Tân tạo hình (Phần 1)

Tên tuổi và sức ảnh hưởng của De Stịl và Piet Mondrian là không thể bàn cãi. Cho tới nay, chúng ta vẫn ở dễ dàng quan sát thấy hay thậm chí sống trong những thiết kế và tác phẩm nghệ thuật chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc vang vọng lại nhóm De Stijl nói chung và người nghệ sĩ quan trọng nhất của nó là Mondrian nói riêng. Để tìm hiểu sâu hơn nữa về tác động ấy, chúng ta tiếp tục hành trình tìm hiểu De Stijl, tới phát kiến riêng của Mondrian mà đã đồng nghĩa với De Stijl thời kỳ đầu là chủ nghĩa Tân tạo hình qua loạt bài 4 phần.

  • Chủ nghĩa Tân tạo hình tạo ra sự hài hoà qua hai thái cực: cái phổ quát và cái cá thể. Phổ quát đạt được từ mặc khải, và cái cá thể từ suy luận. Nghệ thuật trao biểu hiện trực quan cho sự tiến hoá của đời sống: sự tiến hoá của tinh thần và – theo chiều ngược lại – của vật chất.” – Piet Mondrian
  • Hội hoạ ngày nay mang tính kiến trúc bởi, trong chính nó và mục đích của nó, hội hoạ phục vụ cùng một ý niệm với kiến trúc – không gian và mặt phẳng – và do vậy biểu hiện ‘cùng một thứ’ nhưng theo cách khác.” – Bart van der Leck
  • Là hoạ sĩ tức là trắng, đỏ, vàng, hay đen. Ngày nay, chỉ nghĩ về màu sắc là không đủ với hoạ sĩ, anh ta phải là màu sắc, phải ‘ăn’ màu sắc và biến đổi chính mình vào tranh. Đó là một điều căn bản.” – Theo van Doesburg

Tóm lược về chủ nghĩa Tân tạo hình (Neo-Platicism)

Chủ nghĩa Tân tạo hình được thể hiện một cách hoàn chỉnh nhất bởi nghệ sĩ người Hà Lan Piet Mondrian, dựa trên những yếu tố cơ bản nhất của hội hoạ – màu sắc, nét, và hình khối – để truyền đạt những chân lý phổ quát và tuyệt đối. Mondrian ủng hộ việc sử dụng hình học và màu sắc một cách hà khắc để tạo ra các bố cục bất đối xứng nhưng cân bằng, truyền tải sự hài hoà ẩn sâu trong hiện thực. Cũng như nhiều phong cách tiên phong đầu thế kỷ 20, một tầm nhìn không tưởng về xã hội làm nền tảng cho lý thuyết của chủ nghĩa Tân tạo hình. Tôn trọng các hình thức nguyên tố của bố cục và sự hợp hội giữa hội họa và kiến ​​trúc, chủ nghĩa Tân tạo hình nỗ lực biến đổi xã hội bằng cách thay đổi cách mọi người nhìn và trải nghiệm môi trường của họ.

Piet Mondrian (1872 – 1944)

Ý tưởng và thành tựu chính

  • Thay vì tái hiện các hình thức tự nhiên, chủ nghĩa Tân tạo hình dựa vào các mối quan hệ giữa nét và màu sắc để mô phỏng các lực lượng đối lập cấu trúc nên tự nhiên và thực tế. Các bố cục Tân tạo hình kết hợp các đường ngang và dọc cùng với các màu cơ bản là đỏ, vàng và xanh lam đối lập với những yếu tố không phải màu là đen, trắng, và xám để tạo ra sự cân bằng vượt thời gian.
Bức tranh Bố cục với mặt phẳng lớn màu đỏ, vàng, đen, xám và xanh lam (Composition with Large Red Plane, Yellow, Black, Gray, and Blue) (1921) của Piet Mondrian
  • Chủ nghĩa Tân tạo hình đã xóa bỏ sự phân tách hình – nền bằng cách sử dụng cấu trúc lưới bất đối xứng chống lại việc sắp xếp các yếu tố hình ảnh thành một hệ thống phân cấp. Bố cục tổng thể này đã tạo ra một sự thống nhất mà Mondrian cảm thấy nhấn mạnh sự bất hòa của môi trường xung quanh.
  • Mondrian và các nghệ sĩ Tân tạo hình khác nghĩ rằng sự kết hợp giữa hội họa, kiến trúc, và thiết kế sẽ thúc đẩy sự ra đời của một xã hội có trật tự và hài hòa. Họ dự đoán rằng tầm nhìn không tưởng này, đến từ “trạng thái cân bằng động” được tìm thấy trong các bức tranh Tân tạo hình, sẽ lan tỏa đến nội thất của xưởng nghệ sĩ, nhà ở, con đường, thành phố, và cuối cùng là ra toàn thế giới.

