Frederic Edwin Church (Phần 2)

Trong phần hai của loạt bài về Frederic Edwin Church, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông. Trong đó, có các bức tranh miêu tả cảnh quan Mỹ như thung lũng Hudson hay thác Niagara, mở rộng ra khắp châu Mỹ như vùng Andes, giàu trí tưởng tượng như cảnh Bắc Cực quang, nhuốm màu sắc tâm linh như El Khasné ở Petra, và thể hiện ước vọng thống nhất đất nước như bức Lá cờ của chúng ta trên bầu trời.

Những tác phẩm quan trọng của Frederic Edwin Church

1849: Buổi sáng, Nhìn về Phía Đông qua Thung lũng Hudson tới dãy núi Catskill 

Sơn dầu trên toan – Viện Lịch sử và Nghệ thuật Albany, New York, Mỹ

Khung cảnh mặt trời mọc choáng ngợp trong bức Buổi sáng, Nhìn về Phía Đông qua Thung lũng Hudson tới dãy núi Catskill (Morning, Looking East over the Hudson Valley to the Catskill Mountains) tiêu biểu cho những tác phẩm thời đầu của Church, và đặc biệt tiêu biểu cho ảnh hưởng của Thomas Cole. Kế thừa di sản Lãng mạn của Cole, bức tranh được dàn xếp một cách tinh tế và cẩn thận. Một vết nứt hình lưỡi liềm trên địa hình đất đá mở ra thung lũng và dòng sông Hudson ánh bạc lấp lánh phía xa bên dưới. Mây ửng lên từng dải nhuộm ánh sáng đỏ phía trên nhân vật ở tiền cảnh – quay lưng lại với người xem để quan sát khung cảnh – chiêm ngưỡng vũ trụ mở ra trước mắt mình. Đây là một mô-típ quen thuộc trong các tác phẩm châu Âu, ví dụ như bức Người lữ hành phía trên biển sương mù (Wanderer above the Sea of Fog) (1818) nổi tiếng của Caspar David Friedrich. Sự hiện diện của nhân vật duy nhất này đóng vai trò là chỗ tựa, mang đến cho người xem một điểm tiếp cận với khung cảnh, và tái hiện phong cảnh như một bình chứa những mong muốn và kỳ vọng của con người.

Phong cảnh của ngoại ô New York đóng vai trò quan trọng đối với trường phái hội hoạ phong cảnh của Mỹ với nhân vật trung tâm là họa sĩ Thomas Cole vào những năm 1820-40. Cole, người cố vấn nghệ thuật và tinh thần của Church, đã tới thăm thung lũng Hudson từ năm 1825 để phác thảo cho tác phẩm của mình. Trong những bức họa của Cole như bức Hồ móng ngựa (The Oxbow) (1835-6), cảnh vật ngay được khắc họa tỉ mỉ một cách siêu tự nhiên và được thể hiện như một biểu tượng của tất cả những hy vọng và mâu thuẫn của văn hóa định cư Mỹ. Church, cũng giống Cole, là một con chiên Tin lành sùng đạo, và những bức phong cảnh ban đầu của ông cho thấy sự gắn kết được mã hóa tương tự với các chủ đề như Vận mệnh Hiển nhiên. Khung cảnh trong Buổi sáng, Nhìn về Phía Đông qua Thung lũng Hudson tới dãy núi Catskill, nói riêng, mang tới nhiều cơ hội cho ám chỉ mang tính tâm linh hoặc biểu tượng bằng cách sử dụng mối liên hệ giữa mặt phẳng dòng sông bên dưới và núi non trên cao và xa nữa. 

Tuy nhiên, trong các tác phẩm như Buổi sáng, chúng ta đã có thể cảm nhận được một sự nhấn mạnh rõ rệt vào các hiệu ứng xa gần, điều mà hầu như không hiện diện trong tranh của Cole, và điều này càng trở nên nổi bật hơn trong các bức họa thời kỳ trưởng thành của Church. Cách ông đối xử với vùng hoang vu của Mỹ trong các tác phẩm thời kỳ đầu phản ánh một trật tự đặc trưng của chủ nghĩa Lãng mạn Mỹ vẫn đương được chú trọng vào giữa thế kỷ 19.

1859: Trung tâm Andes 

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ

Đây là tác phẩm lớn nhất và ý nghĩa nhất mà Church đã thực hiện sau hai chuyến viếng thăm Nam Mỹ vào năm 1853 và 1857. Bức tranh rộng ba mét, miêu tả một loạt động vật, rõ ràng nhất ở phần tiền cảnh, nơi một số loài thực vật được khắc họa chính xác đến từng chi tiết. Một khu vực hình ảnh sắc bén đáng chú ý là cụm cây thân trắng ở phía bên phải. Nhô ra giữa vũng nước một cách không vững vàng, rễ của chúng trồi ra trong không trung. Những chi tiết lạ lùng như này chắc chắn phải được dựa trên quan sát trực tiếp và giúp tạo ra một loại cường độ hình ảnh đặc biệt chỉ xuất hiện trong số ít tác phẩm của các họa sĩ đương thời khác.

Các chuyến đi của Church đến Andes một phần được nhà tự nhiên học và học giả Alexander von Humboldt truyền cảm hứng, người đã viết cuốn bút ký du hành Nam Mỹ vào đầu thế kỷ 19 rất nổi tiếng trong thời của Church. Vào ngày 9 tháng 5 năm 1859, Frederic đã viết thư cho một người bạn rằng ông muốn chuyển bức sơn dầu Trung tâm Andes (The Heart of the Andes) vừa hoàn thiện đến Đức để ông có thể tặng cho tiền bối Humboldt một “bản ghi cảnh vật đã thu hút đôi mắt ông sáu mươi năm trước”. Điều này gợi ý rằng Church coi tranh phong cảnh, phần nào, như một phương tiện để truyền tải cho người xem rung cảm chân thật xuất hiện khi lần đầu chạm mặt với một khung cảnh. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, ông không hoàn toàn trung thực trong việc tái hiện lại các cảnh vật cụ thể. Các yếu tố chính của bố cục này dường như tuân theo các quy ước của thể loại phong cảnh Lãng mạn hơn là các chi tiết của địa hình, chẳng hạn như cách phân lớp tiền cảnh (các loài cây được tả chi tiết), lớp trung cảnh (rừng rậm và mặt phẳng), và lớp hậu cảnh (những ngọn núi gồ ghề cao chót vót). Tuy nhiên, Church đã sử dụng xuất sắc những quy ước này, xây dựng các bức họa của mình từ một loạt các phác thảo thực tế chi tiết. 

Trớ trêu thay, Humboldt qua đời vào ngày 6 tháng 5 năm 1959, chỉ ba ngày trước khi Church chắp bút viết lá thư cho bạn mình. Dù vậy, khi chiêm ngưỡng bức Trung tâm Andes, chúng ta thấy được một cảm xúc đã được cô đọng và kịch tính hóa về những gì nhà lữ hành cô độc đã cảm nhận trong lần đầu gặp gỡ với những rặng núi và đỉnh núi to lớn của nội vùng Nam Mỹ. 

1861: Lá cờ của Chúng ta trên Bầu trời

Sơn dầu trên giấy – Bảo tàng Mỹ thuật San Francisco, Mỹ

Dù rất khác thường so với phần lớn các sáng tác của Church, có thể nói rằng bức tranh này là một trong những tác phẩm bộc lộ cá nhân nhất của vị họa sĩ. Tác phẩm Lá cờ của Chúng ta trên Bầu trời (Our Banner in the Sky) được cho là đã được thực hiện vào năm nổ ra cuộc chiến giữa các lực lượng Liên bang miền Bắc với Liên minh miền Nam Hoa Kỳ. Một vết nứt giữa những đám mây buổi tối, đẩy lên trước bầu trời xanh đầy sao đan những vạch sáng màu đỏ, tạo nên hình ảnh lá cờ của Liên bang (miền Bắc), cùng với một cái cây khô ở tiền cảnh thay thế cho cột cờ. Đây là một sự ám chỉ trực quan công khai – thậm chí có phần thái quá – về cuộc Nội Chiến, và cho thấy một dấu hiệu rõ ràng về lòng trung thành của Church trong cuộc xung đột đó. 

Sinh ra và lớn lên ở miền Bắc được Liên bang hỗ trợ – trải qua thời thơ ấu ở Connecticut, rồi chuyển đến New York vào năm 1849 – Church thậm chí có thể đã đề cập đến một sự kiện cụ thể trong những giai đoạn đầu của cuộc chiến qua bức tranh này. Pháo đài Sumter, một pháo đài trên biển ở Nam Carolina, là nơi xảy ra trận chiến đầu tiên trong cuộc Nội Chiến. Lực lượng Liên Bang đã thất bại sau khi cầm cự hơn ba mươi giờ trước cuộc bao vây của quân miền Nam. Có ý kiến cho rằng lá cờ tả tơi của Church đại diện cho lá cờ sao-và-sọc bị bom đạn tàn phá vẫn được treo trên pháo đài sau trận chiến, biểu tượng cho sự đấu tranh và hy vọng về một nước Mỹ thống nhất cuối cùng sẽ chiến thắng. 

Khi đưa ra một sự tự cao mang tính biểu tượng công khai như vậy, Church đã bước ra khỏi khuôn mẫu phát triển chung vốn đặc trưng cho sáng tác của ông. Nhà sử học nghệ thuật Jennifer Raab cho rằng Church đã hướng tới sự chính xác theo chủ nghĩa tự nhiên trong suốt sự nghiệp của mình, thách thức một mô hình hội họa dựa trên sự thống nhất mang tính biểu tượng.” Tuy nhiên, ở đây, Church sử dụng lối phúng dụ trực quan để đưa ra quan điểm chính trị rõ ràng, biểu lộ ý nghĩa cá nhân của chủ đề, cùng với niềm tin gần như thiêng liêng của ông vào sự thống nhất trong tương lai của đất nước mình.

1865: Bắc Cực Quang

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Smithsonian American, Washington DC, Mỹ

Bức tranh mô tả hiện tượng cực quang lập lòe trên vùng băng giá của Bắc Cực. Ánh sáng nhảy múa trên bầu trời, được khắc họa lại với độ tinh nhạy phi thường, cho thấy tài năng của Church trong việc phát triển các kỹ thuật về hình thức giúp truyền tải chính xác các hiệu ứng không gian phức tạp và tinh tế. Giữa dải màu xanh lam, vàng và đỏ, một đường rõ rệt uốn khúc được vạch ra trên bầu trời. 

Tác phẩm được lấy cảm hứng từ chuyến thăm Bắc Cực của nhà thám hiểm Isaac Israel Hayes, một người bạn của Church. Ông kể lại chuyến đi này trong cuốn Biển Mở Vùng Cực (Open Polar Sea) xuất bản năm 1867. Các bản phác thảo kết hợp với chi tiết trong bản tường thuật bằng văn bản của Hayes đã cung cấp cho Church một nguồn tài liệu. Như nhà phê bình John K. Howat đã viết, bức tranh “giống một sự gợi mở hơn là bản sao chép chính xác một khung cảnh cụ thể nào”, tái tạo lại bầu không khí chung trong bản tường thuật và phác thảo của Hayes. Người ta phỏng đoán sai rằng chiếc thuyền nhỏ ở phía trước bên trái đại diện cho con tàu của Hayes, nhưng thực tế đoàn thám hiểm của ông ấy lại không hề bị nhốt trong băng. Việc Church sử dụng tài liệu của Hayes cho các dự án sáng tạo của riêng mình cho thấy một sự trao đổi thiện chí giữa những hai người bạn, nhưng cũng đồng thời là một sự cho-nhận mang tính học thuật, khi cả hai người đều thu lợi từ tài năng và nguồn lực của người kia (bức tranh này, cùng với vài thứ khác, đã giúp quảng bá rộng rãi tác phẩm của Hayes). 

