John Sloan (Phần 1)

John Sloan là một trong những người sáng lập trường phái Ashcan – nhóm nghệ sĩ tiên phong New York giúp hình thành nên chủ nghĩa Hiện thực đặc biệt của nước Mĩ. Sloan đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tự do nghệ thuật và cơ hội triển lãm cho nghệ sĩ. Bên cạnh đó, ông là một tài năng lớn cả trong hội hoạ và tranh in với những tác phẩm hấp dẫn, tinh tế, đôi khi mãnh liệt thể hiện quan điểm chính trị phản chiến và ủng hộ tầng lớp lao động. Chúng ta sẽ tìm hiểu về Sloan trong loạt bài 2 phần. 

  • Mặc dù nghệ thuật không thể nuôi sống cuộc đời, nhưng nghệ thuật làm cho cuộc đời trở nên đáng sống. Nghệ thuật khiến việc sống là sống. Nghệ thuật khiến đói khát là sống. Nó (nghệ thuật) khiến lo âu, rắc rối, khiến cả một cuộc đời túng thiếu cằn cỗi nhất – là sống. Nghệ thuật đem lại sự sống cho cuộc sống.
  • Các ‘phong trào mới trong Nghệ thuật’ giúp rót rất nhiều sự nhiệt huyết của một nghệ sĩ vào trong tác phẩm của họ, một hiệu ứng khá kích thích tới bầu không khí chung, mở rộng tầm nhìn của con người, phá vỡ khuôn khổ và khẳng định tự do. 

Tóm lược về John Sloan

Ghi chép lại đời sống đô thị bằng bằng con mắt tinh tường, chủ nghĩa hiện thực của John Sloan là một phần của cuộc cách mạng nghệ thuật Hoa Kì vào đầu thế kỉ 20. Quay lưng lại với các chủ đề và phong cách tế nhị của nghệ thuật truyền thống, các thành viên của Bộ Tám, hay thường được gọi là Trường phái Ashcan, nắm bắt những trải nghiệm hàng ngày của cuộc sống hiện đại. Sloan nằm trong tâm điểm của nhóm nghệ sĩ này, với tư cách là người khuyến khích biểu hiện nghệ thuật tự do và các không gian triển lãm mới, ông đã giữ vai trò trọng yếu trong việc thu hút sự chú ý của công chúng đến với phong cách mới mẻ này. Cùng Robert Henri, Sloan đã đưa nghệ thuật Hoa Kì đến với vòng tay hoan nghênh của công chúng cả trong nước và quốc tế. 

John Sloan sinh ngày 02/08/1871 ở Lock Haven, Pennsylvania, Mĩ và mất ngày 07/09/1951 ở Hanover, New Hampshire, Mĩ. Ông hoạt động nghệ thuật từ khoảng 1900 tới khi mất. Các tác phẩm của ông nằm trong các trào lưu và phong cách Art Nouveau, Trường phái Ashcan, và chủ nghĩa Hiện thực Mĩ

Những thành tựu chính

  • Thuộc nhóm nghệ sĩ từng theo học Robert Henri, John Sloan là một trong các thành viên sáng lập của Bộ Tám (the Eight). Thường được gọi với cái tên Trường phái Ashcan bởi cách họ thẳng thắn khắc họa đời sống đô thị nghiệt ngã, nhóm này nằm trong số những nghệ sĩ Mĩ đầu tiên dám thách thức các đề tài và phong cách của nghệ thuật cao cấp truyền thống.
  • John Sloan đã khắc họa đa dạng các kiểu người khác nhau, bao gồm cả gái mại dâm và phụ nữ lao động, nhưng không giống với các họa sĩ cùng thời ông, Sloan không vẽ ra các phiên bản chỉ trích hay đạo đức hóa những đối tượng của mình. Thay vào đó, ông để họ xuất hiện trước người xem với dáng vẻ không hoàn mỹ mà mơ hồ, giữ lại tất cả các chi tiết về đời sống khác thường của họ mà không có bất cứ sự phán xét nào. 

