John Sloan (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài hai phần về John Sloan, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông. Bắt đầu bằng một bức tranh-đố theo phong cách Art Nouveau duyên dáng thể hiện uy tín của ông trong tư cách một hoạ sĩ minh hoạ cũng như một nhà thiết kế bìa sách và áp phích, chúng ta đi qua những bức tranh hiện thực trường phái Ashcan điển hình, sự chuyển dịch sang một lối vẽ phóng khoáng kiểu Ấn tượng hơn, niềm quan tâm tới người Mĩ bản địa, và cuối cùng là thử nghiệm ở chặng cuối đời với lối biểu hiện trừu tượng phủ lên những hình tượng tả thực truyền thống.
- “Nếu như tôi có là một nhà giáo hữu ích, thì đó là bởi vì tôi đã tự đào xới nghiên cứu những tác phẩm của chính mình. Việc giảng dạy đưa tôi rơi vào trạng thái vô thức; tôi thấy bản thân đang cố gắng chứng minh trong tác phẩm của mình vài điều mà tôi khai thác từ tiềm thức để rồi truyền tải tới những người khác.”
- “Một số nghệ sĩ dễ thỏa hiệp trước cám dỗ bởi tham vọng giàu sang… và ta nên hiểu, dù không đồng tình, với quyết định của một họa sĩ vốn đã vật lộn với cái đói nghèo suốt hai mươi năm trước khi phải đối mặt với vấn đề nan giải này… Cần can đảm để độc lập.”
- “Chúng ta học qua những thất bại của bản thân.”
- “Công việc của người nghệ sĩ là tìm ra trật tự trong cuộc sống và ghi lại những gì khiến họ quan tâm – chứ không phải những gì họ nghĩ rằng họ nên quan tâm.”
Các tác phẩm quan trọng của John Sloan
1901: Câu đố Người Múa Rắn (Snake Charmer Puzzle)
Sloan bước vào thế giới nghệ thuật với công việc vẽ tranh minh họa cho các tờ báo cũng như thiết kế bìa sách và áp phích. Khả năng thể hiện các đối tượng bắt mắt một cách cô đọng mà đầy tính nghệ thuật đi kèm với khả năng đặt ra các câu hỏi phức tạp đã khiến ông trở thành một người thiết kế trò giải đố rất nổi tiếng. Tác phẩm trên giấy này được tạo ra trong thời gian ông làm việc cho tờ Philadelphia Press, nơi ông đã sáng tạo các câu đố cho ấn bản Chủ nhật từ năm 1899. Trong câu đố cụ thể này, độc giả được yêu cầu tìm người thổi sáo ẩn nấp trong bức vẽ một người múa rắn, gửi câu trả lời của họ cho tờ báo sẽ có thưởng.
Những bức tranh giải đố này vừa mang lại thu nhập rất cần thiết cho Sloan, lại vừa chính là cơ hội quan trọng để vị họa sĩ chủ yếu tự học này có thể trau dồi kĩ năng của mình. Mặc dù rồi ông sẽ được biết đến nhiều nhất với những bức tranh hiện thực theo Trường phái Ashcan, nhưng những tác phẩm thời đầu này cho thấy sự linh hoạt trước đó của Sloan trong phong cách áp phích Art Nouveau. Theo lời David Scott khi mô tả về những bức tranh này, “Sloan hoàn toàn thích thú với công việc, và anh ấy đã dồn sự khéo léo cùng trí tưởng tượng vào những trò chơi nơi anh đùa giỡn với ngôn từ, hình dạng, và màu sắc.”
Mang đặc trưng của Art Nouveau, đường nét của Sloan trở nên huyền ảo khi nó có thể tự do thực hiện những chuyến du ngoạn nhịp nhàng khắc họa các hình dạng thực vật, mái tóc bồng bềnh, nếp gấp vải cuộn lên hay có hoa văn, hoặc dòng nước xoáy cuồn cuộn. Các đoạn trang trí đã được đưa một cách hào hứng đến bờ vực của sự trừu tượng độc lập. Ở đây, bức minh họa đầy màu sắc của Sloan vẽ một người phụ nữ đang chuyển động cơ thể theo một đường cong hình chữ “s” yêu kiều. Tay trái của cô cong lại ở một góc 90 độ với bàn tay chỉ về hướng con rắn mà cô ngắm nhìn nó cuộn tròn quanh cánh tay mình.
