-
Cảm hứng |
Nghệ thuật |
Nghệ thuật đương đại |
Sáng tạo |
Thiết kế
Mối liên hệ giữa Nghệ thuật và Khoa học - (Phần 4)
Những đặc thù của nghệ thuật công nghệ sinh học
Bài nghiên cứu sẽ được chia là 6 phần đăng tải:
– Phần 1: Tóm tắt nghiên cứu và Giới thiệu chủ đề
– Phần 2: Những sự hợp tác đầu tiên giữa các nghệ sĩ và các nhà khoa học
– Phần 3: Sản xuất và triển lãm các tác phẩm công nghệ sinh học: vai trò của môi trường (1)
– Phần 4: Sản xuất và triển lãm các tác phẩm công nghệ sinh học: vai trò của môi trường (2)
– Phần 5: Định nghĩa về các thực hành có tính ranh giới
– Phần 6: Kết luận nghiên cứu và Giới thiệu tác giả
Phần 4: Sản xuất và triển lãm các tác phẩm công nghệ sinh học: vai trò của môi trường (2)
Trong những phần trước của bài nghiên cứu, chúng ta đã cùng tìm hiểu về những tác phẩm Bioart gây tranh cãi dư luận như Ánh sáng, chỉ mình Ánh sáng (Light, Only Light, 2003-2010), một tác phẩm điêu khắc bản sao chính xác bộ não của người nghệ sĩ, được làm bằng nhựa resin từ một loạt các hình ảnh chụp bằng cộng hưởng từ hay Rồi con ngựa sống trong tôi (Que le cheval vive en moi, 2006-2011) của nhóm Art Orienté Objet, tác phẩm sử dụng chính cơ thể người nghệ sĩ, Marion Laval-Jeantet, làm vật thí nghiệm để truyền máu ngựa vào cơ thể. Việc lựa chọn buổi biểu diễn cho thấy rõ khía cạnh phù du được tạo ra bởi việc sử dụng chất liệu sống, cũng như khó khăn trong việc tái tạo những trải nghiệm-sáng tạo này.
Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về Eduardo Kac với tác phẩm GFP Bunny (2000), đã gây ra một scandal lớn trong cộng đồng nghệ thuật thời bấy giờ (và thậm chí cả hiện nay).
Về phần mình, nghệ sĩ người Brazil, Eduardo Kac đã gây ra một scandal với tác phẩm GFP Bunny (2000), tác phẩm điêu khắc từ một con thỏ sống được biến đổi gen. Dưới ánh sáng tia cực tím và với kính lọc bảo vệ, con thỏ trở nên phát quang một phần. Việc sử dụng các động vật, cũng như các protein phát quang, phổ biến trong phòng thí nghiệm vì việc thực hiện không mang tính xâm phạm. Nó cho phép truy vết các tế bào, đặc biệt trong việc cấy ghép một cơ quan hoặc phôi. Để có được một con vật biến đổi gen, Eduardo Kac đã yêu cầu sự giúp đỡ từ một phòng thí nghiệm của Pháp tại Viện Nghiên cứu Nông học Quốc gia (INRA). Trong nhiều bài báo của mình, nghệ sĩ này thảo luận về việc tạo ra thỏ huỳnh quang:
“Vào năm 2000, tôi đã công bố một dự án có tên GFP Bunny (Lapin GFP). […] Alba được sinh ra, một cô thỏ đáng yêu và khỏe mạnh. Tôi đã không thể thực hiện công việc này nếu không có sự đóng góp quý giá của Louis Bec và Louis-Marie Houdebine. Louis Bec đảm nhận vai trò nhà sản xuất, điều phối các hoạt động tại Pháp, trong khi L.-M. Houdebine, đến từ INRA tại Jouy-en-Josas, đóng góp chuyên môn về công nghệ sinh học. GFP Bunny sẽ được giới thiệu trong khuôn khổ của lễ hội Avignon Numérique vào tháng 6 năm 2000. Tôi đã có ý định tạm trú một tuần tại phòng trưng bày Grenier à Sel, Avignon, để công chúng có thể gặp cả hai chúng tôi. Sau đó, tôi đưa Alba đến Chicago để chia sẻ cuộc sống cùng tôi và gia đình. Thật không may, cựu giám đốc của viện nghiên cứu nơi Alba sinh đã ra quyết định với các nhà nghiên cứu đã làm việc trong dự án, và phản đối việc Alba được trưng bày ở Avignon, và cả việc mang Alba theo tôi đến Chicago sau đó.” (Hauser 2003, 33).
Trong bài báo này, Eduardo Kac viết rằng chú thỏ tên Alba được tạo ra trong khuôn khổ dự án của ông. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Louis-Marie Houdebine [1] phủ nhận việc đã tạo ra một chú thỏ phát quang cùng với hoặc cho Eduardo Kac:
“Chúng tôi đã nghe nói về E. Kac vào năm 2000 và ông ấy đã đến vài tháng sau đó để xem những con thỏ màu xanh lá. Ông ấy mang theo chiếc kính đặc biệt để quan sát màu sắc của các con vật. Lần đầu tiên chúng tôi thấy, chúng có màu xanh lục. Chúng tôi khá thất vọng khi chỉ có đôi mắt thực sự xuất hiện màu xanh lá cây. Tôi xác nhận rằng khi E. Kac đến, chúng tôi đã xem xét những con thỏ màu xanh lá có sẵn tại phòng thí nghiệm. […] Chúng tôi đã không phối giống bất kỳ con thỏ nào cho E. Kac trước hoặc sau khi ông ấy đến.” (Houdebine 2014, s/p).Theo Louis-Marie Houdebine, Eduardo Kac đã chọn một chú thỏ trong số những cá thể hiện có tại phòng thí nghiệm. Vì vậy, người ta có thể tự hỏi điều gì đã thúc đẩy nhà nghiên cứu này chấp nhận yêu cầu của nghệ sĩ. Nhà khoa học giải thích:
“Tôi đã đồng ý đưa một hoặc nhiều cá thể thỏ GFP đến Avignon, nơi đáng lẽ diễn ra cuộc tranh luận về những con thỏ này. Tôi xem đây là một cơ hội để cho thấy đây là những công cụ của các nhà sinh vật học, nhưng trên hết là cơ hội để đối mặt với những sai lầm trong việc chọn lọc gen cổ điển và cấy ghép gen. Người ta thường thừa nhận rằng quá trình cấy ghép gen không có chỗ trong việc tạo ra vật nuôi bởi vì đó là một sự tấn công vào phẩm chất của chúng !! Mặt khác, phải thừa nhận rằng người ta có thể không cần bất kỳ hình thức nào về quy trình [trong việc chọn lọc gen cổ điển] để tạo ra, chẳng hạn như, những giống chó bị dị tật di truyền và có tuổi thọ bị rút ngắn.” (Houdebine 2014, s/p)
Con thỏ phát quang Alba, từng là chủ đề của nhiều bài báo (Fillion 2000; Galus 2000; Allmendinger 2001; Andrews 2000; Cook 2000; Popper 2002), đã trở thành một biểu tượng của nghệ thuật sinh học và được xác nhận đã chết ít lâu sau đó.
Mặc dù cộng tác viên khoa học, L.-M. Houdebine, cũng đã lên tiếng, nhưng cá nhân nghệ sĩ lại giành được chiến thắng về chiến lược truyền thông, do biết cách gây nghi ngờ về nội dung của sự hợp tác này. Dự án này mang lại cảm giác rằng, người nghệ sĩ đã tận dụng sự tò mò khoa học để thực hiện dự án nghệ thuật của mình mà không cần lo lắng về các nhà nghiên cứu tham gia vào quá trình thực hiện. Trong trường hợp này, chất liệu nghệ thuật của tác phẩm là một con thỏ còn sống, cuối cùng nó đã chết trước khi có bất kỳ buổi giới thiệu nào trước công chúng, vì INRA phản đối việc đó. Một khi con thỏ biến mất, nghệ sĩ biến hình ảnh của nó thành một biểu tượng để giữ lại dấu ấn về dự án này. Do đó, có thể thấy rằng mỗi tác phẩm kể trên đều ngụ ý cho một phương thức trình bày cụ thể thông qua việc sử dụng một chất liệu nghệ thuật sống. Biết rằng việc sản xuất và triển lãm các yếu tố có sự sống là rất phức tạp, nên các nghệ sĩ thường trưng bày các tài liệu về những tác phẩm khó tái tạo và đôi khi có tuổi thọ không dài.
(Còn tiếp)
Tổng hợp và biên tập | Ảnh bìa: Artplas
Nguồn: Liaisons entre art et science : les spécificités de l’art biotechnologique, Camille Prunet
Nguồn tham khảo
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Nghệ thuật là gì? Cái đẹp là gì?
- 2. Nghệ thuật để làm gì? 5 giá trị mà nghệ thuật mang lại cho cuộc sống
- 3. Nghệ thuật có cần đẹp không?
- 4. Cuộc chạm trán với Nghệ thuật
- 5. Định nghĩa của Nghệ thuật
- 6. Nghệ thuật và Sự tự do Thể hiện
- 7. Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
- 8. Thẩm mỹ vs. Nghệ thuật
- 9. Nghệ thuật và Tâm hồn
- 10. Đây có thật là Nghệ thuật?