Được truyền cảm hứng bởi chính lòng tận tâm của mình đối với nền chính trị cấp tiến, John Sloan là một người ủng hộ quyết liệt cho quyền tự do nghệ thuật. Kĩ năng tổ chức của ông rất cần thiết trong việc thành lập các địa điểm độc lập nơi trưng bày nghệ thuật không cần thông qua ban hội thẩm. Nhóm lớn nhất trong số các nhóm này, Hiệp hội Nghệ sĩ Độc lập (the Society of Independent Artists), đã hoạt động từ năm 1917 tới 1944 (với Sloan giữ chức chủ tịch trong tất cả các năm trừ năm đầu tiên).

Tiểu sử của John Sloan 

Tuổi thơ và Giáo dục

John French Sloan là con trưởng và là con trai duy nhất của James Dixon Sloan và Henrietta Ireland Sloan. Trong khi gia đình bên mẹ ông là thương gia khá giả trong lĩnh vực văn phòng phẩm và giấy, thì cha ông khá vất vả trong công việc kinh doanh. Dẫu vậy, vì bản thân cũng là một nghệ sĩ nghiệp dư, cha ông đã rất khuyến khích Sloan trên con đường nghệ thuật ngay từ khi ông còn trẻ, cùng với chị gái ông Marianna, người mà sau này cũng trở thành một hoạ sĩ. Khi 16 tuổi, Sloan nghỉ học và bắt đầu làm việc toàn thời gian để phụ giúp gia đình.

Những đào tạo ban đầu

Sloan làm việc tại hiệu sách Porter & Coates ở Philadelphia, nơi ông tự học bằng cách sao chép các bản in bán trong cửa hàng. Những bức tranh khắc a-xít của ông đẹp đến mức người chủ cửa hàng đã rao bán chúng.

Mãi đến năm 1890, Sloan mới bắt đầu theo học nghệ thuật chính qui, đăng kí tham gia một lớp học tại Học viện Spring Garden ở Philadelphia. Ngày càng tự tin vào chính kĩ năng của mình, năm 1891, ông trở thành một nghệ sĩ tự do. Rốt cục, ông bắt đầu làm việc cho các tờ báo với tư cách là một họa sĩ minh họa, một công việc gắn liền với ông hàng thập kỉ. Thoải mái với sự gắn bó thân thiết cùng các nghệ sĩ đồng nghiệp của mình, về sau ông mô tả khoảng thời gian này tốt hơn thời đại học với “tất cả niềm vui và không một kì thi nào.” Các áp phích và quảng cáo mà ông tạo cho những tờ báo này đều dựa trên phong cách Art Nouveau và thường bao gồm các câu đố cùng trò chơi dí dỏm và phức tạp.

Chân dung tự hoạ năm 1890 của John Sloan

Sloan đăng kí vào Học viện Mỹ thuật Pennsylvania, nơi ông gặp nghệ sĩ Robert Henri tại một bữa tiệc Giáng sinh năm 1892. Henri sẽ trở thành người cố vấn và hình mẫu người cha của Sloan; Câu lạc bộ chì Than của Henri (Henri’s Charcoal Club) đã cung cấp cho các nghệ sĩ trẻ một khóa đào tạo nghệ thuật ít tốn kém hơn, cởi mở hơn so với những gì được cung cấp tại Học viện. Nhóm cũng gặp gỡ tại xưởng vẽ của Henri trong các buổi tụ tập tối thứ Năm hàng tuần, nơi các cuộc thảo luận về nghệ thuật song hành với những trò tinh quái và giao lưu.

Từ trái qua: Everett Shinn, Robert Henri, John Sloan (khoảng 1896)

Năm 1894, sự bất mãn của Sloan với Học viện lên đến đỉnh điểm khi một giáo sư trừng phạt ông vì đã phác họa một người bạn cùng lớp thay vì người mẫu chính thức. Ông bỏ học, đánh dấu sự kết thúc việc đào tạo nghệ thuật truyền thống của mình, và dựa vào danh tiếng ngày càng lớn của bản thân với tư cách là một họa sĩ minh họa và họa sĩ áp phích để đảm bảo tài chính. Ông rất thành công: từ năm 1902 đến năm 1916, ông đã tạo ra hơn 900 bức tranh minh họa cho sách và tạp chí, bên cạnh công việc ổn định cho tờ Philadelphia Press, nơi các tranh-đố của ông cho ấn bản Chủ nhật của tờ báo này được phổ biến rộng rãi.

Câu đố Lỗi Quốc tế (The International Error Puzzle) – một thiết kế (câu đố kèm minh hoạ) của John Sloan cho ấn bản ngày Chủ Nhật của tờ Philadelphia Press

Về khía cạnh riêng tư, khi một người bạn đưa Sloan – người vốn ngại giao lưu xã hội – tới một nhà chứa ở Philadelphia vào năm 1898, ông đã ngay lập tức có tình cảm với một trong những người phụ nữ nơi đây. Vào cuối cuộc gặp gỡ đầu tiên với Anna Wall (hay được biết đến với cái tên Dolly), ông đã bày tỏ tình cảm nghiêm túc của mình với cô và thuyết phục cô rời bỏ người yêu hiện tại. Bất chấp sự lo lắng của bạn bè, ông bắt đầu sống với Dolly và họ kết hôn vào năm 1901. Cuộc sống chung của họ khá phức tạp bởi sự bất ổn về mặt cảm xúc, bệnh tật thường xuyên, và cuộc chiến suốt đời với chứng nghiện rượu của Dolly.

Kỉ niệm (Memory) – một bức tranh được Sloan vẽ sau khi vợ của Robert Henri, Linda, qua đời. Tác phẩm tái hiện một buổi tối mà hai cặp đôi cùng trải qua ở nhà: Linda đọc sách thành tiếng, trong khi Henri và Sloan vẽ, và Dolly lắng nghe.

Thời kỳ trưởng thành 

Năm 1904, Sloan chuyển đến Thành phố New York, gia nhập nhóm nghệ sĩ liên quan tới Henri đã đang sinh sống ở đó. Ông lập tức bắt đầu tạo ra những bức tranh ghi lại những khoảnh khắc đời thường của cuộc sống thành phố. Được biết đến với cái tên Bộ Tám, nhóm này có chung một phong cách miêu tả hiện thực gai góc và khung cảnh đô thị mà đã dẫn đến biệt danh của họ: Trường phái Ashcan. Sloan trở thành lực lượng chính trong việc tổ chức và thúc đẩy công việc của nhóm. Khi các chủ đề hiện thực phi truyền thống của họ bị từ chối khỏi các cuộc triển lãm có uy tín, Sloan đã có công trong việc tổ chức một buổi trưng bày tác phẩm của họ tại Phòng trưng bày Macbeth vào tháng 2 năm 1908. Được công bố rộng rãi, cuộc triển lãm đã là một bước đột phá đối với nghệ thuật tiền-tiến Mỹ, nới lỏng sự kiểm soát của các tổ chức nghệ thuật bảo thủ. Ông đã giúp tổ chức một buổi biểu diễn lớn hơn nhiều cho các nghệ sĩ độc lập vào năm 1910. Nhiều thành viên của nhóm Henri đã được đưa vào Triển lãm Armory năm 1913, đánh dấu sự đóng góp của Bộ Tám cho sự phát triển của nghệ thuật hiện đại ở Mỹ. Bất chấp những khác biệt về phong cách giữa các thành viên trong Bộ Tám, lòng tận tụy của họ đối với chủ nghĩa hiện thực hiện đại và tính độc lập trong nghệ thuật đã được tạo điều kiện thuận lợi nhờ sự siêng năng và cống hiến của Sloan cho lí tưởng chung. 

Một vụ tấn công nhẹ của chiều thứ ba do nghiên cứu quá độ đối với những bức tranh Lập thể được nhắc đến nhiều trong Triển lãm Quốc tế ở New York”, John Sloan, 04/1913

Khi danh tiếng nghệ sĩ của Sloan ngày càng lớn thì mối bận tâm của ông đối với hoạt động chính trị cũng lớn theo. Ông và Dolly trở thành những người ủng hộ nhiệt thành của Chủ nghĩa Xã hội. Họ tham gia rất nhiều vào các chiến dịch quyên tiền để hỗ trợ những người lao động đình công và thậm chí ủng hộ nhà văn theo chủ nghĩa vô chính phủ Emma Goldman. Sloan tình nguyện làm biên tập viên nghệ thuật cho tạp chí chính trị cánh tả The Masses (TD: Đại chúng). Ông là người ủng hộ mạnh mẽ quyền tự do nghệ thuật và sự được công nhận của các nghệ sĩ Mĩ đương đại. Ông là thành viên sáng lập của Hiệp hội Nghệ sĩ Độc lập (bắt đầu vào năm 1917) và giữ vị trí đứng đầu tổ chức trong suốt 27 năm.

Sau chiến tranh là có một chiếc mề-đay và có thể là một công việc (After the War a Medal and Maybe a Job), một hình ảnh phản chiến (Thế chiến I) của John Sloan năm 1914
Bìa số ngày 01/07/1914 của tờ The Masses, với bức tranh mang tên “Bắt tận tay” (Caught Red-Handed, Red-Handed theo nghĩa đen là tay màu đỏ) của John Sloan

Năm 1916, Sloan nhận công việc giảng dạy toàn thời gian đầu tiên tại Liên đoàn Sinh viên Nghệ thuật. Ông thích sự tương tác với các sinh viên và lòng háo hức học hỏi từ ông của họ. Ông cũng đã xây dựng một danh tiếng về việc thách thức các phương pháp giảng dạy được thiết lập sẵn với sự mãnh liệt mà một sinh viên của ông đã miêu tả là, “ôi, cái cách ông ấy chỉ trích các tổ chức [nghệ thuật]; cách ông ấy chỉ trích các nghệ sĩ thương mại, họa sĩ vẽ chân dung, v.v!…Ông ấy cũng có thể chửi thề một cách thực sự khéo léo.” Các lớp học của ông rất được học viên yêu thích và những người theo ông đến mức sùng đạo thậm chí còn tự gọi mình là “những kẻ điên kiểu Sloan” (Sloanian nuts) với niềm tự hào sâu sắc. Một ngoại lệ đáng chú ý là cậu bé Jackson Pollock, người được cho là đã bỏ lớp vẽ của Sloan khi cậu không được phép tập trung vào hình ảnh trừu tượng.

Sloan bắt đầu tận hưởng mùa hè của mình tại khu thuộc địa nghệ thuật ở Gloucester, Massachusetts vào năm 1914, tuy nhiên đến năm 1919, ông cảm thấy nơi nghỉ dưỡng này ngày càng đông đúc. Ông là một trong những người Mĩ theo chủ nghĩa Hiện đại đầu tiên bắt đầu nghỉ hè ở New Mexico, một sự thay đổi đã truyền cảm hứng cho tác phẩm tương lai của ông. Bên cạnh những hình thức phong cảnh mới mẻ, vốn là nguồn cảm hứng lớn, ông cũng ngưỡng mộ tác phẩm của người Mĩ bản địa ở miền Tây Nam. Ông trở thành người ủng hộ các nghệ sĩ bộ lạc, lần đầu tiên tổ chức một cuộc triển lãm trưng bày các phẩm của họ tại Hiệp hội Nghệ sĩ Độc lập vào năm 1922 và sau đó giúp tổ chức Triển lãm Nghệ thuật Bộ lạc Da đỏ (Indian Tribal Arts) tại một phòng trưng bày ở New York vào năm 1931; chương trình sau đó đã đi đến các tiểu bang khác và châu Âu.

Nghệ thuật Ấn Độ bên xa lộ (Indian Art by the Highway) (1937) của John Sloan

Giai đoạn cuối đời

Những thập kỉ cuối cùng trong sự nghiệp của Sloan tập trung nhiều hơn vào các bức tranh phong cảnh miền Tây Nam nước Mĩ và mối quan tâm ngày lớn dần với tranh vẽ người và tranh khỏa thân. Thật không may cho Sloan, cách tiếp cận mới của ông (bao gồm thuật vẽ gạch chéo để miêu tả chiều kích của các hình vẽ và việc phủ bóng các bức tranh) không được các nhà phê bình đón nhận nồng nhiệt và danh tiếng của ông cũng giảm sút.

