Chủ nghĩa Siêu việt (Phần 2)

Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của chuỗi bài hai phần về chủ nghĩa Siêu việt hay Tối thượng, chúng ta tìm hiểu về di sản và các tác phẩm nổi bật của trào lưu.

  • Chỉ khi thói quen trong tâm trí mà tìm kiếm trong hình ảnh những góc nhỏ của tự nhiên, những ma-đô-na, và những Vệ Nữ không biết xấu hổ biến mất, chúng ta mới có thể chứng kiến một tác phẩm của nghệ thuật thuần khiết và sống động.”  – Kazimir Malevich.
  • Tôi nói với tất cả mọi người: hãy từ chối tình yêu, từ chối thẩm mỹ, từ chối những khúc cây trí tuệ, nơi mà tại đó nền văn hoá mới của các bạn là nực cười và không quan trọng. Tôi đã tháo bỏ cái nút của sự khôn ngoan và giải phóng ý thức của màu sắc! Hãy nhanh chóng cắt bỏ khỏi mình lớp da dày của hàng thập kỷ để có thể bắt kịp với chúng tôi dễ dàng hơn. Tôi đã vượt qua cái bất khả và tạo ra những vực sâu hun hút với hơi thở của chính mình. Bạn đã mắc kẹt trong những cái lưới của chân trời giới hạn, như một con cá! Chúng tôi, những người Tối thượng chủ nghĩa,  đã mở toang con đường. Hãy nhanh chân lên! Kẻo ngày mai các bạn sẽ không thể nhận ra chúng tôi nữa.” – Kazimir Malevich.
  • và giữa tiếng gầm thét như sấm sét của một thế giới đang va đập, CHÚNG TA ĐANG Ở GIAI ĐOẠN CUỐI CÙNG CỦA CON ĐƯỜNG ĐI TỚI CHỦ NGHĨA TỐI THƯỢNG, NHƯ MỘT HỮU THỂ BẰNG THỊT VÀ MÁU, THỔI BAY SANG BÊN TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT CŨ KỸ VÀ BIẾN NÓ THÀNH MỘT THẾ GIỚI TRÔI NỔI TRONG KHÔNG GIAN. CHÚNG TÔI MANG TRÊN MÌNH CẢ HÌNH ẢNH VÀ NGƯỜI XEM ĐI RA NGOÀI SỰ GIAM CẦM CỦA ĐỊA CẦU NÀY VÀ ĐỂ HIỂU ĐƯỢC NÓ TRỌN VẸN, NGƯỜI XEM CẦN DI CHUYỂN NHƯ MỘT VỆ TINH XOAY QUAY HÌNH ẢNH MÀ SẼ GIỮ NGUYÊN BẤT ĐỘNG Ở TRUNG TÂM. Câu nói sáo rộng ‘nghệ thuật vị nghệ thuật’ đã bị xoá sổ.” – El Lissitzky.

Những phát triển sau này – Hậu Siêu việt

Theo thời gian, hàm ý tinh thần của phong trào ngày càng định hình chính nó, và mặc dù những điều này khiến nó gặp nguy hiểm sau Cách mạng Nga năm 1917, thái độ khoan dung của những người Cộng sản thời kỳ đầu đã đảm bảo rằng ảnh hưởng của nó vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, vào cuối những năm 1920, thái độ này đã thay đổi, và phong trào thực sự kém phổ biến ở quê nhà so với trước đó, đặc biệt là sau khi bị những người theo chủ nghĩa Stalin lên án (chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa trở thành phong cách duy nhất được chấp nhận). Từ năm 1919 đến năm 1927, Malevich ngừng vẽ tranh hoàn toàn để dành hết tâm sức cho các bài viết lý thuyết của mình, và sau một thời gian dài gián đoạn, ông thậm chí còn quay trở lại với hội họa đại diện.

