Cái Trác tuyệt trong Nghệ thuật (Phần 3)

Trong phần cuối cùng của loạt bài cái Trác tuyệt trong nghệ thuật, chúng ta sẽ tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu, theo trình tự thời gian. Những tác phẩm này bao gồm nhiều phương tiện sáng tạo đa dạng – từ hội hoạ cho tới điêu khắc, sắp đặt, video, nghệ thuật công cộng… trải dài từ 1800 với trường phái Lãng mạn cho tới tận ngày hôm nay.

1818 – 19: Chiếc bè của tàu Medusa của Théodore Géricault

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Louvre, Paris

Nhiều người coi tác phẩm Cái bè của tàu Medusa (Le Radeau de la Méduse) đẫm máu, lạnh người này là magnum opus của Géricault, và chính nó đã thay đổi hướng đi của nghệ thuật hiện đại. 

Bức tranh khổng lồ, khoảng 7x5m, mô tả những người sống sót và những hành khách kém may mắn trên chiếc bè cứu sinh tách ra khỏi tàu khu trục nhỏ của hải quân Pháp, đã bị chìm do một thuyền trưởng kém cỏi. Các nhân vật, đã chết hay đang hấp hối trên cuộc hành trình trôi dạt về vùng biển Tây Phi đầy sóng gió, cùng nhau tạo ra một cảnh tượng kinh hoàng. Cuối cùng khi được giải cứu sau mười ba ngày, chỉ có mười lăm người đàn ông còn sống, năm người khác đã chết. Sự việc này đã gây ra một vụ bê bối đương thời xung quanh nỗi khát khao thuộc địa của Pháp.

Các họa sĩ lịch sử chưa bao giờ miêu tả một sự kiện cùng thời đại do đó tác phẩm này đã gây ra cú sốc lớn cho công chúng, cùng với hình ảnh ghê rợn của nó càng khiến họ cảm thấy bị xúc phạm. Géricault đã dành rất nhiều thời gian lột tả nỗi kinh hoàng trong sự việc một cách chân thực nhất, ông đến các nhà xác để nghiên cứu màu da của người chết, thậm chí còn đem các bộ phận cơ thể về nhà để làm mẫu. Các góc của bè và cột buồm ọp ẹp dựng thành cấu trúc hình kim tự tháp, đồng thời ông sử dụng kĩ thuật chiaroscuro vẽ nên bầu trời đáng sợ và nhấn mạnh vào sự xanh xao chết chóc của những cơ thể khô héo, đẩy khung cảnh ghê rợn lên đến đỉnh điểm. Bằng cách cho phép các cạnh của chiếc bè di chuyển ra ngoài phần dưới khung hình, hoạ sĩ đã đưa người xem trải nghiệm tầng tầng lớp lớp những mối hoạ đang diễn ra, không chỉ vậy, ông còn phô bày cảnh nạn nhân đang trông ngóng sự giải cứu trong vô vọng bằng cách hướng đầu và cánh tay của họ về phía đường chân trời, nhờ đó thu hút người xem cuốn sâu hơn vào khung cảnh khủng khiếp ấy.

Ý niệm về kinh dị và cái chết là một mô – típ quan trọng trong việc khám phá cái trác tuyệt.

“Tất cả những thứ được trang bị dưới bất kỳ hình thức nào để gây kích thích những ý nghĩ về nỗi đau và hiểm nguy, nghĩa là bất cứ điều khủng khiếp nào dưới bất kỳ hình thức nào… đều là nguồn gốc của trác tuyệt. Nói cách khác, nó sản sinh ra những cảm xúc mạnh mẽ nhất mà tâm trí có khả năng cảm nhận.”

