Georges Rouault (Phần 3)

Trong phần cuối cùng của loạt ba bài về Georges Rouault, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông theo trình tự thời gian. Lần lượt, bạn đọc sẽ được thấy hình ảnh đặc trưng của các hình tượng tiêu biểu mà Rouault gửi gắm tình thương và niềm tin cũng như xây dựng trong suốt sự nghiệp của mình là gái mại dâm, chú hề, và Đấng Ki-tô, cho tới khung cảnh trong Kinh thánh…

1905: Trò chơi thảm sát 

Màu nước, bột màu, mực Ấn Độ và phấn màu trên giấy – Trung tâm Georges Pompidou, Paris, Pháp

Khung cảnh trong Trò chơi thảm sát (Jeu de massacre) đại diện cho một gian hàng hội chợ của trò chơi Dì Sally phiên bản Pháp. Những nhân vật có kích thước như người thật ở hậu cảnh là những con rối phải bị đánh gục bởi những quả bóng gỗ mà người phụ nữ mặc đồ đỏ ở tiền cảnh dường như đang bán. Ở trên đầu của các hình người có dòng chữ “La Noce à Nini Patte en l’Air” chỉ ra rằng bối cảnh phải là đám cưới của Nini Patte en l’Air, một vũ công Moulin Rouge nổi tiếng. Màu nước mang tông màu tối. Các đường nét điên cuồng và mang tính phác thảo làm nổi bật bầu không khí giận dữ của toàn bộ bố cục.

Theo truyền thống, các con rối trong trò chơi Dì Sally được dựa trên các nhân vật nổi tiếng của địa phương hoặc quốc gia. Ở đây, Rouault chọn cách bình luận về giai cấp tư sản vô danh bằng cách miêu tả một hàng nhân vật lú lẫn và thiếu sức sống. Sự cách điệu của những con rối làm bức tranh biếm họa trở nên trầm trọng hơn vì chúng ta không thể phân biệt được con rối với con người. Không gian vui nhộn của trò chơi nhường chỗ cho sự khắc hoạ chân dung kỳ cục và thảm hại của các tầng lớp tư sản. Hơn nữa, nhóm người ở đây được cho là tham dự đám cưới của một nhân vật nổi tiếng hạng hai hạng ba, điều này càng làm tăng thêm sự miêu tả châm biếm về tầng lớp vốn coi thường những hoạt động hội hè kiểu như vậy.

Rouault dường như có sự đồng cảm nhiều nhất là đối với người nghệ sĩ giải trí. Mặc một chiếc váy đỏ phô trương, cô là trung tâm của khung cảnh và có một ánh nhìn nghiêm nghị và sâu lắng (không giống như những đối trọng nom vô hồn của cô ấy). Tuy nhiên, thay vì thu hút người chơi, cô ấy lại có vẻ u sầu và buồn chán như những con rối của mình. Người nghệ sĩ loại bỏ khía cạnh lấp lánh và sống động của đời sống giải trí và để lộ một góc buồn hơn và u ám hơn. Tác phẩm (vẽ trên giấy) lần đầu tiên được trưng bày tại Salon d’Automne năm 1905, nơi ra mắt nhóm Dã thú. Nó có một số chủ đề mà Rouault sẽ miêu tả trong sự nghiệp tương lai của mình: phê bình xã hội, nghệ sĩ giải trí, mại dâm và giải trí.

1906-08: Hai người khỏa thân (Những nhân ngư)

Bột màu trên giấy – Bảo tàng Norton Simon, Pasadena, California, Mỹ

Gái mại dâm là một chủ đề lặp đi lặp lại trong sự nghiệp của Rouault. Ở đây, trong bức tranh Hai người khoả thân (The Sirens) (Two Nudes (The Sirens)) chúng ta có hai người phụ nữ ngồi (“những nhân ngư”) chờ khách hàng. Họ khỏa thân, chỉ mang mỗi trang sức và kiểu tóc búi cao. Màu sắc tươi sáng của da thịt họ tương phản với nền hơi xanh của đêm và nhấn mạnh vẻ thô kệch của thân hình to lớn và chảy xệ. Những người phụ nữ trông chán chường và mệt mỏi. Tuy nhiên, một trong hai người phụ nữ có thể đang mỉm cười (có thể là với một khách hàng tiềm năng).

