De Stijl (Phần 2)

Trong phần thứ hai cũng là phần cuối về trào lưu De Stijl, một trong những trào lưu đặt nền tảng cho cả nghệ thuật, thiết kế, và kiến trúc hiện đại lẫn đương đại – chúng ta tìm hiểu các phát triển hậu phong trào cũng như các tác phẩm nổi bật.

  • Tại sao một điều gì đó mà không ai thấy là kỳ lạ trong âm nhạc lại bất khả thi trong nghệ thuật của hội hoạ và điêu khắc? Theo kinh nghiệm của chúng tôi khi so sánh các tác phẩm nghệ thuật, việc không đại diện cho một vật thể là cách hiệu quả nhất để rèn luyện khả năng cảm thụ của chúng ta đối với chúng.” – Piet Mondrian.
  • Ba màu cơ bản là vàng, đỏ, và xanh… Chúng là những màu duy nhất tồn tại. Vàng là sự chuyển động của tia (dọc)… màu xanh (trục trời ngang) đối lập với màu vàng… đỏ là sự giao thoa giữa vàng và xanh.” – M. H. J. Schoenmaekers.
  • Có một nhận thức cũ và mới của thời đại. Nhận thức cũ hướng về cái cá nhân. Nhận thức mới hướng về cái phổ quát. Sự vật lộn của cái cá nhân trước cái phổ quát có thể nhìn thấy được trong cả thế chiến và nghệ thuật hiện đại.” – Theo van Doesburg, trong tuyên ngôn năm 1918 của mình. 

Các phát triển hậu De Stijl

Các toà kiến trúc được lấy cảm hứng từ De Stijl, đặc biệt là của Rietveld và Oud, đã được xây dựng tại Hà Lan trong suốt những năm 1920. Điều thú vị là tất cả trong số ấy đều có vẻ như thách thức lý thuyết về chủ nghĩa Nguyên tố của van Doesburg và thay vào đó là sử dụng các đường ngang và dọc được xác định rõ ràng. 

De Stijl cũng có ảnh hưởng lớn đến kiến trúc và thiết kế của Bauhaus, một vài thành viên của De Stijl thực tế đã dạy học tại Bauhaus, có thể quan trọng nhất lại chính là van Doesburg – người đã dạy học tại đó vào quãng 1921-22. Ngôn ngữ hình học của De Stijl cùng với các khái niệm kiến trúc như công năng quyết định hình thức và sự nhấn mạnh vào các thành phần cấu trúc sẽ vang vọng trong thực hành kiến trúc của Bauhaus, cũng như trong khái niệm được chấp nhận toàn cầu là “Phong cách Quốc tế”.

Theo van Doesburg (phải) và Cornelis van Eesteren (trái) làm việc với các mô hình kiến trúc trong xưởng của họ tại Paris năm 1923

Với cái chết của Theo van Deosburg vào năm 1931, De Stijl mất đi người lãnh đạo của mình và sớm không tồn tại nữa. Tuy nhiên, những ý tưởng chủ đạo của trừu tượng hình học thuần tuý và mối liên hệ giữa hình thức và công năng được nhiều người duy trì. Chúng đại diện cho một sự đóng góp vào cái căn bản của nghệ thuật, thiết kế, và kiến trúc hiện đại cũng như đương đại. Ví dụ, rất nhiều toà nhà của Rietveld đã tồn tại dài hơn cả sự tồn tại thực tế của nhóm De Stijl và tạo cảm hứng cho nhiều kiến trúc sư vĩ đại của thế kỷ 20 mà bao gồm cả Mies van der Rohe.

Cổng vào của bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam, một thiết kế của Gerrit Rietveld

Vượt ra ngoài địa hạt của kiến trúc, thẩm mỹ tinh gọn của De Stijl tạo ảnh hưởng tới nhiều nghệ sĩ và nhà thiết kế sau đó của thế kỷ 20, và hơn thế nữa. Trong đó phải kể tới những nghệ sĩ Biểu hiện Trừu tượng Mark Rothko và Barnett Newman, những nghệ sĩ Cạnh cứng như Frank Stella và Frederick Hammersley, và những người Tối giản như Donald Judd và Dan Flavin.