Edmund Burke đã viết

Niềm hứng thú với sự rùng rợn giống như của Géricault cũng có thể thấy ở các tranh khắc kẽm nổi tiếng của Francisco Goya, Thảm họa chiến tranh (The Disasters of War) sáng tác từ mười năm trước đó. Cho đến tận ngày nay, các nghệ sĩ vẫn tái tạo cái đam mê bệnh hoạn này như Joseph Beuys, Anselm Kiefer, Doris Salcedo, và Damien Hirst khám phá cái trác tuyệt trong phản ứng với các sự kiện đau thương và cái chết.

1831: Nhà thờ Salisbury trên đồng cỏ của John Constable

Sơn dầu trên toan – Tate Britain, London

Trong tác phẩm Nhà thờ Salisbury trên đồng cỏ (Salisbury Cathedral from the Meadows), sự trác tuyệt trở nên rõ ràng trên bầu trời đầy tâm trạng và tính biểu tượng đầy ắp của tác phẩm. Là một nhân vật có ảnh hưởng trong trường phái Lãng mạn, Constable được biết đến với cách xử lý ánh sáng độc đáo và việc sử dụng màu sắc sống động và tự nhiên, nhưng bức tranh đồ sộ này lại đem đến cảm giác ảm đạm và ngữ khí báo điềm xấu khiến người ta nghi ngờ về tương lai của Nhà thờ Anh giáo. 

Ở trung tâm khung cảnh là hình ảnh ngọn chóp của Nhà thờ Salisbury đâm vút qua những đám mây được phân cắt bằng ánh sáng, nhưng những lớp ánh sáng tương phản với nhau gợi lên ý nghĩa tượng trưng cho nhà thờ. Vẽ ra một đường chéo tưởng tượng đi qua tâm, vùng tam giác phía dưới bên trái hiển thị cảnh tượng nông thôn bằng màu nâu và cam êm dịu, với người đàn ông trên cỗ xe ngựa đang băng qua con suối. Một cái cây lớn phía bên trái đổ bóng sâu xuống khung cảnh. Bất chấp sự hiện diện của dải cầu vồng cắt qua hình tam giác phía trên của bố cục, bầu trời vẫn tối tăm và buồn rầu. Những trục ánh sáng tranh chấp với những cơn mưa nhỏ, cũng như sắc đỏ ám vào bầu trời xám làm bật lên hiệu ứng đe doạ. Nhiều người đã gắn sự liên kết giữa những trạng thái tương phản của bức tranh với chính trạng thái tâm lý của Constable sau khi vợ ông qua đời.

Nhà sử học nghệ thuật Anne Lyles, người cho rằng tác phẩm này đại diện cho “cái trác tuyệt siêu việt” (transcendental sublime), giải thích: “Khi bức tranh được trưng bày tại Học viện Hoàng gia vào năm 1831, các nhà phê bình đã thừa nhận mức độ khác biệt của nó so với những tác phẩm trước kia của nghệ sĩ, nhưng vẫn còn loay hoay để chỉ ra sự chênh lệch ấy. Các mô tả của họ dao động qua các từ ngữ ‘cường điệu,’ ‘dàn dựng’ và ‘không tự nhiên.’” Nhưng Charles Robert Leslie, người ghi chép tiểu sử về Constable, đã viết rằng nghệ sĩ tin chắc tác phẩm đã truyền tải “đầy đủ cảm tưởng về các khía cạnh nghệ thuật của mình” và có lẽ sẽ “được coi là bức tranh vĩ đại nhất của ông” vào một ngày nào đó.

1840: Con tàu nô lệ (Các nô lệ ném ra khỏi tàu những người chết và hấp hối, cơn bão đang đến gần) của J.M.W. Turner 

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Mỹ thuật Boston, Mỹ

J.M.W Turner đã khai thác các khái niệm về vô thường, cái chết và bạo lực trong các bức tranh cảnh biển và thiên nhiên của mình, như bức Con tàu nô lệ (Các nô lệ ném ra khỏi tàu những người chết và hấp hối, cơn bão đang đến gần) (The Slave ship (Slaves Throwing Overboard Dead and Dying, Typhoon Coming on)).

