Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 2/2021
Xin chào… Xin chào, các bạn chơi Tết sao nhỉ? Chơi thả ga nhưng cũng đừng quên là chúng mình có hẹn với nhau vào mỗi đầu tháng để điểm lại những thông tin nghệ thuật “nóng” nhất đã diễn ra trên thế giới trong một tháng vừa rồi nhé.
Pha tách trà ấm, nhâm nhi cùng mình điểm tin nào!
Vén màn dòng chữ bí ẩn trong “Tiếng Thét”
The Scream hay Tiếng Thét là một trong những tác phẩm hội họa nổi tiếng nhất của danh họa người Na Uy – Edvard Munch. Năm 1904, một nhà phê bình người Đan Mạch đã phát hiện một dòng chữ mờ ở góc trái tranh có nội dung “Kan kun være malet af en gal mand” (tạm dịch: Chỉ có thể được vẽ bởi một kẻ điên ). Kể từ đó mọi người tin rằng ai đó đã viết bậy lên bức tranh nhằm chế nhạo Edvard.
Tuy nhiên để chuẩn bị khánh thành sau thời gian tu sửa, bảo tàng Munch đã hợp tác với các nhà khoa học để làm rõ bí ẩn của bản gốc bức tranh. Thông qua việc sử dụng tia hồng ngoại để phân tích chữ viết và so sánh với nét chữ trong nhật ký của tác giả, các nhà khoa học khẳng định đây là chữ viết của Munch. Có thể ông đã viết dòng chữ này vào năm 1895 để đáp trả những chỉ trích vào bản thân sau khi ông triển lãm tiếng thét lần đầu tiên tại Oslo.
Triển lãm mới của teamLab mang thông điệp kết nối con người với thiên nhiên
teamLab là một cái tên không còn xa lạ với công chúng yêu nghệ thuật trên thế giới, các tác phẩm của nhóm mang thiên hướng nghệ thuật sắp đặt với ứng dụng của công nghệ số. Lần này teamLab mang tới triển lãm ‘Digitized Nature’ kéo dài đến 31/3, áp dụng công nghệ kỹ thuật số phi vật chất để biến thiên nhiên thành nghệ thuật mà không gây hại đến nó.
Triển lãm được tổ chức tại khu vườn Kairakuen – một trong ba khu vườn đẹp nhất của Nhật Bản, xây dựng vào năm 1842 vào cuối thời kỳ Edo. Các tác phẩm sắp đặt mới của teamLab đưa du khách vào trải nghiệm đa giác quan, sử dụng ánh sáng đa sắc để biến khu vườn thành một thế giới thực vật thần bí, từ đó giúp con người kết nối nhiều hơn với thiên nhiên.
Hình ảnh một số các tác phẩm khác:
Tác phẩm nghệ thuật ứng dụng công nghệ Blockchain gây bão
Mới đây, nhà đấu giá Christie’s ở Anh đã mở phiên đấu giá với tác phẩm kỹ thuật số đầu tiên của họ với tác phẩm cắt ghép từ 5.000 bức tranh khác nhau của nghệ sĩ Mike Winkelmann có nghệ danh Beeple.
Trở lại với tác phẩm đấu giá của Christie’s, giá thầu cho bức ảnh này hiện tại đã lên đến 3 triệu USD và dự kiến kết thúc vào ngày 11/3 sắp tới. Noah Davis, chuyên gia nghệ thuật tại Christie’s cho biết “Chúng tôi đang thấy một trường hợp chưa từng có trước đây. Trong 10 phút đấu thầu đầu tiên, chúng tôi có hơn 100 hồ sơ dự thầu và đã đạt mức 1 triệu USD”.
Cơn sốt Clubhouse với nghệ thuật thế giới
Clubhouse – nền tảng mạng xã hội mới đang tạo nên hiệu ứng cực kỳ mạnh mẽ trong cộng đồng thế giới. Không nằm ngoài dòng chảy xã hội, chủ đề nghệ thuật cũng là một trong những đề tài được bàn tán rất nhiều trên Clubhouse và để bắt kịp xu hướng của thế giới này các bảo tàng, tổ chức nghệ thuật,… đang rục rịch chuẩn bị cho mình một tài khoản trên mạng xã hội này.