Các tác phẩm nổi bật

1920: Bố cục A của Piet Mondrian

Sơn dầu trên toan – Galleria Nazionale d’Arte Moderna (Phòng trưng bày Nghệ thuật Hiện đại quốc gia), Rome, Ý

Bố cục A (Composition A) – tác phẩm có tên gọi báo trước bản chất phi-vật thể của nó bằng cách không gợi ý tới bất cứ điều gì ngoài chính nó – là một ví dụ điển hình cho trừu tượng hình học của Mondrian trước khi ông thực sự trưởng thành trong khuôn khổ thẩm mỹ của De Stijl. 

Với các hình thức tuyến tính được tạo thành từ các vùng màu nguyên khối có đường viền, tác phẩm phản ánh thí nghiệm của người nghệ sĩ với lý thuyết toán học của Schoenmaekers và việc tìm kiếm một ngôn ngữ hình ảnh đơn giản cho thời đại hiện đại. Trong khi ở đây Mondrian sử dụng đen và các sắc độ xám, các tác phẩm sau này của ông sẽ còn được tiết giảm hơn nữa, đến cuối cùng sử dụng nhiều bố cục cơ bản hơn và chỉ các khối màu cơ bản đồng nhất.

1922: Vũ công cơ khí của Vilmos Húszár

Cắt ghép ảnh – Bộ sưu tập cá nhân, New York, Mỹ

Tác phẩm sơ khai này sử dụng các dạng hình học đặc trưng của thẩm mỹ De Stijl, nhưng sự phân tầng của các hình dạng và hình thức, và sự kết hợp của các đường ngang, dọc, và chéo – cùng với sự vắng mặt của sắc màu – phản ánh một cách tiếp cận khác với cách tiếp cận của những người nghệ sĩ dẫn đầu phong trào là van Doesburg và Mondrian. 

Tác phẩm gợi ra một hình tượng con người – đạt được bằng cách sắp xếp các hình thức hình học và sự xuất hiện của một khối lập phương ở phần trên cùng, có thể là đại diện cho một cái đầu – cũng độc đáo trong các tác phẩm De Stijl. Vũ công cơ khí (Mechano Dancer) gợi lên một thứ lai giữa người và máy, mà được ngụ ý sẵn trong tiêu đề của nó, cho thấy cả ảnh hưởng của Dada lẫn Vị lai Ý.

1923: Ghế Đỏ và Xanh của Gerrit Rietveld

Gỗ sơn màu – Bảo tàng Aukland, New Zealand

Được thiết kế từ năm 1918 nhưng mãi tới 1923 mới được hoàn thiện, chiếc Ghế Đỏ và Xanh (Red and Blue Chair) sử dụng bảng màu cơ bản đặc trưng của De Stijl và đã trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của trào lưu. Rietveld hình dung một chiếc ghế có thể chơi cùng và biến đổi không gian xung quanh nó, bao gồm những khối lượng, mặt phẳng, đường thẳng tương tác với nhau theo những cách độc đáo mà vẫn tránh được sự giao nhau.

Mọi màu, đường, và mặt phẳng đều được xác định rõ ràng, như thể mỗi thứ đều là một tác phẩm riêng biệt mà chỉ tình cờ được sử dụng cho một món đồ nội thất. Việc lắp ráp đơn giản mà Rietveld triển khai cũng khá là có chủ đích nữa; ông dựng lên chiếc ghế từ những mảnh gỗ kích thức tiêu chuẩn có sẵn vào thời ấy, phản ánh mục tiêu hiện thực hoá một món đồ nội thất mà có thể được sản xuất hàng loạt thay vì làm thủ công. Nhấn mạnh vào tính chất nhân tạo của mình, Ghế Đỏ và Xanh cũng đặc biệt tránh sử dụng các hình thức tự nhiên mà những nhà thiết kế đồ nội thất thường ưa chuộng để nhấn mạnh vào ý tưởng về sự thoải mái và tiện lợi thể chất.

1924: Phản bố cục V của Theo van Doesburg

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Stedelijk, Amsterdam, Hà Lan

Được ra mắt lần đầu vào năm 1924, loạt tác phẩm Phản bố cục (Counter Composition) đặc trưng của van Doesburg thể hiện ước muốn của người nghệ sĩ là vượt ra ngoài những giới hạn bấy giờ của De Stijl bằng việc giới thiệu chủ nghĩa Nguyên tố. Trong khi van Doesburg tiếp tục đảm bảo sử dụng các đường ngang và dọc, giờ đây, ông ưu tiên đường chéo; ông miêu tả chủ nghĩa Nguyên tố là “dựa trên sự trung hoà các hướng âm và dương bằng đường chéo và, miễn là vẫn còn sự can dự của màu sắc, sự bất hoà. Các mối quan hệ cân bằng không phải là kết quả tối hậu.