Ở tác phẩm năng động và biểu cảm này, Turner dùng bảng những màu đỏ rực lửa và những màu vàng để miêu tả đại dương hiểm nguy rình rập. Phía nửa dưới bức tranh là vùng biển hỗn loạn, trong đó động vật và nô lệ bị nhấn chìm. Những con sóng như ngọn lửa liếm vào bầu trời rực cháy khi con tàu mong manh và yếu ớt lao đi, bỏ lại những sinh vật đã bị ném ra ngoài. Đường chân trời dường như xoay tròn, nhấn mạnh sự sợ hãi và hỗn loạn mà những kẻ chết đuối đang trải qua. Có thể thấy trong bức hoạ tác giả đã vận dụng nhiều ý niệm về cái trác tuyệt: mặt trời – một thế lực thần thánh nhưng lại vô tình – xuất hiện ở trung tâm bức tranh làm khơi dậy giá trị tâm linh, mối đe dọa về việc chết chìm và tử thần hiện ra ngay trước mắt, cuối cùng hình ảnh thiên nhiên được khắc họa như toàn năng và đáng khiếp sợ.

Bức tranh dựa trên bài thơ kể về câu chuyện có thật: thuyền trưởng ném những nô lệ ốm yếu và đang hấp hối khỏi tàu để có thể lấy được tiền bảo hiểm cho các sinh mạng bị mất tích trên biển. Turner bị mê hoặc bởi bạo lực của con người – tự nhiên, và biển là nơi đầy quyền năng để khai phá những cái trác tuyệt đó. Nhà văn Alison Smith cho biết: “Các tác phẩm của Turner được ghi nhận trong việc vừa nâng cao nhận thức cho khán giả vừa truyền được cảm hứng đến họ.” Người xem liên tục cảm thấy xiêu lòng trước những hiệu ứng màu sắc và nét vẽ điêu luyện của Turner. Nhà phê bình John Ruskin đã viết: “Nếu tôi phải chọn một tác phẩm duy nhất để tóm gọn lại toàn bộ sự bất tử của Turner, tôi sẽ chọn bức này.”

1873 – 74: Vực thẳm ở Colorado của Thomas Moran

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Smithsonian, Washington D.C.

Trong tác phẩm Vực thẳm ở Colorado (The Chasm of the Colorado) rực sáng và đầy kịch tính này, phần giữa của bức tranh mở ra một vực thẳm khổng lồ, cả bầu trời và những đám mây như bị hút trọn vào đó. 

Cấu trúc màu đỏ của Grand Canyon bao quanh vực, vươn lên hết cạnh bên trái của toan. Màu đỏ và đen mạnh bạo làm nổi bật lên sức mạnh của khung cảnh, trái lại phía đường chân trời đằng xa phủ bằng màu xanh lam, cam và vàng dịu mở rộng phạm vi của khung cảnh vốn đã rộng lớn. Những đám mây đen đổ xuống mặt đất trong lúc nước đang sủi bong bóng lên từ mặt đất, tạo ra một làn sương mù hơi nước. Tác phẩm này gần như là kinh thánh về nghệ thuật tôn vinh sự uy nghiêm và quyền lực. Việc tô điểm chiếc cầu vồng hoàn thiện bức tranh, khiến ta liên tưởng đến trận lụt lớn vào những ngày cuối cùng được ghi chép trong Kinh Cựu ước.

