Alfred Stieglitz (Phần 2) - Di sản và Tác phẩm nổi bật

Trong phần cuối của loạt bài về Alfred Stieglitz, một trong những “nhân vật chính” của công cuộc kiến tạo nghệ thuật Hiện đại Mỹ, chúng ta cùng tìm hiểu về Stieglitz Circle qua một nội dung đăng tải bởi nhà đấu giá Christie’s, di sản của Stieglitz, và những tác phẩm nghệ thuật quan trọng của ông.

  • Trong nhiếp ảnh, ẩn giấu một thực tại tinh tế tới mức nó trở thành còn thật hơn cả hiện thực này“.
  • Trong quá khứ, một số người phụ nữ có thể đã cố gắng thể hiện bản thân trong hội họa … Nhưng bằng cách nào đó, tất cả những nỗ lực mà tôi đã thấy đều yếu ớt – bởi sức mạnh và tầm nhìn của họ không bao giờ đủ sức chế ngự để loại bỏ sự kìm hãm của nam giới – cho đến khi tôi gặp O’Keeffe.
  • Mục tiêu của nghệ thuật là cái biểu hiện thiết yếu về chính mình.”
  • Đã tồn tại rất nhiều trường phái hội hoạ. Vậy tại sao không thể có rất nhiều trường phái nghệ thuật nhiếp ảnh? Khó thể có đúng và sai trong những địa hạt này, nhưng luôn có sự thật, và đó nên là nền tảng cho mọi tác phẩm nghệ thuật.”
  • Tôi không phải một họa sĩ, cũng không phải là nghệ sĩ. Vì vậy, tôi có thể nhìn thẳng và rõ, và đó cũng có thể sẽ là sự thất bại của tôi.
  • Bất cứ nơi nào có ánh sáng, tại nơi ấy một người có thể chụp ảnh.

Nhóm của Stieglitz (Stieglitz Circle)

Vào năm 1908, một triển lãm các phác thảo khoả thân của Auguste Rodin khai mạc ở Manhattan. Được tổ chức Alfred Stieglitz – một nhiếp ảnh gia, một biên tập, và một nhà quảng bá của nghệ thuật tiên phong châu Âu, triển lãm này nằm trong một loạt các triển lãm được thiết kế để giới thiệu những ý tưởng mới trong nghệ thuật Hiện đại cho công chúng đang hoang mang của Mỹ.

Sự kiện này đã gây chấn động xã hội, và theo nghệ sĩ người Mexico Marius de Zayas thì phải mất thêm 11 năm ‘lao động khổ sai’ mới thuyết phục thành công thành phố New York rằng những nghệ sĩ như Cézanne, Picasso, và Matisse có công lao lớn nhường nào với nghệ thuật. Phần lớn điều đó chính là nhờ vào Stieglitz, người đã quảng bá không mệt mỏi cho cả nghệ sĩ châu Âu và Mỹ tại những phòng trưng bày ở Manhattan của mình, đầu tiên là Những phòng trưng bày nhỏ của Nhiếp ảnh ly khai (thường được gọi là ‘291’), sau đó tại The Intimate Gallery (TD: Phòng trưng bày thân mật), và cuối cùng là An American Place (TD: Một chốn Mỹ).

Triển lãm của Gertrude Käsebier và Clarence H. White ở 291, năm 1906 (ảnh đăng trên Camera Work, số 14, năm 1906)

Ngày nay, Stieglitz được coi là một nhân vật chính mang tầm nhìn xa trông rộng trong sự thai nghén nghệ thuật Hiện đại Hoa kỳ với cụ thể là có một nhóm nghệ sĩ do ông phát hiện và nâng đỡ thường được gọi là Nhóm Stieglitz.

Stieglitz khi sinh thời không phải lúc nào cũng được hưởng cái danh tiếng như ngày hôm nay. Vào đầu những năm 1900, nhiều người coi ông như một kẻ tò mò nhỏ bé, một kẻ để lại ‘những trò nhái đùa giỡn bất khả thi’ cho công chúng. Như Phó chủ tịch của Christie’s là Eric Widing giải thích, “Hầu như không có một cuộc thảo luận phê bình nào về nghệ thuật Hiện đại ở New York lúc bấy giờ. Điều đó có nghĩa là Stieglitz hoặc bị phớt lờ hoặc bị bác bỏ.

