Chủ nghĩa Vị Lai (phần 2)

Trong phần thứ hai của chuỗi ba bài về trào lưu chủ nghĩa Vị lai, chúng ta tìm hiểu về các khái niệm và phương tiện của trào lưu, những phát triển hậu trào lưu, và di sản của nó.

  • Nếu chúng ta vẽ những pha của một cuộc nổi dậy thì đám đông giơ lên những bàn tay nắm chặt thành nắm đấm và những cuộc tấn công ồn ào của kỵ binh sẽ được truyền tải lên mặt toan vẽ thành những dải đường nét tương ứng với tất cả những lực lượng đang đối đầu nhau, đi theo quy luật chung về hướng bạo lực của bức tranh. Những đường lực này phải bao lấy khán giả và cuốn anh ta đi; chính anh ta theo một cách nào đó phải có nghĩa vụ vật lộn với những hình tượng trong tranh. Tất cả những vật thể, theo như siêu nghiệm vật lý, hướng về phía vô cực bằng những đường lực của chúng, mang tác phẩm nghệ thuật quay lại với hội hoạ chân chính. Chúng ta diễn giải tự nhiên bằng cách giới thiệu những đường này trên tranh như những nguồn gốc hoặc những sự kéo dài của nhịp điệu mà những vật thể tạo ấn tượng lên cảm thức của chúng ta.” – Umbro Apolliono
  • Cử chỉ mà ta tái tạo trên toan vẽ sẽ không còn là một khoảnh khắc cố định trong toàn bộ động năng phổ quát nữa. Nó đơn thuần sẽ là chính cảm nhận về chuyển động. Thật thế, vạn vật đều vận động, vạn vật đang vận hành, mọi thứ đều thay đổi nhanh chóng… chúng ta cần, bằng bất cứ giá nào, tái nhập vào cuộc sống.” – Tuyên ngôn của những hoạ sĩ Vị lai, tháng 4 năm 1910.

Các khái niệm và phương tiện

Sự năng động (Dynamism)

Các nghệ sĩ theo chủ nghĩa Vị lai đã tìm cách tạo ra những tác phẩm ghi lại sự chuyển động, hay sự năng động, như một cách đại diện cho nhịp độ điên cuồng của cuộc sống hiện đại. Mối liên hệ giữa tốc độ và tính hiện đại này được củng cố bởi Tuyên ngôn của những họa sĩ Vị lai (Manifesto of Futurist Painters) (1910), trong đó lưu ý rằng các nghệ sĩ “phải hấp thụ những điều kỳ diệu hữu hình của cuộc sống đương đại – mà chính là mạng lưới kim loại của liên lạc tốc độ cao bao bọc trái đất, những con tàu xuyên Đại Tây Dương, những con tàu thiết giáp, những chuyến bay kỳ diệu làm hẹp lại những bầu trời của chúng ta, lòng dũng cảm sâu sắc của những người điều hướng tàu ngầm, và sự vật lộn lặp đi lặp lại trên con đường chinh phục những điều chưa biết. Làm sao có thể vô cảm trước cuộc sống điên cuồng của những thành phố vĩ đại của chúng ta…? “

Sự năng động thường được mô tả thông qua sự đứt gãy của hình ảnh, nét cọ tràn đầy năng lượng, sự hỗn loạn về bố cục, và các hình dạng trồi lên hoặc rút xuống. Theo đó, nghệ thuật Vị lai thường tập trung vào các đối tượng vừa di chuyển nhanh vừa kết hợp công nghệ hiện đại, từ ô tô trong bức Sự năng động của chiếc ô tô (Dynamism of an Automobile) (1912-13) của Russolo đến người đi xe đạp như được thấy trong Sự năng động của người đi xe đạp (Dynamism of a Cyclist) (1913) của Boccioni.

Sự năng động của chiếc ô tô (Dynamism of an Automobile) (1912-13) của Russolo. Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại quốc gia, Paris, Pháp. Sơn dầu trên toan.
Sự năng động của người đi xe đạp (Dynamism of a Cyclist) (1913) của Boccioni tập trung vào chuyển động năng động và thô bạo của người đi xe đạp.

