Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội (Phần 3)

Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về chủ nghĩa Hiện thực Xã hội, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của trào lưu, bao gồm hình bìa tạp chí New Masses năm 1933 của William Gropper, Khúc ca của những toà tháp (Song of the Towers) của Aaron Douglas, Cái chết (Death) của Isamu Noguchi, Ngày Lao động (The Working Day) của Hugo Gellert, Cuộc biểu tình (Demonstration) của Antonio Berni, Nghệ sĩ ở WPA (Artist on the WPA) của Moses Soyer, Món quà từ Madrid (Presents from Madrid) của Paraskeva Clark, Một bi kịch Mĩ (An American Tragedy) của Philip Evergood, và Sự nhập cư của người da đen #52 (The Migration of the Negro #52) của Jacob Lawrence.

Tác phẩm và tác giả của chủ nghĩa Hiện thực Xã hội

1933: Hình bìa tạp chí New Masses (TD: Đại chúng mới) của William Gropper

Mực trên giấy

Là một người cam kết với chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa cộng sản, William Gopper đã vẽ rất nhiều hình ảnh minh hoạ cho các ấn phẩm cấp tiến như New Masses Community Party’s Daily Worker (Công nhân hàng ngày của Đảng Cộng sản). Với mong muốn tiếp cận số lượng người lao động lớn nhất có thể, Gropper và những người khác đã tạo ra các bản in và đồ hoạ cho các tạp chí cấp tiến, dễ phân phối. Tại đây, Gropper triển khai lối hùng biện hình ảnh mang tính cách mạng về người công nhân vinh quang, hoành tráng đang thống trị các giáo sĩ nhỏ bé và những nhà tư bản ở góc dưới bên trái, cả về mặt tư tưởng và mặt thể chất.

Tôn giáo, thông đồng với tư bản, tìm cách kiềm chế và đàn áp người lao động Mĩ, những người được thể hiện gần như một hình tượng King Kong đang cố gắng thoát khỏi xiềng xích của mình một cách vô ích; bộ phim King Kong ra mắt lần đầu năm 1933. Ý tưởng về một chế độ nô lệ và phục dịch công nghiệp cũng được truyền đạt thông qua những mắt xích mà người công nhân giật bung một cách mạnh mẽ. Thông điệp của Gropper cũng rõ ràng và sắc bén như lựa chọn màu sắc đen-trắng của ông.

1934: Những khía cạnh của cuộc sống người da đen: Khúc ca của những toà tháp (Aspects of Negro Life: Song of the Towers) của Aaron Douglas

1934: Những khía cạnh của cuộc sống người da đen: Khúc ca của những toà tháp (Aspects of Negro Life: Song of the Towers) của Aaron Douglas
Aaron Douglas (trái) và giám tuyển bộ sưu tập Shomburg Arthur A. Shomburg (phải) trước bức tranh

Douglas là một thành viên của Đảng Cộng sản và tác phẩm này là tấm thứ tư trong sê-ri đề cập tới quá trình chueyern đổi giữa chế độ sở hữu nô lệ sang sự nô lệ hoá công nghiệp hiện đại; bức cuối cùng, bức thứ năm, thể hiện Karl Marx giữa những công nhân người Mĩ gốc Phi, dẫn dắt họ tới một tương lai vô sản tốt đẹp hơn. Ở đỉnh của tác phẩm, một nghệ sĩ kèn saxophone đứng chiến thắng với nhạc cụ giơ cao trên đỉnh đầu, vượt xa những đôi bàn tay màu xanh lá đang vươn lên muốn tóm lấy và kéo anh trở lại kiếp nô lệ.

Tuy nhiên, chiến thắng của anh chỉ là thoáng nhất thời, vì bánh răng công nghiệp mà anh đứng trên đó sẽ đưa anh trở lại lòng sâu của thành phố và xã hội; chủ nghĩa công nghiệp và cơ giới hoá không phải là bạn của công nhân Mĩ. Vượt ngoài tầm với của người đàn ông ở phía xa là tượng Nữ thần Tự Do tượng trưng cho những lời hứa hẹn chưa được thực thi về một sự tự do phổ quát. Khúc ca của những toà tháp cho thấy phong cách đặc trưng của Douglas với những vòng tròn đồng tâm, toả sáng được làm nổi bật về những hình dạng nhân vật táo bạo.

