Georges Rouault (Phần 2)

Georges Rouault đã từng nói rằng mục đích duy nhất của ông là vẽ một Đức Ki-tô khiến ai thấy cũng sẽ bị cải đạo. Có thể nói rằng ông đã thành công, ông đã tạo ra những hình ảnh Chúa thực sự rúng động lòng người. Nhưng ông cũng từng được bị cả những nghệ sĩ Hiện đại lẫn những người Công đạo nghi ngại, thậm chí từ chối. Cho tới tận những năm 1980, Rouault mới được đánh giá lại dưới những ánh sáng khách quan và công bằng hơn, trả lại cho ông vị thế của nghệ sĩ tôn giáo sâu sắc nhất của thế kỷ 20 cũng như là một nghệ sĩ Hiện đại quan trọng. Trong phần thứ hai của loạt bài về Georges Rouault, chúng ta tìm hiểu thời kỳ trưởng thành, thời kỳ cuối, và di sản của ông.

  • “Máy móc xâm chiếm trái đất và bầu trời, đi xuống tầng sâu của biển cả, và sâu vào lòng hoang mạc mà không mảy may e sợ rằng nó làm phiền bầu không khí của buổi sáng. Chúng ta đang đi nhanh và nhanh hơn nữa, thậm chí không có cả thời gian để buông tiếng thở dài cuối cùng trước khi mình biến mất. Trong thời đại của máy móc này, nghệ thuật chính là phép màu.”
  • “Với tôi, hội hoạ là một cách để lãng quên cuộc sống. Đó là một tiếng khóc ban đêm, một tiếng cười bị bóp nghẹt lại.”
  • “Mục đích duy nhất của tôi là vẽ một Đức Ki-tô gây rung động tới mức mà bất cứ ai thấy Người cũng sẽ bị cải đạo.”
  • “Tôi là một tín đồ và một người thủ cựu. Ai cũng có thể làm cách mạng; nhưng điều khó khăn hơn thế nhiều là tuân theo những thúc giục bên trong chúng ta.”
  • “Người nghệ sĩ từ bỏ mọi lý thuyết, cả của chính anh ta và của kẻ khác. Anh ta quên đi tất cả khi đứng trước tấm toan vẽ của mình.”

Thời kỳ trưởng thành

Rouault bắt đầu gặt hái một số công nhận trong thế giới nghệ thuật những năm 1910. Các hình khối nặng nề hơn với các đường viền đen dày bắt đầu xuất hiện trong tranh của ông vào thời kỳ này. Ông cũng bắt đầu thử nghiệm với các phương tiện khác, đặc biệt là khắc. Năm 1910, Druet tổ chức buổi trưng bày cá nhân đầu tiên cho ông, tuy nhiên, bất chấp thành công ban đầu này, người nghệ sĩ vẫn mang dáng vẻ nghèo nàn, đơn độc. Thu nhập khiêm tốn từ công việc ổn định của ông tại Bảo tàng Moreau không đủ để nuôi sống cả gia đình và vào năm 1912, gia đình Rouault chuyển đến Versailles, nơi họ sống trong một ngôi nhà tồi tàn, đầy chuột bọ trong một khu phố cổ của thị trấn. 

Những hình ảnh đầy sức mạnh của Rouault không thể được miêu tả đơn giản là “kỳ quái”

Trong vòng vài ngày sau khi đến Versailles, cha của Georges, người mà ông đã luôn có những cuộc thảo luận rất lâu về bản chất của nghệ thuật đã qua đời. Đây lại là một nỗi đau như trời giáng khác đối với họa sĩ và ông đã tìm kiếm niềm an ủi trong sự đồng hành của Jacques Maritain, một thành viên khác của phong trào phục hưng Công giáo. Maritain là một nhà triết học được kính trọng, người đã cải đạo sang Công giáo La Mã vào năm 1905 (cũng đã chịu ảnh hưởng của Bloy). Thời kỳ này đã chứng tỏ một bước ngoặt đối với Rouault, người mà nghệ thuật sẽ ngày càng trở nên Công giáo hơn trong triển vọng của nó.