Những khởi đầu của chủ nghĩa Tân tạo hình

Chủ nghĩa Tân Ấn tượng và Thông thiên học của Mondrian

Từ năm 1909 – 1910, Mondrian vẽ theo phong cách Tân Ấn tượng và nghiên cứu kỹ lưỡng phương pháp luận khoa học và lý thuyết màu sắc của Georges Seurat mà nhấn mạnh việc sử dụng các màu cơ bản tương phản. Trong thời gian này, ông cũng tham gia Hội Thông thiên học Hà Lan và là thành viên đến cuối đời. Các bài viết của Madame Blavatsky, Rudolf Steiner (hai nhà thông thiên học) cũng như tác phẩm Các nguyên tắc của Toán học tạo hình (Beginselen der Beeldende Wiskunde) của M.H.J.Schoenmaekers đều có sức ảnh hưởng và vang vọng lý thuyết mỹ học mà Mondrian đang phát triển lúc bấy giờ. 

Hình ảnh chân dung hiếm hoi của Mathieu Hubertus Josephus Schoenmaekers

Ảnh hưởng rõ rệt nhất của Schoenmaeker đối với Mondrian là quan điểm rằng “Hai thái cực cơ bản và tuyệt đối định hình hành tinh của chúng ta: một mặt là đường của lực nằm ngang, cụ thể là quỹ đạo của Trái đất quay quanh Mặt trời, và mặt khác là chuyển động thẳng đứng và cơ bản trong không gian của các tia phát ra từ trung tâm Mặt trời… Ba màu cơ bản là vàng, xanh lam và đỏ.” Việc sử dụng các đường ngang, dọc và màu cơ bản đã trở thành những nguyên tắc nền tảng của chủ nghĩa Tân tạo hình. Mondrian thậm chí còn mượn một trong những cụm từ của Schoenmaeker, “Hình ảnh mới (de nieuwe beelding)”, có nghĩa đen là “sáng tạo hình ảnh mới” hay “nghệ thuật mới”, làm tên cho phong cách nghệ thuật mới của mình.  

Hội Thông Thiên Học, được thành lập vào năm 1875 bởi Madame Blavatsky, lấy phương châm của mình là, “Không có Tôn giáo nào lớn lao hơn Sự thật.” Blavatsky cảm thấy rằng sự thật phổ quát là sự hài hòa đạt được bằng cách cân bằng các mối quan hệ giữa hai mặt đối lập. Qua phát ngôn “Tôi nhận ra rằng trạng thái cân bằng của bất kỳ khía cạnh cụ thể nào của tự nhiên đều dựa trên sự tương đương của các mặt đối lập của nó“, Mondrian coi các yếu tố tượng hình, như các đường ngang và dọc, là các mặt đối lập. Bằng cách tạo ra các mối quan hệ giữa chúng, ông có thể phản ánh, không phải là một cái nhìn đại diện về hình thức tự nhiên, mà là bản chất của thực tại.

Năm 1911, Mondrian chuyển đến Paris, được thúc đẩy bởi sự quan tâm chủ nghĩa Lập thể, sau khi xem một cuộc triển lãm ở Amsterdam trưng bày các bức tranh của Georges Braque và Pablo Picasso. Trong khi ở Paris, xây dựng dựa trên sự phân mảnh của hình thức theo trường phái Lập thể và hệ thống lưới ẩn sâu bên dưới, Mondrian bắt đầu phát triển cái mà ông gọi là “chủ nghĩa Lập thể Trừu tượng”, thể hiện trong bức tranh Bố cục màu xanh lam, xám và hồng (Composition in Blue, Grey, and Pink) (1913) của mình. 

Bức tranh Bố cục màu xanh lam, xám và hồng (Composition in Blue, Grey, and Pink) (1913) của Piet Mondrian

Năm 1914, Mondrian trở về quê nhà ở Hà Lan, nhưng Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ khiến ông không thể quay lại Paris. Ở Hà Lan, ông bắt đầu sử dụng ít màu hơn và phạm vi hình học hẹp hơn. Ông cũng làm bạn với họa sĩ Bart van der Leck, một sự giao thiệp có ảnh hưởng đối với cả hai người hoạ sĩ, vì Mondrian bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng các vùng màu cơ bản của van der Leck và van der Leck cũng bị ảnh hưởng bởi sự trừu tượng của Mondrian. 

