Salvador Dalí (Phần 3)

Trong phần thứ ba về Salvador Dalí, chúng ta bắt đầu tìm hiểu các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của ông xếp theo trình tự thời gian, tập trung vào các tác phẩm hội hoạ và tác phẩm Siêu thực đầu tay là một bộ phim làm cùng với Luis Buñuel.

  • Trò chơi tối thượng của tôi là tưởng tượng mình đã chết, bị nuốt chửng bởi những con sâu. Tôi nhắm mắt lại, với những chi tiết tuyệt vời có độ chính xác tuyệt đối và khoa học, tôi nhìn thấy mình đang bị một đống giòi lớn màu xanh lục đến từ địa ngục ăn và tiêu hoá chậm rãi đến phình trướng trên máu thịt của tôi.
  • Sự khác biệt giữa những ký ức giả và thật cũng giống như với trang sức: đồ giả luôn trông thật nhất và rực rỡ nhất.
  • Tôi sẽ thức dậy vào bình minh, và, không rửa ráy hay thay quần áo gì cả, liền ngồi xuống ngay trước giá vẽ mà đứng ngay kế bên giường. Như vậy hình ảnh đầu tiên mà tôi thấy khi thức dậy là bức tranh mà tôi đã bắt đầu, và nó cũng là hình ảnh cuối cùng tôi thấy mỗi đêm trước khi đi ngủ… Tôi dành cả ngày ngồi trước giá vẽ, đôi mắt nhìn chằm chằm vào một điểm, cố gắng ‘thấy’, như một bà đồng (thực sự là rất giống như thế), những hình ảnh mà sẽ nảy sinh trong trí tưởng tượng của tôi. Thường tôi nhìn thấy những hình ảnh này nằm chính xác ở vị trí của chúng trên bức tranh. Rồi, vào thời điểm mà chúng ra lệnh cho tôi, tôi sẽ vẽ, vẽ với một thứ vị cay nồng trong miệng mà một con chó săn đang thở dốc hẳn có vào thời điểm chúng nghiến chặt răng lại để lao vào cuộc chiến và bị bắn chết ngay lúc đó với một cú bắn chuẩn xác. Đôi khi, tôi sẽ đợi hàng giờ đồng hồ để bất cứ hình ảnh nào hiện ra. Rồi, không vẽ mà tôi sẽ giữ nguyên trạng thái hồi hộp, giơ một tay lên nơi từ đó chiếc cọ vẽ treo bất động, sẵn sàng lao lại vào phong cảnh trong mơ trên tấm toan vẽ của tôi vào khoảnh khắc vụ nổ tiếp theo của trí óc tôi quật ngã một nạn nhân mới của trí tưởng tượng.

Các tác phẩm tiêu biểu

1927: Một chú chó Andalusia

Phim 35mm – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York

Ở tuổi 24, Dalí đã được giáo dục về nghệ thuật, lấy cảm hứng từ Picasso để thực hành diễn dịch chủ nghĩa Lập thể theo cách riêng và bắt đầu tận dụng các khái niệm Siêu thực vào tranh vẽ của mình. Đó là thời điểm ông hợp tác cùng đạo diễn phim Luis Buñuel để tạo ra một tác phẩm thật sự mới lạ – một bộ phim chuyển hướng hoàn toàn từ lối kể chuyện truyền thống với những cảnh quay theo logic ước mơ và không theo mạch, thiếu cốt truyện và nói đến “hội ý tự do” của Freud.

Bộ phim Một chú chó Andalusia (Un Chien Andalou) tái tạo lại một khung cảnh phi thường, trong đó hình ảnh được thể hiện dưới dạng các đoạn phim nhằm xáo trộn thực tại và chạm vào tiềm thức, nhằm khiến người xem sực tỉnh. Chẳng hạn, trong đoạn này chúng ta thấy một con mắt bò đang trừng lớn, nằm trong hốc mắt của một phụ nữ, thể hiện cảm giác khó chịu. Trong cảnh sau đó, một lưỡi dao lam chém vào con mắt đấy ở góc cận cảnh.

Bộ phim trở thành một hiện tượng và là tấm vé gia nhập nhóm nghệ sĩ sáng tạo nhất ở Paris lúc bấy giờ, hội Siêu thực. Trên thực tế, nó được biết đến là bộ phim đầu tiên của chủ nghĩa Siêu thực nhưng vẫn là bộ phim quan trọng hàng đầu trong kinh điển phim thể nghiệm cho đến nay.