Mirjam Baitsch, trưởng bộ phận tiếp thị và phát triển tại Kunstmuseum Basel đã chia sẻ rằng, cô đang xem xét việc thiết lập một tài khoản cho bảo tàng, để tìm kiếm những nguồn cảm hứng mới, “Đó là một cơ hội thực sự để thế giới nghệ thuật đối thoại với mọi người ở nhiều tầng lớp, lĩnh vực khác nhau”.
Trước đó, Giám đốc điều hành của nhà đấu giá Sotheby’s – Charles Stewart cũng đã tham gia cuộc trò chuyện kéo dài 90 phút trên Clubhouse, nơi ông và các CEO của các công ty khác nói về tính ứng dụng của Blockchain trong thế giới nghệ thuật.
Tiktok quyên góp 5 triệu euro cho các tổ chức văn hóa ở Đức
Cũng liên quan đến một ông lớn của mạng xã hội, Tiktok đang cung cấp cho 50 tổ chức văn hóa của Đức với tổng trị giá 5 triệu euro để tăng cường sự tương tác trên ứng dụng truyền thông xã hội và quảng bá nội dung tập trung vào đa dạng.
Bảo tàng, nhà hát, nhà xuất bản và phòng trưng bày nghệ thuật – tất cả đều đã đóng cửa từ tháng 11 năm ngoái – nằm trong số những tổ chức được mời nộp đơn cho khoản tài trợ mới. Ông Tobias Henning, tổng giám đốc của TikTok Đức chia sẻ: “Điều quan trọng đối với chúng tôi là cung cấp cho những người sáng tạo văn hóa những cách thức mới để trao đổi với khán giả của họ. Với #CreatorsForDiversity, các định dạng mới được tạo ra để truyền cảm hứng và khuyến khích người dùng TikTok đi sâu vào các chủ đề nghệ thuật, văn hóa và sự đa dạng”.
Động thái này báo hiệu một nỗ lực nghiêm túc từ TikTok để tạo bước tiến trong ngành công nghiệp sáng tạo, cho đến nay, vẫn bị Instagram và Facebook thống trị.
Tìm thấy hình vẽ có tuổi thọ lên đến 17,500 năm
Ngày 22/2 vừa qua, tạp chí Nature Human Behavior đã công bố hình vẽ chú Kangaroo có niên đại hơn 17,000 năm. Cụ thể, một nhóm các nhà khoa học Úc đang làm việc tại vùng Balanggarra của đất nước này đã nói rằng họ phát hiện bức tranh vẽ một con kangaroo trên trần của một hầm trú ẩn bằng đá sa thạch.
Damien Finch, một trong những nhà khoa học cho biết “Chúng tôi đã dùng phóng xạ carbon để xác định niên đại 3 tổ ong bắp cày nằm dưới bức tranh và 3 tổ ong được xây dựng trên nó để xác định, một cách tự tin rằng bức tranh có niên đại từ 17,500 và 17,100 năm, và có khả năng nhất là 17,300 năm”. Phát hiện mới này đã đưa nó trở thành tác phẩm nghệ thuật trên đá lâu đời nhất tại Úc và cũng mở ra hướng nghiên cứu mới về văn hóa cổ xưa của loài người.
Công viên giải trí và khu nghỉ dưỡng có thể gây hại đến di tích Angkor Wat ở Campuchia
Vào tháng 11/2020, chính phủ Campuchia đã cấp cho NagaCorp, một công ty có trụ sở tại Hồng Kông điều hành khách sạn và sòng bạc NagaWorld ở Phnom Penh, thuê 50 năm trên một khu đất gần đó vào tháng 11. Khu nghỉ mát Angkor Lake of Wonder được lên kế hoạch sẽ nằm bên ngoài khu bảo tồn của Angkor, được khoanh định vào năm 1994, theo báo cáo của Art Newspaper.
Tuy nhiên dự án này vấp phải sự tranh luận của rất nhiều người, đặc biệt là các chuyên gia bảo tồn, họ lo sợ rằng một công viên giải trí này có thể gây nguy hiểm cho ngôi đền cổ Angkor Wat và đe dọa đến tính cổ kính của di tích tôn giáo lớn nhất thế giới. Nhận thấy điều này, UNESCO đã lên báo cáo kiểm tra các kế hoạch phát triển và sẽ có phiên họp vào tháng 6 sắp tới giữa Ủy ban Di sản Thế giới và các cơ quan chức năng Campuchia để đảm bảo rằng việc bảo vệ Angkor Wat vẫn là một ưu tiên số một.
Biên tập: Hoàng