Thomas Hart Benton (Phần 2)

Trong phần thứ hai của loạt bài về Thomas Hart Benton, chúng ta tìm hiểu di sản của người nghệ sĩ đã từng là hoạ sĩ được yêu thích nhất của nước Mĩ và các tác phẩm tiêu biểu của ông. Những bức hoạ này bao gồm Chân dung tự hoạ với Rita (Self-Portrait with Rita), Xây dựng thành phố (City Building) từ tranh tường Nước Mĩ ngày nay (American Today), Bản ba-lát người tình ghen tuông của thung lũng xanh cô đơn (The Ballad of the Jealous Lover of Lone Green Valley), Frankie và Johnny (Frankie and Johnny) từ loạt tranh tường Lịch sử xã hội của Missouri (The Social History of Missouri), Susanna và các trưởng lão (Susanna and the Elders), Người gieo hạt (The Sowers) từ Năm nguy nan: một loạt tranh chiến tranh (The Year of Peril: A Series of War Paintings), và Nguồn gốc nhạc đồng quê (The Sources of Country Music) ông vẽ năm 84 tuổi.

  • Hội hoạ hiện đại Pháp cũng ổn thôi; nó đã sản xuất nhiều thứ đẹp đẽ và thú vị, hoàn toàn xứng đáng được tán dương, nhưng nó cũng đặt ra những thói quen phản hồi cho những nhà lãnh đạo nghệ thuật của chúng ta mà đã làm việc chống lại một tiếp cận tự do đối với những hình thức nghệ thuật khác.” – Thomas Hart Benton
  • Tôi vẽ hàng ngày. Đôi khi, tôi ghét vẽ, nhưng tôi vẫn tiếp tục, trong khi luôn suy nghĩ rằng trước khi rên rỉ thì mình rồi sẽ học được cách vẽ – có thể cũng tốt như một số những nghệ sĩ đi trước.” – Thomas Hart Benton

Tiểu sử của Thomas Hart Benton (tiếp)

Di sản của Thomas Hart Benton

Benton là một trong những nghệ sĩ Mĩ đầu tiên kết hợp các nguyên tắc thẩm mĩ hiện đại với các cấu trúc học thuật lâu đời. Làm việc như một nhà Khu vực chủ nghĩa, ông đã đón nhận miền Trung Tây và những con người nơi đây như những điều phổ biến cho tác phẩm nghệ thuật của mình. Các đơn đặt hàng tranh tường của ông có trước khi chương trình Nghệ thuật New Deal ra đời, và do đó, đã ảnh hưởng đến các họa sĩ tranh tường mới bắt đầu cũng quan tâm đến cảnh vật và con người Mĩ. Benton không bao giờ phải làm việc cho các dự án liên bang nhờ có nhiều đơn đặt hàng tranh tường và minh họa cho ngành công nghiệp, xuất bản và quảng cáo.

Benton làm việc trong xưởng của mình ở thành phố Kansas, vẽ bức tranh tường Lincoln (1955)

Thường thì vai trò của Benton bị giảm xuống còn “chỉ” là giáo viên của Jackson Pollock và sự chuyển giao giữa họ được giải thích là tiến bộ theo thế hệ. Tuy nhiên, trong khi Pollock tuyên bố trong cuộc chiến Ơ-đíp của mình với Benton rằng người nghệ sĩ lớn tuổi chỉ đóng vai trò một lực lượng để ông nổi dậy chống lại, các tác phẩm của chính Pollock lại có sự tương đồng về bố cục với những tác phẩm của Benton. Tính nam và thói nghiện rượu đặc trưng của Benton vang vọng sau đó ở Pollock và một số nghệ sĩ nam khác thuộc trường phái Biểu hiện trừu tượng New York. Chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc đề xuất một nòi giống các nghệ sĩ trực tiếp theo gót Benton. Thay vào đó, chúng ta có thể xem Benton như một người đã công nhận và cổ vũ nghệ thuật hiện thực và đại diện.

Tác phẩm quan trọng của Thomas Hart Benton

1922: Chân dung tự họa cùng Rita (Self-Portrait with Rita)

Sơn dầu trên toan – Phòng trưng bày chân dung quốc gia, Viện Smithsonian, Washington DC, Mĩ

Được vẽ tại đảo Martha’s Vineyard, trong tác phẩm này Benton từ bỏ những thử nghiệm trước đó về trừu tượng lấy cảm hứng lập thể. Đứng với bộ ngực trần bên cạnh người vợ mặc quần áo ít vải, Rita, bức chân dung tự họa của Benton là một trong những chủ đề có nhân vật gây sửng sốt nhất của những năm đầu thập niên 1920. Tại đây, Benton đã cổ điển hóa cơ thể của chính mình, nhấn mạnh vào cơ thể vật lí của đàn ông hiện đại. Hình ảnh Rita cho thấy kiến thức vững chắc của Benton về nghệ thuật Ý thế kỉ 16.

