Nghệ sĩ Vị lai vĩ đại nhất: Umberto Boccioni (Phần 1)

Ngày nay, dường như chủ nghĩa Vị lai (Futurism) là một khái niệm rất quen thuộc trong văn hoá đại chúng với nhiều sản phẩm tiêu dùng và giải trí, từ thời trang đến phim ảnh, đều được cho là liên kết với phong cách cùng tên. Tuy nhiên, thực tế là, những kiến thức gắn liền với trào lưu này trong lịch sử nghệ thuật không phải phổ biến. Và thậm chí với những người hiểu biết hơn về lịch sử nghệ thuật, chủ nghĩa Vị lai thường được nhắc tới như một tổng quan các tác phẩm, hoặc/và người sáng lập ra nó là nhà thơ, nhà báo, nhà lý thuyết nghệ thuật Filippo Tommaso Marinetti hơn là các nghệ sĩ cụ thể thuộc phong trào. Trong loạt bài viết 2 phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu nhân vật chủ chốt về mặt thực hành nghệ thuật của Vị lai Ý – Umberto Boccioni – một nghệ sĩ có sự nghiệp ngắn ngủi do mất sớm nhưng đã kịp để lại một gia tài đồ sộ xứng đáng với sự công nhận rộng rãi hơn – từ các tác phẩm hội hoạ, điêu khắc, cho tới một loạt tài liệu lý thuyết chủ chốt của nghệ thuật Vị lai chủ nghĩa.

  • Những gì chúng tôi muốn làm là thể hiện vật thể sống trong sự phát triển năng động của nó.
  • Không có gì tuyệt đối trong hội hoạ. Những gì là chân lý đối với những người hoạ sĩ của ngày hôm qua lại là sự giả dối của ngày hôm nay.
  • Để vẽ một hình tượng người thì anh không được đơn thuần là vẽ nó; mà anh phải kết xuất toàn bộ không gian bao quanh nó thành hình ảnh.
  • [Chiến tranh là] một điều phi thường, kỳ diệu, và kinh khiếp. Và trên những ngọn núi dường như là một trận chiến với cái vô hạn. Hùng vĩ, bao la, sự sống và cái chết. Tôi Hạnh phúc.

Tóm lược về Umberto Boccioni

Umberto Boccioni sinh 19/10/1882 ở Reggio Calabria, Ý, mất 17/08/1916 ở Verona, Ý

Umberto Boccioni là một trong những nghệ sĩ nổi bật và có tầm ảnh hưởng nhất trong số những người theo chủ nghĩa Vị lai Ý, một trào lưu nghệ thuật đã nổi lên trong những năm ngay trước Thế chiến I. Boccioni quan trọng không chỉ trong việc phát triển những lý thuyết của trào lưu, mà còn trong việc giới thiệu những cải cách về hình ảnh dẫn tới phong cách năng động và mang tính Lập thể mà tới nay được liên kết chặt chẽ với nhóm. 

Ông bắt đầu nổi danh với tư cách một hoạ sĩ và sau đó cũng tạo ra một số điêu khắc Vị lai quan trọng. Ông mất khi tình nguyện tham gia quân ngũ, bấy giờ mới ba mươi ba tuổi, và cũng do đó ông trở thành một biểu tượng cho sự ăn mừng của Vị lai đối với máy móc lẫn sức mạnh huỷ diệt bạo lực của sự hiện đại.