1929: Kẻ thủ dâm vĩ đại 

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Trung tâm Nghệ thuật Quốc gia Reina Sofía, Madrid, Tây Ban Nha

Ở trung tâm bức tranh Kẻ thủ dâm vĩ đại (Great Masturbator) là một khuôn mặt người méo mó cỡ lớn, hướng ánh nhìn xuống một cảnh bờ biển quen thuộc nhấp nhô những đá, gợi nhớ đến quê hương của Dalí ở Catalonia. Một nhân vật nữ khỏa thân đại diện cho nàng thơ mới lúc bấy giờ của Dalí, nàng Gala, mọc lên từ cái đầu, tượng trưng một loại tưởng tượng của đàn ông khi thực hiện hành động được đề cập ở tiêu đề. Miệng của người phụ nữ ấy gần đáy quần của người đàn ông cho thấy hành động sắp diễn ra. Trong khi đó, người đàn ông có vẻ bị “cắt” ngang từ phần đầu gối, nơi máu anh ta chảy ra, ấy là dấu hiệu của việc tình dục bị đè nén. Những mô típ khác trong bức tranh gồm châu chấu – một dấu hiệu lo âu tình dục nhất quán trong tác phẩm của Dalí, kiến – đại diện cho việc trốn tránh sự mục rữa và chết chóc, và trứng – khả năng sinh sản.

Bức tranh này có lẽ thể hiện thái độ mâu thuẫn nghiêm trọng của Dalí đối với quan hệ tình dục và nỗi sợ hãi kéo dài của ông với bộ phận sinh dục của nữ giới ở giai đoạn chuyển giao giữa gặp gỡ và phải lòng Gala. Khi ông là một cậu bé, cha ông cho ông xem một quyển sách đầy những hình ảnh không che về những tác hại kinh khủng của bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục, kéo dài những liên hệ sang chấn về tình dục với cái chết và mục rữa trong đầu ông. Người ta nói rằng khi gặp Gala, ông vẫn là trai tân, và sau đó ông khuyến khích vợ mình ngoại tình để thỏa mãn khao khát tình dục của bà. Về sau này, khi các bức tranh của ông hướng về các chủ đề tôn giáo và triết học, Dalí mời chào sự khiết tịnh như một cánh cửa đến với tâm linh. Tác phẩm này được so sánh với bức Khu vườn của Những thú vui trần thế (The Garden of Earthly Delights) của Bosch.

1931: Sự trường tồn của ký ức 

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York

Bức tranh mang tính biểu tượng và được tái sản xuất rất nhiều Sự trường tồn của ký ức (The Persistence of Memory) này mô tả dòng chảy bất định của thời gian qua những chiếc đồng hồ tan chảy. Hình dạng của chúng được Dalí mô tả là lấy cảm hứng từ góc nhìn siêu thực về phô mai Camembert tan chảy dưới ánh mặt trời. Sự khác biệt giữa vật thể cứng và mềm làm nổi bật khát khao muốn lật ngược thực tế của Dalí, khiến các đối tượng của ông có đặc điểm đối lập với các thuộc tính vốn có của chúng, một phi thực tế thường thấy trong khung cảnh giấc mơ của chúng ta. Chúng bị bao quanh bởi một đàn kiến đói khát những quá trình mục rữa và phân rã tự nhiên mà chính Dalí cũng có niềm đam mê vững chắc. Bởi vì máu thịt tan chảy ở trung tâm bức tranh đại diện cho Dalí, chúng ta có thể thấy bức tranh này phản chiếu sự bất tử của người nghệ sĩ này giữa dãy núi đá nơi quê nhà Catalonia của ông. 