Cũng như các học giả giống Jennifer Raab đã đề cập, những bức tranh như Bắc Cực Quang (Aurora Borealis hay Northern Light) đã cho thấy mối quan tâm của Church đối với việc tái hiện các hiệu ứng ánh sáng và không gian một cách trực quan với độ chính xác khoa học. Dẫu vậy, rõ ràng là ông đã có thể kết hợp sự chính xác kỹ thuật ấy với một mối liên hệ đặc biệt tới những tính chất cường điệu của bầu không khí trong tranh. Do đó, Bắc Cực Quang có thể được coi là tập hợp nhiều quan điểm đương đại về một đề tài, nói lên cả tinh thần khoa học tiên phong và tri giác đeo đuổi sự choáng ngợp rất Lãng mạn chủ nghĩa trong thời bấy giờ.

1867: Thác Niagara, từ phía Mỹ

Sơn dầu trên toan vẽ – Phòng Trưng bày Quốc gia của Scotland, Edinburgh, Scotland

Bức tranh lớn này thể hiện đóng góp quan trọng nhất của Church đối với thể loại tranh phong cảnh theo lối Trác tuyệt, một cách tiếp cận bắt nguồn từ Anh Quốc cuối thế kỷ thứ 18 với các tác phẩm của J.M.W Turner và các họa sĩ khác. Với ý định gây ấn tượng với người xem về tầm cỡ đề tài của mình, có lẽ Church cảm thấy rằng công cụ hiệu quả nhất mà ông có thể thoải mái sử dụng chính là kích cỡ. Như thế, bức tranh này cao hơn hai mét rưỡi, đặt người xem ngồi trên một mỏm đá nhô ra ở miệng thác, mắt hướng xuống và xuyên qua các chiều sâu được tái hiện với độ chính xác đến chóng mặt. 

Chức năng của cái Trác tuyệt trong nghệ thuật là đưa người xem đến với cảm giác bao la choáng ngợp, một sự bao la phi nhân vừa gợi cảm hứng lại vừa gây kinh sợ, khiến  người ta thoáng hồn lìa khỏi xác. Bức tranh này có thể được coi là một tái hiện nghệ thuật cái đặc tính Trác tuyệt của chính thác nước: Church đã tìm cách đưa khán giả của mình vào một trải nghiệm tương tự với trải nghiệm trực tiếp về dòng thác, nhìn tận mắt, nghe tiếng nước chảy xiết, cảm nhận làn sương mù. Theo chiều hướng này, đường biên giới của chân trời rất quan trọng, thu hút mắt nhìn vào dòng nước chảy ào ạt. 

Church đã thăm và vẽ thác Niagara từ những năm 1850, thực hiện các bản phác thảo sơn dầu về địa điểm này trong các chuyến đi vào năm 1857 và 1858. Một bức tranh khổ lớn được thực hiện trong một những chuyến đi đó, Niagara (1857) có bố cục nằm ngang, làm nổi bật dòng chảy nước hướng lên trên và qua mép vực. Trong tác phẩm sau này, Church tập trung vào đám mây bụi nước khổng lồ ở chân thác. Là một chủ đề ít được định rõ mà mang tính gợi mở nhiều hơn, dòng nước phun ra tạo thành một khối dày không thể xuyên thủng ở trung tâm bức tranh – cho thấy một diễn ngôn tài tình trong tác phẩm của Church, giữa một mặt là mô tả chi tiết và mặt khác là thể hiện một không gian có tính ám chỉ và gây rúng động. Thật vậy, bức tranh dường như làm suy yếu sức nặng trong lời chỉ trích mang tính bác bỏ của John Ruskin, người cùng thời với Church, rằng “[Church] có thể vẽ những đám mây mà rất ít người vẽ được, mặc dù anh ta chưa bao giờ hiểu hội họa nghĩa là gì, và tôi cho là không bao giờ.” 