Không thể nguôi ngoai nỗi đau sau cái chết của cha mình, Rouault bắt đầu một loạt các bức vẽ bằng mực của Ấn Độ, mà cuối cùng sẽ làm nền tảng cho các bản khắc tạo nên kiệt tác đồ sộ của ông, cuốn Miserere (Thương xót). Rouault sẽ phải đợi đến năm 1948 để chứng kiến ​​dự án này chín quả khi cuốn sách được xuất bản với tổng cộng 58 bản khắc. Các bản vẽ ban đầu đều dựa trên Thi thiên thứ 50 về sự ăn năn trong phụng vụ Công giáo, Miserere mei Deus (Xin Chúa hãy thuơng xót con), nhưng Rouault cũng chịu ảnh hưởng bởi sự khủng khiếp của Thế chiến thứ nhất, và mối bận tâm của riêng ông đối với những người nằm bên lề xã hội.

Một vài bức trong cuốn Miserere

Trong Thế chiến I, nghệ sĩ được tuyên bố là không đạt tiêu chuẩn để nhập ngũ. Cả gia đình chuyển đến vùng quê Normandy nơi Rouault vẫn có thể vẽ trong cảnh tương đối hòa bình. Hình ảnh Chúa Kitô ngày càng trở nên phổ biến hơn trong tác phẩm của ông và vào năm 1917, Rouault đã ký hợp đồng với nhà môi giới nghệ thuật Ambroise Vollard. Người nghệ sĩ đã biết nhà môi giới trong nhiều năm và đã bắt đầu thảo luận về các điều khoản của họ ngay từ năm 1913. Cuối cùng, Rouault quyết định cho Vollard độc quyền nghệ thuật để đổi lấy một mức lương cố định; nhà môi giới thậm chí còn làm cho nghệ sĩ một xưởng vẽ trên tầng thượng nhà mình, nơi Rouault có thể làm việc theo tốc độ của riêng mình. Rouault đã đạt được sự an tâm về tài chính và giờ đây đã có thể cống hiến toàn bộ sức lực cho sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, Vollard được biết đến là một người bảo trợ đầy ganh đua và thích kiểm soát, thích độc quyền tác phẩm các nghệ sĩ của mình.

Vollard cũng yêu thích các cuốn sách và bản in và đã đặt hàng nhiều cuốn sách có minh họa từ Rouault. Vollard ngày càng trở nên đòi hỏi hơn và họa sĩ ngày càng vẽ ít hơn, tập trung nhiều hơn vào làm tranh in. Ông đã minh họa một số cuốn sách trong thời kỳ này bao gồm các phần tiếp theo trong Vua Ubu (Ubu Roi) (1927) của Alfred Jarry và Những bông hoa của tội ác (Fleurs du Mal) (1928) của Charles Baudelaire. 

Minh hoạ Cô dâu và chú rể (1926) cho cuốn Những bông hoa của tội ác

Năm 1928, Rouault và “người anh em trong nghệ thuật” của mình, nhà thơ và nhà phê bình Andre Suares, đã hoàn thành một dự án sách mà họ đã làm việc cùng nhau trong vài năm. Vollard, người có mối bất bình nhỏ nhặt với nhà thơ, đã từ chối xuất bản các bài viết của Suares. Mặc dù thất vọng, Rouault đã đồng ý thay thế thơ của Suares bằng các bài viết của chính ông, đặt tên cho cuốn sách đã hoàn thành là Rạp xiếc của Sao băng (The Circus of the Shooting Star).