Rouault không tìm cách lên án những người mẫu của mình, mà muốn phơi bày (và tố cáo) những thực tế khắc nghiệt trong nghề nghiệp của họ. Da thịt lộ ra ngoài và thô kệch của họ nhân cách hóa sự dễ bị tổn thương đáng buồn của phụ nữ, trong khi Rouault tìm cách truyền đạt cảm giác đồng cảm với những người phụ nữ này. Với những đường màu đen đậm mang tính cử chỉ – mà sẽ sớm trở thành phong cách đặc trưng của ông – ông đã làm bật nên tính nữ những đường cong của họ. Với bảng màu ấm áp cho da thịt, ông cũng nhấn mạnh sự gợi cảm trong trạng thái khoả thân. Hơn nữa, bằng cách đặt tên cho họ là “nhân ngư”, Rouault gợi nhớ những bức tranh biếm họa dí dỏm của Daumier, người mà ông ngưỡng mộ, và nhấn mạnh sự tương phản gay gắt giữa sự khiêu gợi đầy cảm động của những người phụ nữ này, sự bóc lột mang tính xã hội và đạo đức đối với họ.

1912-27: Miserere

Cuốn sách minh họa với 58 bản in aquatint trên giấy Arches – Đĩa 3. “toujours flagellé” (“mãi mãi bị roi đánh”)

Công trình đồ sộ này được nhiều người coi là kiệt tác của Rouault. Người nghệ sĩ bắt đầu thực hiện nó từ năm 1912, chuẩn bị một cuốn sách vẽ bằng mực Ấn Độ. Năm 1916, nhà buôn tranh “khó tính” Ambroise Vollard đã đặt hàng một cuốn sách in và Rouault quyết định chuyển những bản vẽ ban đầu này thành những đĩa in đồng mà sau này trở thành bản in cho Miserere (Xót thương). Ban đầu được thai nghén như một cuốn sách hai tập, ấn phẩm này có 58 hình minh họa chia thành hai phần: MiserereGuerre (Chiến tranh). Nó được hoàn thành vào năm 1927 nhưng mãi đến năm 1948 mới được xuất bản.

Nhiều nhà phê bình đã ca ngợi Rouault về kỹ thuật in ấn bậc thầy của ông. Người nghệ sĩ đã làm đi làm lại với những đĩa in này liên tục trong suốt hai thập kỷ bằng cách sử dụng aquatint, khắc axít và chạm khắc để đạt được màu đen và xám giàu sắc độ, tạo ra những hình vẽ có đường viền rõ rệt của ông. Như Rouault đã nói trong phần Giới thiệu cuốn sách của mình: “Tôi đã cố gắng, chịu đựng những nỗi đau vô hạn, để duy trì nhịp điệu và chất lượng của bản vẽ gốc. Tôi đã làm việc không ngừng trên từng tấm, với mức độ thành công khác nhau, sử dụng nhiều công cụ khác nhau. Không có bí mật gì về phương pháp của mình. Không hài lòng, tôi làm lại các tấm này nhiều lần, đôi khi tạo ra tới mười lăm bản liên tiếp; vì tôi muốn chúng có chất lượng càng đồng đều càng tốt”.

