George Bellows (Phần 2)

Trong phần thứ hai của loạt ba bài về George Bellows, chúng ta tìm hiểu giai đoạn cuối đời, di sản, và những tác phẩm đầu tiên trong các tác phẩm tiêu biểu của người nghệ sĩ.

Giai đoạn cuối đời

Mặc dù hội hoạ vẫn là yếu tố chính trong các tác phẩm trải dài suốt sự nghiệp của Bellows, nhưng trong thập kỷ cuối đời mình, vị họa sĩ đã bắt đầu quan tâm đến in thạch bản. Ông đã thuê một trợ lý chế bản, George C. Miller, để làm việc với ông trong xưởng của mình và có một trưng bày các bản in thạch bản thành công vào năm 1916. Cũng giống với các bức tranh của ông, đề tài trong các bản in thạch bản của ông rất đa dạng, bao gồm một loạt mười tám tác phẩm về những nỗi kinh hoàng của Chiến tranh thế giới thứ nhất. Ông đã thêm vào đó một số hình ảnh về các cuộc du ngoại và tụ họp xã hội, và sau đó nữa là một số bức chân dung gia đình. 

Bức ảnh với George Bellows (ngoài cùng bên phải), vợ là Emma Story Bellows (ngoài cùng bên trái), nghệ sĩ Eugene Speicer và vợ là Elsie Speicher ở giữa. Hình ảnh thuộc kho lưu trữ Gaede/Striebel, Trung tâm Nhiếp ảnh, Bộ sưu tập bản in vĩnh viễn Woodstock.

Thường xuyên tìm kiếm nơi ẩn náu khỏi guồng quay xô bồ chốn đô thị, Bellows đã thực hiện chuyến thăm rồi sẽ trở thành quan trọng tới Woodstock, New York vào mùa hè năm 1921. Ông và gia đình vui thích đến mức họ đã mua đất ở đó và vào năm 1922, Bellows đóng một vai trò quan trọng trong việc xây một mái ấm và xưởng làm việc. Woodstock đã mang lại nguồn cảm hứng tuyệt vời cho vị họa sĩ, cho kết quả là nhiều bức tranh và bản in thạch bản về cuối sự nghiệp – mà khiến họa sĩ đã từng tuyên bố: “Tôi e rằng mình đang hình thành thói quen làm việc kiểu Woodstock – dành một tháng hoặc gần thế cho một ‘Kiệt tác’. Chúng ta sẽ thấy những gì có thể“.

Đáng tiếc là, Bellows đã không có được nhiều thời gian ở Woodstock. Vào mùa hè năm 1924, ông bị đau dạ dày và được biết rằng mình có vấn đề về ruột thừa. Phớt lờ đau đớn và lời khuyên tìm kiếm hỗ trợ y tế khẩn cấp, sau khi ăn mừng năm mới, ông được đưa đến bệnh viện, nơi ông qua đời do viêm phúc mạc chỉ vài ngày sau đó, ở tuổi bốn mươi hai. 

Chân dung tự hoạ (Self-Portrait) (1921) của George Bellows. In thạch bản.

Di sản của George Bellows

Với những khắc họa chân thực về đời sống hàng ngày ở thành phố New York, George Bellows đã đóng một vai trò trọng yếu trong Trường phái Ashcan. Những bức tranh trần trụi không kiêng nể của ông đã cung cấp một ghi chép về trải nghiệm nơi đô thị. Ngoài ra, thông qua những tác phẩm này, ông đã chứng minh rằng các phong trào nghệ thuật hiện đại không nhất thiết chỉ có thể phát triển ở riêng châu Âu. Thay vào đó, ông đã góp phần thúc đẩy lối tiếp cận độc đáo của Mỹ đối với hội họa hiện thực hiện đại, lối tiếp cận đã đặt nền móng cho các thế hệ nghệ sĩ Mỹ tương lai phát triển. 