1907: Cửa sổ tiệm làm tóc (Hairdresser’s Window)
Đối với cả người xem và các nhân vật trong khung cảnh đường phố này, tiêu điểm bức tranh của Sloan là một nữ thợ làm tóc, có thể nhìn thấy qua cửa sổ tầng hai của một tòa nhà. Đứng xoay nghiêng người, với đôi tay đeo găng, cô ấy đang nhuộm mái tóc đỏ dài cho một người phụ nữ quay lưng về phía chúng ta. Đó là một lát cắt của cuộc sống thường nhật, hoàn thiện với sự hiển thị trực quan choáng ngợp đã nhấn mạnh đặc trưng của trải nghiệm đô thị vào đầu thế kỷ 20.
Tác phẩm này là một ví dụ thuở đầu quan trọng của Trường phái Ashcan, nhóm nghệ sĩ mà Sloan đóng vai trò chủ chốt. Các nghệ sĩ gắn liền với phong cách này đã vẽ lại những khoảnh khắc trong đời sống hàng ngày ở Thành phố New York, bảo tồn chủ nghĩa hiện thực trần tục mà gai góc của họ. Đồng thời, bức tranh trở thành một tuyên bố về việc nhìn – cả nhìn bức tranh lẫn thế giới. Theo John Loughery, “đề tài khung cửa sổ và chính cái hành động nhìn đã gần như chắc chắn trở thành mối bận tâm của Sloan…“
Sloan đã dành hàng giờ đi bộ trên đường phố và phác họa những cảnh tương tự với cảnh ông tìm thấy ở đây. Ông cũng làm việc từ cửa sổ và mái nhà mình, quan sát mọi người và cuộc sống của họ. Cùng lúc ghi chép lại về nhóm người nơi thành thị này, ông thường khắc họa sự cô đơn, thiếu mối quan hệ, và cảm giác bị cô lập có thể tồn tại giữa một đám đông. Hành động chải chuốt riêng tư được thực hiện cho một nhóm khán giả (mà vị khách không hề biết), nhưng tất cả những con người này vẫn là người dưng với nhau. Đó là một cộng đồng tình cờ, gắn kết với nhau trong một khoảnh khắc thoáng qua.
1907: Vũ trường Haymarket, Đại lộ Số sáu (The Haymarket, Sixth Avenue)
Tương phản về màu sắc, bức tranh của John Sloan vẽ một nhóm phụ nữ, mặc đồ trắng sang trọng, bước vào một tòa nhà giữa bóng tối của màn đêm. Tấm biển nằm phía trên cánh cửa được rọi sáng đang mở, mang dòng chữ “Haymarket”.
Bức tranh này, một trong nhiều tác phẩm về Thành phố New York mà Sloan sáng tác khi là một phần của Bộ Tám, vẽ một vũ trường. Đây là một đề tài khiếm nhã, đặc biệt là khi những người phụ nữ được mô tả đang bước vào tòa nhà (một vũ trường mang tiếng xấu) mà không có nam giới hộ tống. Điều này định rõ đặc trưng những phụ nữ hiện đại độc lập, tìm kiếm niềm vui và không bị ràng buộc bởi những kì vọng của xã hội thượng lưu đứng đắn của họ. Điều này là cấp tiến với nghệ thuật Mĩ.
