Robert Henri (Phần 3)
Trong phần cuối của loạt bài về Robert Henri, chúng ta sẽ tìm hiểu những tác phẩm nổi bật còn lại của ông, bao gồm Salome, Ca sĩ mù người Tây Ban Nha, Edna Smith trong chiếc áo choàng Nhật Bản, Gertrude Vanderbilt Whitney, Bức chân dung của Dieguito Roybal, San Ildefonso Pueblo, Mary Anne cùng chiếc giỏ của em.
- “Theo tôi thấy, chỉ có một lí do duy nhất cho việc cải tiến nghệ thuật ở Mĩ, và đó là người dân Mĩ học cách biểu đạt bản thân trong thời đại và trên mảnh đất của chính họ. Ở đất nước này, chúng ta không có nhu cầu lấy nghệ thuật làm văn hoá, không cần đến nghệ thuật cho vị thơ ca, hay bất kì điều nào trong những điều ấy chỉ vì chính nó. Cái chúng ta cần là một nghệ thuật thể hiện được tinh thần của người dân thời đại ngày hôm nay“.
- “Để thành công với tư cách là một hoạ sĩ vẽ chân dung, người nghệ sĩ phải kết hợp giữa điểm độc đáo nhất định của tác phẩm với sự nhượng bộ đối với sở thích của người mẫu của anh ta, vì người trả tiền phải được hài lòng. Người nghệ sĩ cũng phải dùng bữa và pha trà nếu không sẽ lãng phí thời gian cho những khách hàng mà không chỉ muốn một người thợ diễn giải cho họ nhưng còn muốn cả một con sư tử để trưng bày. Tôi mong muốn vẽ những bức chân dung đẹp hơn là vẽ theo cách đó. Thật khó để vẽ những bức chân dung ngay cả khi chẳng còn sở thích nào khác để làm hài lòng nữa“.
Các tác phẩm quan trọng của Robert Henri (tiếp)
1909: Salome
Trong bức chân dung này, Henri đã mô tả ca sĩ và vũ công Mademoiselle Voclezca, người đã xuất hiện trên sân khấu trong vở opera Salome, kể về nhân vật trong Kinh thánh đã khiêu vũ cho vua Herod và yêu cầu xử trảm John Tẩy giả như một món quà. Khi miêu tả nhân vật này, tác giả Alice Murphy chỉ ra rằng, “Henri đã không thể tự mình xem vở opera, nên ông đã mời [Voclezca] biểu diễn ‘Vũ điệu của bảy tấm màn’ (Dance of the Seven Veils) khét tiếng ngay trong xưởng vẽ của mình và vẽ cô ở đó. Cọ pháp của nghệ sĩ gợi lên nhịp điệu nhấp nhô, quyến rũ trong điệu nhảy của nàng: Những nét cọ dài làm nổi bật vòng eo trần và chiếc váy trong suốt. Những nét vẽ này, tương phản với những vết sơn màu ngắt quãng nhanh khắc hoạ những món đồ trang sức của cô, tạo ấn tượng rằng điệu nhảy này đang diễn ra ngay trước mắt bạn.”
Bức tranh này là độc nhất trong bộ tác phẩm của Henri. Đây là một ví dụ hiếm hoi cho một tác phẩm có chủ đề tôn giáo, và là một chủ đề gây ra rất nhiều tranh cãi trong thể loại này. Trong khi Henri đã vẽ nhiều tranh chân dung, quyết định vẽ Salome là một hành động vô cùng khiêu khích bởi màn trình diễn của Voclezca đã gây sốc cho cư dân New York khi vở kịch opera được ra mắt vào năm 1907. Theo Bảo tàng Ringling, nơi cất giữ bức tranh: “khi chọn chủ đề tai tiếng này, có vẻ Henri đưa ra một thách thức đối với giới mĩ thuật bảo thủ trong thời kì của ông“. Với chủ đề không khoan nhượng và phong cách đổi mới của Henri, tác phẩm cũng chứng tỏ mình mang tính tiên tri khá trớ trêu khi xem xét tới việc là, chỉ bốn năm sau, Henri, bấy giờ là người tiên phong cho chủ nghĩa hiện đại của Mĩ, sẽ bị soán ngôi bởi những người tiên phong ở châu Âu theo Triển lãm Armory năm 1913.
