August Sander (Phần 1)

August Sander, thường gắn liền với trào lưu Khách quan mới, là một trong những nhiếp ảnh gia quan trọng nhất của nước Đức và của nền nhiếp ảnh Hiện đại chủ nghĩa. Ông được biết đến chủ yếu qua loạt ảnh chân dung khổng lồ về số lượng và trung thực tuyệt đối về cách tiếp cận, vinh danh những người dân làm nên đất nước Đức – Tổ quốc mà Sander hết lòng yêu – có tên là “Những con người của thế kỷ XX”. Không chỉ có tác động to lớn tới nhiếp ảnh chân dung, nhiếp ảnh loại hình học, ngành tư liệu hình ảnh xã hội học-lịch sử, August Sander góp một phần quan trọng hình thành nên thái độ ưu tiên sử dụng nhiếp ảnh trong truyền thông thị giác – tận dụng tính trung thực đặc biệt của phương tiện này. Chúng ta sẽ tìm hiểu về Sander trong loạt bài hai phần.

  • Tôi không ghét gì hơn thứ nhiếp ảnh được bọc đường bởi các chiêu trò, tạo dáng, và hiệu ứng. Bởi vậy, hãy để tôi được trung thực và nói sự thật về thời đại của chúng ta và những con người của thời đại ấy.
  • Chúng ta biết rằng con người được tạo thành bằng ánh sáng và không khí, bởi những đặc điểm mà họ được thừa hưởng, và hành vi của họ. Từ vẻ bề ngoài của một người, chúng ta có thể nói được công việc mà họ làm hoặc không làm; chúng ta có thể đọc được từ khuôn mặt của họ rằng liệu họ hạnh phúc hay khốn khổ.
  • Tôi không thấy gì phù hợp hơn là phóng chiếu một hình ảnh của thời đại chúng ta bằng sự trung thành tuyệt đối với tự nhiên qua công cụ nhiếp ảnh… Hãy để tôi được nói lên chân lý với tất cả sự ngay thẳng về thời đại của chúng ta và những con người của thời đấy.

Tóm tắt về August Sander

August Sander được ngợi ca nhờ công trình nghệ thuật ông theo đuổi suốt cuộc đời với tên gọi Những con người của thế kỷ XX (People of the Twentieth Century). Mặc dù công trình này chỉ được xây dựng dưới dạng một bộ tác phẩm trọn vẹn sau khi ông qua đời (nhờ nỗ lực của con trai ông), sứ mệnh làm nên sự nghiệp của ông đã giúp tạo ra bộ sưu tập chân dung vĩ đại nhất của thế kỷ XX. 

Mục tiêu của Sander là tạo ra một tư liệu nhiếp ảnh xã hội học toàn diện và tiêu biểu của xã hội Đức – từ công nhân đất đai đến công nhân nhà máy; đến giới tinh hoa nghệ thuật và giới chuyên môn; cho đến những người già và yếu thế – khi xã hội ấy dần trở nên rõ ràng hơn xuyên suốt cuộc đời ông. Bất chấp sự xuất hiện của máy ảnh Leica 35MM mới, nhanh hơn và cơ động hơn, Sander vẫn kiên định gắn bó với máy ảnh khổ lớn sử dụng âm bản kính và yêu cầu thời gian phơi sáng lâu. Đối với ông, lượng chi tiết do máy ảnh khổ lớn mang lại đã lấn át những ưu việt của loại máy ảnh mới. 

August Sander là nhiếp ảnh gia tư liệu và chân dung người Đức, sinh ngày 17 tháng 11 năm 1876 và mất ngày 20 tháng 4 năm 1964 tại Đức.

Sander diễn tả tất cả những người mẫu của mình, những người mà ông đã định danh không phải theo tên mà theo nghề nghiệp hoặc kiểu hình, với thái độ trung lập tôn trọng không tô vẽ, và luôn ở trong môi trường quen thuộc của họ.