Từ vị trí quan sát của mình tại cao nguyên Powell – đỉnh núi phía tây bắc Grand Canyon – Moran đã vẽ nên một khoảnh khắc lịch sử tĩnh lặng, bất di bất dịch và không khoan nhượng của Trái đất, đồng thời khắc hoạ sự năng động thông qua cảnh quan thời tiết hoạt động. Sự phân đôi này đem đến cảm giác không kết nối được cho người xem khi nhìn vào trọn vẹn khung cảnh hoàn toàn không bóng người. Moran đã cộng tác với nhà thám hiểm và nhà địa chất học John Wesley Powell, sử dụng các bản phác thảo, ảnh chụp và tự sắp xếp bố cục thay cho quan sát trực tiếp về quang cảnh. Powell nhận xét: “Moran đã tái hiện lại độ sâu, độ lớn, khoảng cách, hình dạng, màu sắc và những đám mây với độ trung thực cao nhất. Tuy nhiên tác phẩm của ông không chỉ nói lên sự thật… Nó phơi bày vẻ đẹp của sự thật!”

1913: Hình vuông đen của Kazimir Malevich


Sơn dầu trên toan – Phòng triển lãm State Tretyakov, Moscow

Tác phẩm Hình vuông đen (Black Square) bao gồm một hình vuông màu đen hơi nghiêng đi một chút đặt trên một nền trắng. Bức tranh nhỏ và dường như đơn giản này đã xoay chuyển thế giới nghệ thuật. 

Vốn dĩ ban đầu được hình thành như thiết kế cho cảnh cuối cùng của vở opera tiền tiến, Hình vuông đen đại diện cho phong cách mà Malevich đặt tên là Chủ nghĩa Siêu việt, một dạng trừu tượng thuần túy hoàn toàn không tượng hình và không màu tả. Bằng cách tạo ra tác phẩm không màu sắc, không hình thức, không biểu tượng và không thông điệp, Malevich khẳng định “đã giải phóng nghệ thuật khỏi gánh nặng của đối tượng.” Ông cho rằng nhận thức của con người nên được giải phóng khỏi logic và lý trí, ngoài ra chân lý tuyệt đối chỉ có thể nắm bắt được thông qua những xúc cảm.

Nhà phê bình nghệ thuật Will Gompertz giải thích rằng Malevich cố tình khiến khán giả bối rối trong quá trình tìm ra ý nghĩa nào đó. “Một khi đã thoát khỏi nhà tù của chủ nghĩa duy lý, tâm trí vô thức sẽ ‘thấy’ được rằng người nghệ sĩ đang phô bày toàn bộ vũ trụ và mọi sự sống tồn tại trong đấy trong bức tranh nhỏ, vuông, và đơn giản của ông.” Trong đoạn văn bản này, Gompertz miêu tả sự trác tuyệt siêu việt; tác phẩm đã đưa người xem vượt ra ngoài giới hạn lý trí và được xác định của sự hiểu. Đi xa hơn nữa, như học giả Philip Shaw giải thích: “Hình vuông đen, lựa chọn sự phẳng thay cho chiều sâu, truyền tải ‘cảm giác không thoả mãn nảy sinh từ sự kém cỏi của  trí tưởng tượng’ – như lời của Kant nói trong cuốn Tính phân tích trong Trác tuyệt (Analytic of the Sublime) (1790)”. Với việc chúng ta không có khả năng tìm thấy ý nghĩa có lý cho Hình vuông đen, Malevich đã thành công trong việc truyền tải cái trác tuyệt thông qua những phương tiện hoàn toàn trừu tượng, một thành tựu sẽ thúc đẩy các nghệ sĩ tiếp theo, bao gồm cả những người Mỹ Ad Reinhart và Mark Rothko, tạo ra các phiên bản riêng của mình.

1950 – 51: Vir Heroicus Sublimis của Barnett Newman

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York

Bức tranh theo trường phái Biểu hiện Trừu tượng to lớn này bao gồm một màu đỏ đậm, bão hòa, mờ. Trên tấm toan rộng gần 5,42 x 2 m, cho năm dải màu chạy dọc, được gọi là các “dây kéo” bởi Newman, làm nổi bật lên trường màu đỏ. Bắt đầu từ bên trái, chúng ta thấy dây kéo màu cam hơi lởm chởm, tiếp theo là dây dày hơn, màu trắng, sáng. Ở bên phải, dây màu hạt dẻ sẫm chia tác phẩm một lần nữa và dây màu cam khác được sơn ở bên phải của nó. Một năm sau, Newman thêm dây cuối cùng; một đường đậm, màu nâu ám vàng ôm lấy cạnh tranh.