1912: Ca sĩ mù người Tây Ban Nha (Blind Spanish Singer)
Henri đã thực hiện tổng cộng bảy chuyến đi đến Tây Ban Nha trong suốt sự nghiệp của mình. Ông đã đến đây nhiều hơn bất cứ điểm đến ngoài nước Mĩ nào khác và Tây Ban Nha như con người nơi đây đã mang đến cho ông một nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm nghệ thuật. Cũng như những bức chân dung khác của mình, ông xử lí chủ đề, rút ra từ những tầng lớp công chúng Tây Ban Nha đa dạng – bao gồm vũ công nổi tiếng, đấu sĩ bò tót, người Di-gan, ca sĩ đường phố và nông dân lớn tuổi – với một sự bộc trực ngay thẳng. Trong số những đối tượng đầu tiên của ông có hai người ca sĩ mù đường phố được ông mời đến xưởng của mình để chơi đàn ghita. Mặc dù Henri nghiên cứu chủ đề này bằng sự chân thành điển hình của mình, nhưng ông đã lo lắng (một cách không cần thiết) rằng bức hoạ sẽ bị công chúng xa lánh vì việc ông từ chối ngụy trang sự dị tật cơ thể của người mẫu.
Cầm một chiếc ghita đặt trên đùi của mình, khuôn miệng đang mở của người phụ nữ chỉ ra rằng cô ấy cũng đang hát. Bức chân dung thể hiện cho khao khát của Henri muốn ghi lại điều gì đó về bầu không khí của người Tây Ban Nha thông qua dân cư của đất nước này. Như ông từng nói về nghệ thuật chân dung hiện đại: “đừng bao giờ bận tâm đến những tiểu tiết… Chiếc máy ảnh có thể tái tạo được hình ảnh giống thật nhất, nhưng chỉ có người nghệ sĩ mới có thể tạo ra bản chất của người mẫu.” Trong chuyến đi đầu tiên của ông đến Madrid vào năm 1900, Henri đã dành hàng giờ tại Prado để chép lại những bức vẽ của Diego Velázquez. Thực vậy, người ta có thể thấy sức ảnh hưởng của Velázquez ở đây, cụ thể là trong bảng màu trầm dịu và hậu cảnh trơn (khiến ta không bị phân tâm khỏi người mẫu). Bức chân dung minh hoạ trọn vẹn sự thoát li khỏi phong cách Ấn tượng ban đầu của Henri mà chịu nhiều ảnh hưởng hơn ở Claude Monet và nhóm nghệ sĩ cùng phong cách.
Kh. 1915: Edna Smith trong chiếc áo choàng Nhật Bản (Edna Smith in a Japanese Wrap)
Trong bức chân dung này, một người phụ nữ trẻ (Edna Smith) xuất hiện trước một hậu cảnh tối. Cô ấy được khoác lên một chiếc áo choàng kiểu Nhật quanh vai của mình. Được bao bọc bằng những bông hoa màu đỏ và trắng cũng như những chiếc lá màu xanh rực rỡ, Edna thu hút sự chú ý của chúng ta vào bộ trang phục với bàn tay phải đang giữ lấy chiếc áo choàng ở ngang ngực. Edna Smith là người mẫu yêu thích của Henri vào năm 1915 và cô đã từng xuất hiện trong nhiều bức chân dung vẽ năm ấy, bao gồm một số bức khoả thân và bán khoả thân. Với mái tóc màu đỏ và nước da nhợt nhạt, Edna đại diện cho sự ưa thích của những nghệ sĩ đối với một “hình mẫu” người mẫu cụ thể (bao gồm cả vũ công Jessica Penn và người vợ thứ của ông, Marjorie Organ).
Tuy nhiên, bức tranh này sống động hơn các tác phẩm trước đó của ông, nhấn mạnh sự từ bỏ bảng màu tối đã gắn liền với Trường phái Ashcan và niềm tin tương đối mới của ông vào sự hài hoà của màu sắc. Theo Bảo tàng Nghệ thuật Indianapolis, bức chân dung của Edna khá “điển hình cho khả năng của Henri về cách nắm bắt tinh thần của đối tượng” nhưng, cho tới thời điểm đó (từ khoảng năm 1909), ông cũng đã “áp dụng hệ thống màu sắc của nhà lí thuyết Hardesty Maratta, ấn định một chữ và số cho 144 màu sắc có tính liên kết hài hòa. Các hoạ sĩ có thể sử dụng hệ thống chữ và số để ước định cẩn thận cho mối quan hệ màu sắc trong tranh của họ [và do đó] sự giàu tính hài hoà dựa trên màu đỏ và xanh lá cây trong hình ảnh này cho thấy cách sử dụng hệ thống Maratta của Henri.”