1930: Tòa nhà thành phố (một phần của tranh tường Nước Mĩ ngày nay) (City Building [Part of America Today Mural])

Bột màu, tempea, men dầu trên vải linen – Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mĩ

Được trường Nghiên cứu Xã hội mới đầy tiên tiến và sáng tạo của thành phố New York đặt hàng, những bức tranh tường Nước Mĩ Ngày Nay (America Today) của Benton vui tươi ăn mừng một nước Mĩ trước khi người ta nhận thức được tác động đầy đủ của Đại Suy thoái. Ở đây, một lực lượng lao động đa chủng tộc – bản thân điều này đã là một hình ảnh hiện đại và lí tưởng không tưởng vì lao động ở Mĩ phân biệt chủng tộc nặng nề – đang bận rộn xây dựng thành phố. Sự nhấn mạnh đặt vào những người sản xuất, chứ không phải vào sự tiêu thụ vật chất. Benton miêu tả các tòa nhà chọc trời, dấu ấn của thành phố hiện đại mới, đô thị hóa, và công nghiệp hóa. Sự hiện diện của một con tàu gợi nhớ đến công việc trước đây của Benton cho Hải quân Hoa Kì, và nhắc nhở chúng ta về sự nổi tiếng của New York như một thành phố cảng. Benton dùng hình ảnh khuôn gỗ để tách một khung cảnh khỏi khung cảnh khác, điều này mang lại tính hiện đại và điện ảnh cho tổng thể. (Benton đã từng làm việc trong ngành công nghiệp điện ảnh.) Những chuyển đổi bố cục nhanh của Benton về chiều sâu giữa tiền cảnh và hậu cảnh của hình ảnh gợi nhớ đến hiệu ứng điện ảnh. 

Ngoài các bức tranh tường của Benton, Trường mới cũng đặt họa sĩ Mexico vĩ đại José Clemente Orozco vẽ một bộ tranh bích họa để bổ sung cho sự tôn vinh của Benton về quốc gia bằng cách tập trung vào quốc tế. Đứng trước hình ảnh hoành tráng và rực rỡ sắc màu này, người ta cảm nhận được thành phố đang âm vang và rộn ràng với nguồn năng lượng mới.

1934: Bản ba-lát người tình ghen tuông của thung lũng xanh cô đơn (The Ballad of the Jealous Lover of Lone Green Valley)

Tempera và sơn dầu trên vải – Bảo tàng Nghệ thuật Spencer, đại học Kansas, Kansas, Mĩ

Bức tranh này minh họa một bài hát dân ca Ozark cùng tên, trong đó một người đàn ông đâm chết vợ mình vì nghi ngờ cô ấy ngoại tình, nhưng sau đó phát hiện ra rằng nghi ngờ của mình là không có căn cứ. Tác phẩm này là một ví dụ điển hình cho sự tận tâm của Benton với âm thanh và âm nhạc trong sự nghiệp hội họa của mình. Các yếu tố của chủ nghĩa Đồng bộ – các đặc điểm âm nhạc của màu sắc – rõ ràng như vầng hào quang kết nối người đàn ông và người vợ trong hậu cảnh, cho thấy âm nhạc đang vang lên. Các tác phẩm đầu đời của Pollock vọng lại những hình dạng uốn lượn và cách sử dụng không gian như thấy rõ ở đây trong bức tranh của thầy mình, và thực tế, Pollock, người gần gũi với Benton và gia đình của ông, đã làm người mẫu cho nhân vật người chơi harmonica ở tiền cảnh.

1935: Frankie và Johnny, từ loạt tranh tường Lịch sử xã hội của Missouri (Frankie and Johnny, from The Social History of Missouri Murals)

Tempera trên toan

Dựa trên một bài dân ca phổ biến mà Benton cảm thấy đại diện cho truyền thống và thần thoại Missouri, câu chuyện về Frankie và Johnny có thể thực tế đã liên quan đến một sự cố. Benton đóng băng vở kịch và các diễn viên của nó ngay giữa hành động khi khẩu súng ở trung tâm bắn ra một viên đạn. Bố cục nhịp nhàng của Benton được thể hiện rõ ràng trong dòng chảy nhấp nhô được tạo thành từ sáu nhân vật. Tất cả các nhân vật và hành động đều được đẩy lên cao trào và cường điệu theo phong cách Baroque. Mắt người xem phóng theo sáu nhân vật theo một đường cong điển hình cho bố cục và nhân vật năng động của Benton. Benton từ lâu đã miêu tả các chủng tộc và dân tộc thiểu số trong các tác phẩm của mình, nhưng đôi khi bị buộc tội tạo ra các đặc điểm khuôn mặt mang tính dập khuôn về chủng tộc. Điểm nhấn màu đỏ của chiếc váy ở trung tâm thu hút sự chú ý đến nhân vật quan trọng này, tạo ra hành động hỗn loạn trong bức tranh.

