Maybe bạn nên … Đi! Tháng 01/2024

/Maybe bạn nên … Đi/ là series giới thiệu những sự kiện nổi bật trong tuần hoặc trong tháng mà bạn không nên bỏ lỡ

1. Triển lãm “Lối gió đường mây”

“Lấy cảm hứng từ những vần thơ tinh tế giàu cảm xúc của cố thi sĩ Hàn Mặc Tử, ‘Gió theo lối gió, mây đường mây’, Nguyễn Hóa (sn. 1978, Huế) ra mắt triển lãm cá nhân đầu tiên – một cột mốc quan trọng đánh dấu sự lộ diện của anh tới công chúng vượt ra ngoài giới hạn nghệ thuật quen thuộc.

Được đào tạo bài bản về Điêu khắc, Nguyễn Hóa coi hội họa như một phương tiện bổ sung nhằm biểu hiện tinh thần nghệ thuật của mình – một phương tiện vừa có tác dụng phản chiếu, vừa chống lại ý niệm của thời gian. Mỗi tác phẩm của anh được chế tác tỉ mỉ, khan hiếm một cách có chủ đích, tạo thành một phần của chuỗi những phản tư đầy chiêm nghiệm, đôi khi bao gồm không quá ba tác phẩm. 

Sống cộng sinh với những sáng tạo của mình, Nguyễn Hóa không ngừng đối thoại và phản hồi liên tục với chúng theo thời gian, hoàn thiện chúng thông qua một vũ điệu chậm rãi, đầy ý thức và tự chủ. Trạng thái thong thả mà miệt mài trải dài suốt quá trình sáng tác đã trở thành một bức chân dung tự họa, một màn trình diễn đầy suy tư, len lỏi vào những ngóc ngách sâu thẳm nhất của cảm xúc và chiều sâu. 

Nguyễn Hóa lựa chọn sơn mài, một chất liệu “đo ni đóng giày” cho quá trình thực hành thong dong điềm tĩnh vốn có của bản thân. Xuyên suốt loạt tác phẩm lần này, các chi tiết kiến trúc cổ đóng vai trò như một khung hình – một phép ẩn dụ ý nhị về lề thói và xung đột, bóc tách những cảnh tượng, lễ nghi, thói quen và quy tắc không chỉ về lịch sử và di sản, mà còn về chính cơ cấu tồn tại mà bất kỳ nghệ sĩ nào sống và làm việc ở cố đô Huế đều tất yếu mang theo.” – trích bài viết triển lãm của Giám tuyển Đỗ Tường Linh.

Thời gian: 16.12.2023 – 28.01.2024 

Giờ mở cửa: 9:00 – 20:00 (Thứ Ba – Chủ nhật)

Địa điểm: Mơ Art Space – Tầng B3, 136 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Triển lãm mở cửa tự do

Nguồn: Mo Art Space 


2. Triển lãm “Chưa đặt tên”

Phạm Tuấn Tú của năm 2024 – với bộ tác phẩm mới Chưa Đặt Tên

Cái tên đầy ngẫu hứng tác giả đặt cho bộ tác phẩm mới dành cho ta cơ hội được bay bổng trí tưởng tượng và để nhìn thấy Cõi Nhân Gian của Phạm Tuấn Tú một cách không áp đặt.

Phạm Tuấn Tú được sinh ra và trưởng thành trong mạch nguồn văn hoá Việt, của văn hoá đạo Mẫu, với nghi lễ Hầu Đồng khi bà và mẹ là những Đồng Cựu và Thanh Đồng một thời. Bởi vậy, thế giới các vị Thần, ranh giới các thế giới – người sống, người chết đã luôn xuất hiện trong quá trình người nghệ sỹ đọc bản thân mình. Anh đọc cái băn khoăn, ngật ngưỡng của thân phận mình trong cái muôn hình vạn trạng thế giới con người với tính nam, tính nữ, vỏ nam, vỏ nữ. Thế giới những cảm thấy và cảm giác. Thế giới tạo nên một nguồn năng lượng đặc biệt của từng cá nhân sống.

