Georges Rouault (Phần 1)

Georges Rouault có vẻ không phải là một nghệ sĩ quen thuộc với đại chúng, nhưng ông đã là một trong những nghệ sĩ rất quan trọng của chủ nghĩa Hiện đại đầu thế kỷ 20. Không nói ngoa khi đánh giá ông thậm chí là người có những tác phẩm tranh in tôn giáo nằm trong nhóm xuất sắc nhất của thế kỷ này nói riêng và trong toàn bộ lịch sử nghệ thuật nói chung. Tuy nhiên, bản thân con người Rouault và nghệ thuật của ông đều đứng ở một vị thế đơn độc ngay giữa thời đại của mình. Nhưng, với sự khiêm tốn, mộ đạo của một người Công giáo sùng kính hết mực và tấm lòng thấu hiểu nỗi đau của con người, ông mang lại những tác phẩm nghệ thuật, tranh in và tranh sơn dầu, khắc hoạ một cách rúng động về lòng thương xót con người và sức mạnh cứu rỗi của Chúa.

Trong loạt bài 3 phần, chúng ta cùng tìm hiểu về nghệ sĩ đáng kính trọng này.

Tóm lược về Georges Rouault

Mặc dù nằm trong hàng ngũ các nghệ sĩ lớn có liên quan đến những năm tiên phong đầy hào hùng ở Paris, Rouault mang dáng vẻ của một nhân vật đơn độc giữa những người bạn của mình. Tuy vậy, ông đã sớm thiết lập các mối giao hảo trong sự nghiệp và tình bạn với Henri Matisse, Albert Marquet, Henri Manquin, Charles Camoin và điều này đã đưa ông vào nhóm những người theo chủ nghĩa Dã thú mà cùng với họ, ông đã trưng bày tác phẩm của mình tại cuộc triển lãm nổi tiếng năm 1905 tại Salon d’Automne.

Tuy nhiên, tác phẩm của ông lại mang những yếu tố rõ ràng của Chủ nghĩa Biểu hiện, thứ vốn chưa bao giờ được các nơi khác Scandinavia và Đức ưa chuộng. Vào đầu Chiến tranh thế giới thứ nhất, Rouault ngày càng xa rời màu nước và sơn dầu trên giấy để chuyển sang sơn dầu trên toan và ông đã đưa màu lên tranh bằng các lớp dày, đậm, nhiều lớp, điều giúp khuếch đại các hình dáng thô sơ và táo bạo của mình. Màu sắc của ông tràn ngập màu xanh lam sẫm, bao bọc bởi những đường đen đậm, tạo ra thứ nghệ thuật gợi nhớ đến những ô cửa sổ kính màu ghép và khuyến khích đề tài công khai hơn về tôn giáo với chủ đề mạnh mẽ lặp lại về sức mạnh của sự cứu rỗi. 

Phần lớn sự nghiệp của ông dành cho hình tượng con người – cụ thể là những chú hề, gái điếm và Chúa Kitô – nhưng trong thập kỷ cuối đời mình, bảng màu của ông đã cho phép các sắc độ màu phấn của xanh lá và vàng phủ lên những bức tranh đặt các nhân vật của ông trong phong cảnh huyền bí quyến rũ.

Georges Rouault trong xưởng vẽ của mình

Thành tựu

  • Tiến triển nghệ thuật của Rouault, vốn là có một không hai trong số những người theo chủ nghĩa hiện đại, được hình thành bởi một đức tin Công giáo sùng kính. Dựa trên ý niệm của những học giả lấy cảm hứng từ tôn giáo trong thời đại của mình, Rouault hướng tới chủ nghĩa biểu tượng và màu cơ bản để thể hiện các giá trị cốt lõi của Công giáo; một thế giới quan không hợp thời (và độc lập) khi một người xét đến môi trường tiến bộ mà ông đang làm việc.
  • Như một lẽ thường của những người theo chủ nghĩa hiện đại – những người muốn khắc họa cuộc sống của những người lao động “bình thường”, những bức tranh về gái điếm của Rouault đã đón nhận những mẫu vẽ của ông bằng một sự đồng cảm đầy chân thực, không phán xét. Rouault đã miêu tả những người lao động của mình dưới góc độ hiện thực đầy trung thực, không tô vẽ, tạo điều kiện cho (hoặc theo quan điểm của ông, đòi hỏi) một sự nhấn mạnh vào nét gợi cảm trần trụi. Do đó, ông có thể làm lu mờ mục đích của các đồng nghiệp của mình qua cách ông hướng ánh nhìn vào những mâu thuẫn giữa một bên là vẻ quyến rũ đậm chất Rubens của các người mẫu, một bên là sự bóc lột của xã hội với họ.
Cô gái điếm trước gương (Prostitute Before a Mirror) (1906) của Georges Rouault
  • Trong thời đại khoa học và lý trí; và thời đại mà đức tin được coi là tài sản triết học chỉ dành cho những bộ óc ngây ngô, Rouault đã đón nhận hình tượng Chúa Giê-su, không phải bằng sự mỉa mai hay khinh bỉ, mà đúng hơn là vị cứu tinh đích thực của cả nhân loại. Tác phẩm được coi là kiệt tác của ông là một cuốn sách gồm 58 bức tranh minh họa được tuyển lựa. Bộc lộ ảnh hưởng mạnh mẽ của tranh khắc gỗ theo trường phái Biểu hiện của Đức, Miserere (1922-1927) (là tên của bài thánh vinh “Lạy Chúa thương con”, miserere cũng là một từ tiếng Latin có nghĩa là “có lòng thương xót”) đã bóc trần nỗi bất hạnh hàng ngày của con người với hình ảnh của Chúa Kitô được miêu tả trong những trang này như là người cứu chuộc tất cả những linh hồn khốn khổ.