Các thành tựu

  • Mặc dù Boccioni xứng đáng được rất nhiều ghi nhận trong việc phát triển phong cách hiện gắn liền với chủ nghĩa Vị lai Ý, ông trước hết đã trưởng thành với tư cách một nghệ sĩ Tân-Ấn tượng và bị cuốn hút bởi các chủ đề phong cảnh và chân dung. Chỉ tới khi chạm trán với Lập thể, ông mới phát triển một phong cách phù hợp với tư tưởng của động năng (dynamisim) và những biến động xã hội đầy bạo lực nằm ở ngay trung tâm của chủ nghĩa Vị lai. Boccioni đã mượn các dạng hình học đặc trưng của phong cách Pháp, và sử dụng chúng để gợi lên những âm thanh va đập và gây giật mình đi kèm với chuyển động được mô tả.
  • Boccioni tin rằng những tiến bộ khoa học và trải nghiệm của hiện đại đòi hỏi người nghệ sĩ từ bỏ truyền thống của việc miêu tả những vật thể tĩnh và rõ ràng (dễ đọc). Ông tin rằng thử thách ở đây là tìm cách diễn tả/đại diện cho chuyển động, trải nghiệm về dòng chảy, và sự liên xâm nhập của các vật thể. Boccioni đã tóm tắt ‘dự án’ này của mình với cụm từ “siêu nghiệm vật lý” (“physical transcendentalism”).
  • Mặc dù say mê với chuyển động vật lý, Boccioni có niềm tin mạnh mẽ vào sự quan trọng của trực giác – một thái độ mà ông thừa hưởng từ những văn bản của Henri Bergson và những hoạ sĩ Biểu tượng chủ nghĩa cuối thế kỷ 19. Điều này định hình lối tiếp cận của Boccioni với việc miêu tả thế giới hiện đại, khuyến khích ông trao cho nó những chiều kích mang tính biểu tượng và gần như là thần thoại. Về mặt này, tiếp cận của Boccioni rất khác với những người Lập thể có tác phẩm dựa trên nỗ lực miêu tả kỹ càng đặc tính vật lý của các vật thể, mặc dù theo một cách mới.
Hợp đề của động năng con người (Synthesis of Human Dynamism) (1913) của Boccioni

Tiểu sử của Boccioni

Tuổi thơ

Umberto Boccioni sinh năm 1882 ở Reggio Calabria, một vùng nông thân ở cực nam nước Ý. Ba mẹ của ông đến từ vùng Romagna, xa hơn về phía bắc. Khi còn nhỏ, Boccioni cùng gia đình chuyển chỗ ở liên tục cho đến khi định cư lâu dài ở thành phố Sicilly vùng Catania năm 1897, nơi ông trải qua phần lớn sự giáo dục trung cấp của mình. Có rất ít bằng chứng về việc ông có bất cứ sự quan tâm nghiêm túc nào đối với các môn mỹ thuật cho tới tận 1901, thời điểm mà ông chuyển khỏi Catania tới Rome để học tại Accademia di Belle Arti di Roma (Học viện Mỹ thuật Rome).

Đào tạo ban đầu

Boccioni đã kết nối lần đầu với người cộng tác tương lai thuộc chủ nghĩa Vị lai Gino Severini ở thành phố Rome. Cả hai cùng học Giacomo Balla, vốn nổi tiếng với tư cách một hoạ sĩ Phân chia màu (Divisionism), và Boccioni trở thành một học trò trung thành của phong cách này. Trong những năm đó ông cũng tiếp tục các chuyến đi quanh Ý và xa hơn; ông ở Paris trong một khoảng thời gian dài, nơi ông gặp gỡ trường phái Ấn tượng lần đầu, và sau đó là du hành tới Nga.

Boccioni (trái) và Severini (phải)

Trong thời kỳ này, trong tâm trí của Boccino, phần lớn nghệ thuật được tạo ra ở Ý khá quê mùa tỉnh lẻ. Tuy nhiên ở thành phố Milan, có tồn tại một nhóm những nghệ sĩ trẻ tư duy tiến bộ được biết đến với cái tên Famiglia Artistica (Gia đình nghệ sĩ). Do vậy, Bocconi đã chuyển tới Milan vào năm 1907. Tại đây ông gặp gỡ Filippo Tommaso Marinetti, nhà thơ và nhà lý thuyết theo chủ nghĩa Biểu tượng. Hai năm sau, vào 20/02/1909, Marinetti xuất bản tuyên ngôn Vị lai đầu tiên trên trang nhất của tờ báo Pháp Le Figaro danh tiếng. 

Phần giới thiệu về Vị lai (Le Futurisme) và tuyên ngôn của Vị lai (Manifeste du Futurisme) trên trang nhất của tờ Le Figaro. “1. Chúng tôi muốn hát về tình yêu với hiểm nguy, thói quen của năng lượng và của sự liều lĩnh. 2. Những yếu tố căn bản của thi ca chúng tôi sẽ là lòng dũng cảm, sự táo bạo, và cách mạng. […] 4. Chúng tôi tuyên bố rằng sự huy hoàng của thế giới đã được làm giàu bằng một vẻ đẹp mới: vẻ đẹp của tốc độ. […] 5. Chúng tôi muốn hát về người cầm lái […] 9. Chúng tôi muốn tôn vinh chiến tranh, sự thanh tẩy duy nhất của thế giới […]. 10. Chúng tôi muốn đập bỏ các viện bảo tàng, thư viện, chống lại chủ nghĩa đạo đức, chủ nghĩa nữ quyền, và tất cả những kẻ hèn nhát cơ hội […]” – Trích từ bản tuyên ngôn, đọc toàn văn (tiếng Pháp) tại đây

