Thực hành Nghệ thuật và Thực hành Khoa học - (Phần 2)

Giữa một Màn biểu diễn độc nhất và một Thí nghiệm lặp lại

Trong phần đầu tiên của bài nghiên cứu, chúng ta đã cùng được hiểu thêm về cái gọi là ‘khí chất của khoa học’, thứ khí chất được xác định là “điều độc đáo diễn ra trong một khoảng cách nhất định, gần nhất có thể với trung tâm hiện tượng” mà nhà triết học Walter Benjamin đã từng sử dụng để xác định phẩm chất của một tác phẩm nghệ thuật. Ta cũng đã được giới thiệu về tính cơ học của một tác phẩm nghệ thuật, song song với đó tính biểu diễn của một thí nghiệm khoa học mà, theo nhà vật lý học và khoa học biểu diễn Hans H.Diebner, “là một phương pháp cụ thể gần với nghệ thuật và con người, thích hợp để nghiên cứu thuyết hỗn mang và tất cả các hệ thống phức tạp thiếu tính lặp, bất biến và ổn định.

Ở phần tiếp theo của bài viết, ta sẽ cùng tìm hiểu thêm các ví dụ trực quan về những nghệ sĩ hoạt động trong phòng thí nghiệm khoa học, cũng như các dự án phối hợp khoa học – nghệ thuật, được thực hiện chủ yếu tại khu vực Châu Âu và Mỹ.

Bài viết gồm 5 phần:
– Phần 1: Khí chất của Khoa học, Nghệ thuật cơ học và Khoa học biểu diễn
– Phần 2: Các nghệ sĩ trong phòng thí nghiệm khoa học
– Phần 3: Giới thiệu tác phẩm – Streptomyces bởi Linda Čihářová và Expogenica bởi Pavel Sterec
– Phần 4: Giới thiệu tác phẩm – bio+bio-BIO+BIO- bởi Svobodová và Nanoface của Pavel Kopřiva
– Phần 5: Nghệ thuật, Khoa học và Mạng lưới kết nối; Tính phát triển, sự linh hoạt và tính khảo nghiệm

Tác phẩm Artist in Science Lab (Tạm dịch: Nghệ sĩ trong Phòng thí nghiệm Khoa học), Sonia Landy Sheridan, 1976

Phần 2: Các nghệ sĩ trong phòng thí nghiệm khoa học

Trong khi khoa học dường như ngày càng trở nên giàu tính biểu diễn và tỏa ra khí chất, thì nghệ thuật dường như lại tuân theo một tính lặp cứng nhắc giống nhau và theo các mô hình kiến thức truyền thống hơn, điều mà chúng ta thường dùng để nhận định về phương pháp luận khoa học. Có thể thấy một ví dụ ban đầu trong hình thức thử nghiệm nghệ thuật Dada như thể nghiệm vào năm 1921 bởi Tristan Tzara, người đã công bố bài viết “Pour faire un poème dadaïste” (Để làm một bài thơ theo phong cách Dada) dưới dạng một bản hướng dẫn, chỉ dẫn người đọc cách cắt các từ trong một bài báo mà họ đã chọn bằng kéo, rồi đựng chúng vào trong một cái túi và lắc lên. Nghệ thuật Khái niệm và Fluxus, về cơ bản, được định nghĩa bởi sự quan tâm của chúng đến các khái niệm, thông tin, những lời chỉ dẫn và các thuật toán, những điều chi phối việc “biểu diễn” của tác phẩm nghệ thuật. Những “tấm thẻ sự kiện” của Fluxus, các ký hiệu đồ họa của John Cage dành cho các diễn biến đa phương tiện, hướng dẫn meta của Joseph Kosuth cho việc quan sát, hay các chuỗi và các lời hướng dẫn của Sol LeWitt, v.v… tất cả đều cho thấy sự ám ảnh đối với phương pháp luận khoa học ngay cả khi nó không được tuyên bố rõ ràng.

Tristan Tzara (1896-1963), một nhà thơ, nhà luận văn và nghệ sĩ trình diễn tiên phong, mang 2 quốc tịch Rumani và Pháp. Một trong những người sáng lập và là nhân vật trung tâm của phong trào Dada.

Chúng ta phải giải thích như thế nào về sự xâm đoạt đầy nghịch lý này này của các phương pháp luận khoa học trong nghệ thuật và về các mục tiêu của chúng trong thực hành nghệ thuật?

Để đào sâu và khám phá thêm về các vấn đề và các hiện tượng lặp trong nghệ thuật, tôi sẽ lấy ví dụ về các tác phẩm nghệ thuật từ dự án của Séc mang tên “Các nghệ sĩ trong phòng thí nghiệm khoa học”, được công bố tại Tuần lễ Khoa học và Công nghệ hàng năm tại Viện Hàn lâm Khoa học Séc và song song với đó là Festival Nghệ thuật, Công nghệ và Khoa học, ENTER 3 được tổ chức tại Praha.

Cả hai sự kiện này đều rất quan trọng đối với sự phát triển của dự án “Các nghệ sĩ trong phòng thí nghiệm khoa học”, bởi chúng đưa ra những thách thức khác nhau cho các nghệ sĩ và cho tôi – một người phụ trách. Một mặt, Tuần lễ Khoa học và Công nghệ là cơ hội để tiếp cận với các nhà khoa học và cũng là cơ hội để giao lưu với những người quan tâm đến khoa học bằng phương pháp nghệ thuật. Một mặt khác, lễ hội quốc tế tại Praha đã thu hút được những nghệ sĩ nổi tiếng thuộc các lĩnh vực liên ngành từ khắp nơi trên thế giới, từ đó tạo cơ hội so sánh các tác phẩm nghệ thuật của Séc và cả những trải nghiệm bản địa với các tác phẩm và chương trình tương tự đến từ Úc, Mỹ và Châu Âu. Dự án “Các nghệ sĩ trong phòng thí nghiệm khoa học” bắt đầu vào năm 2007 như một chương trình đầu tiên giúp cho các nghệ sĩ Séc muốn dành thời gian trong các phòng thí nghiệm khoa học khác nhau có cơ hội cư trú tại các địa điểm thí nghiệm mong muốn.

Trang thông tin về dự án “Các nghệ sĩ trong phòng thí nghiệm khoa học” trong khuôn khổ Festival ENTER 3, đăng tải tại Catalog trực tuyến của Festival ENTER 3, 2007

Trong năm 2007, có khoảng 9 nghệ sĩ và tổ chức khoa học đã tham gia vào dự án này và 7 tác phẩm nghệ thuật đã được giới thiệu tại Tuần lễ Khoa học và Công nghệ và Festival ENTER 3. Các tổ chức khoa học tham gia dự án chuyên nghiên cứu các ngành từ sinh học đến công nghệ nano: Viện Y học Thực nghiệm của Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Séc (AS CR), Viện Vi sinh vật học (AS CR), Viện Nguyên lý Cơ bản về Quy trình Hóa học (AS CR), Viện Quang tử học và Điện tử (AS CR), Khoa Kỹ thuật Dệt may của Đại học Liberec, và Khoa Khoa học của Đại học Charles. Dự án được hỗ trợ bởi Bộ Văn hóa Séc và được tổ chức cùng sự hợp tác của Viện Hàn lâm Khoa học Séc, nơi đã lựa chọn các phòng thí nghiệm và cung cấp địa chỉ liên hệ. Các nghệ sĩ tham gia dự án cũng liên quan đến các “lĩnh vực” khác nhau từ điêu khắc đến phương tiện truyền thông mới, thậm chí là sân khấu như: Linda Čihařová, Gabriela Jurkovičová, Martin Kermes, Pavel Kopřiva, Martin Pouzar, Pavel Sterec, Lucie Svobodová, và Petr Šourek. Ban đầu, các nghệ sĩ đáng ra sẽ ở lại ít nhất một tháng trong cơ sở mà họ chọn và làm việc với một nhà khoa học. Nhưng sau đó, sự hợp tác này đã được chuyển thành các chuyến thăm và hội ý không thường xuyên với các nhà khoa học khác nhau đến từ các tổ chức khác nhau trước khi các nghệ sĩ quyết định nơi họ sẽ tới để dành nhiều thời gian làm việc hơn. Cuối cùng, mỗi người thiết lập một phong cách cư trú riêng và một mô hình hợp tác của riêng mình.

Trang thông tin về tọa đàm chủ đề “Thách thức Nghệ thuật và Khoa học” trong khuôn khổ Festival ENTER 3, đăng tải tại Catalog trực tuyến của Festival ENTER 3, 2007

Mục tiêu của việc lưu trú này là khám phá ra ranh giới giữa phòng trưng bày và phòng thí nghiệm, giữa trình diễn nghệ thuật và trực quan kỹ thuật, giữa sự nhấn mạnh khoa học trong việc khám phá thực tiễn và sự khẳng định nghệ thuật trong việc tái tạo và thay đổi khoa học. Rất nhanh chóng, dễ thấy không ai trong số các nghệ sĩ thực sự quan tâm đến các thiết bị kỹ thuật của các phòng thí nghiệm cũng như đánh giá cao tính thẩm mỹ của việc nghiên cứu khoa học, các thí nghiệm trực quan khác nhau, hay các bức ảnh chụp bằng kính hiển vi. Các nghệ sĩ đã bị choáng ngợp, chỉ đơn giản là bị thu hút bởi chính các phương pháp luận khoa học và thực hành khoa học, và họ bắt đầu sử dụng các thí nghiệm khoa học như một loại nghệ thuật trình diễn. Không ai trong số họ thực sự cố gắng để định hình nghệ thuật trong khoa học hay để tìm kiếm điểm hội tụ giữa sự sáng tạo và cách tân; tất cả họ đều tham gia vào một cuộc khám phá thách thức hơn nhiều, để nhận ra những sự khác biệt của khoa học và nghệ thuật. Gần như tất cả đều tập trung vào các thực hành khoa học mà họ đã chứng kiến hằng ngày trong các phòng thí nghiệm. Ngay cả khi không có nghệ sĩ nào thực sự được đào tạo như một triết gia hay nhà xã hội học về khoa học, việc nghiên cứu tập tính đã bắt đầu đóng vai trò trung tâm trong những nỗ lực của họ, với mục tiêu chuyển thể các công việc thực hành mà họ nắm được và phương pháp luận khoa học thành các tác phẩm nghệ thuật.

(Còn tiếp)

Tổng hợp và biên tập | Ảnh bìa: Artplas
Nguồn: Art and Science Practices Between a Singular Performance and a Repeatable Experiment, Denisa Kera

Cùng tác giả

#Tag

Artplas khoa học nghệ thuật Nghệ thuật và khoa học Series Nghệ thuật và ?

iDesign Must-try

Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều loại công nghệ mới đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi mối quan hệ của ta với nghệ thuật.
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Tìm hiểu chi tiết hơn về các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng công nghệ trong khuôn khổ triển lãm Nghệ thuật Kỹ thuật số nổi bật của thời đại…
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
“Tất cả chúng ta đều mong đợi xem việc áp dụng công nghệ hiện tại trong nghệ thuật sẽ mở ra những cánh cửa nào. Dù tương lai có ra…
Nghệ thuật và Công nghệ: Cùng tồn tại và phát triển
Nghệ thuật và Công nghệ: Cùng tồn tại và phát triển
Sự xuất hiện của công nghệ số trong quá trình sáng tạo nghệ thuật chưa bao giờ mạnh mẽ như lúc này. Nhưng, tận dụng hay loại bỏ, đâu mới…
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 7)
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 7)
Bức tranh rõ ràng là chưa hoàn chỉnh. Làm thế nào nó có thể là nghệ thuật? Nhưng Cezanne không hề nao núng trước những lời chỉ trích nhắm vào…
Paul Cézanne - Quá trình của Sự thấy (Phần 6)
Paul Cézanne - Quá trình của Sự thấy (Phần 6)
Đó là năm 1858. Cezanne mới mười tám. Người bạn thân nhất của cậu, Emile Zola, vừa rời đi Paris, bỏ cậu ở lại Aix-en-Provence.