Vào thời điểm đó, đây là bức tranh lớn nhất của Newman, nó được cho là sẽ vẽ lại ranh giới giữa nghệ sĩ và người xem vốn được khuyến khích lại sát bức tranh để quan sát. Khi đứng ở khoảng cách thích hợp, màu sắc, đường nét thay đổi và bao trùm người xem, ánh sáng của tấm vải đỏ chiếu ngược lại họ, thay đổi diện mạo của chính họ – tác phẩm làm thay đổi người xem một cách trực quan và hy vọng là theo ý đồ của Newman, một cách siêu hình.

Tên tác phẩm, dịch từ tiếng Latinh có nghĩa là “Con người, anh hùng, và tuyệt luân.” Trong bài luận năm 1948 của mình, “Cái trác tuyệt là lúc này”, Newman lập luận rằng châu Âu đã thất bại trong việc tìm ra cái trác tuyệt trong nghệ thuật hiện đại, nhưng ở Mỹ, được giải phóng khỏi sức nặng của văn hóa châu Âu, các nghệ sĩ có thể nhận ra cái trác tuyệt. Ông viết: “Chúng tôi đang giải phóng bản thân khỏi những trở ngại của ký ức, liên tưởng, hoài niệm, truyền thuyết, huyền thoại…vốn là những sáng tạo của hội họa Tây Âu. Thay vì tạo ra những thánh đường từ Chúa Kitô, con người hay ‘cuộc sống’, chúng tôi đang tạo ra chúng từ chính chúng tôi, từ cảm xúc của chúng tôi.” Trong việc tránh xa hình tượng và phong cảnh, Newman và các đồng nghiệp của ông đã biến sự tồn tại và trải nghiệm của con người thành đối tượng nghệ thuật. Như nhà triết học Paul Crowther đã viết: “Phép loại suy ngụ ý giống như dây kéo chỉ được xác định đúng và có thể hiểu được thông qua sự đối lập của nó với trường màu, vì vậy nhân loại chỉ có thể xác định và thể hiện bản chất hữu hạn của chính mình đối lập với cái vô hạn và cái chưa biết.” Các mối quan hệ Newman tạo ra giữa các đường thẳng đứng và trường ngang màu đỏ, sau đó, đại diện hoặc gợi lên mối quan hệ của chúng ta với thế giới, với thiên nhiên.

1991: Sự bất khả thi về mặt thể chất của cái chết trong tâm trí một người đang sống của Damien Hirst

Thủy tinh, thép, silicone, monofilament, cá mập và dung dịch formaldehyde

Chiếc bể khổng lồ này chứa một con cá mập hổ dài 4,2 m đã chết từ lâu lơ lửng trong dung dịch formaldehyde màu xanh lam, đã gây sốc và bất an cho công chúng khi nó lần đầu tiên được công bố vào năm 1991. Tác phẩm Sự bất khả thi về mặt vật thể chất của cái chết trong tâm trí của một người đang sống (The Physical Impossibility of Death in the Mind of Someone Living) đã khởi phát sự nghiệp của Hirst.

Ông nói ông muốn “làm một tác phẩm điêu khắc mà sự mong manh được bao bọc … [và] tồn tại trong không gian riêng của nó.” Cá mập từ lâu là biểu tượng của cái trác tuyệt; một sinh vật duyên dáng, mạnh mẽ, gắn bó chặt chẽ với bạo lực và cái chết, gợi nhớ đến đại dương và chết chìm trong vực thẳm lớn. Hirst mô tả loài cá mập này là “một sự kích hoạt phổ quát”, có khả năng gieo rắc nỗi sợ hãi cho tất cả mọi người.