Thành tựu

  • Được xếp hạng là một trong những tư liệu gia xã hội học-lịch sử vĩ đại nhất, tác phẩm của Sander được điển hình bởi tính đồng nhất và quy mô xác thực của tham vọng gửi gắm trong đó. Chối bỏ tất cả các hình thức của chủ nghĩa biểu hiện và chủ nghĩa lãng mạn, chân dung của Sander gắn liền với sự trỗi dậy của phong trào Khách quan mới (Neue Sachlichkeit) đã đạt được sức xung kích trong giới nghệ thuật Đức vào những năm giữa các hai cuộc thế chiến. Tuy nhiên, nhận xét đó, mặc dù khá đúng, đi ngược lại với phẩm chất nghệ thuật và nhân văn mới mẻ mà Sander mang đến cho nhiếp ảnh chân dung vốn luôn được xác định cho đến thời điểm bấy giờ bằng mối quan hệ với hội họa, và bằng cách nó ‘mô tả’ chủ thể với sự trợ giúp của phông nền đẹp mắt và vật thể phụ (hay ‘đạo cụ’).
Thợ gốm tại nơi làm việc (Potters at Work) (1934)
  • Sander phản đối phong cách chân dung truyền thống trong xưởng nghệ sĩ (một số người sẽ nói là ‘tư sản’) mà cố gắng bắt chước hội họa. Ông thích định dạng giấy có độ bóng được sử dụng trong các bức ảnh kỹ thuật vì nó mang lại chi tiết hình ảnh tốt nhất. Mặc dù sở thích đó đòi hỏi phải sử dụng máy ảnh phim tấm lớn cồng kềnh, Sander vẫn quyết tâm đưa nhiếp ảnh chân dung ra khỏi xưởng và vào thế giới thực. Luôn chụp ảnh từ một góc nhìn duy nhất – mặt đối mặt – ông coi mối quan hệ giữa địa điểm và người mẫu là thành phần thiết yếu nhất để truyền đạt cả địa vị và bản chất tính cách của họ.
Cô gái trong xe hội chợ (Girl in Fairground Caravan) (1926-32)
  • Sander tự coi mình là một người yêu nước: một đại diện của người dân Đức và vì người dân Đức. Gần như toàn bộ sự nghiệp của ông dành cho việc ghi lại nước Đức thế kỷ XX thông qua những chân dung nhiếp ảnh của các cá nhân mà tạo nên một thước phim bình đẳng về toàn bộ xã hội Đức. Tuy nhiên, Sander không quan tâm đến việc nắm bắt sự huyền bí của các đối tượng của mình (mục tiêu của một số người chẳng hạn như Edward Steichen, một nhiếp ảnh gia nổi tiếng cùng thời khác). Cách tiếp cận đối tượng của ông cũng không thể được mô tả là mang tính trực cảm. Thay vào đó, các sáng tác được trù định của Sander luôn hướng tới mục tiêu tạo ra một hiện vật sẽ được hậu thế quốc gia sở hữu lâu dài. Ông đã đạt được mục tiêu bằng cách sử dụng máy ảnh của mình để tôn vinh phẩm giá của những cá nhân độc đáo tạo nên Tổ quốc thân yêu của ông.
Cựu quân nhân tàn tật (Disabled Ex-serviceman) (Khoảng 1928)

Tiểu sử của August Sander

Thời thơ ấu

Là một người con trong gia đình đông đúc, August Sander sinh ngày 17 tháng 11 năm 1876, tại làng Herdorf của Đức, bố mẹ ông là Justine và August Sander. Trước khi gia đình ông dựng nên một trang trại khiêm tốn của riêng mình, bố August kiếm sống bằng nghề thợ mộc làm việc trong ngành khai thác mỏ. August dường như đã được định sẵn để tiếp bước cha mình, đúng như mong đợi, ông theo học việc tại mỏ Quặng sắt San Fernando vào năm 1889. Tuy nhiên, trong khi làm việc tại mỏ, ông được giao nhiệm vụ làm trợ lý cho một nhiếp ảnh gia kỹ thuật. Trải nghiệm này là một bước ngoặt đối với chàng trai trẻ Sander, người bị thu hút bởi phương tiện tạo hình ảnh mới này. Hai năm sau, nhờ khoản hỗ trợ từ một người chú tốt bụng, Sander, vô cùng nhiệt huyết với nhiếp ảnh, đã mua một chiếc máy ảnh (chiếc đầu tiên của ông) và một số thiết bị phòng tối cơ bản.