1915-16: Gertrude Vanderbilt Whitney
Là một nhân vật đáng gờm trong giới nghệ thuật, Gertrude Vanderbilt Whitney lần đầu tương tác với Henri vào năm 1915, khi bà đang thành lập tổ chức từ thiện của mình, Những người bạn của Nghệ sĩ trẻ (Friends of Young Artists). Theo yêu cầu của bà, Henri cùng với những nghệ sĩ Ashcan khác là George Bellows và John Sloan, làm ban hội thẩm (giả định rằng Henri đã giảm bớt ác cảm đối với các cuộc tuyển chọn thẩm định nhờ tình trạng mang tính từ thiện của sự kiện) trong một cuộc triển lãm có lợi nhuận cho tổ chức của bà. Whitney đã đặt hàng Henri vẽ chân dung của mình, tuy nhiên bà giữ quyền kiểm soát đáng kể trong cách thức thực hiện tác phẩm này.
Trong khi người ta có thể mong chờ Henri áp dụng hệ thống pha trộn màu sắc của Maratta mà ông đã sử dụng ở nơi khác, thì, thay vào đó, tác giả Bennard Perlman lại diễn tả cách Whitney, “chọn mặc một phục trang Trung Hoa với màu sắc rực rỡ mà bà đã mua tại San Francisco – một chiếc áo khoác màu xanh dương có những điểm nhấn trang trí màu đỏ và lớp lót màu vàng dọc theo một chiếc áo choàng màu xanh lam nhạt cùng chiếc quần lụa […] và đôi dép thêu kiểu Hán“. Thêm vào đó, bà được thấy là “đang ngả lưng trên chiếc ghế sofa màu xám, phủ một tấm thảm với một tán lá trang trí dày đặc làm khung cho cho mái tóc bồng bềnh của bà [trong khi] chiếc vòng tay, bốn chiếc nhẫn và một chuỗi hạt ngọc trai là những nhấn nhá cuối cùng cho bức chân dung này, vừa lộng lẫy vừa khiêu khích.”
Bức tranh không tránh khỏi sự tranh cãi và là một ví dụ điển hình cho cách tiếp cận của Henri với chủ nghĩa hiện thực. Như Bảo tàng Whitney miêu tả, “Chồng của bà Whitney, Harry Payne Whitney, đã từ chối để bà treo nó trong ngôi nhà phố sang trọng ở Đại lộ số Năm. Ông không muốn những người bạn nhìn thấy bức ảnh của vợ mình, như ông miêu tả là, ‘đang mặc quần’. Trang phục và phong thái tự chủ của bà Whitney rất khác thường đối với người phụ nữ được giáo dục tốt ở thời đại của bà […] Henri đã biến đổi một chủ đề truyền thống là về phụ nữ nằm nghiêng – thường là thể hiện một kĩ nữ hạng sang hoặc thần Vệ Nữ khoả thân – thành một bức chân dung của người phụ nữ ‘hiện đại’ tinh tuý. Bức chân dung được treo trong xưởng vẽ ở phố số Tám phía Tây của Whitney, nơi vào năm 1931 đã trở thành vị trí đầu tiên của Bảo tàng Whitney“.
1916: Bức chân dung của Dieguito Roybal, San Ildefonso Pueblo (Portraits of Dieguito Roybal, San Ildefonso Pueblo)
Bức chân dung này là một trong hai mươi bức Henri đã vẽ trong hai tháng ở Santa Fe vào mùa hè năm 1916. Chủ thể của ông, Dieguito Roybal, là một thành viên của bộ tộc Tesuque Pueblo và, tại đây, người hoạ sĩ đã mô tả người mẫu trong chiếc áo khoác màu vàng, quần màu xanh lá cây, và giày da đanh màu trắng. Ở giữa tấm chăn màu đỏ phủ hai chân người mẫu là một chiếc trống lớn mà ông sẽ chơi trong các buổi lễ quan trọng của bộ lạc; một thực tế được củng cố bởi chiếc vồ mà ông cầm thẳng đứng trong tay trong khi đang nhìn chằm chằm vào người xem.
Henri được giám đốc Trường Khảo cổ học Hoa Kỳ, một người rất ngưỡng mộ công việc của ông, mời đến ở lại Santa Fe và bố trí cho ông một xưởng vẽ trong Cung điện Thống đốc danh giá. Theo Perlman, Henri “ban đầu đã tạo ra một bản phác hoạ theo kí ức về Dieguito Roybal khi ông đánh trống và hô vang điệu múa đại bàng trong buổi diễn tập trên khoảng sân ngay bên ngoài xưởng vẽ của người nghệ sĩ. […] Henri đã trình tác phẩm cho Bảo tàng Nghệ thuật và Khảo cổ học ngay sau khi hoàn thành nó, và Dieguito ngồi hàng giờ nhìn chăm chú vào bức chân dung của mình, không để ý đến bất kỳ ai khác trong phòng trưng bày.”