Cô gái với cái lược trên tóc mình (Girl with a Comb in her Hair) (1933) của Kazimir Malevich. Phòng trưng bày Tretyakov. Sơn dầu trên toan

Mặc dù các khái niệm bí truyền của Malevich đã ngăn cản bản thân phong trào này có được sự thu hút rộng rãi, nhưng hệ quả của phong trào đã ảnh hưởng sâu rộng trong địa hạt của nghệ thuật trừu tượng. Thật vậy, mong muốn của Malevich là tạo ra một nghệ thuật siêu nghiệm, một thứ có thể giúp người xem đạt được hiểu biết cao hơn, là khát vọng mà người ta có thể truy dấu trong nghệ thuật trừu tượng tới mãi sau này. Nó hiện diện trong những ý tưởng mà Wassily Kandinsky vạch ra trong cuốn sách Về cái tinh thần trong nghệ thuật (Concerning the Spiritual in Art) (1912), cũng như sự trừu tượng hình học lấy cảm hứng từ Thông thiên học (Theosophy) (một học thuyết triết học – tôn giáo đề cập khả năng trải nghiệm trực tiếp với Thượng Đế thông qua cảm giác thần bí và sự mặc khải) của Piet Mondrian.

Vàng – Đỏ – Xanh (Yellow – Red – Blue) (1925) của Wassily Kandinsky. Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại quốc gia, Paris, Pháp.

Sự du nhập của Siêu việt đến phương Tây trong một cuộc triển lãm ở Berlin năm 1927 đã được đón nhận nồng nhiệt, thu hút sự quan tâm trên khắp châu Âu và Hoa Kỳ. Alfred Barr sau đó đã mang một số tác phẩm Siêu việt của Malevich đến Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York, nơi chúng được trưng bày tại Chủ nghĩa Lập thể và Nghệ thuật Trừu tượng (Cubism and Abstract Art) (1936), một triển lãm đột phá có ảnh hưởng lớn đến chủ nghĩa hiện đại của Mỹ. 

Lissitzky đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chủ nghĩa Siêu việt bên ngoài nước Nga. Trước đây, ông đã trưng bày các tác phẩm của Proun và để lại ấn tượng sâu sắc cho László Moholy-Nagy, và có thể cả Kandinsky. El Lissitzky sau đó đã sử dụng các hình thức và khái niệm theo trường phái Siêu việt để tạo ra hiệu quả lớn trong thiết kế đồ họa và kiến ​​trúc, giúp hình thành phong trào Kiến tạo. Ngày nay, những tiếng vang này vẫn còn soi bóng trong kiến ​​trúc đương đại, nổi tiếng nhất là trong triển lãm Zaha Hadid và Siêu việt (Zaha Hadid and Suprematism) gần đây của kiến trúc sư Zaha Hadid.

Triển lãm Zaha Hadid và Siêu việt (Zaha Hadid and Suprematism), 2010, Phòng trưng bày Gmurzynska, Zurich. Ở đây ta có thể thấy các tác phẩm của những nghệ sĩ tiền tiến Nga được sắp đặt cụ thể trong không gian (site specific) thiết kế bởi Hadid. Bà đưa các yếu tố hai chiều vào không gian ba chiều, biến không gian của phòng triển lãm trở thành một bức tranh mà ngưỡng của những bề mặt trong tranh đã mở rộng tới mức người xem có thể bước vào.

Các tác phẩm nổi bật

1913: Nghiên cứu cho dàn cảnh của Chiến thắng vầng thái dương của Kazimir Malevich

Bút chì trên giấy – Bảo tàng Nhà hát Nhà nước, St.Petersburg, Nga

Malevich đã hợp tác với Alexei Kruchenykh và Mikhail Matiushin cho phần bối cảnh và đạo cụ của vở opera Vị Lai Chiến thắng vầng thái dương (Victory Over the Sun) (1913). Bản phác thảo cho bối cảnh của Màn 2, Cảnh 5 này báo trước sự phát triển của chủ nghĩa Siêu việt trong việc sử dụng một mô típ hình học, mặc dù nó không định hình trước bất kỳ tác phẩm chủ nghĩa Siêu việt cụ thể nào (tức là không giống như trường hợp của Hình vuông đen năm 1915 cũng của Malevich cũng vốn là thiết kế phông sân khấu cho vở này). 