Nhà sử học nghệ thuật Luke White gợi ý rằng trong khi tác phẩm của Hirst vọng lại niềm đam mê của Burke với thân thể, khả năng chết, bạo lực, nỗi đau, và sức mạnh, thì chính con người và vốn liếng văn hóa của Hirst khiến ông có dấu hiệu của cái trác tuyệt đương thời và sự vướng mắc của nó với những mối lo về thương mại. White giải thích: “Việc tái tạo lại trác tuyệt kiểu Burke của Hirst đặt ông vào một truyền thống lâu đời về việc khai thác thương mại các hình tượng và chủ đề của cái trác tuyệt.” Nhà phê bình nghệ thuật Jonathan Jones ít chỉ trích chủ nghĩa thương mại của Hirst hơn một chút, vì ông mô tả tác phẩm là “thực sự sâu sắc.” Ông viết: “Nó đã có: sự sống, hay đó là cái chết, không ngừng tiếp cận tôi qua những vùng nước sâu. Nó đang kích thích, đang truyền năng lượng. Đó là tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời.” Nhưng cũng giống như tác phẩm mời gọi thiền định về cuộc hành quân không ngừng nghỉ hay sự sống đi vào cái chết, bản thân tác phẩm là vô thường. Con cá mập bắt đầu tan rã và được thay thế vào năm 2006. Không có gì tồn tại mãi mãi.

1992: Tam liên hoạ Nantes của Bill Viola

Video, 3 góc chiếu, màu sắc và âm thanh (âm thanh lập thể) – Tate, London

Bill Viola sử dụng âm thanh và video thử nghiệm để tạo ra trải nghiệm. Tam liên hoạ Nantes (Nantes Triptych) chỉ đến nghệ thuật tôn giáo trong tên của nó và ở định dạng ba tấm video. 

Ở ngoài cùng bên trái, một người phụ nữ đang sinh con và đoạn phim ghi lại khoảnh khắc đứa trẻ lần đầu tiên được đặt trong vòng tay của người mẹ. Ở giữa, một người đàn ông mặc đầy đủ quần áo đang lơ lửng trong một khoảng không nước đen. Bên phải là cảnh quay cuối cuộc đời của mẹ nghệ sĩ khi bà nằm im, trút hơi thở cuối cùng trên giường tử của mình. Trong những cảnh mạnh mẽ này, những âm thanh như va vào nhau được phát: tiếng khóc, tiếng thở và tiếng nước.

Viola giải thích rằng ông muốn “đi đến tương lai với âm thanh và thiết bị điện tử” để đưa ra những trải nghiệm phổ quát vĩ đại, đồng thời mang tính cá nhân và riêng tư sâu sắc nhưng đồng thời là cái chung cho tất cả. Viola giải thích rằng sự hiện diện của máy quay trong mỗi cảnh riêng tư này là “hiện thân của sự xâm phạm quyền riêng tư” và làm tăng thêm căng thẳng cho tác phẩm. Trong khi cái trác tuyệt công nghệ cố gắng tạo ra ý nghĩa về những trải nghiệm, niềm tin và bí ẩn lâu đời bằng cách sử dụng thứ khoa học cập nhật nhất, Viola muốn khám phá cách nghệ thuật diễn ra trong một chuỗi liên tục và theo cách này, ông khác gì những tiền thân thời Phục hưng của mình. Ông nói: “Các nghệ sĩ thời kỳ Phục hưng cũng đang khám phá điều tương tự. Phục hưng là cuộc gặp gỡ của khoa học và nghệ thuật. Phối cảnh hẳn có vẻ giống như đồ họa CGI máy tính bây giờ.”