Vào cuối sự nghiệp của mình, Rouault đã tạo ra một loạt “khung cảnh kinh thánh” (cảnh quan có các nhân vật tôn giáo). Không giống như các tác phẩm trước đó của các nghệ sĩ như Henri Matisse, người đã khám phá phong cảnh dưới góc nhìn của trường phái biểu hiện thông qua “niềm vui sống” (“joie de vivre”) của tự do khám phá cảm giác trong thế giới vật lý và trải nghiệm trực tiếp của thiên nhiên, Rouault kết hợp phong cảnh biểu tượng được làm phẳng của mình với những ảnh hưởng cổ điển, do đó truyền cho chúng một luồng linh khí – thứ là niềm mong mỏi trong tác phẩm của những họa sĩ đương thời.

Mùa thu ở Nazareth (Automne ou Nazareth) (1948) của Rouault. Một trong những bức tranh đầu tiên của ông được đưa vào bộ sưu tập của Vaticans và nằm trong nhóm được xếp loại là “khung cảnh kinh thánh”

Tiểu sử của Georges Rouault

Tuổi thơ

Georges-Henri Rouault sinh ra trong một căn hầm vào ngày 27 tháng 5 năm 1871 trong “Tuần lễ đẫm máu” đầy náo động vào cuối Công xã Paris. Một vỏ đạn lạc đã ập vào ngôi nhà gia đình ông và người mẹ trẻ đang hoài thai buộc được đưa đến căn hầm nơi bà sinh đứa con thứ hai.

Là một cậu bé yếu ớt, Rouault đã trải qua một thời thơ ấu hạnh phúc trong khu lao động Belleville ở Paris. Cha ông, Alexander, là một thợ mộc làm việc trong nhà máy sản xuất đàn dương cầm Pleyel, và ông cũng sớm thừa kế tình yêu với nghề thủ công từ cha mình. Cả gia đình Rouault đều có chung niềm hứng thú với sáng tạo và đã khích lệ tình yêu nghệ thuật nơi Georges. Thật vậy, ông nội của ông (về phía mẹ ông) đã xây dựng một bộ sưu tập các bản in thạch bản của Honoré Daumier và bản sao các bức tranh của Rembrandt, Courbet và Manet và Rouault sau này nhận định rằng mình đã học đầu tiên là với Daumier.

Đào tạo và tác phẩm ban đầu

Rouault bắt đầu vẽ từ khi còn nhỏ và trước năm mười bốn tuổi, ông đã đang học việc cho một nghệ nhân vẽ lên kính và phục chế cửa sổ thời Trung cổ tên là Georges Hirsch. Kinh nghiệm đầu đời này thường được cho là nguồn gốc của những nét vẽ đen dày – đặc trưng cho phong cách trưởng thành của Rouault. Ngay cả sau một ngày dài làm việc, ông vẫn đi bộ sang bên kia của Paris để vẽ từ những món đồ cổ và từ đời sống tại Trường Nghệ thuật Trang trí. Ông cũng dành các ngày Chủ nhật tại Louvre để vẽ các bản phác thảo.

Ở tuổi mười tám, Rouault đăng ký vào Trường Mỹ thuật ở Paris. Giống như Matisse, Marquet và Camoin, ông học theo Nhà biểu tượng nổi tiếng Gustave Moreau. Rouault nhanh chóng trở thành học trò cưng và bạn thân của của thầy mình. Moreau là một người thầy cầu tiến, cởi mở, luôn nâng niu và tôn trọng cá tính độc đáo của học sinh và luôn cố gắng tạo cho học sinh không gian để phát triển khả năng nghệ thuật cá nhân của mình.