Tuy nhiên, bất chấp đề tài khiêu khích của bức tranh, Sloan lại hạn chế bình luận hay phê bình xã hội công khai. Mặc dù bản thân ông có liên quan đến chính trị cấp tiến, nhưng các bức tranh của Sloan nhìn chung thiếu tính chỉ trích xã hội mà vốn là mục tiêu chính của một số thành viên trong Bộ Tám. Thay vì thể hiện cuộc sống thành thị qua một lăng kính duy nhất, các tác phẩm của Sloan thường nhập nhằng về mặt đạo đức. Theo John Loughery, đối với Sloan “… thành phố chứa đựng đồng thời cả cái tồi tàn lẫn hoa lệ, và những khoảnh khắc đau khổ lẫn phấn khích đó không đối lập mà nhất thiết phải gắn kết với nhau, hoặc không quá chồng chéo lên nhau mà cũng đan xen nhau.”
Có lẽ bị ảnh hưởng bởi xuất thân khác thường của vợ mình, Dolly, người từng làm việc trong nhà thổ, Sloan thường có một sự cảm thông với những người phụ nữ làm nghề mại dâm. Cụ thể trong tác phẩm này, nhà sử học Thomas J. Gilfoyle cho rằng những bức họa của Sloan về những cô gái điếm này nhân đạo hơn, và rằng, “thay vì miêu tả cô gái điếm trong nhà thổ hay như một lễ vật cho đàn ông, Sloan đã thể hiện cô gái theo cách cô ấy thể hiện chính mình và khu phố của cô. Cô gái điếm, về bản chất, vẫn là một người phụ nữ bình thường.”
1912: Quán rượu McSorley (McSorley’s Bar)
Trong khi làm việc theo phong cách Trường phái Ashcan, Sloan đã tạo ra nhiều bức tranh phong cảnh về cuộc sống thường ngày ở Thành phố New York; nhưng điều quan trọng trong bức tranh này là họa sĩ không chỉ đơn giản là một người quan sát vô tư tại quán rượu, mà là một vị khách quen thường xuyên của nơi này. Hứng thú về các kiểu khách hàng khác nhau tại quán McSorley (hiện đã trở thành một huyền thoại và vẫn đang hoạt động), nơi chỉ tiếp khách nam, Sloan đã vẽ lại những con người này trong một khoảnh khắc trò chuyện sôi nổi. Giống với những bức tranh vẽ phụ nữ của Sloan, những người đàn ông được thể hiện ở đây không hề qua sự phán xét hay chỉ trích, mà thay vào đó là sự say mê vô tư đối với tư thế, cử chỉ và tính cách của họ.
Trong bức tranh này, quầy rượu bằng gỗ chiếm diện tích lớn ở chính giữa của bố cục, nhưng nó giúp liên kết nhân viên và khách hàng hơn là chia tách họ. Nổi bật bởi áo sơ mi trắng và tạp dề, hai người đàn ông phục vụ quầy rượu đứng ở trung tâm, tương phản với những vị khách đang trò chuyện và uống rượu. Hiệu ứng sống động, nhưng không phải ngoại lệ theo bất kì kiểu cách nào; Sloan cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về một khung cảnh bình thường của đời sống hàng ngày mà không cần tô điểm thêm để đạt hiệu ứng kịch tính hơn.
1914: Hoa hướng dương, Rocky Net (Sunflowers, Rocky Net)
Phần nước chiếm diện tích lớn ngay chính giữa bức tranh Hoa hướng dương, Rocky Net, nép mình giữa một ngôi làng xa xôi với những ngôi nhà và các tòa nhà gác chuông và một cánh đồng cỏ xanh loang lổ ở tiền cảnh. Một tảng đá lớn phía bên trái tương phản hoàn toàn với những bông hoa hướng dương dại mọc ven bờ nước.