Giáo dục và đào tạo

Từ năm 1897 đến năm 1899, Sander thực hiện nghĩa vụ quốc gia của mình tại Quân đội Wilhelmine ở Trier, nơi ông có thể rèn giũa kỹ thuật trong khi, một lần nữa, đóng vai trò trợ lý của một nhiếp ảnh gia. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, Sander tham gia vào một số xưởng nhiếp ảnh – từ Berlin đến Halle; Leipzig đến Dresden – trước khi ổn định tại Xưởng Nhiếp ảnh Greif ở Linz, Áo vào năm 1901. 

Mặc dù sớm gắn kết ống kính của mình với mục tiêu “trung thực và sự thật“, ông bắt đầu thực hành các nguyên lý của chủ nghĩa Như họa (phong cách thẩm mỹ thống trị lúc bấy giờ) lần đầu tiên. Năm tiếp theo là một năm quan trọng trong cuộc đời của Sander: ông hợp tác với Franz Stuckenberg để cùng nắm quyền kiểm soát Xưởng Greif – đổi tên thành Xưởng Sander và Stuckenberg 00 và kết hôn với người yêu của mình là Anna Seitenmacher. Trong khi đó, danh tiếng của Sander bắt đầu được xây dựng. Ông giành được các giải thưởng tại Triển lãm Khu vực Thượng Áo (Upper Austrian Regional Exhibition) năm 1903, Giải nhất và Giải thưởng Danh dự tại Triển lãm Quốc tế về Nghệ thuật Trang trí (International Exhibition of Decorative Arts) tại Grand Palais ở Paris năm 1904. Cùng năm đó, sau bất đồng với Stuckenberg, ông trở thành chủ sở hữu duy nhất của xưởng Linz, và trở thành thành viên mới của cái thường được gọi là Hiệp hội nghệ thuật Thượng Áo (Upper Austrian Art Society).

August và Anna Sander (Những năm 1920-30)

Năm 1907, con trai bốn tuổi của Sander, Erich, mắc bệnh bại liệt và gia đình Sander quay lại Trier theo lời khuyên của bác sĩ. Hai năm sau, Sander (hiện đã thôi theo chủ nghĩa Như họa) mở xưởng chụp ảnh chân dung của riêng mình ở Cologne và gia đình Sander lại chuyển nhà một lần nữa. Để tìm kiếm thêm khách hàng, Sander bắt đầu đến thăm vùng lân cận Westerwald, một vùng nông thôn mà bấy giờ ông chưa hề hay biết, và đó là bước phát triển quan trọng nhất trong toàn bộ sự nghiệp của ông. Chính nhờ những bức chân dung của ông về những người lao động bình thường vào thời điểm đó – cụ thể là nông dân và người làm ruộng – mà Sander đã được truyền cảm hứng để diễn tả toàn bộ xã hội Đức. 

Những cô nông dân tước lanh (Bauernmädchen beim Flachsbrechen) (1925)

Trong khi đó, vào năm 1911, Anna, người đã sinh cho August đứa con trai thứ hai, Gunther, tiếp tục sinh đôi, Helmut và Sigrid, vào năm 1907, đáng buồn là chỉ có Sigrid sống sót. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, Sander gia nhập lực lượng y tế ở Bỉ và Pháp, để lại vợ điều hành xưởng. Anna cũng nhận lấy trách nhiệm chụp ảnh – sản xuất nhiều bức chân dung của những người lính – trước khi August trở về từ nhiệm vụ ở tiền tuyến vào năm 1918.

Thời kỳ trưởng thành

Vào đầu những năm 1920, Sander tham gia Nhóm nghệ sĩ cấp tiến Cologne (Gruppe Progressiver Künstler Köln), nơi ông làm quen với nhiều nghệ sĩ bao gồm Franz W. Seiwert, Peter Abelen và Jankel Adler. Nhóm này, gồm những người ủng hộ tích cực cho các phong trào công nhân và lao động, là những người ủng hộ trào lưu Khách quan mới (Neue Sachlichkeit). Trào lưu Khách quan mới bác bỏ quan niệm biểu hiện và lãng mạn của chủ nghĩa duy tâm để ủng hộ một phong cách của chủ nghĩa Hiện thực Xã hội. 