Chân dung tự hoạ của John Sloan vẽ năm 1929

Trong những năm này, ông gặp nhiều vấn đề về sức khỏe và phải gánh chịu các hóa đơn y tế. Ông cũng phải đối mặt với việc Dolly uống rượu càng ngày càng nhiều hơn. Bà trở nên ghen tuông với bất kì học viên hay người mẫu nào tỏ ra quan tâm đến Sloan. Mặc dù đã xảy ra một số cuộc vụng trộm nhưng ông vẫn luôn kết hôn với Dolly. Cụ thể, một cựu học viên, Helen Farr, người đã cùng hai vợ chồng đến New Mexico khi cô viết cuốn sách về những lời giảng của Sloan về nghệ thuật, là một mối đe dọa đặc biệt đối với Dolly. Mặc cho những nỗ lực của bà để giữ Sloan tránh xa khỏi Farr, hai người này vẫn có một mối tình kéo dài hai năm kể từ 1934 và cuốn sách Gist of Art (Cốt Lõi của Nghệ Thuật) được xuất bản năm 1939.

Helen bên giá vẽ (Helen at the Easel) (1947) của John Sloa

Sau cái chết của Dolly vào tháng 3 năm 1943, Helen Farr đã tìm đến Sloan và họ đã hàn gắn mối quan hệ. Hai người kết hôn vào tháng 2 năm 1944 mặc bất chấp sự chênh lệch bốn mươi năm tuổi tác. Với sự hỗ trợ của cô, sức khỏe của Sloan hồi phục nhanh chóng và mặc cho thị lực giảm sút, ông vẫn tiếp tục vẽ. Tuy nhiên, vào năm 1951, ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và qua đời vì biến chứng sau phẫu thuật.

Di sản của John Sloan

Sloan đóng vai trò dẫn đầu trong sự gắn kết thường là gai góc và mang tính đổi mới  của Trường phái Ashcan với cuộc sống đô thị. Những bức tranh này mang đến một cái nhìn chân thực về cuộc sống và mở rộng danh sách các chủ đề được chấp nhận là mĩ thuật, thúc đẩy cách tiếp cận chủ nghĩa hiện thực hiện đại độc đáo của nghệ thuật Mĩ. Mặc dù Sloan tách biệt quan điểm chính trị cá nhân khỏi tác phẩm của mình, nhưng lăng kính không lí tưởng về đời sống thành thị cùng lòng thương cảm cho giai cấp công nhân của ông sau rồi sẽ ảnh hưởng tới những người theo Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội (Social Realism) vào những năm 1930. 

Tem do Mĩ phát hành để vinh danh John Sloan vào năm 1971

Sự giảng dạy cùng những tác phẩm của Sloan đã giúp đặt nền móng cho sự phát triển của phong trào chủ nghĩa Hiện thực Đương đại (Contemporary Realism), có thể nhận thấy rõ qua những nét vẽ mềm mại và màu sắc sống động của Lois Dodd và Fairfield Porter. Sự đóng góp của ông trong việc tạo ra thêm các cơ hội triển lãm mới cho các nghệ sĩ độc lập cũng như sự ủng hộ của ông đối với tự do và đổi mới nghệ thuật đã đóng vai trò trọng yếu đối với sự phát triển của tiền-tiến Mĩ.

Nguyên bản tiếng Anh do Jessica DiPalma tổng hợp và viết, Sarah Archino hiệu đính và bổ sung hai phần Sơ lược và Thành tựu. Minx Trần dịch sang tiếng Việt. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.

Cùng tác giả

#Tag

hội họa Hương Mi Lê John Sloan Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Một chút gợi nhớ, một chút bình yên trong tranh của Onyamamoto
Một chút gợi nhớ, một chút bình yên trong tranh của Onyamamoto
Là những phong cảnh đường phố bình dị, các bức tranh của Onyamamoto gợi lên sự bình yên sống động. Không tĩnh lặng nhưng cũng chẳng ồn ào, dường như…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
Khi nói về trường phái New York và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20, chúng ta không thể không nhắc tới chương trình giáo dục thiết kế…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…