Mùa hè năm 1914 rất quan trọng đối với Sloan, người đã tham gia cộng đồng nghệ thuật theo mùa Gloucester. Được giải thoát khỏi những gánh nặng ngột ngạt thường thấy của đời sống thành thị, đó là thời kì bùng nổ sức sáng tạo của Sloan. Trong mùa hè đầu tiên này, ông đã tạo ra sáu mươi bức tranh nhằm hoàn thành mục tiêu vẽ một bức tranh mỗi ngày. Hầu hết các tác phẩm này đều về cảnh quan của Gloucester. Khi [Sloan] thay đổi thói quen làm việc thông thường của mình, nhà sử học nghệ thuật John Loughery nhận định rằng Sloan đã “tạo lập được ‘thói quen làm việc'” và sẽ “vẽ ở ngoài trời vào mỗi buổi sáng bất kể nguồn cảm hứng gì, và cũng tự thấy hội họa của mình theo một lối trừu tượng, ít tường thuật hơn“. Như chúng ta thấy trong tác phẩm này, khi đã phóng thích các đối tượng gai góc của cuộc sống đô thị, Sloan sử dụng nét cọ lỏng tay hơn và kết hợp nhiều màu sắc hơn. Sự biến chuyển này làm sáng rõ sự ảnh hưởng của trường phái Ấn tượng và Hậu Ấn tượng, cụ thể là mô típ hoa hướng dương gợi ra một sự liên tưởng trực quan đến Claude Monet và Vincent Van Gogh.
Những bức phong cảnh ở Gloucester đã đánh dấu một bước ngoặt cho Sloan khi ông rời xa phong cách Trường phái Ashcan vốn có ảnh hưởng lớn trong các tác phẩm trước đây của ông. Sau đó, ông sẽ khám phá nhiều cách tiếp cận và phong cách phong phú trong những thập kỉ còn lại của sự nghiệp.
1921: Đại bàng của Tesuque (Eagles of Tesuque)
Bức tranh Đại bàng Tesuque thể hiện hai thành viên của bộ tộc da đỏ Pueblo biểu diễn điệu múa nghi lễ Đại bàng. Một nhóm người Mĩ bản địa đứng thành hàng bên trái các vũ công. Hậu cảnh là dãy nhà pueblo đặt trên nền trời xanh rực rỡ, đầy mây.
Tác phẩm này nói lên một chủ đề quan trọng trong các tác phẩm của Sloan: phong cảnh và con người vùng Tây Nam nước Mĩ. Theo lời khuyên của Robert Henri, Sloan bắt đầu nghỉ hè ở Santa Fe, New Mexico vào năm 1919. Không giống như bất cứ điều gì ông đã trải qua ở Bờ Đông, phong cảnh tại đây mang lại nhiều cảm hứng cho những bức tranh mà họa sĩ đã tuyên bố về chúng rằng: “Tôi thích vẽ phong cảnh miền Tây Nam bởi những hình khối hình học tinh tế và màu sắc đẹp mắt […] Mặt đất không phủ đầy nấm mốc xanh như những nơi khác […] Vì không khí trong lành nên bạn có thể cảm nhận được sự chân thực của vạn vật trong khoảng cách xa.” Theo thời gian, khu vực này sẽ thu hút các nghệ sĩ hiện đại khác, đáng chú ý nhất là Georgia O’Keeffe, bị thu hút bởi màu sắc và bầu không khí, cũng như việc thoát khỏi cuộc sống sôi động của Thành phố New York.
1927: Con đường Trắng (The White Way)
Lấy bối cảnh tại ngã tư sầm uất của Phố Broadway và Phố Năm mươi của Thành phố New York, Sloan gợi lên cảnh một ngày mùa đông lạnh giá với những con đường đầy tuyết đông đúc và dòng người đi bộ hối hả. Đằng sau họ là rất nhiều các tòa nhà được chiếu sáng, một cột đèn đường, và một chiếc xe buýt đang chạy trên phố.
Cảm hứng cho tác phẩm này xuất phát từ một bản phác thảo mà ông đã thực sự vẽ trong cái buốt giá, khắc họa lại bầu không khí và sinh lực của một khoảnh khắc bất chợt. Mặc dù chủ đề về cuộc sống đô thị vốn đã là một chủ đề thường thấy đối với Sloan, bức tranh thuộc giai đoạn sau này lại tôn vinh vẻ tươi sáng và năng động của thành phố, ít lưu tâm đến trải nghiệm của các cá nhân hơn so với những bức tranh Trường phái Ashcan trước đó của ông. Bức tranh có tính chất quan sát nhiều hơn, được thể hiện bằng một bảng màu sáng hơn và các nét vẽ lỏng tay hơn đem lại cảm giác kiểu Ấn tượng hơn. Điều này cho thấy một sự thay đổi tổng quát trong tranh của Sloan; ngay sau khi bức vẽ này được hoàn thiện, ông sẽ đổ dồn sự chăm chú của mình sang các bức tranh phong cảnh, chân dung và khỏa thân.