Nằm ngoài liên kết của ông với nhóm Cologne, ý tưởng về Những con người của thế kỷ XX bắt đầu định hình. Vào giữa những năm 1920, Sander đã tự giác khởi động dự án ngoạn mục kéo dài suốt đời của mình. Trên thực tế, mục tiêu của Sander là tạo ra một tấm gương nhiếp ảnh phản chiếu xã hội Đức bằng cách tạo ra một nguồn tư liệu hình ảnh toàn diện về người dân. Lượng tư liệu này cuối cùng sẽ được chia thành bảy hạng mục chính (mỗi loại có các mục phụ riêng): ‘Người nông dân’ ‘, ‘Người thương nhân khéo léo’, ‘Người phụ nữ’, ‘Giai cấp và nghề nghiệp’, ‘Nghệ sĩ’, ‘Thành phố’ và ‘Những người cuối cùng’. 

Những người làm công ở gánh xiếc (Circus Worker) (1930)

Dự án của Sander đã hình thành một bức tranh khảm xã hội học về nước Đức trong thời kỳ giữa hai cuộc chiến, tiết lộ, ở mức độ bình đẳng, các quyền tự do mới được tìm thấy, quan ngại về kinh tế và kích động về chính trị – xã hội. Bằng cách chụp ảnh các công dân của Cộng hòa Weimar – từ giới thượng lưu nghệ thuật phóng túng, đến Đức quốc xã và những người bị họ bức hại – những bức ảnh của Sander kể về một bối cảnh văn hóa đầy rối ren: một đất nước được đặc trưng bởi bùng nổ của sáng tạo mới, siêu lạm phát và bất ổn chính trị.

Hoạ sĩ Gottfried Brockmann (The Painter Gottfried Brockmann) (1922)

Năm 1927, trong một chuyến du ngoạn nước ngoài hiếm hoi, Sander đã du hành đến Sardinia cùng với nhà văn tiểu thuyết và du ký Ludwig Mathar. Hai người đàn ông ở lại trong ba tháng, trong thời gian đó Sander, người đồng sáng tác sách với Mather, đã chụp hàng trăm bức ảnh. Sau đó, khoảng 60 bức ảnh của Sander đã được trưng bày như một phần cuộc triển lãm của Hiệp hội Nghệ thuật Cologne năm 1927 dưới biểu ngữ Con người vào thế kỷ XX (Man in the Twentieth Century). Những bức ảnh của ông, đã nhận được những đánh giá ngây ngất,, tạo nền tảng cho việc xuất bản cuốn Những khuôn mặt của thời đại chúng ta (Faces of Our Time) năm 1929 của ông. Độ tin cậy của cuốn sách gia tăng nhờ việc đưa vào một bài tiểu luận của Alfred Döblin, tác giả của cuốn Berlin Alexanderplatz (1929), và được coi là một trong những tiểu thuyết gia hiện đại quan trọng nhất của nước Đức. 

Thật vậy, nhà văn Thomas Mann, người đoạt giải Nobel văn học cùng năm, đã nói về bộ sưu tập này rằng nó là “một kho báu dành cho những người yêu thích tướng số và là cơ hội tuyệt vời để nghiên cứu về các loại người được khắc họa bởi nghề nghiệp và giai cấp xã hội“. Danh tiếng của Sander giờ đây nổi tiếng đến mức ông thậm chí còn viết và thực hiện một loạt số phát thanh quốc gia có tựa đề ‘Bản chất và sự phát triển của nhiếp ảnh‘ (The Essence and Development of Photography).

Người phụ nữ đã chết (Dead Woman) (1925). Những người bệnh, người già, và người chết là một phần quan trọng (và vô cùng hấp dẫn về mặt thẩm mỹ khi ta quan sát cẩn thận chi tiết và cảm nhận sự dịu dàng trong cách chuyển sắc độ tinh tế và gần như là sống động trên khuôn mặt của một xác chết)

Thời kỳ cuối đời

Năm 1933, Sander đã xuất bản tổng cộng năm tập trong một bộ sưu tập có tựa đề Đất Đức người Đức (German Lands German People). Loạt ảnh tiết lộ các khu vực khác nhau của nước Đức, bao gồm các nghiên cứu về phong cảnh và thực vật (ngoài các bức chân dung). Thật vậy, mối quan tâm của Sander đối với ‘những người bị ruồng bỏ‘ của nước Đức, được bộc lộ trong các bức chân dung của ông về những người du hành, kẻ lang thang và những người mắc bệnh tâm thần, không phù hợp với lý tưởng của người Aryan (chủng tộc người hoàn hảo/thượng đẳng) đang được thúc đẩy bởi chế độ chính trị hiện tại. 