Không sử dụng màu sắc hoặc bóng đổ, hình vuông vượt ra ngoài cảm giác về không gian Lập thể với độ phẳng hiên ngang của nó. Đen và trắng trong bố cục này, có thể biểu thị sự hiện diện từ sự vắng mặt (sự sáng tạo), gợi ý một lần nữa về sự ra đời của phong trào mới của Malevich. Vở opera là một nơi đặc biệt thích hợp cho việc ra mắt các ý tưởng của Malevich, vì phong trào Vị lai mà đã truyền cảm hứng cho vở diễn cũng rất quan trọng trong việc hình thành chủ nghĩa Siêu việt. Cũng giống như chủ nghĩa Vị lai Nga đã từng hướng đến đổi mới hoàn toàn nền văn hóa Nga, chủ nghĩa Siêu việt cũng tuyên bố sẽ thay thế tất cả các phong trào nghệ thuật đã ra đời trước đó. Các thiết kế của Malevich cho vở opera đã đánh dấu một bước đột phá lớn với quy ước sân khấu, vì chúng không mang tính trang trí cũng như không minh họa cho một cảnh như phong cảnh hay một căn phòng. Bóng tối kỳ lạ của chúng cũng đồng điệu với niềm tin của Mikhail Matiushin rằng vở opera là về “Chiến thắng, vượt qua khái niệm cũ đã từng được chấp nhận về mặt trời tươi đẹp.

1915: Khối vuông đen của Kazimir Malevich

Sơn dầu trên toan – Phòng trưng bày Tretyakov, Moscow, Nga

Từng được coi là “đứa trẻ hoàng gia đang sống” của Malevich, Khối vuông đen (Black Square) đã được coi là một cột mốc quan trọng trong lịch sử nghệ thuật trừu tượng, một điểm khởi đầu và kết thúc. Malevich rồi sẽ vẽ bốn phiên bản của nó trong khoảng thời gian từ năm 1915 đến đầu những năm 1930, và người ta nói rằng phiên bản cuối cùng được đem theo sau quan tài của ông trong lễ tang của ông. Giảm thiểu so với thiết kế mà ông đã vẽ cho Chiến thắng vầng thái dương, phiên bản đầu tiên này mô tả một hình vuông hoàn toàn màu đen trên nền trắng mỏng, che khuất hơn nữa mọi cảm giác về không gian hoặc phối cảnh bình thường. Tại triển lãm 0.10 năm 1915, Malevich đã nhấn mạnh vị thế của nó bằng cách treo nó ở góc phòng, phỏng theo truyền thống của Nga về vị trí đặt các biểu tượng tôn giáo linh thiêng.

1915: Bức tranh Siêu việt, Tám hình chữ nhật đỏ của Kazimir Malevich

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Mỹ thuật Hiện đại, New York, Mỹ

Ba cấp độ của chủ nghĩa Siêu việt được Malevich mô tả là đen, có màu, và trắng. Tám Bức tranh Siêu việt, Tám hình chữ nhật đỏ (Suprematist Painting, Eight Red Rectangles) là một ví dụ về giai đoạn thứ hai, năng động hơn, trong đó các màu cơ bản bắt đầu được sử dụng. Bố cục hơi mơ hồ, vì một mặt, các hình chữ nhật có thể được hiểu như đang lơ lửng trong không gian, như thể chúng bị treo trên tường, chúng cũng có thể được hiểu như các vật thể nhìn từ trên cao. Malevich dường như đã hiểu chúng theo cách thứ hai, vì đã có lúc ông bị mê hoặc bởi chụp ảnh trên không. Thật vậy, sau đó ông đã chỉ trích giai đoạn năng động hơn của phong trào Siêu việt của mình là ‘chủ nghĩa Siêu việt nhìn từ trên không’, vì các tác phẩm của nó có xu hướng vọng lại những bức ảnh chụp trái đất từ ​​trên trời, và theo nghĩa này, ông đã rời bỏ tham vọng của mình về một nghệ thuật hoàn toàn trừu tượng, phi khách quan. Khoảng cách không đồng đều và độ nghiêng nhẹ của các hình xếp liền nhau trong Tám hình chữ nhật đỏ, cũng như các tông màu đỏ khác nhau một cách tinh tế, truyền dẫn năng lượng vào bố cục, cho phép Malevich thử nghiệm khái niệm không gian “vô hạn” của mình.