Cơn bão (De Storm) của Bart van der Leck

Tân tạo hình và De Stijl

Những cuộc trò chuyện và giao lưu với các đồng nghiệp người Hà Lan đã giúp Mondrian hình thành lý thuyết thẩm mỹ mới của mình, chủ nghĩa Tân tạo hình, vào năm 1917. Trong những năm trước đó, Mondrian đã cố gắng tạo ra một nghệ thuật tránh sự diễn tả/sự đại diện tự nhiên và phản ánh cái mà ông gọi là “hiện thực tuyệt đối”. Chủ nghĩa Tân tạo hình tập hợp những mối bận tâm về nghệ thuật trước đây của ông, bao gồm chủ nghĩa Tân Ấn tượng và chủ nghĩa Lập thể, và niềm tin tâm linh của ông với tư cách là một nhà thông thiên học.

Cùng năm đó, họa sĩ và nhà phê bình người Hà Lan Theo van Doesburg, cùng với Mondrian, Bart van der Leck và Vilmos Huszár thành lập tạp chí De Stijl, tiếng Hà Lan có nghĩa là “Phong cách”, một cụm từ được dùng làm tên gọi cho nhóm nghệ sĩ. De Stijl phần lớn đồng nghĩa với Chủ nghĩa Tân tạo hình cho đến khoảng năm 1926.

Katy Perry và các vũ công mặc De Stijl giữa không gian De Stijl trong MV This is how we do (2014). Ảnh hưởng của De Stijl có thể gần và rõ hơn bạn nghĩ.

Van Doesburg bắt gặp tác phẩm của Mondrian lần đầu tiên khi đang làm việc với tư cách là một nhà phê bình nghệ thuật đánh giá một cuộc triển lãm năm 1915. Cảm thấy rằng bức tranh trừu tượng của Mondrian thể hiện lý tưởng nghệ thuật mà ông cũng đang nỗ lực hướng tới, ông đã liên hệ với Mondrian. Một mối quan hệ ảnh hưởng lẫn nhau đã được phát triển. Với tính cách hướng ngoại và tràn đầy năng lượng của mình, van Doesburg trở thành người lãnh đạo và thúc đẩy nhóm, trong khi Mondrian, trầm tĩnh và hướng nội, là nhà lý luận, cam kết sâu sắc với thực hành nghệ thuật trừu tượng hình học. Số đầu tiên của De Stijl xuất hiện vào tháng 10 năm 1917, và mười hai số đầu tiên bao gồm chuỗi các bài luận chủ nghĩa Tân tạo hình trong nghệ thuật Tượng hình của Mondrian.

Bìa số đầu tiên của De Stijl, được thiết kế bởi Vilmos Huszár với sự tiến bộ hiển hiện trong ký tự pháp, đặc biệt là phần tiêu đề được cấu thành từ những hình chữ nhật sắp xếp trong một nhịp độ uyển chuyển (tháng 10 năm 1917)

Các thành viên ban đầu khác của nhóm De Stijl đã áp dụng các nguyên tắc của chủ nghĩa Tân tạo hình là các nghệ sĩ Anthony Kok và Georges Vantongerloo và các kiến trúc sư J.J.P. Oud và Gerrit Rietveld. 

Năm 1926, Theo van Doesburg đoạn tuyệt với những người tuân thủ nghiêm khắc chủ nghĩa Tân tạo hình của Mondrian và phát triển lý thuyết thẩm mỹ của riêng mình, chủ nghĩa Nguyên tố (Elementarism), để định hình các mục tiêu nghệ thuật mới của ông, tăng cường sử dụng các đường chéo thay vì các đường ngang và dọc. Nhiều nghệ sĩ thuộc nhóm De Stijl đã làm theo sự dẫn dắt của van Doesburg, áp dụng các đường chéo vào tác phẩm của họ. Với cái chết của van Doesburg vào năm 1931, cả chủ nghĩa Nguyên tố và nhóm De Stijl đều đi đến hồi kết. Tách khỏi De Stijl vào năm 1925, chủ nghĩa Tân tạo hình tiếp tục như một phong trào, độc lập với De Stijl, vì Mondrian, đầu tiên ở Paris và sau đó ở New York, đã đưa các nghệ sĩ mới đến với phong cách này.

Nguyên bản tiếng Anh tổng hợp và viết bởi Rebecca Seiferle; biên tập và hiệu đính, với tóm tắt và bổ sung bởi Valerie Hellstein. Dịch sang tiếng Việt và minh hoạ bởi Tố Uyên; đề tựa tiếng Việt bởi Hương Mi Lê.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa Tân tạo hình

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…