Tiêu đề của loạt tác phẩm này đề cập tới thực tế rằng các nét của các tác phẩm/bố cục tạo thành góc 45 độ với các cạnh của hình ảnh thay bằng song song với chúng, cho kết quả là một mối quan hệ mới đầy năng lượng giữa bố cục và định dạng của khung tranh. Và như trong ví dụ phía trên, van Deosburg liên tục mạo hiểm vượt ra ngoài ba màu cơ bản, đưa vào một hình tam giác màu xám bên cạnh những màu cơ bản, trắng, và đen. Vào thời điểm ông vẽ tác phẩm này, De Stijl đang tìm kiếm tiếng nói riêng của mình; các bức hoạ, thiết kế nội thất, và toà nhà do những người liên quan tới trào lưu sản xuất đối thoại về cách các nét và màu nên tương tác như thế nào, và cách mà vẻ ngoài của một sản phẩm cũng quan trọng như công năng của nó.

1924: Nhà Rietveld Schröder

Các hình ảnh bên trong và bên ngoài ngôi nhà. Bê tông, gạch, thạch cao, gỗ, dầm thép… Utrecht, Hà Lan

Nhà Rietveld Schröder là một tiền thân quan trọng cho Chủ nghĩa Quốc tế – một trào lưu lấy cảm hứng bởi Bauhaus, cũng như là toà nhà duy nhất được thiết kế hoàn toàn theo thẩm mĩ De Stijl. Ngôi nhà được Truus Schröder-Schrader đặt hàng vào năm 1924 và bà muốn tổ ấm mới của mình hoành tráng và rộng mở (“không có tường”), một tuyên ngôn xác thật về cách một người phụ nữ hiện độc lập nên sống đời mình. Toà nhà sử dụng bảng màu đặc trưng của De Stijl – các màu cơ bản, đen, và trắng – nhấn mạnh vào các yếu tố kiến trúc của nó – phiến, trụ, và dầm – phản ánh sự nhấn mạnh của trào lưu vào hình khối, sự xây dựng, công năng trong kiến trúc và thiết kế của nó.

Theo cả những cách khác nữa, thiết kế kiến trúc này đại diện cho một tách biệt lớn khỏi quy ước và tiền lệ kiến trúc. Ở trong, các căn phòng được xây dựng như những thực thể chuyển động được với tường di động. Thêm vào đó, thiết kế của Rietveld không cố gắng tương tác với bất cứ toà nhà và con đường bao quanh nào, gợi ý rằng sự hiện diện của nó là một cấu trúc tách biệt tập trung hướng vào trong thay bằng ra bên ngoài.

1929-30: Bố cục số học của Theo van Doesburg

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Winterthur, Thuỵ Sĩ

Được tạo ra vào gần cuối đời của van Doesburg, Bố cục số học (Arithmetic Composition) phản ảnh thí nghiệm của người nghệ sĩ với những hình dạng trừu tượng hình học với một bố cục chéo, cho kết quả là một mặt phẳng hình ảnh mà sẽ không thể tạo ra một hiệu ứng thị giác như thế nếu các khối được đặt ngang hay dọc.

Cấu trúc đường chéo của tác phẩm, sự kết hợp không gian âm và dương thuần tuý (các hình thức màu đen trên nền màu trắng), và sự tham gia của một chữ “L” ngược gây tò mò ở góc trên bên trái, chiếm trọn một khối đen, tạo ra cảm giác về chuyển động, khiến cho những hình dạng hiện lên như thể đang luân phiên di chuyển cả về phía về ra xa khỏi người xem. Tuy nhiên, không giống những bức tranh ngang-và-dọc của Mondrian mà thường tự đưa chúng tới gợi ý về sự tượng hình, van Doesburg ở đây rạo ra một tác phẩm nghệ thuật trừu tượng hoàn toàn từ chối mọi khả năng đại diện.

Nguyên bản tiếng Anh tổng hợp, viết bởi Justin Wolf, biên tập bởi Những người cộng sự của The Art Story. Dịch sang tiếng Việt, đề tựa tiếng Việt, và hình ảnh minh hoạ bởi Hương Mi Lê.

Cùng tác giả

#Tag

de stijl Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…