Ngoài vai trò là một họa sĩ, di sản của Bellows còn được định hình thêm nhờ sự cống hiến và tiến bộ đối với kỹ thuật in thạch bản của ông. Ông đã bất chấp sự chú tâm của công chúng đối với các hình thức tạo tác nghệ thuật khác và đã thành công trong việc tạo ra một thị trường cho các bản in thạch bản khiến người soạn tiểu sử Mary Sayre Haverstock viết rằng, “nhiều người bạn của ông khuyên ông đừng lãng phí thời gian, vì chẳng ai sưu tầm các bản in thạch bản nữa […]. Nhưng Bellows vẫn quyết tâm đưa kỹ thuật in thạch bản lên bản đồ…“. Các bức tranh và bản in thạch bản của Bellows được đặt trong tất cả các phòng trưng bày lớn của Mỹ, trong khi bức Ba đứa trẻ (Three Children) sáng tác năm 1919 của ông đã được Nhà Trắng mua lại vào 2007, và nó hiện được treo một cách đầy vinh dự trong Căn Phòng Xanh (Green Room).

Ba đứa trẻ (Three Children) (1919) – Bộ sưu tập của Nhà trắng. Sơn dầu trên toan

Các tác phẩm quan trọng của George Bellows

1906: Những chú chuột sông (River Rats)

Sơn dầu trên toan – Bộ sưu tập tư nhân.

Trọng tâm bức Những chú chuột sông của George Bellows là một nhóm các cậu bé ở phần tiền cảnh đang nghỉ ngơi và nghịch nước tại bãi Sông Đông ô nhiễm. Những đứa trẻ đang chơi đùa trong bóng râm của một công trường xây dựng và phía sau chúng là một ụ đất lớn, đóng vai trò như rào cản giữa chúng với dãy tòa nhà cao tầng tạo nên đường chân trời mang quang cảnh thành phố. Dưới sự hướng dẫn của các thầy Robert Henri và John Sloan, Bellows đã lấy cảm hứng từ những sự kiện thường nhật, như những cảnh tượng này [trong bức tranh] mà ông quan sát được khi đang dạo quanh thành phố New York, theo cung cách của một flâneur. Ở đây, Bellows dựng lên một hiện thực trần trụi và gai góc nơi tầng lớp dân nghèo đô thị tìm thấy những khoảnh khắc riêng để vui đùa và thoát li thực tại. 

Tác phẩm này là một ví dụ điển hình về việc lối tiếp cận hội họa của Bellows sẽ đảm bảo cho ông một vị trí trong Trường phái Ashcan. Trong khi nhiều bức vẽ của nhóm này được coi là những tuyên bố về sự bất bình đẳng xã hội, thì đối với Bellows, đó thực ra là cách ông sử dụng tác phẩm của mình để ghi chép lại thế giới đúng theo cách ông quan sát. Như Mary Sayre Haverstock nhận định, “nếu như các đối tượng này [các cậu bé] trông có vẻ nhớp nhúa, và nhiều nhà phê bình cũng công nhận vậy, thì Bellows lại nhìn thấy chúng qua chuyển động và màu sắc. […] cải cách xã hội không nằm trong “chương trình nghị sự” nghệ thuật của Bellows bởi lẽ, quả thực, có cái đẹp tồn tại trong lối sống của những đứa trẻ nghèo khó này.”  

1907-08: Trạm khai quật Pennsylvania (Pennsylvania Station Excavation)

Sơn dầu trên toan – Bộ sưu tập của bảo tàng Brooklyn, New York, Mĩ

Ở giữa phần trung tiền cảnh của bức hoạ là một khoảng đất lớn phủ đầy tuyết mà trên đó là những chiếc máy đào đất đang hoạt động. Những bức tường xung quanh công trường cho thấy rõ rằng việc đào xới được thực hiện thấp hơn mặt đường, và những hình khối màu tối được mô tả bằng những nét cọ lỏng tay dùng để khắc họa các tòa nhà thành phố phía sau nó. Khói nước bốc lên từ khối máy móc trong khi tiền cảnh thì bị đập bể bởi hình dáng của bốn con người đang quan sát hoạt động bên dưới trạm.