1950: Mẫu khỏa thân với gương cầm tay màu đỏ (Nude with Red Hand Mirror)
Như đã được phản ánh ở tiêu đề, bức tranh này vẽ một người phụ nữ khỏa thân ngồi trên ghế, hai chân bắt chéo và được che một phần bởi tấm chăn màu đỏ, cơ thể cô quay sang phải để cô ấy có thể nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của mình trong chiếc gương nhỏ màu đỏ mà cô đang cầm trên tay phải. Người phụ nữ nổi bật hẳn so với khung cảnh xung quanh, dường như quá to lớn so với góc nhỏ của căn phòng này, với làn da nhợt nhạt tương phản rõ rệt với tấm vải màu xanh rực rỡ và chiếc chăn đỏ ôm quanh cô ấy.
Bức tranh này minh họa hai đặc trưng trong sự nghiệp của Sloan giai đoạn sau, về cả đề tài lẫn phong cách. Từ những năm 1920, Sloan bắt đầu thường xuyên vẽ mẫu nữ khỏa thân. Bức tranh này cũng cho thấy một ví dụ điển hình về kỹ thuật đường gạch chéo độc đáo mà Sloan đã sử dụng để làm nổi bật các nhân vật của mình. Thay vì những nét cọ quét, chiều kích của hình người phụ nữ được miêu tả bằng một loạt các đường cong và chồng lên nhau.
Sự kết hợp giữa một đề tài mang tính truyền thống cao với một kỹ thuật tân tiến này đã không nhiều nhà phê bình cũng như công chúng chật vật khi gắng hiểu nó đón nhận nồng nhiệt. David Scott đã giải thích rằng các khán giả đương đại đã bối rối với cách tiếp cận này bởi “các nhân vật của ông về cơ bản đại diện cho một sự truyền tải cái thế giới hình ảnh như chúng ta biết, trong khi các vết trên bề mặt lại thuộc về một mặt phẳng trừu tượng khác.” Sự kết hợp giữa thiết kế trừu tượng và tượng hình này khiến tác phẩm của vị họa sĩ trở nên kém hấp dẫn hơn đối với những người trước đây từng đánh giá cao chủ nghĩa hiện thực của ông. Đồng thời, nó vẫn quá thiên về chủ nghĩa tự nhiên để thu hút các nhà sưu tập tranh trừu tượng, khiến thị trường không mấy quan tâm đến những bức tranh này. Quyết định mạnh dạn thay đổi phong cách ở giai đoạn cuối của sự nghiệp thể hiện lòng tận tâm thử nghiệm của Sloan và niềm tin của ông vào sự tự do nghệ thuật. Bất chấp những hậu quả nghiêm trọng về tài chính, John Sloan thực sự là một nghệ sĩ hiện đại, không ngại phá cách, và thử những điều mới.
Nguyên bản tiếng Anh do Jessica DiPalma tổng hợp và viết, Sarah Archino hiệu đính và bổ sung hai phần Sơ lược và Thành tựu. Minx Trần dịch sang tiếng Việt. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Một góc nhìn phân biệt Nghệ thuật thị giác và Thiết kế đồ họa trong bối cảnh Hiện đại
- 2. Art Nouveau (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 3. Art Nouveau (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 4. Art Nouveau (Phần 3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật
- 5. Gustav Klimt (Phần 1) - Sơ lược, các thành tựu, tiểu sử
- 6. Gustav Klimt (Phần 2) - Tiểu sử và thành tựu
- 7. Gustav Klimt (Phần 3) - Các tác phẩm nổi bật
- 8. Arts & Crafts (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 9. Arts & Crafts (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 10. Arts & Crafts (3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật