Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 11/2021
Các bạn có bỏ lỡ sự kiện nghệ thuật thế giới nào trong tháng 11 không? Đừng quên là chúng mình có hẹn với nhau vào mỗi cuối tháng để nhìn lại những tin tức nổi bật trong tháng vừa qua đó.
Việt Nam: Nghệ sĩ Nguyễn Trinh Thi đoạt giải thưởng Moving Image Commission 2021
“Moving Image Commission” là giải thưởng ra mắt năm 2021 dành riêng cho những nghệ sĩ châu Á trong lĩnh vực làm phim và nghệ thuật video, được tài trợ bởi Quỹ Han Nefkens hợp tác cùng ba bảo tàng lớn ở châu Á gồm: Bảo tàng M+ ở Hong Kong, Bảo tàng nghệ thuật Mori ở Tokyo và Bảo tàng nghệ thuật Singapore.
Vượt qua hai nghệ sĩ khác là Ugay Alexander đến từ Kazakhstan và Wang Tuo của Trung Quốc, nhà làm phim người Việt – Nguyễn Trinh Thi đã vinh dự là nghệ sĩ đầu tiên nhận giải thưởng danh giá này. Với số tiền 100.000 USD, cô sẽ có 18 tháng làm việc để tạo ra các tác phẩm video trưng bày tại ba bảo tàng trên.
Về nghệ sĩ Nguyễn Trinh Thi – Cô là một nhà làm phim tài liệu và nghệ sĩ video độc lập tại Hà Nội. Ngôn ngữ làm phim của Nguyễn Trinh Thi được biết đến với cách tiếp cận nhiều tầng văn hoá đan xen tính cá nhân trong lịch sử và mang đậm hơi thở đương đại. Các tác phẩm của cô có mặt tại nhiều liên hoan nghệ thuật lớn trên thế giới như: Lyon Biennale (2015); Asia Art Biennial, Đài Bắc, Đài Loan (2015); Liên hoan phim tài liệu quốc tế DMZ Hàn Quốc,….
Mỹ: Tác phẩm của Frida Kahlo lập kỷ lục đấu giá mới cho nghệ thuật Mỹ Latinh
Trong buổi đấu giá diễn ra tại Sotheby’s, New York vào ngày 16/11, một bức chân dung tự họa của nghệ sĩ Mexico Frida Kahlo đã được bán với giá 30,8 triệu euro – khiến tác phẩm trở thành bức chân dung Mỹ Latinh có giá trị nhất mọi thời đại. Doanh số của bức tranh lớn hơn gấp ba lần kỷ lục đối với bất kỳ bức tranh nào của Kahlo và cao hơn 5 triệu euro so với ước tính cao nhất được đưa ra trước khi đấu giá.
‘Diego y yo’ hay ‘Diego và tôi’, là bức chân dung tự họa cuối cùng Kahlo hoàn thành trước khi qua đời vào năm 1954. Được vẽ vào năm 1949, bức tranh có đôi mắt đẫm lệ của nữ nghệ sĩ và chồng bà, nghệ sĩ Diego Rivera. Tác phẩm được mua bởi Eduardo F. Costantini, một nhà sưu tập nổi tiếng người Argentina cam kết hỗ trợ nghệ thuật Mỹ Latinh và là người sáng lập Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Latinh (MALBA) ở Buenos Aires.
Qatar: Tham vọng biến đất nước thành một ‘Bảo tàng ngoài trời rộng lớn’
Qatar đang hiện thực hóa ý tưởng mở rộng dự án nghệ thuật công cộng của họ trên toàn quốc để đánh dấu việc quốc gia Trung Đông này đăng cai tổ chức Giải bóng đá thế giới – FIFA World Cup vào năm 2022.
Bảo tàng Qatar đã công bố kế hoạch biến cảnh quan đất nước thành “một bảo tàng nghệ thuật ngoài trời rộng lớn”. Hiện tại, họ đã lắp đặt được 70 tác phẩm của 60 nghệ sĩ trải rộng trên khắp toàn quốc, bao gồm các địa điểm thu hút khách tham quan như: khu vực mua sắm, nhà ga quốc gia, sân bay, khuôn viên các trường đại học cũng như một số sân vận động sẽ tổ chức FIFA World Cup vào tháng 11 năm 2022. Dự kiến tổng số tác phẩm nghệ thuật công cộng được lắp đặt sẽ lên đến con số 100.