Có lẽ vì được truyền cảm hứng từ những công trình của người cha kiến trúc sư của mình nên Bellows rất quan tâm đến việc xây dựng Nhà ga đường sắt Pennsylvania của thành phố New York (được xây dựng từ năm 1903 đến năm 1910 và bị phá bỏ vào năm 1965). Là một người con nuôi của thành phố này, Bellows vốn có nhiều cơ hội để dừng lại và quan sát những công trình xây dựng ở nhiều giai đoạn khác nhau trong nhiều năm mà được ông ghi nhớ. Bellows đã khắc hoạ khung cảnh này theo phong cách hiện đại gồm dải rộng các bảng màu, tuy nhiên lại thiếu chi tiết đến mức gợi liên tưởng đến trường phái bán trừu tượng. Bố cục năng động, bất cân bằng biểu thị sự phát triển nhanh chóng của thành phố New York trong đoạn đầu thế kỉ 20. Trong khi đó, không gian buốt giá của mùa đông và ánh hoàng hôn đương xuống lại đem tới một cảm giác kịch tính cho khung cảnh; những người công nhân khiêm nhường trước cả sự to lớn của chiếc hố nhân tạo lẫn sức mạnh vô biên của thiên nhiên.

Khi được đưa vào một triển lãm của Trường phái Nghệ thuật New York (dưới sự chỉ đạo của Robert Henri), bức tranh này, cũng tương tự những bức tranh khác từ các đồng nghiệp của ông, đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, theo Mary Sayre Haverstock, John Sloan, và một giáo viên khác tại trường, đã thấy trước được giá trị của những tác phẩm đầu tay đó và mô tả buổi triển lãm như “một buổi trình diễn đặc sắc” và gợi ý rằng “Nếu các vị này cứ tiếp tục làm như vậy (họ không cần thiết phải ‘cải thiện’) thì điều đó có nghĩa là đã đến lúc nền nghệ thuật ở Mỹ cần thức tỉnh. Henri cảm thấy tự hào như con vịt mẹ với đàn vịt con“. Dự đoán của Sloan được cho là sáng suốt khi buổi triển lãm đã mở ra sự thành lập của nhóm Bộ Tám và Trường phái Ashcan.

1909: Trận đấu ở Sharkey’s (Stag at Sharkey’s)

Sơn dầu trên toan – Bộ sưu tập của bảo tàng Nghệ thuật Cleveland, Ohio, Mĩ

Là một trong nhiều bức tranh theo chủ đề thể thao/quyền anh của Bellows, và cũng là một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của hội họa Mĩ thế kỷ 20, tác phẩm mô tả cảnh hai võ sĩ đang khoá nhau ngay giữa trung tâm võ đài trong trận đấu của họ. Hai đấu thủ được khắc hoạ qua bố cục dạng kim tự tháp gợi nhớ điêu khắc cổ điển. Trong thời khắc đó, một trọng tài đang khom xuống phía bên phải của các võ sĩ nhằm tìm xem có hành vi nào vi phạm qui định hay không. Một khán giả miệng nhai điếu xì gà quay về phía họa sĩ, thúc giục ông (hoặc có thể là chính chúng ta) mau tập trung tuyệt đối vào cuộc chiến trước mắt theo hướng ngón tay trỏ của anh ta. Thực vậy, Bellows đã tách biệt các đấu sĩ với môi trường xung quanh họ, không chỉ thông qua các sợi dây thừng bao quanh võ đài, mà còn bằng việc sử dụng màu sắc và sáng-tối táo bạo. Dù Bellows có khả năng tăng cường sự kịch tính của bức tranh theo cách này nhưng chất lượng của bức tranh lại được thể hiện rõ rệt qua kỹ năng của ông trong việc diễn tả tính thể xác mãnh liệt – trong động tác khoá nhau của hai võ sĩ, các cơ thể gân guốc – và năng lượng – đám đông náo động và sự can thiệp khẩn cấp (vô ích?) của trọng tài – bằng những nét vẽ trôi chảy [theo trường phái] Ấn tượng.