1934: Cái chết (Người bị hành hình) (Death [Lynched Figure]) của Isamu Noguchi

Monel, thép, gỗ, và dây thừng – Bảo tàng Isamu Noguchi

Các tác phẩm điêu khắc thời kì đầu của Isamu Noguchi – phục vụ các mối bận tâm xã hội và cùng chí hướng với cánh tả nghệ thuật – thường bị bỏ qua do sự tôn kính tập trung vào những điêu khắc trừu tượng và thiết kế nội thất của ông. So với những nhà Hiện thực Xã hội khác, Noguchi sử dụng vốn từ vựng hình ảnh theo chủ nghĩa hiện đại nhiều hơn, thay vì chỉ riêng biệt hoá hình tượng và đặc điểm khuôn mặt của nó.

Được Noguchi coi là một tác phẩm lớn trong thời kì đầu, Cái chết (Nhân vật bị hành hình) là minh chứng cho quan điểm chủng tộc tiến bộ và cam kết xã hội mạnh mẽ của người nghệ sĩ, đặt tác phẩm vào trong những mối quan tâm của chủ nghĩa Hiện thực Xã hội. Noguchi đã mô phỏng hình dạng con người méo mó quằn quại bị treo bằng một sợi dây thừng của George Hughes trong một bức ảnh chụp, một người Mĩ gốc Phi, bị hành hình trên một đống lửa, thân thể quắn lại trong đau đớn; Hughes bị treo cổ ở Texas năm 1930.

Bức ảnh chụp xác của Hughes sau khi bị hành hình ngày 09/05/1930 ở Sherman, Texas. Georges Hughes bị buộc tội hiếp dâm đã bị một đám đông da trắng treo lên và đốt chết, đám này sau đó tiếp tục phóng hoả và cướp bóc các cơ sở kinh doanh do người da đen làm chủ ở địa phương. Nhiều người bị bắt giữ nhưng không ai bị truy tố tội hành hình mà chỉ bị buộc tội đốt phá và kích động bạo loạn.

Bức ảnh kinh hoàng của Hughes đã được đăng trên tạp chí Cộng sản, Labor Defender (Người bảo vệ Lao động), nơi Noguchi đã nhìn thấy nó. Về hình thức, tác phẩm điêu khắc này khác thường vì Noguchi treo tượng cao khỏi mặt đất trên một dạng cấu trúc cột kim loại. Noguchi tạo ra tác phẩm Cái chết cho một cuộc triển lãm năm 1935 cho NAACP tổ chức nhằm phản đối sự gia tăng hành hình trên toàn quốc và cũng để gây áp lực bảo tổng thống Franklin D. Roosevelt ban hành luật cấm bạo lực luật rừng như vậy; FDR đã không làm vậy. Cùng lúc ấy, các tổ chức văn hoá và nghệ thuật cộng sản được gọi là CLB John Reed đã tổ chức cuộc triển lãm chống hành hình của riêng mình. Trong khi tác phẩm điêu khắc của Noguchi được đón nhận nồng nhiệt, một số nhà phê bình lại phản ứng gay gắt với nó, bộc lộ sự phân biệt chủng tộc của chính họ khi cho rằng nghệ sĩ không phải là người bản xứ và, trong một số trường hợp, thậm chí coi tác phẩm điêu khắc khiêu khích này là “một sai lầm nhỏ Nhật Bản”.

1934: Ngày Lao động; Đấu tranh cho hậu quả thường ngày của các hành động của nhà máy Anh quốc đối với các quốc gia khác (The Working Day; Struggle for a Normal Day Repercussion of the English Factory Acts on Other Countries) của Hugo Gellert

Bằng cách tái hiện Marx trên các tạp chí phát hành đại chúng, Hugo Gellbert, sinh ra ở Hungary, đã tìm cách thu hút được lượng độc giả lớn hơn trong tầng lớp lao động và có lẽ làm dấy lên lo lắng trong xã hội thượng lưu. Các nhà Hiện thực Xã hội thường lãng mạn hoá và lí tưởng hoá hình tượng người lao động nam; Gellert là một ví dụ điển hình cho xu hướng này. 

Ở đây, Gellert vẽ một người công nhân da trắng và một người công nhân Mĩ gốc Phi đứng quay lưng lại với nhau. Được xuất bản lần đầu trong New Masses, hai người đàn ông hoành tráng này được đặt trên dòng chú thích: “Lao động da trắng không thể tự giải phóng mình một khi lao động da đen còn bị dán nhãn.” Những người đàn ông đứng vững chãi, gắn kết với nhau thành một thể thống nhất và mang trên mình bộ quần áo yếm công nhân để lộ những cánh tay cơ bắp. Cơ thể căng cứng của họ, vị thế bị ép vào nhau, cùng những món công cụ có hình dạng khá giống dương vật, một cái cuốc và một cái cờ-lê, tạo nên một chất đồng tính cho hình ảnh. Hình ảnh những người đàn ông lao động có thể chất khỏe mạnh đã phổ biến khắp các tác phẩm theo chủ nghĩa Hiện thực Xã hội nhằm thể hiện lao động là bất khả chiến bại trước tư bản.

1934: Cuộc biểu tình (Demonstration) của Antonio Berni

Màu keo trứng (tempera) trên vải bố – Bộ sưu tập tư nhân

Sinh ra và sinh sống ở Argentina, Antonio Berni được biết đến với bức tranh tượng hình gắn kết xã hội, bắt nguồn từ quan điểm theo chủ nghĩa Marx của ông trong việc diễn giải xã hội. Trong những năm 1930, Argentina rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị nghiêm trọng. David Alfaro Siqueiros xuất bản “Lời kêu gọi tới các nghệ sĩ Argentina”, thứ đã ảnh hưởng sâu sắc đến Berni, người đã tiếp tục hỗ trợ vị hoạ sĩ tranh tường người Mexico trong bức Bài tập tạo hình (Plastic Exercise) (1933) cho một nhà bảo trợ tư bên ngoài thành phố Buenos Aires. 

Bài tập tạo hình (Ejercicio Plástico) của Siqueiros

Trong những năm từ 1934 đến 1937, Berni đã vẽ khoảng 40 bức tranh giá vẽ của các mảng tranh tường bao gồm Cuộc biểu tình, mô tả một đám đông cả nam lẫn nữ thất nghiệp. Lấy bối cảnh ở các tỉnh, đám đông diễu hành về phía chúng ta trên một con phố chính; một công nhân mang một tấm biển nêu rõ nhu cầu kép của họ với bánh mì và công việc. Berni đã tạo ra nhiều khuôn mặt của những người thất nghiệp ép sát vào mặt phẳng hình ảnh để đối đầu trực tiếp với người xem. Nhiều khuôn mặt được vẽ theo phong cách điêu khắc, sử dụng ánh sáng và bóng tối một cách kịch tính, và rất giàu chi tiết. Người nghệ sĩ tránh vẽ những người bị tước đoạt này như một loại anh hùng giả tạo hay duy cảm mà thay vào đó thể hiện tình đoàn kết của những người cùng khổ.

1935: Nghệ sĩ ở WPA (Artist on the WPA) của Moses Soyer

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Mĩ Smithsonian, Washington D.C, Mĩ