Tuy nhiên, niềm tin bất khuất của Stieglitz về một khả thể của chủ nghĩa Hiện đại Mỹ luôn tồn tại. Ông đã tập hợp quanh mình một nhóm nghệ sĩ bản địa tài năng, trẻ, và ngây thơ, trong đó có bao gồm Marsden Hartley, John Marin, Arthur Dove, và Charles Demuth, Max Weber và, sau này, vợ của ông là Georgia O’Keeffe. Chính những người nghệ sĩ này đã cung cấp nguồn cơn cho một ý tưởng như vậy.

Tôi nhìn thấy hình tượng 5 bằng vàng (I Saw the Figure 5 in Gold) (1928) của Charles Demuth. Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ. Mặc dù vẫn được miêu tả như một sản phẩm chịu ảnh hưởng của Vị lai và Lập thể châu Âu. Nhưng, đồng thời, nó nổi bật như một biểu hiện của phong cách Chính xác (Precisionism) với những đường nét và dạng hình học sắc nét sạch sẽ. Ngoài ra, hoàn toàn có thể nói là nó góp phần dự báo phong trào Pop Art.

Stieglitz đã, và luôn là, một nhân vật hấp dẫn. Ông đã trải qua những năm đầu tuổi hai mươi ở Berlin để nghiên cứu hoá học và thử nghiệm các kỹ thuật chụp ảnh, sau đó trở lại New York và lập tức xuống tinh thần trước chủ nghĩa địa phương và thương mại của nơi này.

Phòng trưng bày 291 của ông vốn được xây dựng để quảng bá nhiếp ảnh như là mỹ thuật, tổ chức các triển lãm của Edward Steichen, Ansel Adams, và những người khác. Nhưng, nhanh chóng, nó đã trở thành trung tâm của nền nghệ thuật non trẻ tại New York và Stieglitz bắt đầu đại diện cho cả các họa sĩ nữa.

Anna May Wong (1930) của Edward Steichen. Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York, Mỹ. Bên cạnh là một trong những nghệ sĩ nhiếp ảnh Như hoạ nổi tiếng nhất với tác phẩm tới nay vẫn nằm trong top 10 tác phẩm nhiếp ảnh đắt nhất thế giới, Steichen cũng tiên phong về nhiếp ảnh thời trang.

Chìa khoá cho sự thành công của Stieglitz là hiểu biết về việc bán tác phẩm như thế nào, lúc nào, và cho ai. Ông vẫn tỏ ra phi thương mại một cách khó chữa, và sẵn sàng bác bỏ khách hàng không thương tiếc. Trợ lý phòng trưng bày của ông, Herbert Seligmann, đã mô tả ông là “phù phiếm và kịch; ông ta có thể thù hận và tàn nhẫn. Ông ta có thể đi tới cực điểm cả trong sự ngưỡng mộ và cả trong sự phỉ báng ngay sau đó đối với mọi người. Ông ta là một kẻ lãng mạn. Ông ta phun trào với năng lượng không ngừng nghỉ của một ngọn núi lửa.

Widing đồng ý với điều này, mặc dù ông cũng nghi ngờ rằng trong đó cũng có những hành vi mang tính đóng kịch: “Tất nhiên ông ấy đã cộc cằn, khó tính, và bướng bỉnh.  Nhưng bạn phải nhớ rằng ông đang quảng bá cho một nhóm hoàn toàn không nổi tiếng vào thời điểm đấy. Ông cần phải cứng rắn.

Và việc đó hiệu quả. Ông đã thiết lập ra một vầng hào quang tinh tế và trí tuệ xung quanh các nghệ sĩ trẻ với tâm hồn giàu có của mình, và các nhà sưu tập bắt đầu chú ý. Mardsen Hartley (hoạ sĩ Mỹ, 1877-1943) viết: “Có vẻ như đang có gì cho thấy sự sôi động nghệ thuật ở New York, phải không? Tôi hi vọng rằng nó có giá trị cho một cái gì đó, tôi cho rằng nó hẳn không thể lúc nào cũng là tầm phào.