Bellows đam mê thể thao từ nhỏ – loạt những bức vẽ về môn quyền anh đã phản ánh niềm hứng thú ngày vẫn luôn gia tăng của ông đối với môn thể thao này kể từ sau khi ông chuyển tới thành phố. Các trận quyền anh nghiệp dư từng bất hợp pháp ở New York và vì vậy các giải đấu như thế này phải được tổ chức trong các câu lạc bộ tư nhân. Tom “Thủy Thủ” Sharkey, một cựu chiến binh Hải quân Hoa Kì, và cũng là cựu võ sĩ quyền anh, đã thành lập câu lạc bộ mang tên mình làm địa điểm cho những người muốn xem và/hoặc tham gia vào các trận đấu quyền anh nghiệp dư. Khi có người ngoài đến thi đấu, họ sẽ được trao tư cách thành viên tạm thời và được gọi là “hươu đực” (“stag”, ý chỉ đấu sĩ tham dự một mình). Bellows, người có xưởng vẽ nằm ngay bên kia đường của câu lạc bộ, đã có thể đến xem các trận đấu và tạo ra vô số những bản phác thảo. Tuy nhiên, ông cũng từng tuyên bố rằng bản thân không biết tí gì về môn thể thao này – ông “chỉ vẽ hai người đàn ông đang cố gắng giết nhau“. Vào thời điểm bức tranh ra đời, quyền anh đã bắt đầu rũ bỏ được cáo danh một diễn cảnh “mọi rợ” và thực tế đã trở thành một môn thể thao hiền lành hơn. Tuy nhiên, trong bức tranh của Bellows, khán giả có xu hướng nhìn nhận nó tương đồng với ý tưởng rằng chỉ có kẻ mạnh nhất mới sống sót sau cuộc chạm trán tàn bạo này.

Trận đấu ở Sharkey’s – In thạch bản

Một điều thú vị đáng nói là vào năm 1917 (khi mà các giải đấu đã được hợp pháp hóa), Bellows đã cho ra đời một bản in thạch bản với cùng một hình ảnh (và đặt cùng một tiêu đề). Trên thực tế, Bellows đã sản xuất tổng cộng mười sáu bản in thạch bản về đấu quyền anh vào thời điểm này nhưng bức in Trận đấu ở Sharkey’s là bức có tham vọng và hoành tráng nhất trong số ấy, và cũng đã cho thấy niềm kiêu hãnh của bản thân vị họa sĩ đối với bức tranh nổi tiếng nhất của mình. Tuy nhiên, cũng trong bức ấy, Bellows – người vốn đã sử dụng các chì sáp dùng trong in thạch bản chất lượng cao để vẽ đường viền rõ nét cho các đấu sĩ của mình nổi bật trên nền không gian [mang tính trường phái] ấn tượng, lại xóa bỏ ranh giới được tạo bởi các sợi dây quanh võ đài, từ đó đặt người xem tới gần trung tâm của trận đấu hơn. 

Nguyên bản tiếng Anh do Jessica DiPalma tổng hợp và viết, Antony Todd hiệu đính và bổ sung phần tóm lược và các thành tựu. Minx Trần dịch sang tiếng Việt. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.

Cùng tác giả

#Tag

George Bellows Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler - ‘Quý bà bươm bướm’
Helen Frankenthaler, một trong những người có đóng góp lớn vào lịch sử nghệ thuật nói chung và nước Mĩ hậu chiến nói riêng, đã tiên phong khởi xưởng hội…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 3)
Mark Rothko, tác giả của nhiều bức tranh trong danh sách những tác phẩm đắt nhất thế giới, đã phát triển phong cách đặc trưng của mình vào cuối những…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 2)
Liệu Mark Rothko là một thiên tài hay là một kẻ lừa đảo? Đây là câu hỏi mà các nhà sử học nghệ thuật và những người mê nghệ thuật…
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
Mark Rothko - Tìm kiếm cái phổ quát (Phần 1)
“Chúng ta bắt đầu với màu sắc”, đó là lời tuyên bố nổi tiếng của Rothko vào năm 1936 lúc ông viết một cuốn sách so sánh nghệ thuật của…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 2)
Barnett Newman đã để lại số tiểu luận, thảo luận, ý tưởng cũng nhiều và quan trọng như những tác phẩm nghệ thuật tiến bộ và khác biệt của ông.…
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Barnett Newman - ‘Trác tuyệt là bây giờ’ (Phần 1)
Nói rằng “Một hoạ sĩ là một biên đạo không gian”, Barnett Newman phát minh ra cái mà ông gọi là “zip”, một dải màu chạy dọc. Và như thế,…