Vatican: Tòa thánh Vatican mở cửa Phòng trưng bày nghệ thuật đương đại đầu tiên
Tòa thánh Vatican đã khai trương một không gian mới cho các cuộc triển lãm của nghệ thuật đương đại, căn phong này nằm ở thư viện lịch sử của giáo hoàng. Triển lãm đầu tiên đã chào đón khách tham quan vào ngày 5/11 vừa rồi và kéo dài đến tháng 2 năm sau, gồm các tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ người Ý Pietro Ruffo với chủ đề “CON NGƯỜI: Bước đường nhân loại”, là những tác phẩm sắp đặt in thực vật được xếp dọc theo các tủ sách bằng gỗ từ thế kỷ 17, biến căn phòng trở thành “một khu rừng nhiệt đới”.
Lấy cảm hứng từ những tấm bản đồ cho thấy sự dịch chuyển, câu chuyện của triển lãm nhấn mạnh về khó khăn và vẻ đẹp của cuộc đối thoại giữa những nền văn hóa khác nhau, giữa cổ đại với hiện đại từ đó gắn kết tình bằng hữu trên khắp thế giới. Ruffo cho biết: “Triển lãm giống như một cuộc hành trình về kiến thức, địa lý và lịch sử nhân loại”.
Pháp: Trao trả 26 đồ tạo tác và tác phẩm nghệ thuật cho Benin
26 tác phẩm nghệ thuật bị lính thuộc địa Pháp chiếm đoạt vào năm 1892 đã được trao trả cho Benin hôm 17/11 vừa qua, sự kiện này nằm trong cuộc chiến lâu dài của các quốc gia châu Phi nhằm thu hồi các hiện vật của họ bị cướp mất trong chiến tranh.
Các hiện vật nổi bật bao gồm cánh cửa cung điện thổ dân, ngai vàng của hoàng gia và các trang phục vũ nữ chiến binh đã chính thức được chào đón trở về Benin trong một buổi lễ hồi hương các tác phẩm từ chính phủ Pháp do tổng thống Benin, Patrice Talon chủ trì. Ban đầu chúng sẽ được trưng bày trong một bảo tàng ở thành phố Ouidah trước khi được chuyển đến một bảo tàng mới đang được xây dựng ở Abomey, nơi có các cung điện hoàng gia của Vương quốc Dahomey.
Đây là lần trao trả lớn nhất mà Pháp đã thực hiện cho Benin, nhưng nó chỉ chiếm một phần nhỏ trong số 5.000 tác phẩm mà quốc gia Tây Phi này đang tìm kiếm và hàng chục nghìn tác phẩm châu Phi bị chiếm đoạt bởi Pháp. Khoảng 90% di sản văn hóa của Châu Phi hiện nay được cho là ở Châu Âu. Riêng Bảo tàng Quai Branly, Pháp đang lưu giữ khoảng 70.000 hiện vật có nguồn gốc từ Châu Phi.
Mỹ: Kaws kiện một số nhà bán lẻ vì bán các tác phẩm nghệ thuật giả mạo nhân danh mình
KAWS đã đệ đơn kiện Homeless Penthouse, một trang web bán tác phẩm nghệ thuật xa xỉ và một số đơn vị liên quan với cáo buộc bán phiên bản giả mạo các tác phẩm nghệ thuật của ông.
Cụ thể theo ARTnews, vụ kiện đã được nghệ sĩ KAWS (tên thật là Brian Donnelly) đệ trình lên Tòa án Quận phía Nam của New York vào hôm 11/11. Trong đơn kiện có viết: “Jonathan Anand, người điều hành của Homeless Penthouse và một số thị trường liên kết với họ, có liên quan đến một kế hoạch quy mô lớn nhằm đánh lừa các nhà sưu tập và rao bán các tác phẩm giả gắn mắc KAWS”. Ước tính có khoảng 160 đồ vật giả tính đến giữa tháng 10, bao gồm một số tác phẩm điêu khắc, thảm và đồ chơi có giá trị từ dưới 100 USD đến gần 3.500 USD.
Đội ngũ pháp lý của Donnelly yêu cầu số tiền bồi thường thiệt hại cá nhân là 10 triệu USD và xử phạt kinh tế theo những quy định của luật pháp. Nghệ sĩ cũng tuyên bố thêm rằng bất kỳ khoản tiền nào thu được từ vụ kiện này sẽ được ông quyên góp đến một tổ chức từ thiện dành cho người vô gia cư.