Bản tuyên ngôn nhanh chóng thu hút những môn đồ của nó, trong đó bao gồm Boccioni, Severini, Balla, Carlo Carrà, và Luigi Russolo. Nhưng trong những năm sau đó, chính Boccioni đã chứng minh rằng mình là người đề xuất thẳng thắn và nhà lý thuyết quan trọng hàng đầu theo chủ nghĩa Vị lai, chưa kể đến việc chịu trách nhiệm chính trong việc áp dụng những ví dụ của Boccioni vào nghệ thuật thị giác.

Thời kỳ trưởng thành 

Một chân dung tự hoạ của Boccioni vẽ khoảng 1909-1910

Sự bắt đầu của chủ nghĩa Vị lai trùng với thời kỳ sung mãn nhất của Boccioni với tư cách một nghệ sĩ. Vào 11/02/1910, dưới sự chỉ đạo của Boccioni, bản Tuyên ngôn của những hoạ sĩ Vị lai (Manifesto of Futurist Painters) đã được xuất bản bởi tờ tạp chí Poesia của Marinetti, được ký tên bởi Severini, Balla, và cả những người khác. Gửi tới “những nghệ sĩ trẻ của nước Ý”, bản tuyên ngôn mới này, cũng giống như tiền thân của nó, tấn công những tổ chức như bảo tàng và thư viện mà những người Vị lai cho là thừa thãi. Boccioni và những người Vị lai đã nhắm vào một trong những tiêu chuẩn cho uy thế của nước Ý, quá khứ cổ điển của nó, mà họ cho rằng là một sự cản trở cho sự phát triển của đất nước như một thế lực hiện đại.

Bìa số 3-4-5-6 (tháng 4, 5, 6, 7, năm thứ 5, 1909) của Poesia

Sau đó, trong cùng một năm, Boccioni xuất bản Tuyên ngôn kỹ thuật của hội hoạ Vị lai (Technical Manifesto of Futurist Painting), cũng thông qua tờ Poesia của Marinetti. Ông tuyên bố “rằng tất cả các chủ đề được sử dụng trước đây phải được quét sạch sang bên để ta có thể thể hiện cuộc sống quay cuồng của sắt thép, niềm tự hào, cơn sốt và tốc độ – cuộc sống của chúng ta.

Khi còn là một nghệ sĩ trẻ, Boccioni đã lựa chọn những chủ đề đơn giản là bắt mắt chính mình, nhưng với tư cách là một người Vị lai, ông đã chọn những đối tượng là phương tiện cho những lý thuyết hội hoạ. Một chủ đề thường tạo cảm hứng cho ông là thành phố, và nó được khám phá trong các tác phẩm như Những thế lực của đường phố (The Forces of the Street) và Con đường đi vào căn nhà (The Street Enters the House) (cả hai đều vẽ vào năm 1911).

Những thế lực của đường phố (The Forces of the Street)
Con đường đi vào căn nhà (The Street Enters the House)

Vào năm 1912, nhóm Vị lai đã tổ chức một triển lãm tranh ấn tượng ở Bernheim-Jeune ở Paris. Tâm điểm trong sự đóng gió của Boccioni là một nhóm ba bức tranh đặt tên Những trạng thái của tâm trí I-III (States of Mind I-III): Lời từ biệt (The Farewells), Những người ở lại (Those Who Stay), và Những người ra đi (Those Who Go) (tất cả đều vào năm 1911), được công nhận bởi nhiều người là những tác phẩm tham vọng nhất của người nghệ sĩ cho tới thời điểm bấy giờ. 

Trong Những trạng thái của tâm trí, ông đã cố gắng từ bỏ việc phụ thuộc vào bất kỳ thực tế mang tính miêu tả nào, thay vào đó chọn – như ông nói – “[có] những màu sắc và hình dạng… tự bộc lộ chính chúng”. Nói ngắn gọn, Boccioni thiết kế những tác phẩm này để thể hiện tư duy Vị lai chủ nghĩa, trong đó quá khứ hoàn toàn không liên quan tới cách người nghệ sĩ nhìn nhận thế giới xung quanh anh ta.