Tác phẩm Chân dung của Gustave Moreau của Rouault, không rõ năm sáng tác, in thạch bản

Nhiều tác phẩm từ thời kỳ này cho thấy ảnh hưởng của Moreau lên chàng trai trẻ Rouault, người đã mơ về việc chiến thắng giải Prix de Rome nổi tiếng. Năm 1894, Rouault giành giải Prix Chenavard nhưng thất bại trong nỗ lực giành giải Prix de Rome mà ông thèm muốn hơn cả. Sau thất bại đó (hai lần), chính Moreau đã khuyên người học trò của mình bỏ học và tiếp tục sự nghiệp một cách độc lập. Rouault rời trường nhưng Moreau vẫn tiếp tục khích lệ ông. Cặp đôi đã hình thành một mối quan hệ khắng khít và Rouault thường tuân theo lời khuyên của người cố vấn của mình. Vẫn còn ở tuổi đôi mươi, Rouault bắt đầu đóng góp hàng năm cho Salon des Artistes Française (Triển lãm của các nghệ sĩ Pháp). Ông cũng bắt đầu đến thăm phòng trưng bày Ambroise Vollard, nơi ông đã xem các tác phẩm của các nghệ sĩ tầm cỡ như Cézanne và Gauguin.

Cái chết đột ngột của Moreau vào năm 1897 đã làm Rouault suy sụp. Cũng trong khoảng thời gian đó, cha mẹ ông chuyển đến Algeria để đỡ đần người em gái có chồng đã qua đời của ông. Mặc dù được giao phó và bổ nhiệm Giám tuyển Bảo tàng Moreau vào năm 1898, Rouault đã rơi vào tình trạng trầm cảm nặng. Ông đã phải chịu đựng một cuộc khủng hoảng dữ dội và một thời gian dài cô độc và buồn bã mà ông gọi là “vực thẳm” của mình. Ông đã ngừng vẽ tranh trong một thời gian. “Chính lúc đó,” ông nhận xét sau đó, “tôi vỡ ra chân lý trong câu nói nổi tiếng của Cezanne, ‘Cuộc sống thật kinh hoàng'”.

Năm 1901, Rouault quyết định dành một khoảng thời gian tại tu viện dòng thánh Biển Đức ở Ligugé, nơi bạn của ông, tiểu thuyết gia Huysmans, muốn tạo một cộng đồng tách biệt cho các nghệ sĩ Công giáo. Nghệ sĩ đã được cải đạo sang Công giáo vào năm 1895 và trở nên gần gũi với giới trí thức Công giáo Pháp thời đó. Tại Ligugé, nhóm đã đồng ý chống lại sự nổi tiếng và mọi sự tâng bốc những phù phiếm trong đời sống sáng tạo của họ. Quả thực, Rouault hạ quyết tâm không bao giờ cố thoả mãn thị hiếu của công chúng. 

Khung cảnh tu viện vùng Ligugé ngày nay

Việc cái gọi là luật Waldeck-Rousseau nhằm chống lại các hiệp hội tôn giáo vào năm 1902 được thông qua đã khiến cho cộng đồng bị giải tán và Rouault quay trở lại Paris. Cuối năm đó, ông đã dành một thời gian ở khu nghỉ mát Evian-les-Bains, nơi cuối cùng ông đã khôi phục được trạng thái cân bằng. Ông tiếp tục vẽ tranh với một sức sống mới mà khi hồi tưởng về lúc ấy, ông nói rằng: “Tôi đã trải qua một cuộc khủng hoảng đạo đức thuộc loại dữ dội nhất. Tôi đã kinh qua những điều không thể diễn tả bằng lời. Và tôi bắt đầu vẽ bằng một chất trữ tình thái quá làm phật ý tất cả mọi người”.

Lấy cảm hứng từ những ý tưởng của Moreau và niềm tin triết học và tôn giáo của riêng ông, Rouault đã phát triển một phong cách đầy lột tả tính cá nhân cao và chọn các chủ đề phản ánh sự hoài nghi của cá nhân ông về sự thối nát và tự mãn của xã hội tư sản. Ông sẽ sớm từ bỏ chủ nghĩa biểu tượng của Moreau và hướng sự chú ý của mình vào việc thể hiện sự khốn cùng của con người. Ông bắt đầu ám ảnh các tòa án luật và bắt đầu miêu tả các thẩm phán tham nhũng theo phong cách giống như Daumier. Cùng với một số nghệ sĩ đồng nghiệp, ông mời gái mại dâm đến xưởng vẽ của mình để vẽ họ. Niềm đam mê của ông với những người bị ruồng bỏ và những gã giải trí như chú hề, diễn viên nhào lộn, người tung hứng và vũ công đã giúp ông thử nghiệm về hình dạng và màu sắc, đồng thời suy ngẫm về chủ đề nỗi khổ và sự cô đơn của con người.