Viola, một người thực hành thiền, sử dụng triết học phương Đông để hình thành cuộc điều tra nghệ thuật của mình về mối quan hệ giữa cuộc sống nội tâm của cá nhân và trải nghiệm cơ thể.

“Từ ‘trác tuyệt” có nghĩa là bị choáng ngợp, không chỉ về mặt thể chất, như cách của một cơn bão lớn trên biển, mà choáng ngợp về cảm xúc, tinh thần, trong từng thớ thịt của cơ thể bạn. Không phải hủy diệt hay hỗn loạn, mà là sự mặc khải tuyệt đối và sự thật của khoảnh khắc. Xác nhận tuyệt đối rằng khoảnh khắc này là một khoảnh khắc vĩnh cửu. ”

Viola

2014: Sự giáng xuống của Anish Kapoor

Công viên cầu Brooklyn, New York

Tác phẩm điêu khắc Sự giáng xuống (Descension) đã được triển lãm tại Château de Versailles (Pháp), Galleria Continua (Ý), và Công viên Cầu Brooklyn (New York), chúng ta thấy một khoảng trống hình tròn khổng lồ trên mặt đất chứa đầy nước. 

Trong đó, một dòng nước xoáy liên tục, hút nước xuống sâu. Không rõ vùng nước sâu bao nhiêu, và trong một số hiện thân, bên trong hồ bơi có màu đen, lấy đi bất kỳ gợi ý nào về việc có gì bên trong, đồng thời tạo cảm giác nước lạnh như băng. Nước chuyển động xoắn ốc liên tục, trong chuyển động đó, dòng nước xoáy tự chuyển động nhẹ nhàng theo quỹ đạo riêng của nó khi các bong bóng trắng tạo nên hình dạng riêng của chúng xoay ra ngoài các cạnh của tác phẩm. Khi tác phẩm được triển lãm ở Pháp và Ý, không có dây thừng rào xung quanh nó; người xem có thể dễ dàng bước vào hoặc rơi vào và cảm nhận được sự nguy hiểm, một số khán giả đã thận trọng lùi lại khỏi nó trong khi họ chăm chú nhìn xuống, như thể đang đứng ở một mép vực.

Tác phẩm của nghệ sĩ người Anh sinh ra tại Bombay, Anish Kapoor nhằm mục đích cung cấp một câu chuyện mà không cần kể chuyện. “Tôi dường như đang làm tác phẩm điêu khắc về không gian vượt ra ngoài không gian hư ảo,” ông giải thích. Tạo ra những tác phẩm điêu khắc lớn thống trị người xem, việc sử dụng không gian ngoài trời và cấu trúc kính gương mà phản chiếu bầu trời, các tác phẩm của Kapoor mang thiên nhiên trở lại với chúng ta, thúc giục chúng ta xem xét lại mối quan hệ của mình với thế giới tự nhiên.

Tác phẩm mang tính ý niệm của Kapoor – Sự giáng xuống – nói về thời đại hậu hiện đại, trong đó sự an toàn của chính chúng ta trong tự nhiên là được cho phép. Chúng ta không cần sợ hãi cá mập và đắm tàu ​​nữa, nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta sẽ có bao giờ được thực sự an toàn. Quay trở lại với mô – típ nước, tác phẩm được thiết kế khiến người xem cảm thấy không thoải mái. Việc sử dụng nó như một phương tiện mời gọi sự phản chiếu bản thân, và đen tối hơn, mời gọi bộ não nguyên thủy của chúng ta suy ngẫm về hiểm họa và cái chết; cái đen tối, độ sâu, và vô hạn. Nó khiến chúng ta liên tưởng đến sự vô thường của chính mình. Năm 1990, Kapoor nói về “trạng thái hư vô” như một trải nghiệm nội tại liên quan đến sự sợ hãi. “Không có gì đen như màu đen bên trong,” ông nói.

Dịch: CM Ngô

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa Trác tuyệt trong nghệ thuật

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…