Ba anh em nhà Soyer là Isaac, Moses, và Raphael, đều là những nghệ sĩ theo chủ nghĩa Hiện thực Xã hội quan trọng. Ở đây, Moses Soyer nêu bật tình đoàn kết và mối quan hệ cộng đồng của các nghệ sĩ trong các dự án New Deal (TD: Thoả thuận mới) bằng cách vẽ họ trong một xưởng chung. Từng nghệ sĩ đang vẽ hoặc làm người mẫu cho một nghệ sĩ khác theo một phong thái tập thể. Những nỗ lực của các nghệ sĩ mang tính hợp tác khi họ cùng nhau làm việc với các bức tranh tường của mình, được thực hiện để phục vụ công chúng hơn là lợi ích cá nhân. Vào đầu thế kỉ 20, thành phố New York đồng thời là trung tâm đào tạo nghệ thuật ở Hoa Kì và là nền tảng cho chính trị cánh tả với sự tham gia của con cái những người nhập cư Do Thái. Moses Soyer, sinh ra ở Nga, là cả ba: Do Thái, một nghệ sĩ và thuộc phe Tả.

Soyer đã sáng tác bức tranh Các nghệ sĩ của WPA nổi tiếng của mình như thể đó là một sân khấu với bức màn vừa được vén lên để lộ quá trình hành động, mời chúng ta vào xưởng của những người nghệ sĩ này. Sàn của xưởng nghiêng lên trên, cho phép nhìn rõ hơn không gian và những người hoạ sĩ đang làm việc. Được sắp xếp theo hình bán nguyệt, bốn họa sĩ cả nam và nữ, làm việc trên những bức tranh khổ lớn mà rất có thể là một phần của những bức tranh tường. Mỗi nghệ sĩ vẽ theo phong cách Cảnh quan nước Mỹ (American Scene) được chính phủ ưa thích, với những hình tượng tả thực cần thiết và những mô tả thú vị về năng suất và sự hài hòa, chặn lại thực tế đương thời về tình trạng bất ổn và cơ cực.

Soyer tạo ra một sự lẩn tránh tinh vi bằng cách thể hiện các nghệ sĩ như những người lao động, tập hợp lại với nhau và đa dạng về thành phần. Trái ngược với các miêu tả phổ biến về nghệ sĩ như những anh hùng lãng mạn đơn độc và bên ngoài xã hội, các nghệ sĩ của Soyer dường như có một vai trò xã hội tích cực. Ý thức hoạt động nhóm phản ánh hành động tập thể của các nghệ sĩ thông qua việc biểu tình, phản đối những bất công xã hội và yêu cầu sự công nhận vĩnh viễn của chính phủ.

1937: Món quà từ Madrid (Presents from Madrid) của Paraskeva Clark

Màu nước trên than chì trên giấy dệt – Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, Ottawa, Canada

Paraskeva Clark hai lần là một người nhập cư – sinh ra ở Nga, sau đó chuyển đến Pháp sống trong một thập kỉ, và cuối cùng định cư ở Canada. Bức Những món quà từ Madrid là khám phá nghệ thuật đầu tiên của Clark về một chủ đề chính trị công cộng, cụ thể là Nội chiến Tây Ban Nha. Tại đây, Clark công khai tuyên bố phản đối nhà lãnh đạo Tây Ban Nha, tướng Francisco Franco. Hoạ sĩ khắc hoạ một số đồ vật liên quan đến cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít như chiếc mũ lưỡi trai của Lữ đoàn Mackenzie-Papineau Canada; một cuốn sách lễ thời Trung Cổ của Tây Ban Nha; một chiếc khăn quàng màu đỏ được trang trí bằng ba người đàn ông đại diện cho Mặt trận Hoà bình Tây Ban Nha; và một tập tài liệu của đảng Cộng hoà.

Đây là những kỉ vật được gửi cho bà từ Tây Ban Nha. Clark đã chọn vẽ nên một bức tĩnh vật, một thể loại truyền thống gắn liền với không gian trong nhà và nghệ thuật nữ tính. Thể loại này không phổ biến trong chủ nghĩa Hiện thực Xã hội, vốn chủ yếu mang tính mô phạm, tường thuật, và quan tâm đến hình tượng con người. Thông qua các đồ vật được lựa chọn, thể hiện niềm tin chính trị của người nghệ sĩ, Clark đã chuyển tác phẩm của mình vào lĩnh vực công chúng và chính trị mà theo truyền thống là thuộc về nam giới.