Người bị dị tật (Cretin) (1924)

Người ta cho rằng Sander đã chuyển sang các địa hạt mới để tránh sự giám sát không mong muốn từ chính quyền nhưng bất chấp nỗ lực chuyển sang các chủ đề “’phi chính trị‘ hơn, tác phẩm của Sander vẫn bị hạn chế dưới lằn ranh nghiêm khắc của Đức Quốc xã. Năm 1936, các khuôn in của cuốn Bộ mặt của Thời đại chúng ta thực sự đã bị Đức Quốc xã phá hủy, và các bản in của cuốn sách bị tịch thu và thiêu hủy. Nỗi tuyệt vọng của gia đình ông dâng cao khi con trai cả của Sander, Erich, một đảng viên Đảng Cộng sản, bị kết án 10 năm tù vào năm 1934 (ông chết trong tù năm 1944).

Phản ứng trước giai đoạn hỗn loạn nhất trong lịch sử nước Đức, Sander đã chuyển tới ngôi làng nhỏ ở Kuchhausen vào năm 1942. Vào năm 1944, xưởng ở Cologne của ông bị phá huỷ do một trận ném bom, tuy nhiên khoảng 30,000 âm bản được ông giấu ở trong tầng hầm của tư trang cũ tại thành phố này không bị ảnh hưởng gì cho tới năm 1946, bị phá huỷ do một sự cố hoả hoạn. Tất cả những sự kiện này đánh dấu sự bắt đầu một thời kỳ mới trong cuộc đời sự nghiệp của Sander, bởi ông lần nữa tự do để làm việc với sự nghiệp xã hội học của mình.

Các bức chân dung của Sander là chủ đề của một cuộc triển lãm ở Cologne vào năm 1951. Cuộc triển lãm có sự tham gia của nhiếp ảnh gia kiêm giám tuyển người Mỹ Edward Steichen và cuộc gặp gỡ của hai người đàn ông là bước khởi đầu cho danh tiếng quốc tế của Sander. Steichen, lúc bấy giờ là Giám đốc Bộ phận Nhiếp ảnh của MoMA ở New York, đã chọn một số tác phẩm của Sander để trưng bày tại một cuộc triển lãm chuẩn bị diễn ra vào năm 1955. Triển lãm ‘Gia đình của con người‘ (The Family of Man) tại MoMA – nơi Sander đứng cạnh những người như Robert Frank, Henri Cartier-Bresson, Shizuo Yamamoto và Dorothea Lange – đã trở thành một sự kiện văn hóa quan trọng tượng trưng cho sự đồng lòng quốc tế trong việc kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai. 

Hình ảnh tại triển lãm Gia đình của con người (The Family of Man) (1955)

Cùng năm đó, thành phố Cologne đã mua dự án danh mục Cologne như đã từng (Köln wie es war) của Sander. Năm 1960, ba năm sau cái chết của Anna Sander, Sander được vinh danh với Bằng khen và Giải thưởng của Hiệp hội Nhiếp ảnh Đức. Ông qua đời bốn năm sau đó tại Cologne ở tuổi 88 khi dự án Những con người của thế kỷ XX của ông vẫn đang được tiến hành. Tuy nhiên, người con trai còn sống của Sander là Gunther vẫn tiếp tục tác phẩm và một Những con người của thế kỷ XX hoàn chỉnh cuối cùng đã được xuất bản vào năm 1966, với sự tôn trọng của Gunther dành cho cấu trúc chương hồi của cha ông.

Nguyên bản tiếng Anh do Những Cộng sự của The Art Story tổng hợp và viết, Antony hiệu đính, bổ sung phần Tóm Lược và Thành tựu. Bản tiếng Việt do Tố Uyên dịch, Hương Mi Lê hiệu đính và viết lời đề tựa.

Cùng tác giả

#Tag

August Sander Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…