1874: El Khasné, Petra

Sơn dầu trên toan – Di tích Lịch sử Tiểu bang Olana, Mỹ

Đây là một trong số những bức tranh mà Church đã sáng tác sau chuyến du hành khắp Trung Đông của mình vào cuối những năm 1860 và đầu những năm 1870. Có lẽ, đây là lần đầu Church khắc họa một khung cảnh mà nay đã trở nên quen thuộc từ nhiều tài liệu tham khảo về văn hóa đại chúng khác nhau. Ông mang đến một cái nhìn ấn tượng về những chiếc cột tân cổ điển của thành cổ Petra hiện ra sau một đại lộ bao bằng đá cao chót vót, tối tăm. Mặt tiền tòa nhà được tiết lộ một cách khéo léo, đường viền bất thường của các mặt đá chạy liền vào nhau tạo ra một chiếc khung lởm chởm bao quanh tòa nhà, hướng tầm nhìn vào bên trong. Ở tiền cảnh, một khu vực nhỏ của con đường hiện ra, dường như mời gọi chúng ta bước vào bức tranh. Thực sự, cách dựng khung hình và các góc độ được xử lý cẩn thận để gợi lên góc nhìn của một người đang tiến lại gần bằng cách đi bộ.

Trải qua mười tám tháng ở châu Âu và ở Trung Đông từ mùa thu năm 1867 trở đi, Church quay về nhà với tràn đầy ý tưởng rồi sẽ chiếm hữu tâm trí ông suốt vài năm sau đó. Những chuyến hành trình về phía đông đã đưa ông đến vùng đất thánh – giống như người thầy Thomas Cole của ông, Church cũng là một người theo đạo Tin lành sùng đạo – và đến với những tàn tích Hy Lạp-La Mã của Trung Đông cổ đại, bao gồm cả thành phố cổ Petra ở Jordan. Tòa nhà được được miêu tả ở đây, El Khasné (“Kho bạc”), được đặt tên như vậy vào thế kỷ 19, nhưng thực chất là một ngôi đền và lăng mộ của vị vua Nabatea, người đã giám sát việc xây dựng nó. 

Nhà phê bình Jack Wullschlager cho rằng tác phẩm của Church đem đến “sự sùng đạo như trí tưởng tượng trực quan, một cảm giác thiết kế hài hòa tiền Darwin nhưng vẫn đảm bảo độ chính xác của một nhà khoa học và cái hồi hộp của một người tiên phong: Church gợi hứng thú giống một bản ghi chép lịch sử về tư duy nước Mỹ giữa thế kỷ 19”. Điều này tổng kết các điều kiện lịch sử và trí tuệ bùng nổ làm nền tảng cho việc sáng tác các tác phẩm như bức El Khasné, Petra.

Ở một mức độ nào đó, bức tranh có chức năng giống như một đồ vật tạo sự thoả mãn về mặt thẩm mỹ; sau khi hoàn thiện, Church đã tặng nó cho vợ ông là bà Isabel, và nó vẫn được treo trong phòng khách ở Olana. Mặt khác, nó cho thấy niềm kinh ngạc không thể giải thích được của Church và những người như ông khi đứng trước quá khứ xa xưa của vùng Trung Đông, một sự kinh ngạc được điểm xuyết bởi thuyết tương đối trí tuệ chuẩn bị xuất hiện và các cuộc khủng hoảng tôn giáo vào cuối thế kỷ 19. Cách xử lý bố cục của mặt tiền đổ nát đã nắm bắt được cảm giác kinh ngạc này một cách hoàn hảo. Sự xuất hiện rực rỡ ấy không chỉ là một khám phá thị giác mà còn là của trí tưởng tượng. Ngoài ra, cho đến ngày nay, đây là khung cảnh thành Petra nổi tiếng nhất trên bưu thiếp mà bất cứ vị khách du lịch nào cũng đều mang về từ chuyến du lịch của họ đến nơi này.

Nguyên bản tiếng Anh do Luke Farey tổng hợp và viết, Greg Thomas hiệu đính và bổ sung hai phần Sơ lược và Thành tựu. Minx Trần dịch sang tiếng Việt. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.

Cùng tác giả

#Tag

Frederic Edwin Church hội hoạ Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…