Chiến tranh hiện đại (Modern Warfare)

Trong Tuyên ngôn Chủ nghĩa Vị lai đầu tiên, Marinetti viết, “Chúng tôi muốn tôn vinh chiến tranh – phương pháp chữa bệnh duy nhất cho thế giới – chủ nghĩa quân phiệt, lòng yêu nước, cử chỉ phá hoại của những kẻ vô chính phủ, những ý tưởng cao đẹp mà chết chóc“. Tuyên bố phản động này xuất phát từ niềm tin của ông rằng quá khứ của châu Âu và Ý nên bị quét sạch một cách thô bạo để nhường chỗ cho những ý tưởng mới. Ông cũng coi công nghệ hiện đại như một công cụ chiến tranh mà viết rằng, “một chiếc ô tô có động cơ gầm rú mà dường như chạy bằng súng liên thanh, còn đẹp hơn cả bức điêu khắc Tượng thần Chiến thắng Samothrace.”

Do đó, những mô tả về sự năng động được phát triển trong những năm trước chiến tranh đã được áp dụng ngay vào cuộc xung đột. Như nhà sử học nghệ thuật Selena Daly viết, khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu, những người theo Chủ nghĩa Vị lai “vô cùng phấn khích trước các cuộc bắn phá. Họ nhận thấy đây cũng là nguồn cảm hứng cho nghệ thuật của họ và theo rất nhiều cách đưa những gì họ đã rao giảng vào thực hành“. Chiến tranh và bạo lực trở thành trọng tâm trong tác phẩm của họ khi họ nghe theo lời khuyên của Marinetti là “hãy cố gắng sống trong cuộc chiến một cách hình ảnh, nghiên cứu nó dưới mọi hình dạng của nó“. 

Các tác phẩm từ thời kỳ này bao gồm Xe thiết giáp (The Armoured Train) (1915) của Severini và Mệnh lệnh của những kỵ binh (Charge of the Lancers) (1916) của Boccioni. Tuy nhiên, có ít bức vẽ Vị lai từ Thế chiến thứ nhất hơn so với mong đợi và do nhiều người trong nhóm đã gia nhập quân đội với tư cách tình nguyện viên cùng Boccioni, Russolo, Sant’Elia và Marinetti, phục vụ trong Tiểu đoàn những người đạp xe tình nguyện (xe đạp ở thời điểm này được sử dụng trong quân sự với mục đích làm phương tiện di chuyển), tập trung vào chiến đấu hơn là vẽ tranh.

Mệnh lệnh của những kỵ binh (Charge of the Lancers) (1916) của Boccioni. Tempera, sơn bóng, và cắt dán giấy trên giấy lót vải toan.
Được vẽ vào năm 1915, cũng là lúc Ý tham gia vào thế chiến thứ nhất, tác phẩm Xe lửa bọc sắt (The Armoured Train) (1915) của Severini phản ánh tuyên ngôn của Vị lai thời kì này: “Chiến tranh là động cơ của nghệ thuật.”

Nhiếp ảnh và điện ảnh

Niềm đam mê của những người theo Chủ nghĩa Vị lai với chuyển động đã dẫn đến sự quan tâm của họ tới nhiếp ảnh. Bị ảnh hưởng bởi các nghiên cứu chuyển động của Eadweard Muybridge và Etienne-Jules Marey, ba anh em nhà Bragaglia đã phát minh ra cái mà họ gọi là quang động học (photodynamism), những bức ảnh cho thấy một hình đang chuyển động từ phải sang trái với các phần được làm mờ để thể hiện sự chuyển động. Điều này được thấy trong tác phẩm Vẫy tay (Waving) (1911) của Anton Giulio Bragaglia. 

Balla đặc biệt say mê với công nghệ này, và một số bức tranh của ông gợi lên những bức ảnh này, với các vật thể bị mờ đi do chuyển động. Kỹ thuật này được phản ánh trong Tuyên ngôn kỹ thuật của hội họa Vị lai, trong đó lưu ý rằng “Do quán tính của hình ảnh trên võng mạc, các đối tượng chuyển động tự nhân lên liên tục; hình dạng của chúng thay đổi giống như những rung động nhanh chóng trong quá trình phát triển điên cuồng của chúng. Vì vậy, một con ngựa đang chạy không phải có bốn chân, mà là hai mươi, và chuyển động của chúng là hình tam giác“. Thay vì coi một hành động là sự thực hiện của một chi đơn lẻ, những người theo Chủ nghĩa Vị lai xem hành động là sự hội tụ trong thời gian và không gian của nhiều thái cực.

Tác phẩm Vẫy tay (Waving) (1911) của Anton Giulio Bragaglia cho thấy rõ kĩ thuật và đặc trưng của quang động học. Những bức ảnh mà anh em nhà Bragaglia hợp tác đã phác thảo nên chuyển động của một nhân vật, thường là từ phải sang trái, với các phần chuyển động trung gian bị mờ đi.

Anh em nhà Bragaglia đã bị loại khỏi nhóm nghệ sĩ Vị lai vào năm 1913, chủ yếu là do họ quảng bá quang động học như một phong trào độc lập, mặc dù vậy cả hai anh em vẫn tiếp tục làm việc với một phong cách tương tự khi ở ngoài nhóm chính thức. Kết quả của sự trục xuất này là Vị lai đã phớt lờ nhiếp ảnh cho đến những năm 1930 khi một thế hệ nhiếp ảnh gia mới xuất hiện, nhấn mạnh vào kỹ thuật ghép dựng ảnh (photomontage) và âm bản nhiều lớp. Nổi bật nhất trong số này, Tato (Guglielmo Sansoni) đã viết Nhiếp ảnh Vị lai: Tuyên ngôn (Futurist Photography: Manifesto) (1930) cùng với Marinetti. Cuốn sách gợi ý rằng “khoa học nhiếp ảnh” nên xâm chiếm “nghệ thuật thuần túy” và về mặt lý thuyết gắn nó với chủ nghĩa Phát xít.

Nỗi ám ảnh về sự chuyển động của những người theo Chủ nghĩa Vị lai đã khiến phim ảnh trở thành một phương tiện lý tưởng để thử nghiệm cũng như đáp ứng các tiêu chí của nhóm về việc khám phá công nghệ mới. Những người theo Chủ nghĩa Vị lai đã thực hiện một số bộ phim từ năm 1916 đến năm 1919, nhưng tiếc là chỉ có Thais, được quay năm 1916 bởi Anton Giulio Bragaglia, còn sống sót tới nay. Mặc dù bộ phim kể một câu chuyện thông thường của thời kỳ đó, ảnh hưởng của chủ nghĩa Vị lai có thể được tìm thấy trong phong cách thẩm mỹ được cách điệu hóa sâu sắc và sự bao gồm các yếu tố trừu tượng nổi bật. Các bối cảnh phim, do Enrico Prampolini thiết kế, sử dụng các hình dạng hình học đen trắng mạnh mẽ cũng như bao gồm các yếu tố biểu tượng; sự xuất hiện của chúng đã ảnh hưởng đến phong cách điện ảnh của chủ nghĩa Biểu hiện Đức.

Một ảnh chụp từ bộ phim Thais (1996) của Bragaglia, với bối cảnh dựng lên bởi Prampolini

Văn học

Chủ nghĩa Vị lai là một phong trào tiền tiến hàng đầu trong thơ ca và văn học, khi Marinetti khám phá các phương thức biểu đạt văn học mới, phát triển loại thơ mà ông gọi là parole in libertà (ngôn từ trong tự do). Tác phẩm ngôn từ trong tự do đã loại bỏ dấu câu, cú pháp, và tính từ, chỉ sử dụng dạng nguyên thể của động từ và kết hợp các ký hiệu. Marinetti đã đưa những ý tưởng này vào thực tế trong Zang Tumb Tuuum: Adrianople October (1914), một tường thuật về Trận chiến Adrianople trước Thế chiến thứ nhất, mà ông đã trình bày với tư cách là một nhà báo. Như các học giả Caroline Tisdall và Angelo Bozzola giải thích, “một bài thơ âm thanh mở rộng, nó được coi là một trong những tượng đài của văn học thể nghiệm. Một loạt ngắn gọn của danh từ, màu sắc, câu cảm thán và phương hướng tuôn ra trong tiếng tàu hỏa rít lên, tiếng giật tằng tằng của súng, và tiếng lách cách của các tin nhắn điện báo“. 

Bài thơ cũng ảnh hưởng đến thiết kế đồ họa, như Tisdall và Bozzola đề cập, “thông qua việc sử dụng mang tính cách mạng các kiểu chữ, hình dạng, các cách sắp xếp đồ họa và các kích thước đồ họa khác nhau.” Tiếp sau công trình của Marinetti, Balla đã tạo ra các cấu trúc âm-hình (phonovisual) và sau đó, Fortunato Depero đã tạo ra onomalingua, một ngôn ngữ trừu tượng của âm thanh.

Bìa của tác phẩm Zang Tumb Tuuum: Adrianople October (1914) của F.T. Marinetti đã sử dụng từ tượng thanh (onomatopoeia) để mô phỏng lại âm thanh của một viên đạn pháo đang bắn, nổ và tiếng vọng sau đó.

Chủ nghĩa Vị lai Quốc tế

Nghệ sĩ người Séc Růžena Zátková, đã sống ở Rome trong một thập kỷ và học cùng Balla. Nhà phê bình nghệ thuật Jan Velinger mô tả tác phẩm điêu khắc Máy đóng cọc (Pile Driver) (1916) của bà “như một tác phẩm ghi lại nhịp điệu và sự năng động đóng băng của máy móc và ngành công nghiệp hiện đại”. Tuy nhiên, bà được biết đến chủ yếu với tư cách là người tiên phong của nghệ thuật Động học, mà có kết nối với nhóm tiền tiến nước Nga. Tại Hoa Kỳ, tác phẩm Trận chiến ánh sáng, Đảo Coney, Mardi Gras (Battle of Lights, Coney Island, Mardi Gras) (1913-14) của Joseph Stella được coi là một phần của tiêu chuẩn về Vị lai, các tác phẩm sau đó của ông cũng đều sử dụng bảng màu của chủ nghĩa Dã thú và sự đa góc nhìn của chủ nghĩa Lập thể.

Máy đóng cọc (Pile Driver) (1916) của Růžena Zátková
Trận chiến ánh sáng, Đảo Coney, Mardi Gras (Battle of Lights, Coney Island, Mardi Gras) (1913-14) của Joseph Stella

Mối quan tâm đến chủ nghĩa Vị lai bắt đầu ở Nhật Bản với sự nhận thức về tác phẩm của Marinetti và các bản tuyên ngôn khác nhau được nhóm xuất bản xung quanh Chiến tranh thế giới thứ nhất. Năm 1920, Seiji Tōgō, Gyō Fumon và Tai Kanbara đã thành lập Hiệp hội Nghệ thuật Vị lai và tổ chức Triển lãm Nhóm Nghệ thuật Vị lai đầu tiên. Con hươu, Tuổi trẻ, Ánh sáng, Giao nhau (Deer, Youth, Light, Crossing) của Fumon (1920) được nhà sử học nghệ thuật đương đại Toshiharu Omuka mô tả là “việc sử dụng màu sắc và bút vẽ một cách thô bạo để thể hiện sự chuyển động năng động” và tác phẩm này là điển hình cho cách xử lý của người Nhật. Các nhà lãnh đạo của Vị lai Nga, David Burliuk và Viktor Palmor, đã đến thăm Nhật Bản vào năm 1920 và tác động của họ đã dẫn đến việc chủ nghĩa hiện đại của Nhật Bản trở thành, như Omuka viết, “hỗn hợp kỳ lạ và phức tạp giữa chủ nghĩa Vị lai Ý và Nga“.

Con hươu, Tuổi trẻ, Ánh sáng, Giao nhau (Deer, Youth, Light, Crossing) (1920) của Gyō Fumon.

Trong khi Vị lai Ý đã được ghi nhận là nguồn cảm hứng cho Vị lai Nga (còn được biết đến là chủ nghĩa Vị lai lập thể), nhóm phong trào ở Nga, bao gồm các nghệ sĩ như Kazimir Malevich, Lyubov Popova, Natalia Goncharova và David Burliuk, cũng như nhà thơ Vladimir Mayakovsky đã kịch liệt bác bỏ quan điểm này. Bắt nguồn từ nhóm văn học Hylaea, chủ nghĩa Vị lai Nga ít tính thị giác hơn và dựa trên văn học nhiều hơn so với chủ nghĩa Vị lai Ý. Thêm vào đó thì văn bản và ký tự pháp chiếm vị thế chủ chốt trong phần lớn tác phẩm của họ. Nhóm này đã hoạt động trong khoảng thời gian từ năm 1912 đến năm 1916.

Trong khi chủ nghĩa Vị lai Nga phát triển các phong cách và ý tưởng riêng, nhấn mạnh sự quay trở lại với các truyền thống Nga và đồng thời tiếp nhận sự hiện đại, nó chồng chéo với chủ nghĩa Vị lai Ý ở nhiều mặt, đặc biệt là ở sự mô tả sự năng động và cuộc sống đô thị cùng sự tôn vinh người lao động.

Sự đề xuất rằng phong trào Ý không có ảnh hưởng đến nhóm nghệ sĩ đến từ Nga là đơn giản hoá vấn đề. Các thành viên của nhóm Vị lai Nga vốn đã đi khắp châu Âu từ năm 1909 đến năm 1913, với các nhà thơ Alexander Blok, Valery Bryusov, Andrei Biely, Max Voloshin và Nikolai Gumilev, tất cả đều đã đến thăm Ý trong thời kỳ này. 

Cụ thể là Bryusov đã hình thành sự liên kết với chủ nghĩa Vị lai của Ý và sở hữu những bài thơ được xuất bản bởi Marinetti. Boccioni cũng đã có thời gian ở Nga. Do đó, Marinetti háo hức tuyên bố nhóm phong trào Nga là hậu duệ trực tiếp của mình, viết rằng, “Không cần phải bàn cãi gì về việc từ chủ nghĩa Vị lai (người Vị lai, tính Vị lai) đã xuất hiện ở Nga sau khi bản tuyên ngôn đầu tiên của tôi được in trên tờ Figaro và tái bản bởi những tờ báo quan trọng nhất trên toàn thế giới và tất nhiên, bởi cả những tờ báo và tạp chí của Nga“. Tuyên bố này đã gây ra mối quan hệ mâu thuẫn và phiền phức giữa hai nhóm và khi Marinetti thực hiện chuyến đi đầu tiên đến Nga vào năm 1914, ông đã vấp phải sự thù địch và coi thường.

Bức chân dung Marinetti do Růžena Zátková vẽ khoảng năm 1915-21, (người nghệ sĩ không ấn định thời gian cho các tác phẩm của mình), phản ánh ảnh hưởng của cả chủ nghĩa Vị lai và chủ nghĩa Lập thể huyền bí (Orphism).

Những phát triển sau này – Hậu Vị lai

Boccioni và Sant’Elia qua đời trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Khi đó, Carrà bị suy nhược thần kinh, và trong khi dưỡng bệnh trong bệnh viện quân sự, đã gặp Giorgio de Chirico, người cũng đang hồi phục. Hai người đàn ông tiếp tục hoạt động trong Trường phái hội họa Siêu hình (Metaphysical School of painting). Severini, người đã ở lại Paris trong suốt cuộc chiến, vào những năm 1920, đã chuyển hướng về tĩnh vật và Chủ nghĩa Cổ điển giữa các cuộc chiến (Interwar Classicism). Sau chiến tranh, Marinetti thành lập Đảng Chính trị Vị lai, liên minh với phong trào Phát xít của Benito Mussolini. Sau thất bại chính trị của đảng, ông đã cố gắng quảng bá chủ nghĩa Vị lai theo những cách khác nhưng đã vấp phải sự đón nhận tiêu cực vì cả hai phong trào đã trở nên có vấn đề với nhau. Tình trạng này còn bị làm cho tệ hơn bởi khẩu hiệu được các nhóm chủ nghĩa Dada sử dụng, “Kẻ Vị lai đã chết. Cái gì đã giết chết anh ta? Dada“.

Các nghệ sĩ Vị lai vào năm 1913; từ trái qua phải: Decio Cinti, Luigi Russolo, Armando Mazza, Filippo Tommaso Marinetti, Paolo Buzzi, và Umberto Boccioni

Vào những năm 1920, phong trào này, mặc dù thu hẹp đáng kể và chỉ giới hạn ở Ý, đã thu hút các nghệ sĩ mới bao gồm Fortunato Depero, Gerardo Dottori và Ivo Pannaggi. Các học giả đương đại đã gọi thời đại này là chủ nghĩa Vị lai thứ hai, và như nhà phê bình nghệ thuật Roberta Smith nhận xét rằng tác phẩm của họ đã trở nên “nhất quán và mang tính trang trí hơn“. 

Trong thời kỳ giữa các cuộc chiến tranh, nhóm đã tạo ra đồ gốm, đồ chơi, áp phích, quảng cáo, và thiết kế bối cảnh. Đồng thời, hội họa Vị lai trở nên hứng thú với khung cảnh từ máy bay hoặc các tòa nhà cao tầng, một ý tưởng được gọi là tranh trên không (Aeropittura), và quan điểm này trở nên phổ biến trong các tác phẩm Vị lai sau này.

Tác phẩm Chân dung từ trên không của phi công Mussolini (Aeroritratto di Mussolini aviatore) (1930) của Alfredo Ambrosi

Di sản

Từ khoảng năm 1912 đến năm 1920, chủ nghĩa Vị lai đã có ảnh hưởng sâu rộng đến các nghệ sĩ và các phong trào nghệ thuật. Những người theo chủ nghĩa Biểu hiện Đức đã sử dụng các yếu tố của Vị lai, như khi Ernst Ludwig Kirchner khám phá các đường lực để mô tả sự chuyển động và tính biến động của các cảnh tượng đám đông và Franz Marc đã kết hợp chúng trong các tác phẩm như Số phận động vật (Animal Fate) (1913) để tạo sự năng động cho tầm nhìn chủ quan. Tác phẩm Vụ nổ (Explosion) (1917) của George Grosz cũng cho thấy nhiều dấu ấn của chủ nghĩa Vị lai. 

Ở Anh, Vị lai đã có một tác động đáng kể đến sự phát triển của phong trào chủ nghĩa Vòng xoáy, trong đó có triết gia T.E. Hulme, nhà thơ Ezra Pound và các nghệ sĩ Wyndham Lewis, David Bomberg và Jacob Epstein. Tại Hoa Kỳ, nó ảnh hưởng đến sự phát triển của chủ nghĩa hiện đại, chủ yếu thông qua tác phẩm của Joseph Stella. Chủ nghĩa Dada được cho là đã chịu ảnh hưởng bởi những bài thơ và màn trình diễn mang âm hưởng Vị lai.

Vụ nổ (Explosion) (1917) của George Grosz
Số phận động vật (Animal Fate) (1913) của Franz Marc

Các thiết kế của Antonio Sant’Elia đã đón đầu phong cách Art Deco và truyền cảm hứng cho các kiến ​​trúc sư người Mỹ Helmut Jahn và John Portman, cũng như các nhà làm phim như Fritz Lang và Ridley Scott mang lại tính thẩm mỹ cho các bộ phim bao gồm Metropolis (1927) và Bladerunner (1982). Các nhà nghiên cứu gần đây đã đưa ra một cái nhìn mới mẻ về chủ nghĩa Vị lai và các cuộc triển lãm lớn như Chủ nghĩa Vị lai Ý, 1909-1944: Tái tạo lại Vũ trụ vào năm 2014 (Italian Futurism, 1909-1944: Reconstructing the Universe in 2014) ở Bảo tàng Guggenheim, tất cả đều phản ánh và thúc đẩy việc đánh giá lại phong trào.

Dịch: Quang Khải

Cùng tác giả

#Tag

chủ nghĩa vị lai Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…