Một vài bức trong Rạp xiếc của Sao băng

Bất chấp những bước tiến của mình trong lĩnh vực tranh in, từ giai đoạn 1927-1928, Rouault cam kết chỉ vẽ theo lối rồi sẽ trở thành phong cách đặc trưng của ông: những đường viền đen đậm bao quanh màu sắc và hình dạng. Ông đã quyết định chỉ sử dụng sơn dầu, từ bỏ hoàn toàn màu nước và bột màu. Những chú hề, những ả gái điếm, và hình tượng Chúa Kitô đã thống trị các tác phẩm của ông. Thế giới quan nhuốm màu Công giáo của ông đã phát triển mạnh mẽ hơn qua năm tháng và mang lại cho tác phẩm đầu ra của ông một chiều kích tâm linh thậm chí còn rất cao siêu. Như học giả William Dyrness đã phát biểu: “Rouault đã tìm kiếm để vẽ nên nguyên mẫu của thân phận con người trong hình tượng những chú hề, gái điếm và những người thuộc tầng lớp thấp hơn, những người sẽ được sống tốt hơn bởi tình đoàn kết gia đình hoặc sự hiện diện của Chúa Kitô”.

Trong thời kỳ trưởng thành của mình, Rouault đã tham gia nhiều cuộc triển lãm và những cuộc triển lãm này tương đối thành công với giới phê bình. Năm 1929, ông thiết kế trang trí và trang phục cho vở ba lê Đứa con hoang đàng (The Prodigal Son) cho người bạn của mình là Sergei Diaghilev và vào năm 1937, Rouault đã được cả thế giới công nhận khi trưng bày 42 bức tranh tại Hội chợ Thế giới Paris. Trong khi đó, ngoài nước Pháp, con trai của Matisse, Pierre, sẽ tổ chức cho Rouault ba cuộc triển lãm cá nhân tại phòng trưng bày của ông ở New York từ năm 1933 đến năm 1947.

Một cảnh trong vở ba lê Đứa con hoang đàng

Thời kỳ sau này

Năm 1939, Vollard thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe hơi và Rouault đột ngột được giải phóng khỏi hợp đồng với nhà môi giới của mình. Tuy nhiên, điền trang của Vollard đã phong tỏa lối vào nhà của ông, ngăn không cho Rouault lấy lại các bản phác thảo, ghi chép và các tác phẩm nghệ thuật chưa hoàn thành của mình. Chiến tranh thế giới thứ hai đã buộc Rouault phải rời Paris đến miền Nam nước Pháp rất lâu trước khi vấn đề được giải quyết. Tuy nhiên, khi ở phía Nam, ông đã tham gia cùng các nghệ sĩ di tản khác và tiếp tục vẽ tranh.

Mãi đến năm 1947, Rouault mới có thể giải quyết xong vụ kiện pháp lý của mình đối với gia sản Vollard. Ông đã kiện thành công những người thừa kế của Vollard để đòi trả lại khoảng 800 bức tranh, tuyên bố rằng chúng chưa hoàn thành và danh tiếng như một người họa sĩ của ông sẽ bị tổn hại vì chúng được bán trong tình trạng đó. Tòa án quyết định rằng họa sĩ là chủ sở hữu hợp pháp của chính những bức tranh của mình – “với điều kiện là ông không tặng chúng đi vì ông muốn thế” – và ông đảm bảo được sự trả lại hơn 700 bức tranh chưa hoàn thành đó. Một năm sau, trước khi ra công chứng, Rouault đã đốt cháy 315 tác phẩm dang dở mà ông cảm thấy mình không thể hoàn thành được nữa. Ông rồi sẽ đốt nhiều tác phẩm hơn vài năm sau đó. Đối với người nghệ sĩ, có vẻ như, phiên tòa là một chiến thắng về mặt đạo đức hơn là về mặt vật chất.