Ta thường nhìn vào sản phẩm nghệ thuật khi nó hoàn thành. Nhưng sáng tạo nghệ thuật là cả một quá trình dài của kiếm tìm trong và ngoài bản thân nghệ sỹ. Một phần trong tiến trình thực hành nghệ thuật của Phạm Tuấn Tú là tìm một chất liệu đủ sức chuyển tải câu chuyện của anh. Đó là một hành trình và không dễ để đưa trọn vẹn lên mặt phẳng hội hoạ. Từ sơn dầu, giấy dó đến câu chuyện sưu tập đồ cũ, gỗ cũ. Khi những nét chạm trên mặt phẳng tấm vóc và khung gỗ đã hòa quyện đầy tinh tế và ma mị trong cái cũ kỹ lớp chuyện, lớp lớp thời gian của gỗ cũ. Sự tiếp nối đời sống đương đại trong hồn cốt truyền thống chạm khắc dân gian Việt với rất nhiều những kế thừa và mới mẻ mà Phạm Tuấn Tú đã mang đến trong các sáng tác của mình hai mươi năm qua.

Bộ tác phẩm mới “Chưa Đặt Tên” như một sự đánh dấu cho chặng đường 20 năm hoạt động nghệ thuật của hoạ sĩ Phạm Tuấn Tú.

Thời gian: 13.01 – 02.02.2024

Giờ mở cửa: 10:00 – 18:30 (Thứ Hai – Chủ Nhật)

Địa chỉ: Hanoi Studio Gallery – Số 23-25 Mạc Đĩnh Chi, Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội

Triển lãm mở cửa tự do

Nguồn: Hanoi Studio Gallery


3. Triển lãm “Xuân”

Trưng bày giới thiệu 21 tác phẩm tới từ 11 họa sĩ quan trọng của hội họa Việt Nam thế kỷ 20 như Alix Aymé, Lê Quốc Lộc, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Lê Văn Bình, Nguyễn Dung, Đỗ Quang Em, Phạm Viết Song cùng 25 hiện vật cổ quý hiếm từ nền văn hóa lâu đời của Trung Hoa, Việt Nam và Nhật Bản. 

Thời gian: 14.01 – 31.01.2024

Giờ mở cửa: 9:30 – 19:00

Địa điểm: Penthouse 2301, Tháp 1, The Vista, 628C Võ Nguyên Giáp, An Phú, Quận 2, TP.HCM

Đăng ký tham quan triển lãm tại: https://s.net.vn/K3rM

Nguồn: Indochine House 


4. Triển lãm “Lập xuân”

 Dịch theo nghĩa Hán Việt, “Lập” trong chữ ‘Lập xuân’ mang ý nghĩa cho sự khởi đầu, còn “xuân” là mùa xuân, mùa đầu tiên của năm. Như vậy, tiết lập xuân tức chỉ giai đoạn vũ trụ bước sang một chu kỳ mới và ta lại bắt đầu một năm. Thời khắc giao mùa luôn đặc biệt vì đó là lúc chúng ta được chứng kiến vạn vật của thiên nhiên, cảnh-sắc, hương-vị của mùa cũ tàn đi để nhường chỗ cho sự khởi đầu; cũng là khi ta khoác lên một bộ áo mới để đón chào thời khắc chuyển giao thiêng liêng của đất trời giao hoà.

Nổi bật nhất, khoảnh khắc giao thời từ Đông sang Xuân đánh dấu không chỉ sự chuyển mình của một mùa, mà còn là cột mốc của một tuổi mới đầy tâm tình ở mỗi người. Theo quan niệm phong thuỷ của dân gian, ngày ‘Lập Xuân’ là ngày đầu tiên giao thời của Trời – Đất – Con người mà văn hoá Á Đông vẫn luôn coi trọng để giữ cho hòa khí của năm mới được vui vẻ và hoà thuận. Xuân đến, mang theo cảnh sắc năng động và rạng rỡ cùng màu xanh ấm áp của cỏ cây và hoa lá. Không đỏ, không vàng nhưng lại xanh. Màu xanh đây là sự thanh minh, khi mùa cây lá đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái để báo hiệu cho sự sống và tuổi xuân.

Triển lãm “Lập xuân” mang cảm hứng trữ tình, say mê về một thời xuân vừa ấm áp và hồn hậu. Cùng với các cây đa cây đề của nền mỹ thuật Việt Nam như hoạ sĩ Joseph Inguimberty (1896-1971), Lê Năng Hiển (1921-2014), Nguyễn Hà (1933-2022), Đỗ Xuân Doãn (1937-2015) và gồm cả những tên tuổi sau này như Lê Xuân Chiểu (1956), Nguyễn Văn Hải (1968), Nguyễn Nghĩa Cương (1973), triển lãm “Lập xuân” như một nét chấm phá lên khung cảnh sắc xuân thơ mộng và đón chào những ngày đầu của năm mới!