1919-20: Hạ gục bọn Trắng bằng những Nêm Đỏ của El Lissitzky

Bảo tàng Stedelijk Van Abbemuseum, Eindhoven, Hà Lan

Bản in thạch bản này là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của El Lissitzky từ thời kỳ Siêu việt của ông. Nó sử dụng các hình dạng, cách đặt vị trí, và màu sắc phù hợp với các nguyên tắc của trào lưu, đặc biệt là chặng của cấp độ “có màu”. Tuy nhiên, việc sử dụng chữ cái và đổ bóng dạng điểm chám cho thấy sự phát triển trong phong cách cá nhân của ông. Thú vị hơn, áp phích tiết lộ ý định tuyên truyền khi nó đại diện cho cuộc đấu tranh giữa những người “màu đỏ” cách mạng (Hồng quân) và những người “màu trắng” bảo thủ (Bạch vệ) ở Nga. El Lissitzky đã mô tả thương hiệu Chủ nghĩa Siêu việt của riêng mình là chủ nghĩa Proun mà có thể là một phái sinh của ‘proekt Unovisa‘ (‘dự án cho Unovis’). Unovis là nhóm mà Malevich thành lập ở Vitebsk vào năm 1919, và đã thu hút Lissitzky vào hàng ngũ những người theo chủ nghĩa Siêu việt.

1917: Tranh màu (Bố cục phi – vật thể) của Olga Rozanova

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nhà nước Nga, St.Petersburg

Rozanova là một trong những người đầu tiên áp dụng cách diễn giải của riêng mình cho Siêu việt. Mối quan tâm đối với các loại vải đã khiến bà tập trung vào các hiệu ứng kết cấu bề mặt, đôi khi rời khỏi bảng màu cơ bản để sử dụng những sắc nhẹ nhàng, nữ tính hơn. Là một người dùng màu giỏi, khả năng sử dụng sự tương phản tông màu tinh tế của Rozanova, như được thể hiện trong bố cục của Tranh màu, là bước mở đầu cho phong cách của Mark Rothko.

Bố cục phi-vật thể (Non-objective composition) (1917) của Rozanova. Một tác phẩm với màu sắc nhẹ nhàng nữ tính thể hiện rõ hơn, và có lẽ cũng không hồ đồ khi nói nó rất có thể là một trong những nguồn cảm hứng lớn cho tranh Kandinsky từ khoảng năm 1922 trở đi.

1917-18: Hình vuông trắng trên trắng của Kazimir Malevich

Sơn dầu trên vải – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York, Mỹ

Malevich nhiều lần gọi “màu trắng” như một tái hiện của trạng thái siêu nghiệm đạt được thông qua chủ nghĩa Tối thượng. Bức tranh Hình vuông trắng trên trắng có thể được coi là giai đoạn cuối cùng, hoàn chỉnh của quá trình “biến đổi về điểm không của hình thức“, vì hình thức hầu như đã bị giảm thiểu về không theo đúng nghĩa đen. Màu trắng thuần của tấm bạt đã phủ nhận mọi cảm giác về góc nhìn truyền thống, khiến người xem phải trầm ngâm suy ngẫm về không gian “vô hạn” của nó. Do đó, bức tranh bị vắt sạch màu, màu trắng thuần giúp người ta dễ dàng nhận ra các dấu hiệu tác phẩm của nghệ sĩ trong kết cấu sơn phong phú của hình vuông màu trắng – kết cấu bề mặt là một trong những phẩm chất cơ bản của hội họa như những người theo Siêu việt đã nhận định. 

Được vẽ một thời gian sau Cách mạng Nga năm 1917, người ta có thể hiểu Khối vuông trắng trên trắng như một biểu hiện của niềm hy vọng của Malevich về việc tạo ra một thế giới mới theo chủ nghĩa Cộng sản, một thế giới có thể dẫn đến tự do tinh thần cũng như vật chất.

Dịch: Quang Khải

Cùng tác giả

#Tag

chủ nghĩa siêu việt Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…