Các bản in đều là đen trắng, có thể đã chịu ảnh hưởng bởi tranh khắc gỗ và sách minh họa của trường phái Biểu hiện Đức, có kích thước khoảng 63×48 cm, và được sáng tác dưới dạng vignette với truyền thuyết do chính Rouault viết. Bản thân hình ảnh kết hợp hình tượng tôn giáo và sự thể hiện cả sự khốn cùng lẫn tình yêu thương giữa con người. Đĩa 3 tập trung vào cuộc đời và đam mê của Chúa Kitô và quan niệm Công giáo về sự đau khổ của con người. Chúa Kitô của Rouault được mô tả đang đứng với cúi đầu và mắt nhắm nghiền. Khuôn mặt ngài lộ rõ vẻ đau đớn mặc dù ngài vẫn thản nhiên. Sau đó, trong sự nghiệp của mình, Rouault sẽ quay lại với hình ảnh biểu tượng về sự đau khổ thầm lặng của Chúa Kitô vì đối với ông, sự cứu rỗi duy nhất cho nhân loại là Chúa Kitô.

1937-38: Pierrot

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Mỹ thuật, Boston, Mỹ

Pierrot là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của Commedia Dell’Arte và đã rất nổi tiếng trong truyền thống kịch câm của Pháp từ thế kỷ 18. Tác phẩm chú hề này, thuộc về thời kỳ giữa đến cuối sự nghiệp của tác giả, là một phần của chuỗi tác phẩm đều có hình tượng Pierrot. 

Đối với Rouault, hình tượng chú hề buồn rầu ban đầu tượng trưng cho sự yếu đuối và dễ bị tổn thương của con người; trạng thái của những hy vọng hão huyền và những giấc mơ dang dở. Tuy nhiên, tính cách u ám và vẻ buồn bã của những chú hề thời kỳ đầu của Rouault sẽ nhường chỗ cho một nhân vật sân khấu thanh thản hơn. Ở đây, màu sắc tươi sáng và ấm áp với cả phần sân khấu và nhân vật được xử lý bằng cùng những sắc độ của trắng và đỏ. Các đường đậm màu đen đặc trưng của nghệ sĩ dùng phân định các mảng màu sắc theo kiểu cách Cloisonnism vốn là điển hình cho phong cách trưởng thành của Rouault; nó đưa người xem trở lại thực tế với nghệ thuật của kính màu trong khi việc làm phẳng hình ảnh giúp bức tranh đứng vững trong địa hạt của hiện đại.

Tất cả các tác phẩm Pierrot của Rouault đều có khuôn mặt thon dài và chiếc mũi thẳng giống nhau. Dáng người ở đây có vẻ khá yên bình với nụ cười nhẹ và đôi mắt vẫn nhắm nghiền. Nếu Pierrot thường được cho là một bản ngã khác của nghệ sĩ, thì ở đây, chú hề kỳ lạ, trầm tư, và thanh thản này có thể gợi lên sự bình an mới tìm thấy của Rouault vào giữa những năm 1930. 

“Tôi đã dành cả cuộc đời mình để vẽ những hoàng hôn”, Rouault hồi tưởng vào thời điểm đó, “Giờ đây, tôi nên có quyền được vẽ bình minh”. Lionello Venturi nói thêm: “Khi ông ấy vẽ những chú hề, sự kỳ quái trở nên dễ chịu, thậm chí đáng yêu […] màu sắc trở nên phong phú và rực rỡ, gần như thể người nghệ sĩ, đặt cánh tay của quân thập tự sang một bên trong giây lát, thư giãn trong ánh sáng của mặt trời và để nó tràn ngập vào tác phẩm của mình”.

Khoảng 1937: Đầu của Chúa Ki-tô

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Cleveland, Mỹ

Sử dụng các đường đen đơn giản, mạnh mẽ, Rouault đã vẽ nhiều bức chân dung của Chúa Ki-tô theo phong cách này. Sự pha trộn giữa các màu ấm và dịu được phân tách bằng các đường đậm nhấn mạnh khuôn mặt của Chúa Ki-tô, người cũng được bao quanh bởi một vầng hào quang mờ ảo. Sử dụng tông màu da thịt thực tế, bức tranh là một hình ảnh rất con người của Chúa. Biểu cảm của đôi mắt đặc biệt nổi bật, và khi được đặt ở tư thế hơi nghiêng đầu, nó củng cố chiều sâu của sự khôn ngoan của Người.