Những người thổ dân mà ông nhìn thấy, và nền văn hoá mới mà ông trải nghiệm đã có tác động sâu sắc đến Henri. Sau này ông nói với các học trò của mình, “Tôi không quan tâm đến những nhóm người quá đa cảm đối với họ, than khóc về sự thật rằng chúng ta đã tiêu diệt người da đỏ […] Tôi đang nhìn vào từng cá nhân với niềm hi vọng mãnh liệt tìm thấy ở đó điều gì đó về chân giá trị của cuộc sống, sự hài hước, lòng nhân ái, sự tử tế, một điều gì đó tương tự như vậy sẽ giải cứu giống nòi và dân tộc.”
1926: Mary Anne cùng chiếc giỏ của em (Mary Anne with Her Basket)
Vào những năm cuối của cuộc đời, Henri đã dành ra một khoảng thời gian đáng kể (nửa năm một lần) sống trên đảo Achill, Ireland. Henri mua một ngôi nhà ở đó vào năm 1925 và dành phần lớn sức sáng tạo của mình để vẽ chân dung những đứa trẻ địa phương. Trong số đó là các anh chị em Mary Ann và Thomas Cafferty. Ông đã vẽ Mary Ann nhiều lần (bao gồm Chiếc váy yếm màu hồng: Mary Ann Cafferty (Pink Pinafore: Mary Ann Cafferty) (1926) và Dải ruy băng màu hồng (The Pink Ribbon) (1927)). Như Bảo tàng Currier mô tả Mary Anne cùng chiếc giỏ của em ấy: “Mary Ann nom đương khoảng mười tuổi. Mặc một chiếc áo khoác màu hồng bên ngoài chiếc váy đen và ôm lấy một chiếc giỏ hình chữ nhật trên tay, cô ấy nhìn chằm chằm vào người xem bằng đôi mắt to, đen láy. … Biểu cảm nghiêm túc của cô ấy được đặt cùng với mái tóc đen gợn sóng buộc lại bằng một dải ruy băng màu hồng“.
Như cách mà Bảo tàng Currier giải thích, bức tranh này không giống với những bức chân dung về trẻ em khác ở cách ông đối xử với những đối tượng trẻ tuổi của mình bằng “một chút tình cảm hoặc sự nuông chiều“. Như nó mô tả rằng: “Cảm quan ngay thẳng trở thành đặc trưng của người mẫu một phần bắt nguồn từ sự tả thực của Henri, nhưng đồng thời cũng là minh chứng cho sự tôn trọng mà nghệ sĩ dành cho trẻ em”.
Khi sống ở Ireland, Henri đã thiết lập mối quan hệ tin cậy với những cô bé và cậu bé địa phương, điều này giúp ông có thể vẽ những hình ảnh nổi bật về phẩm giá và sự tự nhiên dễ gần của chúng. Bản thân Henri nhận thức sâu sắc về khả năng của trẻ em trong việc nhận ra sự chân thật của người lớn, và trong chuyên luận nổi tiếng của mình, Tinh thần nghệ thuật, ông tuyên bố: “Nếu bạn vẽ trẻ em, bạn không được có thái độ trịch thượng đối với chúng. Bất cứ ai tiếp cận một đứa trẻ mà không có sự khiêm tốn… và không có sự tôn trọng nhất định, sẽ đánh mất óc phán đoán về những gì trước mắt mình“.
Nguyên bản tiếng Anh do Jessica DiPalma tổng hợp và viết, Antony Todd hiệu đính và bổ sung hai phần Sơ lược và Thành tựu. Oliva Ha dịch sang tiếng Việt. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Một góc nhìn phân biệt Nghệ thuật thị giác và Thiết kế đồ họa trong bối cảnh Hiện đại
- 2. Art Nouveau (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 3. Art Nouveau (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 4. Art Nouveau (Phần 3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật
- 5. Gustav Klimt (Phần 1) - Sơ lược, các thành tựu, tiểu sử
- 6. Gustav Klimt (Phần 2) - Tiểu sử và thành tựu
- 7. Gustav Klimt (Phần 3) - Các tác phẩm nổi bật
- 8. Arts & Crafts (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 9. Arts & Crafts (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 10. Arts & Crafts (3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật