Mối tương quan giữa Nghệ thuật và Tâm lý - (Phần 2)
Trong phần 1 của bài viết ‘Mối tương quan giữa Nghệ thuật và Tâm lý’, chúng ta đã cùng tìm hiểu về định nghĩa chính xác của Tâm lý học, cũng như phương thức áp dụng Nghệ thuật vào quá trình nghiên cứu tâm lý con người. “Liệu pháp trị liệu bằng nghệ thuật nhằm mục đích phát triển bản sắc và nhân cách, khơi gợi cảm giác thành tựu ở trẻ em, thông qua các công cụ sáng tạo có tính vị kỷ. Trị liệu nghệ thuật, hay phân tâm học nghệ thuật, có liên quan chặt chẽ đến mối quan tâm dành cho các nhu cầu tinh thần của bệnh nhân, như nhu cầu về tự do, nhu cầu được thể hiện bản thân và được thư giãn.”
Ở phần 2 này, chúng ta sẽ có được những thông tin chi tiết hơn về sự phát triển của tâm lý học nghệ thuật từ những năm 1950 trở đi, cùng với đó là biết thêm những cái tên quan trọng trong ngành Tâm lý học nghệ thuật, để có thể tự bản thân từ đó mà tìm hiểu sâu hơn mỗi khi cần thiết.
Bài viết được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu gồm Kamali Nader thuộc Đại học Hormozgan và Javdan Moosa thuộc Đại học Islamic Azad – Iran, lược dịch bởi Artplas, sẽ được chia làm 3 phần:
– Phần 1: Sơ lược nội dung, Giới thiệu mở đầu
– Phần 2: Lịch sử phát triển Tâm lý học Nghệ thuật từ năm 1950
– Phần 3: Các chất liệu nghiên cứu và phương pháp, Kết quả nghiên cứu và Thảo luận
Lịch sử phát triển Tâm lý học Nghệ thuật từ năm 1950
Sự phát triển của tâm lý học nghệ thuật từ những năm 1950 đến 1970 đồng hành cùng sự phát triển của nghệ thuật trong suốt chiều dài lịch sử. Đồng thời, trường phái tâm lý học Gestalt, trường phái đã đưa ra một quan điểm toàn diện trong ngành tâm lý học, đã hỗ trợ rất nhiều cho sự phát triển của tâm lý học nghệ thuật. Các tác phẩm của Rudolf Arnheim, đặc biệt là cuốn sách quan trọng của ông mang tên Toward a Psychology of Art (Tạm dịch: Hướng tới Tâm lý học Nghệ thuật) đóng một vai trò không thể phủ nhận. Liệu pháp tâm lý nghệ thuật cũng đã được thảo luận trong tác phẩm này.
Wilhelm Hegel đã đề xuất thương mại hóa các tác phẩm nghệ thuật thuộc chủ đề tâm lý học nghệ thuật và cân nhắc xem liệu khán giả yêu thích loại hình nghệ thuật nào hơn. Tâm lý học nghệ thuật phải đối mặt với một thách thức nghiêm trọng khi so sánh với tâm lý học của Freud. Tuy nhiên, các tác phẩm của Carl Jung đã thể hiện một cái nhìn tích cực đối với nghệ thuật. Ông tin rằng những nội dung về bản ngã tập thể và vô thức có thể được biểu hiện thông qua nghệ thuật cùng với một vài cách thức khác.
Vào những năm 1970, tâm lý học nghệ thuật đã có một vị trí quan trọng trong các trường đại học. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến khía cạnh tâm lý học trong các cuộc tranh luận về nghệ thuật. Husserl, Wittgenstein và Derrida cũng đã bắt đầu nghiêm túc nghiên cứu lĩnh vực này.
Trong xã hội học về nghệ thuật, các khái niệm như hoàn cảnh xã hội, địa vị kinh tế, khán giả cũng như địa vị xã hội của người nghệ sĩ được đưa ra nghiên cứu. Trong nhánh phụ của môn xã hội học này, khái niệm nghệ thuật được đánh giá thông qua những gì xảy ra trong tầng lớp xã hội hoặc niềm tin đã đem cảm hứng cho chủ thể người nghệ sĩ. Nghiên cứu cũng đồng thời đo lường sức ảnh hưởng của tầng lớp nào là lớn nhất đối với tác phẩm được đề cập. Tuy nhiên, chỉ một tỷ lệ nhỏ các cuộc tranh luận xã hội học xem xét tới khía cạnh tâm lý học của nghệ thuật. Một số ít các nhà nghiên cứu tin rằng chỉ có 5% tài liệu xã hội học được phân bổ cho xã hội học nghệ thuật, mà phần lớn chỉ bao gồm các dạng khái niệm cơ bản và phần giới thiệu.
Có một số vấn đề và khái niệm quan trọng, đồng thời gây tranh cãi có liên quan tới nghệ thuật, đề cập tới vai trò của nghệ sĩ đối với xã hội và ngược lại. Một vài trong số chúng có thể thể hiện tinh thần chủ đạo của xã hội học về nghệ thuật và nghệ sĩ. Quá trình lập luận từ tiền đề được hình thành đầu tiên. Điều này có vai trò quan trọng ở hai khía cạnh. Thứ nhất, những nguồn nào đang có tác động ảnh hưởng đến nghệ thuật và người nghệ sĩ, và thứ hai, bằng cách nào và với những cơ chế nào mà nghệ sĩ có thể tạo ra các giá trị cho xã hội. Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu đã nêu ra nhiều ý kiến về xã hội học nghệ thuật. Tất nhiên, quá trình lập luận từ tiền đề về mối quan hệ giữa nghệ sĩ và xã hội có thể được phân loại theo một khái niệm khác, ví như sự ảnh hưởng của cộng đồng và văn hóa đối với nghệ thuật và người nghệ sĩ.
Sự ảnh hưởng có thể bị tổn hại tới mức dẫn tới những hệ quả tiêu cực và không mong muốn trong một thời gian dài. Do đó, điều này làm khơi lên nhu cầu về một mối quan hệ giữa nghệ thuật, nghệ sĩ với cộng đồng và văn hóa. Đó là một vấn đề được xã hội học nghệ thuật chú ý. Theo lý thuyết của Marx, nghệ sĩ chỉ có thể bảo vệ lợi ích cho giai cấp của mình và phản ánh những ý tưởng trong giai cấp kinh tế của chính họ. Tuy nhiên, xã hội học nghệ thuật đã trình bày những lý thuyết mang tính chính xác và đúng đắn hơn.
Một vấn đề khác trong xã hội học nghệ thuật là mối quan hệ giữa chất lượng nghệ sĩ và các vấn đề liên quan tới chính trị. Kết quả của vấn đề này có quan hệ mật thiết với các chính sách văn hóa vĩ mô và sự cố gắng điều hướng chính sách chính trị bằng những cơ chế khác nhau, ví như các lễ hội hay các giải thưởng nghệ thuật chuyên nghiệp.
Sự tương tác giữa các nghệ sĩ với giới tinh anh từ những ngành khác cũng đã được thảo luận trong xã hội học nghệ thuật. Trong đó, dù các nghệ sĩ được biết tới nhiều hơn với tư cách chỉ là người tiêu dùng các sản phẩm khoa học, thì họ lại có thể đưa ra các bối cảnh khiến mọi người thảo luận cùng thảo luận về các chủ đề khác nhau trong xã hội. Điều này có thể được thấy rõ trong xã hội học, lịch sử tâm lý học, quản lý và cả khoa học chính trị.
Một chủ đề khác đáng chú ý là sự thay đổi mà nghệ thuật tạo ra đối với các giá trị và chuẩn mực xã hội. Ví dụ, các nhà xã hội học đã đồng ý rằng, nhạc Pop đã khiến cho trẻ vị thành niên lớn lên theo một xu hướng khác và phát triển các giá trị cũng như chuẩn mực mới. Mặt khác, ở Iran, họ có được một truyền thống nghệ thuật sâu sắc và phong phú. Nghệ thuật Hồi giáo của Iran được thừa hưởng các yếu tố thẩm mỹ từ các giáo lý Hồi giáo và môi trường tự nhiên.
Để phân tích chính xác các khía cạnh tâm lý và xã hội học của truyền thống này, những khoảng cách lịch sử đóng vai trò quan trọng. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều tuyên bố rằng con người hiện đại có một số khía cạnh của cuộc sống khác biệt hoàn toàn so với con người thời cổ đại. Loài người hiện đại đã biết cách thao túng thiên nhiên, mặc dù người xưa hài lòng chỉ với việc giải thích nó. Các thế hệ trước cho rằng sự chỉ trích luôn đi kèm với nhận thức nhưng những thế hệ sau lại đề cao sự nhận thức hơn là sự phê bình.
Con người hiện đại là những kẻ tìm kiếm sự thỏa mãn; còn loài người cổ đại lại coi thế giới của họ là cây cầu kết nối với thế giới vị lai. Ấy vậy mà cuối cùng, con người hiện đại lại khám phá sự mới mẻ và hướng tới tương lai, trong khi con người thời xưa thì tập trung vào các giá trị truyền thống. Tất cả những điểm này đều đóng vai trò quan trọng khi đề cập tới việc nghiên cứu về truyền thống lịch sử của nghệ thuật. Nếu chúng ta muốn trình bày một đánh giá chính xác hơn về truyền thống nghệ thuật của dân tộc mình và tìm thấy được một hình ảnh tương đối thực tế, thì những tiêu chí này chính là kim chỉ nam.
Chính nhờ các giá trị truyền thống còn tồn tại cho tới ngày nay, những người Iran theo đạo Hồi có nhận thức và hiểu biết về truyền thống gặp ít khó khăn hơn khi sống trong cộng đồng này. Nhưng khi các cuộc nghiên cứu của phương Tây về nghệ thuật Hồi giáo-Iran dần trở nên quan trọng, chúng ta có thể thấy rằng họ nhận thức được tầm quan trọng của việc tương tác với các giá trị truyền thống. Nói cách khác, nếu xã hội học nghệ thuật và tâm lý học nghệ thuật muốn tiến gần hơn đến sự phát triển của nghệ thuật Hồi giáo, thì những khoảng cách nhận thức luận và nhân học này nên được nhìn nhận một cách rõ ràng.
Nghệ thuật luôn gắn liền với cái đẹp tới mức mà cứ nhắc tới khái niệm nghệ thuật là người ta sẽ nghĩ tới khía cạnh thẩm mỹ. Cái đẹp tương đương với nghệ thuật. Vì vậy, nếu chúng ta chấp nhận sự thật rằng, sự sáng tạo của thế giới và thiên đường là một tác phẩm nghệ thuật được tạo bởi chính tay của Đức Chúa Trời, thì có thể kết luận rằng Đức Chúa Trời là tổng hòa của tất cả các vẻ đẹp và Ngài không tạo ra điều gì khác ngoại trừ cái đẹp. Con người liên tục nhận thức tất cả các sự việc và hiện tượng thông qua các giác quan của bản thân mình. Tuy nhiên, loài người tiếp nhận mọi thứ bằng mắt và tai; tất cả những gì chúng ta tiếp thu về cơ bản đều được ta coi là thực tế, nhưng ta lại thường không nhận thức giá trị xác thực của sự kiện.
Nhận thức xác thực về sự kiện có được khi ta trực tiếp xử lý thông tin bằng tai, mắt và cả năm giác quan, để ta có thể hiểu được sự thật một cách sâu sắc và chính xác nhất. Nghệ thuật là một loại hình cứu rỗi giúp giải phóng chúng ta khỏi những mong muốn tầm thường, những cảm xúc như đau đớn và phiền muộn. Beethoven nói về vai trò của nghệ thuật trong giáo dục: “Nghệ thuật của tôi là con đường dẫn đến sự thịnh vượng của những kẻ khốn khổ“.
Những gì có thể được diễn giải từ câu Kinh Qur’an là: chỉ loại bỏ các vấn đề tiêu cực khó khăn là không đủ, mà ta nên tìm cách để giải quyết triệt để chúng. Trong thời đại của công nghệ, một trong những ví dụ về ứng dụng nghệ thuật có thể thấy được chính là việc áp dụng nghệ thuật thị giác và nghệ thuật kịch hoặc hướng dẫn nghệ thuật một cách gián tiếp, thay vì hướng dẫn trực quan và giao tiếp trực tiếp. Vì vậy, sứ mệnh của nghệ thuật bao gồm việc giải thích khách quan, phát triển và hoàn thiện cộng đồng con người. Mặt khác, tâm lý học mô tả và giải thích sự tiến bộ của con người ở các khía cạnh khác nhau và quan sát vấn đề một cách đa chiều. Một trong số các vấn đề đó là sự nhận thức và chiều hướng thẩm mỹ.
Nghệ thuật là chìa khóa để thấu hiểu cuộc sống. Nasir Khusraw nói rằng “Nghệ thuật là vật trang trí của con người và con người là vật trang trí của vũ trụ”. Trong hệ thống giáo dục Hồi giáo đặc biệt chú trọng đến bản chất của con người, giáo dục và thanh lọc tâm hồn là rất quan trọng. Đó là con đường duy nhất dẫn tới sự cứu rỗi, và nếu kết hợp điều đó với nghệ thuật sẽ dẫn tới kết quả sâu sắc và bền vững hơn.
Nghệ thuật là những bậc thang hướng tới hiện thực, trong điều kiện được đặt trên nền tảng của đức tin. Mối quan hệ giữa nghệ thuật và trách nhiệm với đạo đức cũng vậy. Nghệ thuật cần phải có trách nhiệm với các giá trị đạo đức để được công nhận trong xã hội. Khả năng ứng biến là một trong những công cụ sáng tạo nghệ thuật, và không nghệ sĩ nào tạo ra tác phẩm mà không có một mức độ ứng biến nhất định. Trong quá trình sáng tác, người nghệ sĩ luôn tuân theo các quy tắc đã được cộng đồng biết tới và tự động hóa, bên cạnh đó là các kỹ năng và nguyên tắc nhất định. Ở trạng thái hoàn hảo, khả năng ứng biến và kỹ năng kể chuyện nằm ở một cấp độ mà ở đó nghệ sĩ đóng vai trò là người nhận, khi đó người gửi trao đổi thông điệp với người nghệ sĩ bằng cách tham khảo các phương thức biểu đạt, từ cách nói, màu sắc cũng như âm điệu giọng nói từ một nguồn gốc khách quan nào đó, để đáp trả ngay lập tức những gì họ vừa được trải nghiệm.
Một phần lớn nghệ thuật có liên quan đến bút pháp và lời nói trong tâm lý học được gọi là trí tuệ ngôn từ và văn học. Nguồn gốc của khả năng này đề cập sự tồn tại của nhiều loại trí thông minh. Những giá trị cao hơn được nêu trong nội dung nghệ thuật của mỗi trường phái đã được được quy định bởi bút pháp và khẩu ngữ, được coi là một nhánh của nghệ thuật.
Khi việc khơi gợi nên một chức năng, một niềm tin và chỉ đạo một ý tưởng bằng những biện pháp nghệ thuật được sử dụng nhằm truyền tải tư tưởng, tình cảm thì một trường phái và một hệ tư tưởng chính là mục đích tối hậu. Ngòi bút và những con chữ được quan tâm hàng đầu, và cây viết đóng vai trò cầu nối giữa chủ sở hữu ý tưởng với khán giả, nó trở thành người vận chuyển ý tưởng và quan điểm, cũng như thể hiện tình cảm của mọi người trong cộng đồng.
Về cơ bản, nghệ thuật và việc tạo ra các tác phẩm nghệ thuật giúp ngăn cách con người khỏi những quan điểm lệch lạc trong xã hội, và nghệ thuật tồn tại như một nhu cầu về tinh thần và tâm lý để xoa dịu những trái tim lo lắng. Một giảng viên nghệ sĩ, bằng việc sở hữu những nguồn kiến thức này và ứng dụng nghệ thuật vào công việc giảng dạy cho các sinh viên, sẽ có thể thấu hiểu cặn kẽ vấn đề này một cách đáng kinh ngạc, vì nghệ thuật có khả năng to lớn trong việc xoa dịu các vấn đề về tinh thần, thậm chí là cả những khó chịu về mặt thể chất.
Nghệ thuật mời gọi con người tham gia đóng góp vào cuộc sống xã hội và để lại những tác động đáng kể trong việc cải thiện đời sống con người, trước khi gặp những vấn đề về rối loạn tâm thần. Sự sẵn sàng của mọi người khi đối mặt với những sự vận động, ngôn từ, biểu cảm khác nhau hay sức tưởng tượng trong nghệ thuật cũng như những công việc liên quan đến nghệ thuật sẽ không chỉ cải thiện tình trạng tinh thần và tâm lý, mà còn đóng một vai trò quan trọng trong sự tiến bộ của nền kinh tế.
(Còn tiếp)
Tổng hợp và biên tập | Ảnh bìa: Artplas
Nguồn: The Relationship between Art and Psychology, Kamali Nader, và Javdan Moosa
Nguồn tham khảo
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Nghệ thuật là gì? Cái đẹp là gì?
- 2. Nghệ thuật để làm gì? 5 giá trị mà nghệ thuật mang lại cho cuộc sống
- 3. Nghệ thuật có cần đẹp không?
- 4. Cuộc chạm trán với Nghệ thuật
- 5. Định nghĩa của Nghệ thuật
- 6. Nghệ thuật và Sự tự do Thể hiện
- 7. Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
- 8. Thẩm mỹ vs. Nghệ thuật
- 9. Nghệ thuật và Tâm hồn
- 10. Đây có thật là Nghệ thuật?