Tranh của Marsden Hartley (1914-15)

Một yếu tố đặc biệt của Nhóm Stieglitz là niềm quan tâm của họ đối với thiên nhiên.” Widing nhận xét. “Trong khi họ vẽ dựa nhiều vào những gì xảy ra ở châu Âu, niềm đam mê nhất quán của họ là dành cho thế giới tự nhiên và điều ấy khiến họ khác biệt.” Với những nghệ sĩ này, cảnh quan của Mỹ là một chốn linh thiêng và, vào thời điểm ấy, điều kiện căn bản của tồn tại. Arthur Dove nói “Chúng tôi không thể thể hiện ánh sáng trong mặt trời. Chúng tôi chỉ có thể thể hiện ánh sáng ở trong mình.” Dove đã tìm kiếm những biểu tượng của các trạng thái tâm linh ở đáy sông, trong khi O’Keeffe tìm thấy ánh sáng của mình trong những khúc xương được tẩy trắng của một hộp sọ lìa khỏi xác.

Tôi và Mặt trăng (Me and the Moon) (1937) của Arthur Dove
Xương chậu với khoảng không (Pelvis with the Distance) (1943) của Georgia O’Keeffe

Stieglitz nhận ra được thứ chủ nghĩa thoát ly mà những mô tả về một vùng đất hoang vu rộng lớn, chưa được thuần hoá, và đầy điều huyền bí cung cấp cho quần chúng đang bị đè nén của đô thị. Như tiểu thuyết gia Sherwood Anderson viết trong danh mục triển lãm năm 1925 “Sau đây là bảy nghệ sĩ mang những khoảnh khắc của đời họ tới cho các bạn, những cư dân của thành phố. Họ cũng mệt như cách các bạn mệt; cuộc sống cũng đè lên họ như cách nó đè lên các bạn. Hãy tới gặp họ ở đây trong những khoảnh khắc của đời họ – khi sự sống, được bơm đầy qua cơ thể, len lỏi xuống từng ngón tay họ.” Những người nghệ sĩ của Stieglitz đóng một vai trò chủ chốt. Câu chuyện của chủ nghĩa Hiện đại Mỹ bắt đầu với họ: họ đại diện cho bình minh của một thời đại mới.

Di sản của Alfred Stieglitz

Alfred Stieglitz lãnh đạo phong trào Nhiếp ảnh như hoạ, thứ đã thúc đẩy tính chính thống trong nghệ thuật của nhiếp ảnh ở Mỹ. Nếu không có ảnh hưởng của ông, những nhiếp ảnh gia như Ansel Adams và Edward Weston sẽ không bao giờ có thể trở nên nổi tiếng. Các tác phẩm của chính Stieglitz đã khiến Nhiếp ảnh như hoạ trở nên vĩ đại hơn và đặt ra một tiêu chuẩn thẩm mỹ vững chắc cho những người đương thời, nhiều tác phẩm trong số đó cũng đã được trưng bày trên tạp chí Camera Work. 

Bìa cuốn sách tổng hợp lại toàn bộ nội dung của tạp chí Camera Work của Stieglitz

Trước khi có những nỗ lực của ông, ảnh chụp hoàn toàn chỉ được coi là những ghi chép lịch sử. Ông đã một tay phổ biến loại hình nghệ thuật này và giới thiệu Mỹ với chủ nghĩa Hiện đại châu Âu qua Gallery 291. Pablo Picasso, Auguste Rodin, Henri Matisse và Paul Cézanne đều là những nghệ sĩ có tác phẩm được ra mắt ở Mỹ tại phòng trưng bày này. Ông cũng là bệ phóng cho sự nghiệp của vợ mình, Georgia O’Keeffe, và ca ngợi bà – tuy không công bằng lắm – là nữ nghệ sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20. Ông là người đặt nền móng cho sự phát triển của máy ảnh kỹ thuật số hiện nay. Trong khi ngày nay, ai cũng có thể là một nhiếp ảnh gia nghiệp dư, thì cuối thế kỷ XIX, chỉ có một số ít là như thế, và Stieglitz là người dẫn đầu trong số ít ỏi đó.