Thời gian: 06.01 – 03.03.2024

Giờ mở cửa: 9:00 – 16:30 | Thứ 3 – Chủ Nhật (nghỉ Thứ 2)

Địa điểm: Lầu 2 của Bảo tàng Nghệ thuật Quang San, 189B/3 Nguyễn Văn Hưởng, P. Thảo Điền, TP. Thủ Đức

Nguồn: Bảo tàng Nghệ thuật Quang San 


5. Triển lãm “Long vân khánh hội”

Rồng là một biểu tượng văn hóa, là một sản phẩm văn hóa tinh thần hình thành trong quá trình con người nhận thức về thế giới tự nhiên-xã hội. Ở phương Đông, trong lịch sử phát triển của các dân tộc, hình tượng Rồng còn được gắn các ý nghĩa mới, phù hợp với tính chất thời đại như biểu tượng của nguồn gốc dân tộc, vương quyền, sức mạnh siêu nhiên, sự may mắn, thịnh vượng. 

Trong tâm thức của người Việt, rồng là cội nguồn của dân tộc – đi ra từ truyền thuyết; trong tư duy nông nghiệp là thần mưa giúp cho mùa màng bội thu. Hình tượng rồng Việt đã hiện diện đa dạng trong mọi mặt đời sống xã hội từ kiến trúc, trên trang phục; trong đồ mỹ thuật ứng dụng cho đến sinh hoạt lễ hội …Qua bao thời kỳ lịch sử, rồng vẫn luôn giữ vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc, đóng vai trò quan trọng trong việc định hình, kiến tạo và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam.

Nhân dịp chào đón Xuân Giáp Thìn 2024, Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trưng bày chuyên đề “Long Vân khánh hội – Hình tượng rồng trong văn hóa Việt Nam” giới thiệu đến công chúng hơn 100 hiện vật mang hình tượng rồng trong các lĩnh vực đời sống văn hóa Việt từ xưa đến nay với ý nghĩa là nơi hội tụ những điều tốt lành, mong ước một năm mới hạnh phúc cùng với khát vọng vươn lên của đất nước, dân tộc!

Thời gian: Diễn ra đến hết ngày 30.03.2024

Giờ mở cửa: 8:00 – 11:30 và 13:00 -17:00 (Thứ 2 – Chủ nhật)

Địa điểm: Bảo tàng Lịch sử, số 02 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM

Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh – History Museum in HCMC 


6. Triển lãm “Một gánh nhẹ thênh trong trời nước”

“Một gánh nhẹ thênh trong trời nước” – triển lãm cá nhân của nghệ sĩ Liên Trương với loạt tác phẩm tham vọng nhất từ trước đến nay. 

Triển lãm đan dệt ngôn ngữ của màu sơn, vải vóc và thực phẩm, cùng tạo thành một dạng lưu vong ngôn ngữ của tình yêu mà Liên dành cho mẹ, người đã qua đời vào tháng Tư năm ngoái. Xây dựng trên thực hành bền bỉ chất vấn những ý thức hệ về chất liệu và khái niệm của di sản, những tác phẩm hoà phối kỹ thuật hội hoạ và triết lý với lịch sử quân đội, dệt may và thực phẩm, bên cạnh quá trình di cư của gia đình nghệ sĩ ở Việt Nam từ Bắc vào Nam, rồi đến Mỹ.

Tìm hiểu thêm về triển lãm tại đây.

Thời gian: 13.01 – 07.02.2024

Giờ mở cửa: 10:00 – 19:00, Thứ Ba – Thứ Bảy, hoặc qua đặt hẹn

Địa điểm: Galerie Quynh, 118 Nguyễn Văn Thủ, Đa Kao, Quận 1, TP.HCM

Triển lãm mở cửa tự do

Nguồn: Galerie Quynh


7. Triển lãm “Địa hình huyền bí”

“Tôi cứ làm khác người ta, xưa nay người ta quen nhìn thẳng. Bây giờ, con người đã bay lên trên trời rồi thì mình phải nhìn xuống để thâu tóm những gì rộng lớn, bao la, tổng quát để thoát ra khỏi những biên giới, để giải phóng những vòng vây hình thức của bức tranh.”