Hứng khởi nổi tiếng của ông đối với những chú hề bắt đầu từ năm 1905 khi người nghệ sĩ tình cờ chứng kiến ​​một cảnh tượng đánh dấu tầm nhìn của ông về cuộc đời. Một ngày nọ, khi đang đi dạo, người nghệ sĩ tình cờ gặp một “đoàn lữ hành du mục, đỗ lại bên đường”. Đó là một gánh xiếc, đang chuẩn bị cho buổi biểu diễn tiếp theo trước công chúng. Mắt của Rouault dừng tại một trong những hình bóng: một “chú hề già đang ngồi trong một góc của đoàn, sửa sang bộ trang phục lấp lánh và cầu kỳ của mình”. Người nghệ sĩ bị hấp dẫn bởi sự tương phản giữa trang phục “lấp lánh” của chú hề với phong thái vui vẻ ở bề ngoài, nhưng đời tư của ông ta lại là “nỗi buồn vô hạn” mà Rouault thấy phản chiếu ở tất cả mọi người: “Tôi nhìn thấy khá rõ ràng rằng ‘chú hề’ là tôi, là chúng ta, gần như tất cả chúng ta […] Tất cả chúng ta đều ít nhiều là những chú hề “, ông kết luận.

Chú hề già (The Old Clown) (1917)

Lấy cảm hứng từ những quan sát của mình về thực tế hàng ngày, Rouault đã thấm đẫm các bức tranh của mình bằng trải nghiệm đầy con người. Tác phẩm đầu ra của ông tại thời điểm đó có đặc trưng là tính mạnh bạo của hình vẽ và sự biến động liên tục của đường nét. Với phản ứng chân thành chống lại chủ nghĩa hàn lâm, ông đã góp phần thành lập Salon d’Automne đầy tiến bộ năm 1903. Ông sẽ sớm tự mình tham gia, đáng chú ý là vào năm 1905, khi ông trưng bày với nhóm Dã thú và Matisse. Ông thực sự là một hội viên của nhóm Dã thú và tự mình thử nghiệm với màu sắc không pha trộn, hình khối, và bố cục. Matisse và Rouault đã chia sẻ một mối quan hệ làm việc hiệu quả, được minh chứng trong các bức thư dài của họ. Moreau từng là trung tâm cho sự phát triển nghệ thuật của cả hai người. Màu sắc là trung tâm trong thẩm mỹ của cả hai, nhưng không giống như Matisse, Rouault đã thêm những đường nét đậm vào tông màu giống như ngọc của mình và dựa trên đức tin Công giáo cho đề tài của mình.

Đức Ki-tô trên thánh giá (Christ on the Cross) (1936). Aquatint màu và đường in khắc trên giấy màu kem.

Rouault là một người kiệm lời, hiếm khi đến các quán cà phê và không bao giờ thực sự tham gia vào đời sống phóng túng ở Paris, ưa ở gần hơn với giới Công giáo. Vào thời điểm này, ông đã khám phá ra các tác phẩm của Léon Bloy, một người Công giáo cực đoan và thích khiêu chiến. Ông đã tiếp thu những ý tưởng của nhà văn rao giảng về sự phục hưng tâm linh thông qua khổ đau và nghèo đó. Tuy nhiên, Bloy được biết đến với tính cách cố chấp và dễ nổi cáu, đồng thời ông ta ghét những bức tranh mà ông ta thấy là xấu xí của Rouault. Tuy nhiên, hai người vẫn là bạn thân của nhau cho đến khi nhà văn qua đời vào năm 1917. 

Người họa sĩ đặc biệt được truyền cảm hứng bởi cuốn tiểu thuyết Người phụ nữ nghèo (La Femme Pauvre). Cuốn sách kể về cuộc đời bất hạnh của một người phụ nữ tên là Clotilde, đầy sức sống bởi đức tin mãnh liệt của mình, có thể chịu đựng mọi đau khổ trong đời mình. Rouault đã lấy cảm hứng sâu sắc từ cuốn sách và xây dựng một số nhân vật của mình dựa trên Clotilde. Ông giới thiệu Bloy với họa sĩ George Desvallieres, người cũng là học trò của Moreau và là một thành viên sáng lập Salon d’Automne. Sau cuộc gặp gỡ với Bloy, ông trở thành, như Rouault, một nghệ sĩ Cơ đốc nhiệt thành và hăng hái chiến đấu, người ủng hộ nghệ thuật tiên phong. Trên thực tế, hai nghệ sĩ sẽ chia sẻ mối quan hệ làm việc thân thiện trong nhiều năm tiếp theo. Năm 1908, Rouault kết hôn với Marthe Le Sidaner, một nghệ sĩ dương cầm và là em gái của họa sĩ Henri Sidaner. Họ rồi sẽ duy trì hôn nhân của mình cho đến cuối đời, cùng nhau nuôi dạy 4 người con.

Dịch: Nhung Ý Chi

Cùng tác giả

#Tag

Georges Rouault Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…