét xử đã đưa ra phán quyết bức tượng thuộc về Libya, quốc gia này đã nhận lại tác phẩm thông qua đại sứ quán của họ tại Anh.
Bức tượng được làm bằng đá cẩm thạch và có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 2 trước công nguyên miêu tả nữ thần Hy Lạp Persephone đeo vòng tay rắn – biểu tượng cho thế giới bên kia và sự tái sinh, trên tay cầm một bức tượng nhỏ tượng trưng cho món quà gửi tới kiếp sau.
Nhật Bản: Tác phẩm điêu khắc mực khổng lồ gây tranh cãi
Một tác phẩm điêu khắc hình một con mực ống khổng lồ trị giá 25 triệu yên được chính quyền tỉnh Ishikawa, Nhật Bản xây dựng nhằm thể hiện sự tôn kính đối với truyền thống đánh cá của thị trấn ven biển Noto. Tác phẩm điêu khắc dài 3,5 mét và cao 4 mét được lắp đặt vào tháng 3 vừa qua trên đồng cỏ, đối diện với một trạm xăng gần bến cảng địa phương.
Tuy nhiên một số người dân đã đặt câu hỏi liệu công việc này có phải là cách sử dụng tốt nhất nguồn vốn của chính phủ hay không, thay vào đó tại sao không dùng để hỗ trợ nhân viên y tế hoặc những người có sức khỏe yếu và người có thu nhập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Sau đó các nhà lãnh đạo của thị trấn Noto cũng đưa ra hồi đáp, họ hi vọng với tác phẩm điêu khắc này sẽ tạo ra điểm nhấn du lịch và thu hút những vị khách thích chụp ảnh tới đây. Năm ngoái, Noto đã đón 68.500 du khách và họ đặc biệt quan tâm đến những nhà hàng đặc sản mực cũng như làng chài và bãi biển gần đó.
Anh: Triển lãm của nghệ sĩ Robot đầu tiên trên thế giới khai mạc
Ai-da, nữ nghệ sĩ Robot đầu tiên trên thế giới được tạo bởi các kỹ sư Leeds và được đặt tên theo nhà toán học Ada Lovelace đã có buổi triển lãm tác phẩm của mình vào ngày 18/5 tại Bảo tàng Thiết Kế ở London với tên gọi ‘Ai-da Self Portraits’. Triển lãm lần này bao gồm 3 bức tranh chân dung tự họa khổ lớn được thực hiện nhờ thuật toán AI với phong cách siêu thực.
Thông qua Ai-da Self Portraits, nhóm phát triển muốn tìm lời giải cho câu hỏi liệu tác phẩm nghệ thuật được tạo ra bằng máy móc có thực sự được coi là nghệ thuật hay không?
Biên tập: Hoàng