1938: Susanna và các trưởng lão (Susanna and the Elders)

Tempera và sơn dầu trên toan – Bảo tàng Cung điện Hoàng gia Quân đoàn Danh dự California, San Francisco, Mĩ

Dâm dục, vô đạo đức, tục tĩu… biểu hiện thấp kém nhất của sự dơ bẩn thuần tuý” – một nhà phê bình đã viết như vậy để chỉ trích cách diễn giải của Benton về Susanna và các trưởng lão. Tác phẩm này cho thấy những khó khăn trong việc vẽ hình ảnh tôn giáo và các cảnh trong Kinh thánh với từ vựng đương đại. Dựa trên ngụ ngôn tôn giáo từ Sách Daniel, Benton tái hiện lại chuyện kể trong bối cảnh vùng nông thôn Mĩ. Ở đây, Susanna được tả là đang tắm, không hề hay biết rằng có hai người đàn ông lớn tuổi, dâm dãng, đang theo dõi cô. Họ rồi sẽ đòi Susanna phải quan hệ tình dục với họ; ít nhất là họ sẽ tung tin đồn đồi bại về cô. Trong cảnh này, hai người đàn ông đang bàn bạc về kế hoạch ép buộc nàng Do Thái trẻ tuổi. Cách xử lí của Benton về cơ thể của Susanna chân thực và trung thực, thay vì phiên bản lí tưởng và được làm sạch, đã phá vỡ truyền thống dài lâu trong việc cổ điển hóa cơ thể nữ kể từ thời cổ đại, và có thể đã gây sốc và mang tính cực đoan đối với khán giả đương thời.

1942: Người gieo hạt từ Năm nguy nan: Một loạt tranh chiến tranh (The Sowers from The Year of Peril: A Series of War Paintings)

Sơn dầu và tempera trên toan gắn trên ván gỗ – Hiệp hội Lịch sử bang Missouri, Colombia, Missouri, Mĩ

Sau vụ tấn công Trân Châu Cảng của người Nhật, Benton quyết định vẽ những bức tranh tuyên truyền quy mô lớn để đánh thức người Mĩ trước những tội ác của chủ nghĩa phát xít. Chỉ trong vòng sáu tuần, Benton đã hoàn thành tám tác phẩm trong loạt tranh ông gọi là Năm nguy nan (The Year of Peril). Kế hoạch của ông là treo những tác phẩm này tại ga Union, nơi tấp nập du khách và người đi lại ở thành phố Kansas, nhằm thức tỉnh họ. Mục tiêu tối thượng của ông là miêu tả kẻ thù của Mĩ như những kẻ cuồng tín diệt chủng. Lấy cảm hứng từ bức họa nổi tiếng đầy sức sống của Millet, Người gieo hạt (The Sower), cho thấy một nông dân gieo hạt trên đồng ruộng, ở đây, một gã khổng lồ hèn hạ với các nét khuôn mặt kiểu châu Á, cày xới cánh đồng chết chóc trong khi thản nhiên ném sọ lên một vùng đất nhuốm máu.

1975: Nguồn gốc của nhạc đồng quê (The Sources of Country Music)

Acrylic trên toan – Bảo tàng và Đại sảnh danh vọng nhạc đồng quê, Nashville, Tennessee, Mĩ

Năm 1973, khi Benton đã 84 tuổi, ông đã được thuyết phục tạm dừng nghỉ hưu để vẽ một bức tranh tường cho Bảo tàng và Đại sảnh danh vọng nhạc đồng quê tại Nashville, đó rồi là tác phẩm cuối cùng của ông. Trong bức tranh này, Benton tôn vinh các truyền thống Mĩ bao gồm âm nhạc bản địa. Bản thân Benton cũng là một nhạc công nghiệp dư. Trong số các khung cảnh được miêu tả là một buổi khiêu vũ nông thôn, những người phụ nữ hát thánh ca, một phụ nữ da trắng với một cây đàn tam thập lục (dulcimer) hát các bản ba-lát Appalachian, một người đàn ông người Mĩ gốc Phi gẩy băng cầm (banjo). Về mặt phong cách và chủ đề, tác phẩm cuối cùng của Benton trực tiếp kết nối trở lại với các tác phẩm chủ nghĩa Khu vực của ông vào những năm 1930 khi ông được coi là họa sĩ được yêu thích nhất của Mĩ. Tuy nhiên, mặc dù đã có những đổi mới về phong cách một số học trò cũ của ông như Pollock thực hiện và nhiều phong trào nghệ thuật đã theo sau, Benton vẫn không thay đổi và do đó, nằm ngoài thế giới nghệ thuật tiến bộ. Tác phẩm của Benton là một tầm nhìn bảo thủ, dân túy về cuộc sống Mĩ.

Nguyên bản tiếng Anh do Những cộng sự của The Art Story tổng hợp, viết, và hiệu đính, Nhung Ý Chi dịch sang tiếng Việt, Hương Mi Lê minh hoạ, và viết lời đề tựa.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa Thomas Hart Benton

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
Khi nói về trường phái New York và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20, chúng ta không thể không nhắc tới chương trình giáo dục thiết kế…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…