Các tác phẩm quan trọng

1892: Mùa đông, Đại lộ số 5

Khắc bằng ánh sáng trên khuôn kẽm – Viện Nghệ thuật Minneapolis, Mỹ.

Bức hình Mùa đông, Đại lộ số 5 (Winter, Fifth Avenue) cho thấy khung cảnh đường phố New York hối hả giữa cơn bão tuyết. Stieglitz đã quan sát Đại lộ số 5 trong suốt ba tiếng đồng hồ lạnh giá chỉ để chờ đợi khoảnh khắc hoàn hảo nhất. Không giống như những người họa sĩ có thể tự sáng tạo bố cục cho bức tranh, ông phải chờ đợi cho đến khi bố cục của tấm ảnh trở nên lý tưởng. Những vệt dài trên con đường tuyết điều hướng mắt nhìn dọc về phía tâm điểm của tấm ảnh – một con ngựa đen và cỗ xe bị làn tuyết nuốt chửng. Tuyết cũng làm mờ các chi tiết của không gian xung quanh thành phố, tạo cho bức ảnh một sắc thái của trường phái Ấn tượng. Bức ảnh miêu tả con người – được cơ giới hóa một cách sơ sài – và chiến đấu với sự nổi giận của tự nhiên, cho thấy sự kế thừa của Stieglitz từ chủ nghĩa Lãng mạn thế kỷ 19.

1893: Ga cuối

Khắc bằng ánh sáng trên khuôn kẽm – Bảo tàng nghệ thuật hiện đại, New York, Mỹ.

Được chụp bằng máy ảnh phim cầm tay Folmer và Schwing tấm 4×5, bức ảnh này ghi lại hơi nước nóng bốc lên từ những con ngựa trong mùa đông buốt giá. Máy ảnh càng nhỏ thì tính di động của nó lại càng cao; điều này cũng đảm bảo cho Stieglitz sự thuận tiện khi ghi lại những khoảnh khắc chớp nhoáng trong thời gian ngắn. Hơi nước cũng làm cho bức ảnh giống như tranh được vẽ cẩn thận hơn là một hình ảnh ngắm-và-chụp. Những hiệu ứng khí quyển như trong tác phẩm này rất quan trọng đối với Stieglitz trong việc vừa mang lại một phương tiện để liên kết hình ảnh lại, đồng thời thể hiện sự thành thạo trong kỹ thuật và hiệu ứng sống động mà khán giả đã công nhận trong hội họa.

1907: Khoang hạng chót

Khắc bằng ánh sáng trên khuôn kẽm – Bảo tàng nghệ thuật hiện đại, New York, Mỹ.

Bức Khoang hạng chót (The Steerage) mô tả hình ảnh những kẻ di cư chen chúc lên chuyến tàu hơi nước đi từ New York đến Bremen, Đức. Những người này đã cố nhập cư vào Mỹ nhưng bị buộc phải quay lại quê hương. Trong khi một vài bức ảnh thời kì đầu của Stieglitz cho thấy sự quan tâm của ông đến các chủ đề về tầng lớp lao động – hoặc ít nhất là những cảnh lao động hay ngành công nghiệp – thì trong bức Khoang hạng chót, ông đã nhìn những người di cư với sự đồng cảm có phần xa cách của một người có địa vị cao. 

Đối với Stieglitz, bức ảnh quan trọng hơn rất nhiều trong vai trò như một nghiên cứu về đường nét và hình dạng. Ông coi đây là tác phẩm nhiếp ảnh “hiện đại” đầu tiên của mình, đánh dấu bước dịch chuyển khỏi sự giàu sắc độ của giai đoạn Nhiếp ảnh như hoạ trước đó, và từ đây bức ảnh cũng được coi là một chuẩn mực cho sự khởi đầu của nhiếp ảnh Hiện đại. Một phần chính là nhờ vào sự quảng bá của chính Stieglitz. Ông đưa nó vào một số đặc biệt của tờ Camera Work năm 1911 dành riêng cho tác phẩm này. Các hình ảnh được đặt cạnh với một bức họa theo chủ nghĩa Lập thể của Picasso, và Stieglitz yêu thích việc nhắc lại rằng Picasso đã ca ngợi bức ảnh Khoang hạng chót vì cách nó biến một chủ thể thông thường thành một miêu tả nổi bật dạng cắt ghép của những không gian khác nhau như thế nào.