Những trạng thái của tâm trí I: Lời từ biệt (States of Mind I: The Farewells)
Những trạng thái của tâm trí II: Những người ở lại (States of Mind II: Those Who Stay)
Những trạng thái của tâm trí III: Những người ra đi (States of Mind II: Those Who Go)

Khi ở Paris, Boccioni tham quan rất nhiều xưởng nghệ sĩ, trong đó bao gồm xưởng của Braque, Brâncuși, Archipenko, và Duchamp-Villon. Những gì ông nhìn thấy đã khuyến khích ông áp dụng những nguyên tắc của mình vào điêu khắc, tạo ra kết quả là những tác phẩm như Sự phát triển của một cái chai trong không gian (The Development of a Bottle in Space) (1912) và Các hình dạng độc đáo về sự liên tục trong không gian (Unique Forms of Continuity in Space) (1913). Hứng thú mới này cũng dẫn ông tới việc viết Tuyên ngôn của Điêu khắc Vị lai.

Sự phát triển của một cái chai trong không gian (1912) – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York, Mỹ và Bảo tàng của Thế kỷ 20 (Museo del Novecento), Milan, Ý. Tượng đồng.
Umberto Boccioni đứng bên khuôn thạch cao của bức Các hình dạng độc đáo về sự liên tục trong không gian trong xưởng của mình.

Thời kỳ sau này và cái chết

Vào năm 1913, Boccioni bắt đầu đóng góp cho tờ báo mang tính thể nghiệm Lacerba, vốn được thành lập bởi tác giả Vị lai đến từ Florence – Giovanni Papini (Lacerba xuất bản 70 số trong khoảng 01/01/1913 – 22/05/1915). Với tờ báo mới này, Boccioni và những người khác giờ đã có một ấn phẩm chỉ dành để cống hiến cho việc thúc đẩy các ý tưởng của phong trào. Vào tháng 4 của năm kế tiếp, Boccioni xuất bản cuốn sách Hội hoạ và điêu khắc Vị lai, cho đến nay vẫn là tài liệu toàn diện nhất về lý thuyết nghệ thuật Vị lai chủ nghĩa do một thành viên sáng lập soạn thảo.

Ảnh chụp (từ trái qua) Aldo Palazzeschi (nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà viết luận), Carlo Carrà, Giovanni Papini, Umberto Boccioni, và Filippo Tommaso

Vào năm 1914, cuộc Đại chiến bắt đầu và nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu. Sự dữ dội kinh thiên động địa của nó rất giống với bạo lực thanh trừng mà những người Vị lai đã kêu gọi từ lâu. Bởi vậy, vào tháng 7 năm 1915, Boccioni cùng với những người Vị lai khác có bao gồm Marinetti và Russolo đã nhập ngũ vào Tiểu đoàn Người đi xe đạp tình nguyện của Lombardi.

Tiểu đoàn bị giải tán vào tháng 12 năm đó và trong thời gian nghỉ tham gia chiến tranh, Boccioni tiếp tục vẽ, viết, và giảng dạy. Ông được gọi trở lại phục vụ quân ngũ vào tháng 6 năm 1916, và tham gia vào một lữ đoàn pháo binh đóng quân bên ngoài Verona. Trong một buổi huấn luyện, Boccioni đã bị ngã ngựa và bị con thú giẫm đạp. Boccioni, vẫn là một chàng trai trẻ ở tuổi 33, không chịu nổi chấn thương và qua đời một ngày sau đó, 17/08/1916.

Di sản của Umberto Boccioni

Mặc dù phong trào Vị lai được liên kết nhiều nhất với người sáng lập nó là Filippo Tommaso Marinetti, nhưng hướng đi nghệ thuật của nó lại mang ơn Umberto Boccioni rất nhiều. Ông đã chịu trách nhiệm xuất bản những văn bản cụ thể về nghệ thuật Vị lai, và nói chung là nghệ sĩ tài năng nhất, thành thạo nhất và được đào tạo tốt nhất của phong trào này. 

Hình ảnh ‘Phòng Umberto Boccioni’ ở Bảo tàng Thế kỷ 20, Milan, Ý

​​Bất chấp sự nghiệp ngắn ngủi của mình, ông đã trở thành một học trò sung mãn của những phong cách tiền tiến, đồng thời nỗ lực tạo ra một thứ hoàn toàn mới: một nghệ thuật thể hiện duy nhất tốc độ, sự năng động, cũng như bi kịch của cuộc sống hiện đại.

Dịch: Hương Mi Lê

Cùng tác giả

#Tag

chủ nghĩa vị lai Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…