Lê Bá Đảng (1921-2015) là một trong những nghệ sỹ hiện đại người Việt thành danh tại châu Âu nửa sau thế kỷ 20 với hệ thống ngôn ngữ thị giác đa phương tiện, mang đậm dấu ấn cá nhân. Dù ông sống và thực hành xa quê, tác phẩm của ông vẫn bám rễ vào đời sống Việt, thấm đẫm dân tộc tính và chiều sâu văn hoá-lịch sử. Thực hành của ông được xây dựng trên một nền nghiên cứu khoa học nghiêm cẩn và tỉ mỉ, kiến tạo nên những lối tiếp cận và kỹ thuật sản xuất giấy thủ công độc đáo gồm in thạch bản (lithography); in tranh bằng lụa kết hợp dát vàng mà ông đặt tên là “Lebadanggraphie”; và cắt-dán giấy tạo không gian nổi “Spacegraphie” – cũng là kỹ thuật tạo cảm hứng cho ý tưởng giám tuyển triển lãm lần này.

Khi quan sát từ trên cao, các tác phẩm trong loạt “Spacegraphie” trông như những sa bàn với đủ loại địa hình mô phỏng đồng ruộng, núi cao hay biển sâu, như một cách để tác giả hồi tưởng về đất nước của tuổi thơ ông. Lê Bá Đảng kết hợp tinh xảo các thủ pháp điêu khắc và hội họa để tạo hình khắc nổi trên những lớp bề mặt tranh phong phú được chế tác từ nhiều lớp giấy chuyên dụng, từ đó kiến thiết những loại không gian có chiều sâu, trừu tượng và bí ẩn. Tính liên phương tiện này đã giúp “Spacegraphie” vượt khỏi phạm trù lưỡng cực hội họa-điêu khắc truyền thống phương Tây để tiến đến một loại nghệ thuật tạo hình mới, pha trộn được cả hai.

Một mạch nội dung quan trọng khác của triển lãm là tính hư cấu huyền ảo trong bộ thạch bản “Thiên nhiên nguyện cầu không lời” (“La Nature prie sans parole”) sáng tác cuối thập niên 60, lấy cảm hứng từ chất thiền trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử. Lê Bá Đảng như nghiệm ra toàn bộ triết lý Đạo giáo nguyên thủy trong biểu hình trừu tượng, với màu sắc dịu trầm, lắng đọng cùng những khoảng trống hậu cảnh chói sáng, bí ẩn và ảo diệu. Nghệ sỹ muốn dùng các hình dạng bất định như “những ngôn từ giúp ta phân biệt và nắm bắt thực tại”, cũng như “tái kết nối ta với sự thống nhất nguyên thủy và bản chất cốt lõi của mình.” (Bảo tàng Cernuschi, Pháp)

Thời gian: 16.12.2023 – 28.01.2024

Mở cửa: 9:00 – 20:00 | Thứ Hai – Chủ nhật 

Địa điểm: Annam Gallery, 371/4 Hai Bà Trưng, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Triển lãm có thu phí tham quan: 70,000đ/người

Nguồn: Annam Gallery 

Tổng hợp và biên tập: May

Cùng tác giả

#Tag

may Series Maybe bạn nên ... Đi! Triển lãm Chưa đặt tên Triển lãm Lập xuân Triển lãm Lối gió đường mây Triển lãm Long vân khánh hội Triển lãm Một gánh nhẹ thênh trong trời nước Triển lãm Xuân Triển lãm Địa hình huyền bí

iDesign Must-try

Triển lãm cá nhân của Hà Ninh Pham: ‘Fugitive Zone’ sắp sửa mở cửa đón công chúng tại Paris
Triển lãm cá nhân của Hà Ninh Pham: ‘Fugitive Zone’ sắp sửa mở cửa đón công chúng tại Paris
Đã 7 năm kể từ khi Hà Ninh Pham bắt đầu xây dựng cho mình một thế giới riêng trong dự án My Land [1] (Đất Mình), từ lúc còn…
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Palouse miền bắc Hoa Kỳ với đất đai màu mỡ là kết quả của hoạt động núi lửa cổ xưa và xói mòn…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…