1933: Sự hồi tưởng khảo cổ về bức ‘Hồi chuông cầu kinh Đức Bà’ của Millet 

Sơn dầu trên ván gỗ – Bảo tàng Dalí, St. Petersburg, Florida

Dalí thường nhắc tới ký ức về việc để những giờ học gian khổ trôi qua nhanh hơn, ông thường tập trung vẽ lại bức tranh nổi tiếng năm 1859 của Jean-François Millet, bức Hồi chuông cầu kinh Đức Bà (The Angelus). Trong tác phẩm kinh điển đó, hai người nông dân được miêu tả đang cầu nguyện sau khi nghe hồi chuông cầu kinh vang vọng xa xăm vào cuối ngày làm việc. Còn trong tác phẩm tôn kính của Dalí, hai hình tượng đá uốn lượn (một liên hệ khác với phong cảnh Catalonia) đứng giữa cảnh hoàng hôn; tượng bên trái là người nữ còn bên phải là người nam. Hình dạng của người nữ gợi đến hình tượng con bọ ngựa, một loài vật mà con cái ăn thịt con đực sau khi giao hợp.

Bọ ngựa là một chủ đề nổi bật trong các tác phẩm của chủ nghĩa Siêu thực, biểu thị những cảm giác thu hút và tuyệt vọng mâu thuẫn trong vương quốc ham muốn. Như Bảo tàng Dalí mô tả, “Trong phân tích ý nghĩa ẩn của bức tranh, Dalí cảm thấy người nữ không những là người nắm quyền trong mối quan hệ, mà còn thể hiện mối đe dọa tình dục đối với người nam…” Vì thế, ta có thể suy ra rằng Dalí đã xem bức tranh Hồi chuông cầu Kinh Đức Bà tượng trưng cho sự đàn áp nam giới của nữ giới – một mối đe dọa đối với sự tồn tại của nam giới. Dalí đã tái sử dụng hai hình thức này trong nhiều tác phẩm xuyên suốt sự nghiệp.

1933: Câu đố của William Tell 

Sơn dầu trên toan

Truyền thuyết nổi tiếng của William Tell là về một người đàn ông bị buộc phải đặt một quả táo trên đầu của con trai mình và bắn một mũi tên trúng quả táo. Đó là phiên bản hiện đại của câu chuyện Abraham hi sinh con trai mình là Isaac trong Kinh thánh. Dalí đưa câu chuyện cổ xưa này đi xa hơn với khúc ngoặt mang học thuyết của Freud. Trong bức tranh này, người đàn ông, tay ôm một đứa trẻ sơ sinh, và đứa trẻ có một miếng thịt cừu trên đầu. Trong một cú ngoặt bất ngờ về chủ đề người cha bạo hành, hình tượng người cha chuẩn bị ăn đứa bé, và đàn chim bay lượn trong góc đang chực chờ phần thừa. Dalí có một mối quan hệ không mấy êm đềm với gia đình, được ẩn giấu trong tác phẩm của ông. Tác phẩm này là một ví dụ rõ rệt về cách giấc mơ của chúng ta liên tục xử lý những song đề nhất quán trong cuộc sống của mình qua những “đoạn phim” đầy những biểu tượng hoang dã và các biểu hiện tiềm thức. 

Dalí sử dụng một vài công cụ khác từ bộ công cụ biểu tượng của ông trong bức tranh này. Phần hậu môn kéo dài mang ý nghĩa tình dục hóa/dương vật hoá. Việc nó được nâng bởi một cái nạng cho thấy sự yếu kém và nhu cầu cần được hỗ trợ của người cha. Vào thời điểm Dalí vẽ bức tranh này, ông bị cha ông từ mặt vì qua lại với Gala, được cho là thể hiện qua quả hạt nhỏ và em bé kế bên bàn chân khổng lồ của người cha, có nguy cơ bị dẫm chết.

Tác phẩm nghệ thuật này được xem là bước ngoặt trong mối quan hệ của Dalí với hội Siêu thực. Những nghệ sĩ Siêu thực chính dẫn dắt bởi André Breton là những nhà ủng hộ cánh trái của Lenin, trong khi đó Dalí lại cho người cha độc ác mang khuôn mặt của Lenin. Những nghệ sĩ Siêu thực vô cùng khó chịu với cách miêu tả đó và bắt đầu cố gắng đuổi Dalí ra khỏi nhóm của họ.

Nguyên bản tiếng Anh tổng hợp, viết, và biên tập bởi Những người cộng sự của The Art Story. Dịch sang tiếng Việt bởi Nhã Văn. Đề tựa tiếng Việt và hình ảnh minh hoạ bởi Hương Mi Lê.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi salvador dalí Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…