1915: Từ khung cửa phía sau tại 291

In platinum – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York, Mỹ.

Bức ảnh ghi lại khung cảnh ban đêm với điểm nhìn từ cửa sổ của phòng trưng bày cấp tiến nổi tiếng của Stieglitz. Điểm nổi trội trong bức ảnh là các đường nét hình học tạo nên bởi cảnh quan thành phố New York, sử dụng sắc độ phong phú của máy ảnh để mô tả sự kịch tính của thành phố vào ban đêm. Màn đêm cũng được tô điểm bởi những những điểm ánh sáng nhân tạo đứt quãng. Mặc dù bức ảnh được chụp nhiều năm sau khi Stieglitz không còn đi theo phong cách sử dụng sắc độ phong phú của Nhiếp ảnh như hoạ, nó có thể được hiểu gần như là một tác phẩm chuyển tiếp – hiệu ứng ánh sáng kịch tính gợi lại những tác phẩm ban đầu của ông, nhưng những đường nét hình học của những mái nhà ở tiền cảnh lại cho thấy sự quan tâm mới của ông – Nhiếp ảnh thẳng thắn.

1918 – 1919: Georgia O’Keeffe – Bán thân

In palladium – Bảo tàng nghệ thuật hiện đại, New York, Mỹ.

Stieglitz đã cắt xén bức ảnh về cơ thể của O’Keeffe và chỉ giữ lại phần thân khỏa thân của bà. Nằm trong loạt ảnh chân dung đồ sộ về O’Keeffe, tác phẩm thể hiện sự quan sát thân mật về người phụ nữ cũng là nàng thơ của Stieglitz ở giai đoạn sau của cuộc đời ông. Ông tiếp cận O’Keeffe như tiếp cận một phong cảnh; người quan sát được khuyến khích không phải nhìn thấy sự trần truồng mà thay vào đó là những dòng chảy của những đường nét hữu cơ – với một bố cục được đánh giá tinh vi. Tuy nhiên cũng vì vậy mà O’Keeffe bị giải-cá-nhân-hoá và rút gọn xuống còn các bộ phận cơ thể – bà là tóc, ngực và cánh tay của mình.

1930: Đẳng lượng 

In bạc gelatin – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại San Francisco, Mỹ

Loạt ảnh về mây của Stieglitz – Những đẳng lượng (Equivalents) – đã ghi lại sự hình thành những đám mây một cách nhanh chóng trên bầu trời. Bức ảnh được phân chia bởi những mảng mây đen ở bên trái và những đám mây trắng ở bên phải. Nếu không có bối cảnh, ta khó có thể xác định chủ thể bức ảnh, mặc dù Stieglitz dự định loạt ảnh sẽ là một chuyến khám phá về trạng thái tinh thần đang thay đổi của ông, với mỗi bức ảnh chụp bầu trời như một thể hiện tương đương cho tâm trạng của ông tại thời điểm bức ảnh được chụp. Loạt ảnh không chỉ là một trong những tác phẩm được tôn kính của ông sau này, mà còn là đỉnh cao trong sự nghiệp nhiếp ảnh trừu tượng của ông.

Nguyên bản tiếng Anh tổng hợp, viết, và biên tập bởi Những người cộng sự của The Art Story và Eric Widing cùng Paige Kestenman trên trang của Christie’s. Dịch sang tiếng Việt bởi Thuý An và Hương Mi Lê. Đề tựa tiếng Việt và hình ảnh minh hoạ bởi Hương Mi Lê.

Cùng tác giả

#Tag

Alfred Stieglitz Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…