Thái Lan: Bangkok Art Biennale 2022 công bố các nghệ sĩ tham gia
Bangkok Art Biennale là một trong ba sự kiện nghệ thuật đương đại tiêu biểu ở Thái Lan được tổ chức lần đầu vào năm 2018. Diễn ra hai năm một lần, dự kiến triển lãm lần thứ ba tới đây sẽ khai mạc vào ngày 22/10/2022 tại nhiều địa điểm khác nhau ở thủ đô Thái Lan, bao gồm: Trung tâm văn hóa và nghệ thuật Bangkok, Trung tâm hội nghị quốc gia Queen Sirikit, Wat Pho (Đền phật Nằm), Wat Arun (Đền Bình Minh) và Bảo tàng Siam.
Bangkok Art Biennale 2022 quy tụ 20 nghệ sĩ đến từ nhiều quốc gia như: Marina Abramovic, Jake and Dinos Chapman, Tiffany Chung, Robert Mapplethorpe, Kimsooja, Kennedy Yanko,…. Chủ đề cho lần thứ ba tổ chức sẽ là “CHAOS:CALM” (tạm dịch: “Hỗn Độn:Điềm Tĩnh”) – phản ánh những điều khó lường mà thế giới đã phải chịu đựng trong những năm qua, từ đại dịch Covid-19 đến biến đổi khí hậu và bất ổn chính trị xã hội.
Mỹ: Bộ sưu tập Macklowe phá kỷ lục của nhà đấu giá Sotheby’s
Gần ba năm sau vụ kiện ly hôn nổi tiếng của nhà phát triển bất động sản New York, Harry Macklowe và vợ, bà Linda, một phần trong bộ sưu tập nghệ thuật của họ đã phá vỡ ước tính ban đầu và được bán với giá hơn 676 triệu USD.
Một loạt 35 tác phẩm nghệ thuật của cặp đôi đã được đấu giá ngày 15/11, bao gồm các tác phẩm của Pablo Picasso, Andy Warhol và Cy Twombly. Một tác phẩm của họa sĩ trừu tượng Mark Rothko đã thu về 82,5 triệu USD, trong khi tác phẩm “Number 17, 1951” (tạm dịch: số 17, 1951) của Jackson Pollock được bán với hơn 61 triệu USD và lập kỷ lục mới cho tác phẩm của nghệ sĩ này.
Vào năm 2018, nằm trong một phần của thủ tục ly hôn, Thẩm phán Tòa án tối cao bang New York đã yêu cầu gia đình Macklowe bán 65 tác phẩm nghệ thuật từ bộ sưu tập của họ để chia lợi nhuận. Sau khi các chuyên gia do Harry và vợ thuê để định giá những tác phẩm trên có nhiều đánh giá khác nhau về giá trị của chúng. Ví dụ, định giá cho tác phẩm điêu khắc hiện sinh “La Nez” của Alberto Giacometti, dao động 30 triệu đô la.
Tòa án đã khơi mào cuộc chiến giữa các nhà đấu giá Sotheby’s, Christie’s và Phillips để đưa bộ sưu tập ra thị trường. Cuối cùng, chiến thắng thuộc về Sotheby’s. Tuy nhiên, nhà buôn nghệ thuật được chỉ định của Sotheby’s là Michael Findlay đã hoãn đưa bộ sưu tập ra đấu giá vào năm ngoái do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
30 tác phẩm nghệ thuật còn lại sẽ được đấu giá tại Sotheby’s New York vào tháng 5 năm 2022. Giám đốc điều hành của Sotheby’s Charles Stewart đã gọi bộ sưu tập Macklowe là “một trong những bộ sưu tập nghệ thuật đương đại và hiện đại ý nghĩa nhất và có chất lượng tương đương bảo tàng từng được tung ra thị trường”.
Biên tập: Hoàng
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 10
- 2. Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 11
- 3. iDesign Rewind 2020: Những sự kiện nghệ thuật nổi bật 2020
- 4. Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 12
- 5. Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 2/2021
- 6. Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 3/2021
- 7. Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 4/2021
- 8. Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 5/2021
- 9. Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 6/2021
- 10. Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 7/2021