Rouault không tìm cách thể hiện một Đức Chúa Trời toàn trí và toàn năng trong Đấng Ki-tô của mình. Thông qua bức chân dung này, ông truyền tải Ki-tô như một trong vô vàn (hoặc duy nhất) mô tả của sự đồng cảm và lòng trắc ẩn. Tông màu da thịt trần trụi cùng với vẻ mặt chân thành thể hiện Ki-tô là một người đã trải qua mọi đớn đau (và hơn thế nữa) của phận người. Theo nghĩa này, Ki-tô có thể được so sánh với tất cả những kẻ bị ruồng bỏ mà Rouault miêu tả trong suốt sự nghiệp của mình. Những chú hề, nghệ sĩ giải trí, bản thân Pierrot và gái điếm trở thành hiện thân của Đấng Ki-tô. Nhưng, đối với người nghệ sĩ sùng đạo này, Đấng Kitô là Đấng Cứu chuộc cuối cùng. Cái nhìn của ngài ở đây mang tính thâm nhập nhưng không trừng phạt, và biểu hiện bình tĩnh của khuôn mặt mở ra một con đường dẫn đến tình yêu và sự tha thứ.

Năm 1952: Cảnh quan trong Kinh thánh với hai cái cây

Sơn dầu trên giấy bồi lên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ

Vào cuối đời, Rouault đã vẽ một loạt phong cảnh thường có tựa đề Phong cảnh trong Kinh thánh (Biblical Landscapes) hoặc Phong cảnh có Nhân vật (Landscapes with Figures). Bức tranh Phong cảnh trong Kinh thánh với hai cái cây (Biblical landscape with two trees) là điển hình của những tác phẩm sinh sau đẻ muộn này, được sáng tác với một kết cấu kiến trúc ở hậu cảnh và các nhân vật không xác định nằm ở tiền cảnh. Các nhân vật ở đây nằm ở chính giữa bức tranh được đóng khung bởi hai cái cây (cũng được đề cập trong tiêu đề). Vẽ tranh từ tưởng tượng của mình, Rouault đã cẩn thận xây dựng không gian của phong cảnh này để hỗ trợ các hình tượng người. Mặt trời hiện diện khắp nơi trong tất cả những bức tranh cuối này và chiếu sáng bố cục (như ở đây). Với màu chủ đạo là nâu sẫm và xanh lá cây ấm áp, Rouault sử dụng màu sắc không pha trộn, các hình phẳng và các đường viền màu đen đậm.

Lấy cảm hứng từ chính đức tin của ông, mỗi cảnh quan của ông đều thể hiện một bầu không khí tĩnh lặng và thanh bình. Trang phục của nhân vật chỉ ra thời cổ đại, và mặc dù tiêu đề không đề cập đến một câu chuyện cụ thể trong Kinh thánh, các nhân vật rất có thể là Chúa Giê-su đi cùng với các tín đồ. Với những phương tiện truyền tải đơn giản, nghệ sĩ nhìn lại những phong cảnh mang tính biểu tượng và kết hợp việc tìm kiếm màu sắc thuần khiết của mình với những ảnh hưởng cổ điển hơn. 

Thông qua những phương tiện này, Rouault gửi gắm vào khung cảnh của mình một chiều kích tâm linh sâu sắc điển hình đã đánh dấu ông là người độc nhất trong số các đồng nghiệp của mình. Trước đó trong sự nghiệp của Rouault, nhà thơ và nhà phê bình André Suarès đã nhắc trong một bài phê bình về tác phẩm của Rouault là “đừng bao giờ đánh tan bản nhạc huyền bí ẩn sâu bên trong bạn” – đó là lời khuyên mà ông đã lưu tâm trong suốt cuộc đời sáng tạo của mình.

Dịch: Nhung Ý Chi

Cùng tác giả

#Tag

Georges Rouault Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…