Một bức ‘phong cảnh kinh thánh’ được thực hiện trong những năm cuối đời của Rouault

Những tông màu ấm áp hạnh phúc và mãn nguyện hơn bắt đầu xuất hiện trong tranh của ông. Mười năm cuối cùng trong sự nghiệp của ông có đặc trưng là màu sắc rực rỡ, những bức tranh ít nghiêm trang hơn và sự quay trở lại với phong cảnh. Ông sẽ thử nghiệm với màu sắc cho đến cuối đời. Cuối cùng vào năm 1949, Giáo hội Công giáo đã đặt cửa sổ từ ông cho nhà thờ tại Plateau d’Assy, ở Haute-Savoie, Pháp. Đến năm 1956, Rouault quá già yếu để vẽ và năm 1958, ông qua đời ở tuổi 87. Ông trở thành nghệ sĩ đầu tiên trong lịch sử được chính phủ Pháp tổ chức tang lễ cấp nhà nước. Năm 1963, gia đình ông đã hiến tặng gần 1000 tác phẩm chưa hoàn thành cho Nhà nước Pháp.

Di sản của Georges Rouault

Rouault giữ một vị trí đặc biệt trong lịch sử nghệ thuật hiện đại. Ông cùng thời với những người theo chủ nghĩa Lập thể, chủ nghĩa Dã thú và chủ nghĩa Biểu hiện mà chưa bao giờ gia nhập hàng ngũ của họ. Ông đã phát triển một phong cách cá nhân cao nhưng vì ông là một người Công giáo nhiệt thành, và thường miêu tả các chủ đề tôn giáo, ông không bao giờ được chấp nhận hoàn toàn như một nghệ sĩ theo chủ nghĩa hiện đại. Clement Greenberg đã bác bỏ ông khi phát biểu vào năm 1945 rằng: “Tay Rouault đó, kẻ diễn giải bằng hình ảnh cho thứ chủ nghĩa Công giáo ‘tiên phong’, bạo dâm, khiêu dâm của Léon Bloy, nên được ca ngợi là họa sĩ tôn giáo sâu sắc nhất trong thời đại chúng ta, là một trong những điều đáng xấu hổ của nghệ thuật hiện đại”. Ông bị nghi ngờ bởi cả những người theo chủ nghĩa hiện đại, những người cho rằng ông quá chuẩn mực, và những cây bút tôn giáo, cho rằng cảm quan tôn giáo của ông không đủ truyền thống.

Đầu của Đấng Ki-tô (Head of Christ) (1905)

Di sản của Rouault chỉ bắt đầu được đánh giá lại vào những năm 1980. Ngày nay, các nhà phê bình có xu hướng coi ông như một nghệ sĩ đã thể hiện khả năng độc đáo trong việc kết hợp sự thử nghiệm hiện đại với đức tin và tâm linh. Tình bạn của ông với các nhân vật Công giáo cấp tiến khả nghi cũng đã được ngữ cảnh hoá lại ở Pháp thế kỷ 20. Các cam kết của Rouault đối với các vấn đề xã hội và chính trị cũng như hoàn cảnh của các nhóm bị đẩy ra ngoài lề xã hội được nhấn mạnh hơn. Cuộc kiện tụng kéo dài của ông cũng đã thiết lập một tiền lệ trong lịch sử sở hữu và bản quyền ở Pháp. Luật pháp đã đứng về phía nghệ sĩ và huấn lệnh rằng nghệ sĩ sở hữu tác phẩm của mình.

Điều thú vị là tác phẩm của Rouault được đánh giá rất cao ở Nhật Bản. Ông được các nhà thư pháp Nhật Bản tôn kính, những người tán dương các đường nét của ông, so sánh ông với các nhà thư pháp vĩ đại nhất của Trung Quốc. Một thiền sư thậm chí còn nói: “Những nét vẽ của Rouault chứa đựng sức nặng của cuộc sống”. Các nghệ sĩ Nhật Bản nhìn xa hơn các vấn đề chủ đề và tập trung vào khả năng vẽ thành thạo cũng như tâm linh sâu sắc của Rouault.

Dịch: Nhung Ý Chi

Cùng tác giả

#Tag

Georges Rouault Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…