1937: Một bi kịch Mĩ (An American Tragedy) của Philip Evergood

Sơn dầu trên toan – Bộ sưu tập tư nhân

Tác phẩm Một bi kich Mĩ của Philip Evergood đã được ca ngợi là “tác phẩm nguyên mẫu của chủ nghĩa Hiện thực Xã hội” vì cách thực hiện táo bạo và chủ đề xung đột lao động cũng không kém phần táo bạo. Ở đây, những nét nặng nề, màu sắc chói lọi, và phong cách tượng hình của Evergood mang tính thô sơ và biếm hoạ một cách cố tình, một phong cách được gọi là “Quái đản vô sản” (Proletarian Grotesque) lấy cảm hứng từ quan điểm và đường nét biểu cảm chống độc tài của nghệ sĩ Francisco Goya. Cảnh này diễn ra tại nhà máy Thép Cộng hoà ở Nam Chicago, nơi có thành lập công đoàn. Những công nhân được trang bị gậy thể hiện tình đoàn kết hung bạo với lực lượng lao động tổng hợp gồm cả nam lẫn nữa, Mĩ Phi, người da trắng, và người Mĩ La-tinh chống lại sự tấn công của cảnh sát.

Ở trung tâm, một người đàn ông tóc đỏ với người vợ gốc La-tinh đang mang thai của anh ta cùng nhau chống lại cảnh sát đã giết chết 10 công nhân vào ngày hôm đó và làm bị thương 100 người khác. Chính Evergood đã phải chịu đựng sự đánh đập dưới bàn tay của cảnh sát khi tham gia một cuộc đình công ngồi do Công đoàn Nghệ sĩ tổ chức. Evergood khẳng định, “Tôi không nghĩ ai chưa bị cảnh sát đánh đập dã man như tôi, lại có thể vẽ được Một bi kịch Mĩ.

1940-41: Sự nhập cư của người da đen (Một trong những cuộc bạo động chủng tộc lớn nhất ở Đông St. Louis), #52 (The Migration of the Negro [One of the Largest Race Riots occurred in East St. Louis], #52) của Jacob Lawrence

Màu keo trứng ca-sê-in trên các-tông cứng – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York, Mĩ

Được tạo ra khi nghệ sĩ ở độ tuổi đầu 20, loạt tranh sử thi của Jacob Lawrence bao gồm 60 tấm, chia đều giữa Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại của New York và Bộ sưu tập Phillips tại Washington, DC. Đề tài của Lawrence là Cuộc Di cư Vĩ đại của người Mĩ gốc Phi từ sâu miền Nam nông thôn đến miền Bắc đô thị trong những năm 1910. Những hứa hẹn về việc là trong ngành công nghiệp và nhiều tự do hơn đã thúc đẩy những người di cư rời khỏi miền Nam, và họ phải đối mặt với sự phân biệt chủng tộc công khai, dẫn đến các cuộc bạo loạn chủng tộc tàn khốc ở St. Louis, nhà ở dưới tiêu chuẩn, lao động công nghiệp dưới mức con người, và bị loại bỏ các công đoàn lao động do chủng tộc. Lawrence là con của một người di cư và do đó đã vẽ cả từ lịch sử gia đình và lịch sử cộng đồng.

Lawrence chủ yếu rút ra sự đổi mới phong cách từ cộng đồng trực tiếp của mình ở Harlem, New York. Như đã làm trong phần lớn tác phẩm thời đầu của mình, Lawrence làm phẳng mặt phẳng hình ảnh và bất kì cảm giác phối cảnh nào, khiến cách hình tượng nhân vật trông như thể là hai chiều. Các tác phẩm được làm sống động bằng màu sắc rực rỡ và tươi sáng khác thường, không bị điều chế.

Nguyên bản tiếng Anh do Những cộng sự của The Art Story tổng hợp, viết, và hiệu đính, Olivia Ha dịch sang tiếng Việt, Hương Mi Lê minh hoạ, và viết lời đề tựa.

Cùng tác giả

#Tag

Chủ nghĩa Hiện thực xã hội Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…